Wednesday, April 23, 2025

NCQT: Thế giới hôm nay-23/04/2025
Nguồn: The Economist
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
23/04/2025
NghiencuuQT


Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng từ cuộc chiến thương mại do Donald Trump phát động. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ năm 2025 từ 2,7% xuống còn 1,8% và cũng giảm dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc, Ấn Độ, và nhóm G7. Quỹ này cho biết lạm phát và bất ổn kinh tế đã làm tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ từ 25% lên gần 40%.

Hơn 20 người đã bị bắn chết khi đang tham quan một địa điểm du lịch ở Pahalgam, một thị trấn thuộc phần lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Đây là vụ tấn công chết chóc nhất nhằm vào dân thường trong nhiều năm qua ở khu vực Himalaya vốn thường xuyên xảy ra bạo lực ly khai. Hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm. Cảnh sát và binh sĩ đang truy lùng thủ phạm.

Các chỉ số chứng khoán Phố Wall hầu hết đã phục hồi vào thứ Ba sau đợt bán tháo hôm thứ Hai. Chỉ số Dow và NASDAQ đều tăng 2,7%; trong khi S&P 500 tăng 2,5%. Thị trường tăng mạnh sau khi bộ trưởng tài chính Mỹ, Scott Bessent, được cho là đã bày tỏ lạc quan với các nhà đầu tư về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc — tại một thời điểm nào đó.

Tesla công bố kết quả kinh doanh quý một đầy thất vọng. Thu nhập ròng sau điều chỉnh giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo của các nhà phân tích hơn 500 triệu USD; còn doanh thu giảm 9%. Trước đó, hãng xe điện của Elon Musk đã báo cáo sản lượng giao xe giảm 13% trong quý này. Vai trò của Musk trong chính quyền Trump đã gây ra làn sóng phản đối, nhưng doanh số của công ty ông đã sụt giảm từ trước đó.

Vatican cho biết lễ tang của Giáo hoàng Francis sẽ được tổ chức vào thứ Bảy tại Quảng trường Thánh Phêrô. Các nguyên thủ quốc gia, bao gồm Donald Trump và Volodymyr Zelensky, dự kiến sẽ tham dự. Khác với truyền thống, Francis sẽ được an táng tại Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Cả thay vì Nhà thờ Thánh Phêrô. Thi hài của ngài sẽ được quàn từ thứ Tư. Mật nghị Hồng y để bầu Giáo hoàng mới sẽ bắt đầu vào tháng 5.

Israel phát động một trong những đợt không kích lớn nhất trong nhiều tuần qua, nhắm vào Khan Younis và các khu vực khác ở phía nam Gaza, khiến ba người thiệt mạng. Các đợt tấn công đã phá hủy thiết bị cứu trợ, khiến các tổ chức nhân đạo cảnh báo nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế. Chiến dịch tiêm vắc xin bại liệt của Liên Hợp Quốc cho 600.000 trẻ em đã bị ngưng. Một phái đoàn Hamas đã đến Cairo để thảo luận về lệnh ngừng bắn; song Israel vẫn chưa phản hồi.

Phó tổng thống Mỹ cảnh báo về một “thời kỳ đen tối” nếu quan hệ với Ấn Độ rạn nứt, kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng và năng lượng. Trong chuyến thăm Jaipur, miền tây Ấn Độ, J.D. Vance đã ca ngợi ông Modi và cho biết các cuộc đàm phán thương mại đang có tiến triển. Hai người gặp nhau tại Delhi vào thứ Hai. Ấn Độ đang chạy đua để hoàn tất thỏa thuận trước khi các mức thuế bị tạm hoãn của Mỹ có hiệu lực trở lại vào ngày 8 tháng 7.

Con số trong ngày: trung bình mỗi tuần người Canada có trình độ đại học làm việc từ xa tới 1,9 ngày, cao nhất trong các nước giàu.

TIÊU ĐIỂM

Trung Quốc nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Liên Hợp Quốc

Một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại do các mức thuế của Donald Trump châm ngòi sẽ được mở ra tại Liên Hợp Quốc vào thứ Tư. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đang triệu tập một cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để cáo buộc Mỹ có những “hành động đơn phương và bắt nạt bằng quyền lực chính trị,” theo truyền thông nhà nước. Họ đã mời đại diện của toàn bộ 193 quốc gia thành viên LHQ tham dự phát biểu. Đây sẽ là phép thử cho nỗ lực kéo dài chục năm qua của Trung Quốc nhằm xây dựng ảnh hưởng tại LHQ.

Trung Quốc đang cố gắng tránh bị cô lập khi Mỹ vội vàng ký thỏa thuận với các nền kinh tế lớn khác, thường với điều kiện là các nước này phải giảm giao thương với Trung Quốc. Hôm thứ Hai, bộ thương mại Trung Quốc đã cảnh báo họ sẽ thực hiện “các biện pháp đáp trả” với những nước ký các thỏa thuận như vậy. Trung Quốc cũng có thể đang cảm nhận được cơ hội. Các nhà ngoại giao phương Tây dự đoán Bắc Kinh sẽ tận dụng sự tức giận với thuế quan để kêu gọi đấu tranh với một công cụ kinh tế khác được Mỹ sử dụng: các lệnh trừng phạt đơn phương, mà Trung Quốc coi là bất hợp pháp.

