Tháng 3/1975, cuộc di tản kinh hoàng trên con đường máu tỉnh lộ 7B (Phần 3)
Nguyễn Đình Nguyên
Posted on 21/04/2025 by Boxit VN
Boxitvn
Vàng và Nước
Đoàn xe và người rồng rắn chậm chạp nướng mình trong nắng giữa mùa khô Tây Nguyên. Mùa khô ở đây , kéo dài từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau, không nghiệt ngã với những cơn nắng đổ lửa, không có những ngọn gió thổi cháy ngọn cây như ở miền Trung. Nhưng nó cũng đủ khắc nghiệt đối với con người và thiên nhiên. Nếu như vào mùa mưa, có thể vục được nước từ giếng ở tầm 1-2 m, thì vào mùa khô dây gàu phải nối tới 15-20 m mà vẫn nghe không khốc. Nương rẫy trơ gốc, đất bazan nứt toát.
Gần như tất cả mọi người đều chang mình trong nắng. Quý lắm là trên đầu có được cái nón lá, nhưng không có đủ nhiều. Đoàn người, xe thì vẫn từng bước lê. Qua các bụi các rừng cây mọi người không ai bảo ai đều ùa vào bẻ cho mình mà gia đình được cành lá che đầu. Mát được một chút rồi lá cũng khô cong. Lại tìm lá. Lá rừng lại khô.
Đói thì một phần, khát mười phần. Cái khát làm con người kiệt sức đi nhanh hơn. Mọi người chỉ trong một ngày ai mắt cũng trõm sâu, hốc hác.
Chợt nhận ra rằng lúc này nước mới là thứ quý nhất và là thứ để cứu sống con người. Từng đoàn người lũ lượt lặn lội tìm các nguồn nước để cứu khát và lấy đem theo dự trữ. Cứ hễ thấy đất ẩm hoặc lạch nước là có ngay một đám đông ùa đến để tìm kiếm. Cũng có khi gặp may được một con suối hay một con lạch. Đến xế chiều thì toán xe chúng tôi cũng đến được một nơi gần dân cư.
Xa xa nhấp nhô là những mái nhà sàn của người thượng. Không ai bảo ai, tất cả đồng loạt dừng lại, ào xuống xe ùa về phía làng. Đầu tiên thì người ta cho, nhưng có lẽ chỉ được một vài lượt gì đó thì họ cũng kịp nhận ra là không thể có đủ nước cho từng đoàn từng đoàn người lũ lượt kéo vào.
Dân làng bắt đầu bán nước. Mọi người đưa tiền họ không nhận. Cũng nên biết rằng vào những năm trước 75, người thượng họ sống vẫn còn đa số du canh du cư, họ đem các sản vật trong nhà hoặc săn bắt được ra phố chỉ để đổi gạo, muối, quần áo chứ họ không lấy tiền. Đối với họ sản vật phải quy đổi bằng sản vật, chứ mấy tờ giấy tiền của người kinh đối với họ thì chẳng hơn gì tờ giấy nháp. Nên việc mua nước bằng tiền là chuyện không thể. Cuối cùng người ta cũng nghĩ ra được là đổi vàng lấy nước.
Ban đầu mọi người gạ đổi một chỉ vàng một lít nước. Nhưng nước thì ít. Chỉ một khoảnh khắc sau mà một lượng vàng 4 lít nước. Tôi còn nhớ họ dùng cái canh (can) của quân đội Mỹ loại bằng nhựa mủ màu vàng, cao, hình khối vuông, có quai cầm bên cạnh, có dung tích đúng 4 lít để đong. Rồi cũng chẳng bao lâu sau đó, giá cả được tăng lên chóng mặt, một lượng vàng đổi 1 lít nước. Rồi nước cũng hết. Rất nhiều người chưng hửng vừa ôm vàng, vừa xách bình rỗng vừa khóc năn nỉ chia lại của những người nhanh chân hơn.
Nhà tôi trong tốp thứ 2, ba tôi đổi được 4 lít nước với giá 1 lượng vàng, và cũng chỉ có thế cho 10 nhân mạng đang kiệt nước. Chúng tôi được chia mỗi người đúng một nắp bi đông (loại bi đông của quân đội Mỹ). Đứa em áp út của tôi lúc đó mới 27 tháng, cầm cái nắp bi đông hớp đánh ực, xong nó thè lưỡi liếm và gặm cả nắp và khóc nhằng nhặt vì chưa hết khát. Nhưng không thể phí phạm nước, cả nhà tôi chỉ còn từng đó cho tới khi tìm thêm được. Vậy mà có người vẫn chưa kịp đổi được nước.
Chung xe tôi, có một gia đình khác cũng có đông con nhỏ như gia đình tôi. Nhưng người mẹ lại mang thai, đứa con nhỏ còn bế trên tay, ước chứng cỡ em gái út tôi – 8 tháng. Nhà này không kịp mua được tí nước nào. Mấy đứa nhỏ nhìn nhà tôi chia nước mà mắt, mũi, miệng chép theo từng giọt nước. Trong cơn hoạn nạn, đoạn quá, má tôi cũng phải chia cho gia đình họ mỗi người cũng đúng một nắp bi đông.
Một gia đình của người lính trong đoàn bên cạnh, chú lính đi một hồi rồi thất thểu quay lại với ánh mắt thất vọng. Các con của chú cũng trạc tuổi chúng tôi nhao nhao rồi cũng phải phụng phịu thút thít vì chú không đem được nước về. Chú lại quay đi, chừng hơn 5 phút, chú trở lại, vẻ mặt hớn hở gượng gạo. Nước đây.
