Monday, April 21, 2025

Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đem lại làn gió mới từ tân thế giới
Duy Anh
Đăng ngày: 21/04/2025 - 10:59
RFI

Chiều tối ngày 13/03/2013, trong làn mưa nhẹ và không khí se lạnh của mùa đông Roma, đoàn người đông đảo trên quảng trường Thánh Phê-rô vỗ tay vui mừng khi thấy làn khói trắng tỏa ra từ ống khói của nhà nguyện Sistine.

Giáo hoàng Phanxicô phát biểu trong cuộc họp với các thành viên của giáo triều La Mã, ngày 21/12/2024. © AFP/VATICAN MEDIA

“Habemus papam” lời thông báo chính thức của vị hồng y tổng phó tế và vị hồng y niên trưởng đã giới thiệu với toàn thế giới vị giáo hoàng mới trên ban công của Đền Thánh Phê-rô. Đức hồng y Jorge Mario Bergoglio, tổng giám mục thủ đô Buenos Aires, Achentina, sẽ là tân giáo hoàng Phanxicô kế nhiệm đức Bênêđíctô XVI, người đã từ nhiệm một tháng trước.

Vị giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ đã thực sự đem lại làn gió mới cho giáo hội công giáo.

Người đến từ Tân Thế Giới

Jorge Mario Bergoglio sinh ra tại thủ đô Argentina vào ngày 17 tháng 12 năm 1936, trong một gia đình di dân gốc Piemonte. Cha ngài là một nhân viên đường sắt và mẹ làm nội trợ. Ngài có 5 anh chị em.

Sau khi tốt nghiệp kỹ thuật viên hoá học, ngài gia nhập Dòng Tên ngày 11 tháng 3 năm 1958. Ngài đã hoàn thành chương trình văn chương ở Chile và lấy bằng thạc sĩ triết học ở Achentina. Sau hai năm làm giáo sư văn chương và tâm lý học ở Buenos Aires, ngài tiếp tục học và lấy bằng thạc sĩ thần học năm 1970.

Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 13 tháng 12 năm 1969. Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục giáo phận Buenos Aires vào ngày 28 tháng 2 năm 1998. Và Đức Gioan Phaolô II đã tấn phong ngài làm hồng y ba năm sau.

Với tư cách là Tổng giám mục của Buenos Aires - một giáo phận có hơn ba triệu dân - ngài đã tạo nêm cộng đồng cởi mở và huynh đệ; sự tham gia tích cực và có ý thức của người giáo dân; truyền giáo tới toàn thể cư dân thành phố; hỗ trợ người nghèo và người bệnh. Ngài là khuôn mặt uy tín của giáo hội ở Mỹ La tinh trước khi được bầu làm giáo hoàng thứ 266.

Với nửa lá phổi

Năm 1957, khi là chủng sinh, ngài ngã bệnh và đã bị cắt bỏ thùy trên phổi phải. Sau khi lành bệnh, ngài đã gia nhập Dòng Tên vì bị thu hút bởi ơn gọi truyền giáo và kỷ luật của Dòng Tên trong thời gian dưỡng bệnh.

Khi bắt đầu làm giáo hoàng, ngài đã ví giáo hội như một bệnh viện dã chiến nơi chiến trường với biết bao nhiêu là vấn đề nảy sinh. Và những người mục tử của giáo hội phải mang lấy mùi chiên của những con chiên trong đàn chiên mà người ấy đang chăm sóc. Đó là phong cách của papa callejero, giáo hoàng của đường phố, như ngài vẫn giữ khi còn ở Buenos Aires.

Đi đến vùng ngoại biên (phéripherie)

Trong ngôn ngữ ngày nay, vùng ngoại biên (phéripherie) gợi lên những nơi bị quên lãng bởi chính quyền, nơi của sự nghèo đói và tệ nạn, nơi chất chứa những mối nguy hiểm. Đó không chỉ là sự tận cùng của một vùng địa lý mà còn là nơi không được chú ý. Nhưng đây lại là nơi chú ý và khuyến khích của Đức Phanxicô.

Những chuyến viếng thăm mục vụ của ngài đã đưa ngài đến những vùng đất “xa xôi”, nơi mà số lượng tín hữu ki-tô chỉ là thiểu số, như Mông Cổ, Indonesia, Papua Tân Guine, hay các nước Ả Rập vùng Vịnh. Đó chính là những nơi ngài gặp gỡ với các tôn giáo khác trong sự đối thọai trong tình huynh đệ. Đối thoại với sự thuần khiết và khẩn cấp của một không gian sống chung của cả nhân loại cần phải gìn giữ và bảo vệ. Đó chính là những gì ngài đã viết trong hai thông điệp Fratelli tutti và Laudato sì.

Vùng ngoại biên đó còn là lằn ranh giới giữa con người và máy móc (AI). Đứng trước sự phát triển mau chóng của công nghệ mới, của sự thay thế con người bằng trí thông minh nhân tạo khiến thế giới đánh mất phương hướng, thì Giáo hội phải là người bạn đồng hành của tất cả những người thiện chí đang tìm kiếm ý nghĩa trong thế giới phức tạp hiện đại của chúng ta.

Cải cách sâu rộng giáo triều (curia)

Cải tổ giáo triều (curia romana) là yêu cầu cấp thiết của công nghị hồng y trong cuộc bầu giáo hoàng. Đó là việc tiếp tục những gì mà dưới thời đức Bênêđictô đang thực hiện. Và Đức Phanxicô xem đó như là một trong những nhiệm vụ chính trong nhiệm kỳ của ngài.

Tông hiến Praedicate evangelium (19/03/2022) là kết quả của một quá trình dài và một trong những mục tiêu chính của triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô là cải cách Giáo triều Rôma. “Những thay đổi về cấu trúc, những điều mới được quyết định bởi bối cảnh hiện tại, những quy trình đã được tiến hành trong nhiều năm và cuối cùng đã hoàn thành”, Đức Hồng Y Pietro Parolin đã nói về Tông hiến cải tổ Giáo triều Rôma.

Đức Hồng Y cho biết, “Praedicate evangelium ra đời từ những đúc kết kinh nghiệm và điều chỉnh trong những năm qua, thực hiện những bước đi mới, để “hoàn thiện bức tranh tổng thể,” theo ba tiêu chí: “sự hiệp thông của các thể chế Giáo hội, sự hợp tác trong các tương quan giữa các văn phòng, và việc điều chỉnh thái độ của mỗi cá nhân.”

Mặt khác, các Hội đồng Kinh tế, Ban Thư ký Kinh tế, Văn phòng Kiểm toán. Các cơ quan này hiện “đang phục vụ cho sứ mạng”; thật vậy, chúng không phải là “nhiệm vụ cốt lõi” của Giáo triều Roma, nhưng “nhằm giúp đỡ để phục vụ sứ mạng vốn đã được thực hiện bởi nhiều bộ và ban, trong đó “điểm tham chiếu không thay đổi” chính là dựa vào Học thuyết Xã hội của Giáo Hội và “bổn phận rao giảng Tin Mừng.”

Vai trò của phụ nữ và giáo dân

Trong triều đại của Đức giáo hoàng Phanxicô, phụ nữ và người giáo dân được tham gia nhiều hơn vào việc quản trị của giáo triều. Họ không những được chỉ định giữ các chức vụ lãnh đạo ở cấp bộ mà còn trực tiếp tham gia trong việc đưa ra các quyết định của Giáo hội.

Ngày 06/01/2025, nữ tu Simona Brambilla 60 tuổi được bổ nhiệm làm Tổng trưởng của Bộ các Tu hội Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ. 

Nữ tu Raffaella Petrini sẽ làm Chủ tịch Phủ Thống đốc Vatican từ 1/3/2025. Hay trước đó, Ông Paolo Ruffini làm Tổng trưởng Bộ Truyền thông.

Đó là những ví dụ minh hoạ cho sự thay đổi trong giáo triều Roma. Những người giáo dân nam nữ và nữ tu không chỉ phục vụ với vai trò giúp việc cho các giáo sĩ nhưng nay họ tham gia một cách trực tiếp và chủ động trong các nhiệm vụ trong giáo hội.

