Mai Quốc Ấn - Việt Nam : Cơ hội vươn lên hay bãi chiến trường công nghệ ?
lundi 14 avril 2025
Thuymy
Nếu chiến tranh giữa hai chủ thuyết tư bản và cộng sản là cuộc thử vũ khí, và hậu quả là mạng người đổ xuống ; thì thương chiến sẽ là nơi công nghệ “ra trận”, và hậu quả là sự bần cùng hóa nhân dân đa nghĩa.
Việt Nam có địa chính trị tốt, không nằm trong vành đai động đất, đường bờ biển dài phù hợp logistic, dân đông và giá nhân công rẻ. So với các quốc gia khác, Việt Nam chắc chắn nằm trong ưu tiên của Trung Quốc về hợp tác và ưu tư về kiểm soát, thao túng, xâm chiếm. Thương chiến Mỹ-Trung thúc đẩy sự ưu tiên và giảm độ ưu tư về xâm chiến, tăng độ ưu tư về kiểm soát, thao túng.
Dòng vốn FDI Trung Quốc sẽ đổ vào Việt Nam khá nhiều trong thời gian tới để chuyển hóa thành hàng made in Việt Nam. Không xuất Mỹ thì cũng xuất được cho nhiều quốc gia đã ký các FTA với nước ta. Trung Quốc cần sự đa dạng hóa thị trường, Việt Nam có. Trung Quốc cần cả thị trường nhập siêu hàng của họ và đông dân, Việt Nam cũng vốn đã thế.
Nhưng năng lực hấp thụ vốn FDI lẫn hàng hóa của mỗi quốc gia là cố định. Nếu chính quyền Việt Nam “thả cửa” về thu hút FDI Trung Quốc, thì có nguy cơ quốc gia thành bãi rác công nghệ. Kinh nghiệm 20 năm viết về môi trường của tôi chứng kiến các nhà máy có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất thì tuyệt đại đa số là công nghệ Tàu. Và gây ô nhiễm môi trường cho nước ta nhưng lại xuất “đồ ngon” đi các nước càng dễ bị Mỹ và khối đồng minh Mỹ nhận diện là “sân sau”.
Năng lực tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc của dân Việt Nam là rất lớn vì dân ta nghèo còn hàng Tàu rẻ. Nhưng cũng như FDI, khả năng tiêu thụ hàng hóa cụ thể của một quốc gia cụ thể cũng ở một mức cụ thể. Xài hàng Tàu nhiều thì hàng hóa khác chứ không chỉ hàng Mỹ không bán được, nghĩa là thâm hụt thương mại tăng với các nước khác.
Cả hai vấn đề này đều gặp nguy cơ bị đánh thuế tăng và tạo các hệ lụy lâu dài về sau !
Việt Nam đã ra các chính sách về phòng vệ thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước. Những hình thức gian dối về xuất xứ, nguồn gốc và đặc biệt là chất lượng có thể nhìn vụ “tế cờ” Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục mà “học tập”.
Việt Nam cũng cần nhập nhiều thứ từ Mỹ để cân bằng thâm hụt thương mại với Mỹ. Về vĩ mô, chỉ có nhập công nghệ chiến lược như máy bay Boeing, điện khí, vũ khí mới phần nào bù đắp thâm hụt thương mại, nhưng chính sức mua hàng Mỹ của người dân Việt Nam cũng là một yếu tố quan trọng. Hạ thuế và phí hàng nhập từ Mỹ là điều rất cần làm!
Nhưng thế giới không chỉ có tồn tại Mỹ và Trung Quốc, các thị trường khác cũng đầy tiềm năng. Và nó dành cho những người năng động nhất, sáng tạo nhất chứ không phải dành cho những kẻ ôm đất chờ thời lướt sóng.
Những cá nhân có khả năng đưa ra viễn kiến, nhìn thấy viễn tượng mới là người dẫn dắt thị trường. Đó là cả một hành trình dài chứng minh năng lực tầm nhìn chứ không phải những kẻ xu thời. Và tôi tin nhân dân và lực lượng kinh tế tư nhân sau nhiều tổn thương do khủng hoảng kinh tế, đại dịch và thương chiến thế giới cũng dần nhận ra “kinh tế lướt sóng” chính là cách bần cùng hóa quốc gia và chính mình nhanh nhất.
Đắn đo trước khi mua hàng Tàu, hàng Mỹ hay hàng Việt Nam là điều cần thiết. Mua hàng Việt thì mới tránh thành bãi rác công nghệ nhưng đừng là hàng Việt “phông bạt” như viên kẹo Kera!
MAI QUỐC ẤN 12.04.2025
No comments:
Post a Comment