Hoàng Nguyên Vũ - Địa danh có chữ số : Nên thay đổi vì còn kịpmardi 22 avril 2025
Thuymy
Hà Nội giữ một số tên cũ hoặc nếu phường mới thì gọi bằng những tên cổ : sâu sắc, gìn giữ.
Thành phố Hồ Chí Minh có hẳn các phường mang tên Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn. Có vài tên mới, ví dụ phường Xuân Hòa ở quận 3, thì ra trước đây là làng cổ Xuân Hòa thời cha ông, có đình Xuân Hòa còn đó.
Các thành phố khác, các huyện khác khi về cấp phường xã, nên chú ý trong lịch sử cha ông để lại những dấu ấn di sản, văn hóa mà xưa nay dẫu có một tên khác, người ta vẫn thầm nhớ. Nếu gọi lại được bằng tên phường tên xã thì hãy nên gọi, thay vì lấy tên thành phố hay huyện và gắn số phía sau...
Ừ, gắn số cũng không sao cả, cũng có dấu tích còn lại của một huyện. Và rồi gọi mãi cũng thành quen thôi, nhưng nếu có phương án khác hay hơn, tôn trọng hơn, sao không gọi ?
Bởi tên không chỉ là tên, không phải là để lâu thành quen, mà tên còn là văn hóa, còn là những gì rất sâu trong đất và người. Mỗi cái tên, là một danh xưng của không gian và thời gian, của nhân sinh và di sản.
Quảng Trị lắng nghe dân, đã thay đổi để có những Gio Linh, Cồn Tiên, Bến Hải...những cái tên nghe thôi mà đã thương, đã nhớ về lịch sử hào hùng.
Thành phố Vinh quê tôi nếu được xin đừng là Vinh 1,2,3,4,5 rồi lại Cửa Lò. Đánh số nghe nó hơi hơi phân biệt, dễ tạo những kỳ thị, ví dụ người ta từng xóc xỉa Hà Tây là "Hà Nội 2" chẳng hạn.
Có gì khó đâu : Vinh, Trung Đô, Cửa Hội, Cửa Lò, Quán Bánh..., cũng hay mà. Dù mang tên Vinh 5, người xa quê về đi xe hỏi đường họ cũng sẽ hỏi đường về Cửa Hội, ví dụ thế chẳng hạn. Nghe thương hơn, thay vì lạc lõng.
Vẫn còn kịp để bỏ cách gọi kèm theo số, nếu lắng nghe hơn, và sâu hơn một chút về kiến thức lịch sử văn hóa. Bởi tên gọi cho đất mà theo những con số vô cảm, thiếu đi niềm tự hào, thiếu đi cảm xúc văn hóa và sự kích thích tình yêu quê hương trong đó sẽ là một thất bại của quản lý !
HOÀNG NGUYÊN VŨ 22.04.2025
No comments:
Post a Comment