Mấy đứa nhỏ mừng quýnh lao ra giật lấy bi đông, mở nút mà tu. Một đứa bỗng kêu lên “ba ơi, nước sao mặn quá!”. Đứa lớn nhất cũng vừa làm một ngụm. Tôi thấy mắt nó trợn tròn, miệng một búng, nuốt không nuốt, nhả không nhả. Rồi trong giây lát tôi thấy nó nuốt đánh ực rồi mới la thất thanh “Khai nước đái quá ba ơi. Nước đái!”. Rồi nó nôn ọe.
Khổ thân, đã thiếu nước, giờ còn bao nhiêu trong người đều tuôn ra theo ngụm nước đái nó vừa cố đưa xuống khỏi cổ họng. Số là không kiếm được nước cho con, chú đã ra bìa rừng cố lấy lại những giọt nước thải trong người mình. Bản năng và kỹ năng sinh tồn của người lính đã dạy chú phải làm điều đó. Mấy đứa còn lại mếu máo, “Con hỏng chịu uống nước đái đâu ba!”. Bà mẹ cúi đầu lau những giọt nước mắt khô mặn.
Đoàn xe lại lên đường. Tôi còn nhớ mãi tiếng la thất thanh của thằng bé nuốt phải ngụm nước đái của ba nó. Không còn thấy tởm lợm nữa. Thương nó vì mình còn được một nắp bi đông nước dù phải trả giá vài li vàng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gan.
Điềm gở
Chẳng biết tự khi nào mà trong xóm tôi có tiếng cú kêu. Má tôi nói, cú kêu là thế nào cũng có người chết. Mà quả là vậy. Cứ mỗi lần nghe tiếng cú kêu, trong xóm không đầu trong thì cũng đầu ngoài, y như phải có một cái tang. Chúng tôi sợ tiếng cú kêu từ đó. Mỗi lần phải đi đâu về tối, nghe tiếng cú kêu thì vừa bước vô đầu ngõ là lấy phải lấy hơi, nín thở chạy một mạch thẳng vô sân nhà, đập cửa thình thình, tim đập chân run.
Buổi tối, tôi không còn nhớ chắc chắn, nhưng có lẽ là đêm thứ ba của cuộc hành trình, đoàn xe đã thoát ra được khỏi rừng và vẫn men theo lối mà công binh đã đi trước mở lối. Khi trời tối không còn thấy bóng người. Tôi nhớ là trời tối lắm, nên chắc là đầu tháng nên không có trăng.
Bỗng đâu phía xa trên bìa rừng có tiếng con mang (tôi nghĩ đó là con hoẵng, nhưng tôi không biết) kêu. Má tôi nói là “mang tác”, tác theo tiếng Bình Định có nghĩa là kêu, nhưng chỉ dùng cho loại họ hươu nai. Ba má tôi vốn sinh trưởng và lớn lên ở Bình Định. Nhà làm ruộng, đi rừng chặt cây, nên má tôi rất rành những chuyện này. Má tôi gọi ba và dì út tôi lại nói có điềm không lành rồi. Chắc là có chuyện lớn, chết chóc lớn. Má tôi kể lại, trong những năm tháng ở dưới quê, khi nào mà nghe mang tác thì thường là điềm rất xấu, còn xấu hơn tiếng cú kêu nhiều.
Lời linh ứng. Chỉ chừng đến nửa khuya là cả cánh rừng vang động. Việt Cộng tập kích.
Bắt đầu là những tiếng nghe chíu chíu. “Chết rồi, canh-nông (cannon) rồi”, dì út tôi la hoảng. Dì tôi hết ngóng lên trời rồi lại áp tai xuống đất. Chỉ chừng một vài chục giây sau là ánh lửa chớp lòe, sáng cả góc rừng, rồi tiếp theo là tiếng nổ đùng đoàng. Ban đầu còn thưa, rồi nhặt dần. Nhìn quanh đâu cũng váng lửa. Tiếng kêu thét, tiếng gào hoảng loạn cất lên trong đêm tối, xen lẫn tiếng đạn, tạo nên một cảnh tượng kinh hãi như chúng tôi đã từng xem trong rạp xi-nê.
Chiến tranh thì không lạ gì với tôi qua tin tức báo chí hàng ngày, dù tôi chỉ mới là đứa trẻ lên chín. Tin tức chiến sự, thương vong chết chóc, rồi vụ các học sinh tiểu học bị thảm sát vì đạn pháo ở Định Tường, tất cả chỉ là qua báo chí.
Bom đạn thì tôi cũng nghe, nhưng chỉ dăm khi mười họa, ghê nhất cũng chỉ là nghe nổ kho đạn dược của trại lính do bất cẩn. Lần bom đạn cận kề nhất là tết Mậu Thân 1968 thì tôi còn quá nhỏ, chỉ hình dung được cảnh bò xuống hầm trú ẩn. Tóm lại chỉ là những loại đạn lạc vu vơ. Chúng tôi vẫn là những đứa trẻ thành phố, vẫn là những đứa trẻ vẫn ngây thơ với súng đạn.
Giờ là những tiếng nổ chát chúa, rung chuyển đất trời, tim tôi như muốn văng ra khỏi lồng ngực. Trong đêm tối, mọi người đang ngủ, hoảng loạn vùng dậy chạy, nhưng thực sự không biết chạy trốn ở đâu vì không thấy gì cả. Mọi người bắt đầu dẫm đạp lên nhau mà chạy, có những người còn nằm ngủ bị đạp nhầu.
(Còn tiếp)
N.Đ.N.
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment