Wednesday, April 23, 2025

Những lời tâm huyết của bác Trần Đức Nguyên
Mạc Văn Trang
22-4-2025
Tiengdan
23/04/2025

(Mạc Văn Trang “gỡ băng” từ clip do Kim Chi ghi lời Bác Nguyên nói về tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cuối 2019. Bác chỉ nói một vài điều ngắn gọn mà ta cảm nhận rõ tâm và tầm của bác Nguyên và tướng Vĩnh).

***

Tôi là Trần Đức Nguyên, thực ra đây là bí danh khi công tác ở Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, lúc đó ai mà tham gia kháng chiến cũng phải đổi tên.

Tôi sinh 1930. Quá trình công tác chủ yếu là thời gian dài tôi làm thư ký trực tiếp cho các nhà lãnh đạo: đầu tiên là ông Trần Quốc Hoàn, rồi ông Lê Thanh Nghị, sau đó là ông Trường Chinh. Sau này tôi làm Tổ trưởng chuyên gia tư vấn cho ông Võ Văn Kiệt rồi ông Phan Văn Khải. Cho đến 1998 Tổ tư vấn này mang tên là Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Khi ông Nguyễn Tấn Dũng lên, sau một tháng thì ông ấy giải thể ngay cái Ban này.

Bác Vĩnh đối với tôi là bậc đàn anh. Trước đây tôi biết cụ Vĩnh qua sách vở, báo chí là chính. Bác là người trong số các tướng lĩnh được bác Hồ phong chức, bác Vĩnh là người còn lại cuối cùng của lớp tướng từ năm 1950.

Tôi gắn bó trực tiếp với bác Vĩnh là từ khi ký Kiến nghị 72; Kiến nghị 72 là bản kiến nghị do 72 người ký đầu tiên, rồi sau đó có 15.000 người ký. Có lẽ đây là một cái Kiến nghị có đông người tham gia nhất.

Bác Vĩnh là một trong những người ký đầu tiên. Đó là bản Kiến nghị về nội dung cần đổi mới trong Hiến pháp (2013).

Đối với bác Vĩnh thì tất cả những chuyện gì liên quan đến cái gọi là vì dân, vì nước, mà chuyển từ chế độ độc tài toàn trị sang dân chủ thì bác rất là nhiệt tình. Phải nói là bác hiểu hơn ai hết cái nội dung của cái chế độ độc tài toàn trị. Cái mà hiện nay nó đang kìm hãm lớn nhất, cản trở lớn nhất đối với sự phát triển của đất nước.

Bác Vĩnh là người tham gia hoạt động cách mạng với tinh thần vì nước vì dân, hoàn toàn không phải vì lợi ích riêng.

Cho nên đến nay mà nói, bác thấy cái đám hiện thời có quyền móc ngoặc với tụi có tiền thành các nhóm lợi ích nên mới đưa đến đất nước đến tình hình như thế này, thì rất đau khổ. Tôi là lớp người đi sau nhưng cùng một nếp suy nghĩ như thế, cũng rất đau khổ.

Thực ra cả cuộc đời son trẻ của bác Vĩnh cũng như chúng tôi lớp đàn em ở tuổi thanh, niên thiếu, một lòng một dạ đi theo con đường giành độc lập và thống nhất cho đất nước và hy vọng sẽ chuyển sang xây dựng một đất nước tốt đẹp. Không thể hình dung nó lại ra tình trạng xấu như bây giờ.

Bản thân tôi được tham gia biên tập Nghị quyết Đại hội VI – 1986 và sau đó tiếp cận với những nội dung đổi mới của nhiều anh em đóng góp nữa, dần dần mới nhận ra một cách đầy đủ. Người mà giúp tôi nhận ra một cách sâu sắc hơn cả chính là bác Việt Phương.

Còn bác Vĩnh thì chúng tôi đến trao đổi, bác hoàn toàn nhất trí với những đề xuất của chúng tôi.

Nhờ anh Việt Phương mà tôi mới nhìn rõ, anh ấy nói không có chủ nghĩa Mác – Lênin.

Thời còn sống không bao giờ Mác muốn người ta gọi lý thuyết của mình là “chủ nghĩa” hay “học thuyết”, vì những cụm từ ấy sẽ dễ dẫn đến giáo điều. Khi Mác mất, Ăng-ghen mới là người đầu tiên dùng chữ “chủ nghĩa Mác”, vì muốn chủ nghĩa Mác thành ngọ cờ của phong trào công nhân.

Còn cái từ “chủ nghĩa Mác – Lê Nin” là do Stalin đặt ra sau khi Lê Nin mất.

Thế mà ta vẫn đưa nó vào các văn kiện nghị quyết cao nhất là phải kiên trì “chủ nghĩa Mác – Lê Nin”, tức là kiên trì một cái không đúng.

Stalin đưa ra khái niệm “chủ nghĩa Mác -Lê Nin” nhưng cũng không định nghĩa nó là cái gì mà chỉ nói đây là khoa học cách mạng vô sản và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Rất may là tôi sưu tầm được cái tài liệu năm 1957 có 12 đảng xã hội chủ nghĩa họp mặt nhau để kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng 10 (1917 -1957), sau đó ra bản Tuyên bố chung của 12 đảng về cách mạng vô sản và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội phải theo những quy luật gì?

Tôi xin nói thật, toàn bộ những cái sai lầm của ta là cũng đi từ các quan điểm ấy.

Nói thì nó dài dòng nhưng quy chung lại nó có mấy điểm thế này:

Thứ nhất, là chuyên chính vô sản, tức là một cái từ người ta nói có vẻ vì giai cấp công nhân, vì giai cấp vô sản, nhưng thực ra là vì chế độ độc tài toàn trị của những người nắm quyền.

Có dịp tôi hỏi cụ Vĩnh về chuyện này cụ cũng nhất trí hoàn toàn. Cụ ở trong nội tình nên cụ biết rõ, chẳng qua là họ mượn cách nói vì giai cấp vô sản để nắm quyền hành thôi.

Cái thứ hai là, xóa bỏ tư hữu, xây dựng một chế độ công hữu với hai hình thức là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Ta đi theo con đường ấy nên nó mới đầy nền kinh tế đến đổ vỡ như thế này.

Trên thực tế ta đổi mới tức là ta đã từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Thế mà bây giờ ta vẫn nói trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê Nin?

Cụ Vĩnh nói rõ thêm, mượn danh chuyên chính vô sản để mà giành lấy quyền bính. Mà cụ có nói với tôi thế này: quyền ở Việt Nam không chỉ có quyền lực hành chính mà quyền về đất đai, quyền về tài sản, tài nguyên.

Cho nên đến bây giờ những bọn giàu nhất đều là khai thác những cái đó, mà những thứ đó gọi là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, cho nên các cơ quan nhà nước thì rất dễ thao túng.

Không phải ngẫu nhiên mà các đại gia ở nước ta đến 80% những người làm giàu ở nước ta là từ đất đai và tài nguyên.

Bây giờ biết tin cụ Vĩnh bệnh yếu, tôi nghĩ tới chuyện chúng ta sắp sửa phải chia tay với một người một lòng một dạ vì dân vì nước, chính cái ý thức gốc ấy nó dẫn đến nhìn nhận thời cuộc một cách sáng suốt.

No comments:

Post a Comment