Tính hợp pháp trong chiến dịch trục xuất của Donald Trump

Kế hoạch trục xuất của Donald Trump có thể sẽ bị cản trở bởi các tòa án. Vụ việc được theo dõi chặt chẽ nhất hiện nay liên quan đến Kilmar Abrego Garcia, một người nhập cư bất hợp pháp mà một thẩm phán năm 2019 đã ra phán quyết không được trục xuất về El Salvador. Chính phủ đổ lỗi cho việc anh này bị đưa đến một nhà tù ở đó là do “lỗi hành chính.” Tòa án Tối cao đã nhất trí ra lệnh “tạo điều kiện” cho việc thả ông, song ông Trump từ chối. Ông cáo buộc, mà không đưa ra bằng chứng xác đáng, rằng Abrego Garcia là thành viên băng đảng.

Các vụ kiện khác liên quan đến việc ông Trump sử dụng Đạo luật Người Nước ngoài Thù địch (AEA) năm 1798 để biện minh cho việc trục xuất hơn 200 người đàn ông Venezuela đến cùng một nhà tù. Hôm 19 tháng 4, Tòa án Tối cao đã tạm thời chặn chính phủ trục xuất thêm những người bị nghi là thành viên băng đảng theo luật này. Trong khi đó, một tòa phúc thẩm đang xem xét phán quyết của thẩm phán cấp quận rằng các quan chức đã coi thường lệnh tòa vì phớt lờ lệnh đưa một nhóm người bị trục xuất trở lại Mỹ. Một vụ kiện khác nhằm thách thức việc sử dụng Đạo luật AEA dự kiến sẽ được đưa ra điều trần tại Texas vào thứ Năm.

Ngoại trưởng Iran bận rộn tìm kiếm sự ủng hộ

Abbas Araghchi dường như không ở nhà mấy dạo gần đây. Vào thứ Tư, ngoại trưởng Iran sẽ đến thăm Bắc Kinh. Chuyến đi diễn ra sau vòng đàm phán hạt nhân thứ hai với Mỹ tại Rome hôm 19 tháng 4 và một chặng dừng chân ở Moscow trước đó một ngày. Các chuyến đi này có liên quan đến nhau. Nga và Trung Quốc đều là bạn bè của Iran; họ cũng là các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 và bị Donald Trump hủy bỏ ba năm sau đó. Ông Araghchi muốn tham khảo ý kiến của các đồng minh trước các cuộc đàm phán tiếp theo với Mỹ vào thứ Bảy.

Hiện nay, Trung Quốc gần như là bên duy nhất mua dầu mỏ của Iran, vốn đang bị Mỹ trừng phạt. Trong tháng 3 Trung Quốc nhập khẩu 1,8 triệu thùng mỗi ngày từ Iran — mức cao kỷ lục, theo Vortexa, một công ty theo dõi tàu biển. Mỹ đã áp dụng một số biện pháp trừng phạt nhỏ với các nhà máy lọc dầu Trung Quốc nhưng chưa ngăn được hoạt động thương mại này. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn do dự trong việc đầu tư vào Iran, bất chấp một “quan hệ đối tác chiến lược” được công bố rầm rộ năm 2021. Ông Araghchi hy vọng một thỏa thuận mới sẽ mở khóa đầu tư từ Trung Quốc.

Liệu Mỹ có rút lui khỏi đàm phán về Ukraine?

Các quan chức từ Mỹ, Anh, Pháp và Ukraine sẽ họp tại London vào thứ Tư để tiếp tục thảo luận về một lệnh ngừng bắn giữa Ukraine và Nga. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio gần đây đã cảnh báo sẽ “rút lui” khỏi các cuộc đàm phán hòa bình nếu không có tiến triển nhanh chóng về một thỏa thuận.

Chi tiết của thỏa thuận mà Mỹ ủng hộ hiện vẫn chưa rõ ràng. Tin từ Wall Street Journal cho biết Mỹ muốn Ukraine nhượng lại Crimea cho Nga và thiết lập một vùng trung lập do Mỹ kiểm soát xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia. Đặc phái viên của Donald Trump về Ukraine, Keith Kellogg, xác nhận vào ngày 20 tháng 4 rằng việc Ukraine gia nhập NATO “đã bị loại khỏi bàn đàm phán.” Mỹ cũng không ủng hộ mạnh mẽ các cam kết an ninh khác.

Việc công nhận hợp pháp việc Nga sáp nhập Crimea sẽ làm suy yếu nguyên tắc trong luật pháp quốc tế rằng không thể thay đổi biên giới bằng vũ lực. Ngoài việc giúp Ukraine tránh bị đổ lỗi nếu đàm phán đổ vỡ, kế hoạch của Mỹ chẳng mang lại lợi ích gì cho Kyiv.

No comments:

Post a Comment