Minh hoạ rõ nhất đó là thượng hội đồng về “Hiệp hành” kéo dài từ năm 2021 và kết thúc vào tháng 10/2024. Mà các ý kiến được thu thập từ mọi thành phần trong giáo hội. Và hai cuộc họp toàn thể vào tháng 10/2023 và 10/2024 chứng minh sự đồng hành của mọi thành phần trong giáo hội, khi các thành viên tham dự được chia đều thành từng bàn chứ không xếp theo phẩm trật như vốn thường xảy ra trong các thượng hội đồng trước.

Có thể đây là bước tiếp theo để tiếp tục nghiên cứu và suy tư về việc truyền chức cho phụ nữ và những người đã có gia đình.

Trước những bê bối trong Giáo hội

Nhưng những vụ việc ấu dâm và lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ bị phanh phui ở khắp nơi trở thành một vết nhơ trong Giáo hội Công giáo.

Đức Phanxicô đã có biện pháp triệt để bằng Tông thư dưới dạng tự sắc Vos estis lux mundi - Các con là ánh sáng thế gian công bố 9/5/2019. Và phiên bản cập nhật của Tông thư này được ban hành ngày 25/3/2023 và có hiệu lực từ ngày 30/4/2023. Cũng như, sửa đổi cuốn VI của Bộ Giáo Luật.

Theo đó, định nghĩa lại khái niệm tội phạm và những vấn đề liên quan. Mà bất cứ một giáo sĩ nào vi phạm việc này lập tức đã là tội phạm chứ không cần đến quá trình xét xử. Cũng như, những nạn nhân không chỉ là những trẻ em hay trẻ vị thành niên mà bất cứ những ai dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người khuyết tật. Bản văn cũng xác định vai trò và trách nhiệm của những người có trách nhiệm trong việc giải quyết những vụ việc này. Và cũng xác định việc hợp tác với chính quyền dân sự trong những vụ việc này.

Vấn đề giáo lý

Tháng 12/2023, Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, giới thiệu Tuyên bố Fiducia supplicans  về ý nghĩa của các sự chúc lành. Điều này đã gây ra phản ứng dữ dội từ hàng giám mục của các nước Châu Phi, Hoa Kỳ và các thành phần bảo thủ trong Giáo hội.

Vì tuyên bố này gây hiểu lầm nghiêm trọng trong việc chúc lành cho các cặp đôi đồng tính, một cách nào đó là Giáo hội công nhận những cặp đôi này. Và Đức Phanxicô đã phải lên tiếng giải trình trong buổi tiếp các thành viên của bộ giáo lý đức tin ngày 26/1/2024. Trong đó, ngài nhấn mạnh việc giáo hội luôn đồng hành với hết mọi người không loại trừ bất cứ ai và việc chúc lành không phải là bí tích nhưng kéo người ta lại gần với Chúa hơn.

Vấn đề hôn nhân đồng tính và ly dị tái hôn trong giáo hội vẫn còn là vấn đề lớn. Tuy tại một số quốc gia điều này đã trở nên bình thường và được luật hoá. Là một người của mục vụ, Đức Phanxicô đã đối diện với vấn đề này bằng Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Amoris laetitia - Niềm vui Yêu thương. Trình bày những giải pháp trước những thách đố của các vấn đề hôn nhân bằng tình yêu thương trong sự phân định của Thánh Thần nơi gia đình hơn là luật pháp với những phép tính toán học.

Kết

Đức giáo hoàng Phanxicô bắt đầu triều đại của ngài khi tuổi đã cao giống như đức Gioan XXIII. Một vị giáo hoàng “chuyển tiếp” Gioan XXIII đã đem lại bầu khí mới aggiornamento của Công đồng Vatican II cho Giáo hội. Có lẽ Đức Phanxicô với nửa lá phổi của mình đã thổi vào Giáo hội một bầu khí trong lành – Buenos Aires để Giáo hội đi cùng và đi với thế giới của những con người của ngày hôm nay.

No comments:

Post a Comment