VNTB – Yêu cầu báo cáo về độ khó của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Phú Nhuận
12.07.2025 7:32
VNThoibao

Sáng 10/7/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4 – 6/2025. Dưới phản ánh về đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay khó hơn mọi năm, Ủy ban Văn hóa – Xã hội đề nghị Bộ Giáo dục báo cáo.
Cụ thể hơn, theo ghi nhận, ở môn thi Tiếng Anh trong kỳ thi này, không ít học sinh đạt IELTS 7.0 – 7.5 bất ngờ vì đề nhiều thuật ngữ học thuật, xa vời với học sinh trung học phổ thông. Có giáo viên trường chuyên cho biết tổ giải đề của trường cũng phải “toát mồ hôi” và đánh giá đề thi hợp với thí sinh thi chuyên Anh hơn thi đại trà như tốt nghiệp THPT.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nói dư luận phản ánh rất nhiều việc đề thi tốt nghiệp THPT một số môn có độ khó rất cao so với năm trước. Trong khi đây là lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều bộ sách giáo khoa. Đề thi có hướng thực tiễn hơn và phần ngoài chương trình nhiều.
Liên quan đến vấn đề ngoại ngữ, ông Nguyễn Đắc Vinh dẫn Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 nêu rõ: Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, cần xác định rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập. Hiện nay, trong giới khoa học, ngôn ngữ giao tiếp tại hội thảo, hội nghị, nghiên cứu chủ yếu là tiếng Anh. Trong hội nhập quốc tế, từ kinh doanh, du lịch, giao tiếp rất đề cao ngôn ngữ tiếng Anh.
Dưới góc độ cá nhân, theo cựu sinh viên khối ngành xã hội thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Minh chia sẻ: “Thế hệ mình cũng từng là thế hệ của thay đổi chương trình học đây. Mình thấy thế này, trước giờ, kể từ cái lúc hai kỳ thi gộp thành một, đề thi cũng dễ hơn, nhiều thí sinh thi kiểu đó quen rồi, nên giờ đụng khó khăn, là thấy mọi thứ sao nó “trên trời” quá. Nhưng mình thấy thế này, đã là hai gộp một thì đề thi cần có sự phân hoá, trải đều cho học sinh từ trung bình đến khá giỏi, từ thi chỉ để tốt nghiệp cho đến thi vào đại học. Kiến thức đại học vừa có học thuật vừa có thực hành, có những môn không thể học thêm ở đâu được nếu không tiếp thu vào, chỉ có thể đóng tiền học lại. Cho nên, theo mình thấy, đề thi phân hóa cũng là chuyện nên làm”.
Chia sẻ của anh Nguyễn Minh không phải là không có căn cứ khi trên thực tế, cũng có những trường hợp thi kỳ thi hai trong một, vào học ngành Ngôn ngữ Anh, theo đuổi chật vật một thời gian, đến giai đoạn cuối, không thể cố gắng, đành bỏ cuộc trong sự tiếc nuối của cha mẹ, gia đình.
Bên cạnh đó, về vấn đề nên thi hai kỳ thi (tốt nghiệp + Đại học) hay một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia như hiện tại, cũng đã nhiều lần được đưa ra bàn luận. Nhiều luồng ý kiến ủng hộ và phản đối được đưa ra. Trái ngược với quan điểm tổ chức hai kỳ thi, không ít người cho rằng kỳ thi trung học phổ thông quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học như hiện nay là hợp lý, giảm áp lực phải thi nhiều cho học sinh.
“Nếu đã chấp nhận hai gộp một thì cũng nên chấp nhận đến sự phân hoá đề, có khó có dễ. Các trường đại học vừa có thể tuyển học sinh đúng với năng lực họ cần. Các em cũng có động lực, tích cực hơn trong học tập, nếu muốn vượt qua được những câu hỏi mang tính chất phân hóa”, đó là chia sẻ đến từ độc giả Nguyễn Thị Diệu.
Theo ghi nhận, một số khác, lại có ý kiến trung dung về đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa rồi. Trung dung ở đây là vì vừa ủng hộ tính chất phân hoá của đề, nhằm mục đích phân loại học sinh; còn không ủng hộ là vì với đề thi khó như vậy, sợ rằng, các em sẽ bị điểm liệt, khó có thể tốt nghiệp trung học phổ thông. Cũng xin được nói thêm, điểm liệt trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 1,0 điểm. Nếu thí sinh có bất kỳ môn thi nào bị điểm 1,0 hoặc thấp hơn, thì sẽ bị coi là liệt và không đủ điều kiện để xét tốt nghiệp. Để được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, thí sinh cần đạt điểm trên 1,0 ở tất cả các môn thi và có tổng điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 trở lên.
Nếu điểm liệt là 1 điểm trở xuống, dường như, sẽ không quá khó để tránh “con điểm” này. 12 năm đèn sách, rồi những buổi học thêm, những buổi “cấm túc”, những buổi luyện thi… không lẽ tối thiểu 1.25 cũng bất khả thi? Nếu câu trả lời là không hoặc “cứ thử đi rồi biết, toàn nói cho hay”, e rằng, cần phải xem lại giáo dục…
Nhận định vấn đề, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, quan điểm chung của Ủy ban Văn hóa và Xã hội là đề thi phải theo hướng có tính phân loại cao và hướng về chất lượng, tránh việc không phân loại được học sinh.
“Sau đó, các trường đại học không tách ra, không phân loại được, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở bậc đại học, bậc học sau phổ thông. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội nói.
No comments:
Post a Comment