Saturday, July 19, 2025

VNTB – Rút ruột ngân sách đội lốt điện sạch
Châu Nam Việt
19.07.2025 7:36
VNThoibao

(VNTB) – Một ông ký dự án năng lượng sạch để lấy ODA, một ông khác ký dự án điện lưới để rút đầu tư công, mỗi ông một phần, hậu quả dân gánh

 Biến dự án điện mặt trời gần 14 triệu USD từ “một giấc mơ ánh sáng cho người nghèo” thành đống rác gỉ sét giữa đại ngàn. Nhà chức trách tỉnh Quảng Bình vừa cho thấy sự ngu dốt, vô trách nhiệm và phá hoại tài sản công một cách hợp pháp.

Theo đó, năm 2012 Chính phủ Việt Nam ký hiệp định vay 12 triệu USD Chính phủ Hàn Quốc và bỏ thêm gần 1,8 triệu USD vốn đối ứng để giao cho tỉnh Quảng Bình (cũ) thực hiện Dự án QBSC, gồm 399 điểm cấp điện tại 8 xã gồm: Ngân Thủy, Kim Thủy (Lệ Thủy); Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh); Thượng Trạch, Tân Trạch, thị trấn Phong Nha (Bố Trạch); Trọng Hóa (Minh Hóa).

Dự án nhằm đưa ánh sáng đến với hơn 1.200 hộ dân tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc tỉnh Quảng Bình cũ. Nơi mà điện lưới quốc gia chưa vươn tới. Nhìn qua thì thấy mục tiêu đẹp như mơ. Nhưng chưa kịp sáng đèn thì đã tối tăm mặt mũi.

Cụ thể, chỉ sau vài tháng vận hành, hàng loạt trạm điện mặt trời bị hư hỏng, chết hệ thống, tấm pin năng lượng che khuất, dây điện chằng chịt như mạng nhện, ắc-quy hỏng,… Có nơi pin đặt dưới bóng cây, có nơi inverter cháy đen thui, chẳng ai biết khởi động ra sao. Bản làng được “lắp điện mặt trời” những vẫn tối om như tiền đồ đất nước.

Đặc biệt, gói thầu số 2 của dự án mới đúng nghĩa là nơi tiêu tiền. Tháng 8/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 1957, cử 13 người đi tập huấn quản lý dự án tại Hàn Quốc. Nghe cho sang vậy thôi chứ đa phần người đi tập huấn không phải người có chuyên môn, không ai liên quan trực tiếp đến việc thiết kế, triển khai hay quản lý kỹ thuật. Đúng hơn, đó là một “tour du lịch” trá hình, tiêu tốn 63.291 USD tiền vay ODA.

Chưa hết, tháng 6/2013, lại thêm Quyết định số 1299, cử 15 cán bộ đi “đào tạo vận hành hệ thống điện mặt trời” cũng tại Hàn Quốc. Nhưng phần lớn là lãnh đạo huyện, sở, ngành, chứ không hề có nhân viên kỹ thuật nào. Và kỳ lạ thay, họ “đào tạo” ở toàn những điểm du lịch nổi tiếng như đảo Jeju, Seoul, Busan… với chi phí lên tới 36.451 USD.

Tóm lại, gần 100.000 USD bị biến thành tour du lịch cao cấp cho lãnh đạo hưởng lợi dự án. Trong khi người dân, những người cần ánh sáng thì ngồi nhìn pin hỏng, dây cháy và đèn không sáng.

Không dừng lại ở đó, UBND tỉnh Quảng Bình (chủ dự án), vừa phê duyệt điện mặt trời xong thì lại duyệt thêm một dự án kéo điện lưới trị giá 368 tỷ đồng đè ngay lên khu vực đó. Tức là cùng một nơi, cùng những người dân đó, nhưng có hai dự án điện chồng nhau. Chưa có tỉnh nào phá hoại tài nguyên như Quảng Bình.

Còn Ban Quản lý Dự án QBSC thì quan liêu vô trách nhiệm. Từ lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, thi công cẩu thả cho đến việc kiểm tra, giám sát, vận hành… Tất cả đều làm cho có. Có ông kỹ sư về điện mà không phân biệt nổi dây mát với dây nóng. Chưa kể chuyện “thông thầu”, hợp đồng đấu thầu đầy mùi xôi thịt, khi nhà thầu trúng rồi lại bỏ chạy.

Lãnh đạo tỉnh, cụ thể là Chủ tịch tỉnh thời đó – ông Trần Công Thuật, được hỏi thì trả lời rằng “tin vào cấp dưới, không kiểm tra vì bận nhiều việc”. Hoá ra để cấp dưới phá hoại vì “bận quá không coi kịp”. Vậy thì làm quan để làm gì? Để gật đầu ký bừa rồi bỏ mặc, để tiền của dân tan thành mây khói sao?

Tại sao lại có chuyện điện mặt trời vừa lắp xong thì kéo điện lưới vào đè lên? Câu trả lời chỉ có thể là lợi ích nhóm. Một ông thì ký dự án năng lượng sạch để lấy ODA, một ông khác thì ký dự án điện lưới để rút đầu tư công. Mỗi ông một phần, tiền vào túi quan còn hậu quả thì dân chịu, ngân sách gánh. Chẳng ai bị kỷ luật. Không có khởi tố. Không có kiểm điểm sâu sắc. Dự án đắp chiếu, dân không có điện, quốc tế thì cười khinh, còn mấy ông ngồi ghế Ủy ban, Tỉnh ủy thì vẫn ung dung ký thêm các dự án khác, thậm chí lên chức.

__________________

Tham khảo:

tienphong.vn/du-an-dien-mat-troi-14-trieu-usd-thanh-phe-lieu-hang-loat-sai-pham-nghiem-trong-kho-khac-phuc-post1759433.amp

No comments:

Post a Comment