VNTB – Sở Xây dựng Hà Nội trở mặt chỉ sau một ngàyDân Trần
20.07.2025 4:47
VNThoibao
(VNTB) – Báo cáo nghiên cứu thực tế là một chuyện, nhưng trả lời dân thì phải nói theo chỉ đạo của Bộ Chính trị; khi chóp bu đã quyết định rồi thì có trái với thực tế, đi ngược với các nghiên cứu khoa học… cũng phải làm
Chỉ thị cấm xe xăng của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm lộ ra nhiều bộ mặt lươn lẹo, tráo trở của quan chức tại thủ đô. Đầu tiên là ông chủ tịch thành phố Trần Sỹ Thanh, tháng Giêng thì nói ô nhiễm không phải tại xe xăng, tới khi có Chỉ thị thì bẻ lái rằng xe xăng xả khói đen gây ảnh hưởng môi trường.
Hoặc mới đây là Sở Xây dựng Hà Nội. Ngày 17/7, Sở Xây dựng gửi báo cáo cho UBND TP Hà Nội, trong đó đánh giá rằng hệ thống điện tại các khu dân cư không đáp ứng yêu cầu nếu lắp trạm sạc xe điện. Hà Nội cũng chưa có quy chuẩn chung về trạm sạc, dẫn đến hạn chế trong việc sử dụng trạm sạc dùng chung giữa các nhà sản xuất và các nhà cung ứng xe điện.
“Cơ sở hạ tầng trạm sạc cho xe buýt điện còn nhiều hạn chế, mới có 113 trụ sạc/16 tuyến được lắp đặt tại các depot của 5/11 đơn vị buýt, các xe buýt không thể sạc chung tại các trụ sạc được Vinbus lắp đặt cho các loại xe khác”. Trích báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội. (1)
Ngoài việc chưa có trạm sạc, chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì sở này cho biết nguồn cung điện cũng không đảm bảo, hạ tầng kỹ thuật ở các khu chung cư cũng không đáp ứng được yêu cầu về công suất. Bên cạnh đó người dân và doanh nghiệp vận tải cũng chưa thể chuyển qua xe điện bởi còn tâm lý e ngại về độ ổn định, độ bền, phạm vi hoạt động của phương tiện sử dụng điện, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc quãng đường hoạt động dài. Trong khi đó chi phí đầu tư ban đầu lại quá cao so với xe xăng.
Thế nhưng chỉ 1 ngày sau đó, ngày 18/7, ông Phan Trường Thành (trưởng Phòng kế hoạch – tài chính, Sở Xây dựng Hà Nội) trả lời báo chí rằng: “Về mốc tiến độ, tôi cho rằng thời điểm này là thời điểm đủ chín, đủ hợp lý để chúng ta thực hiện. Hiện nay chúng ta đủ điều kiện về mặt hạ tầng tiếp tục hoàn thiện, đủ điều kiện về mặt pháp lý, đủ điều kiện về tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, sự quan tâm từ lãnh đạo Trung ương đến địa phương cũng như sự ủng hộ của người dân”. (2)
Như vậy nhận định ngày 18 đã trái ngược hoàn toàn với báo cáo ngày 17, cũng là của Sở Xây dựng Hà Nội. Có thể thấy, trong báo cáo ngày 17 thì từ doanh nghiệp tới người dân đều cảm thấy chưa an tâm khi chuyển sang xe điện, còn hạ tầng, cơ chế, chính sách, ngân sách cũng chưa đủ đảm bảo. Nhưng ngày 18 thì lại “đủ chín”, hạ tầng và pháp lý hoàn thiện, có sự ủng hộ của người dân.
Chẳng lẽ chỉ trong 1 ngày mà mọi thứ thay đổi 180 được vậy sao? Dĩ nhiên là không! Chỉ có thể là sự thay đổi trong nhận định của Sở Xây dựng. Nói thẳng ra, báo cáo nghiên cứu thực tế là một chuyện, nhưng trả lời dân thì phải nói theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng. Khi mà Thủ tướng, Tổng Bí thư đã quyết định rồi thì có trái với thực tế, đi ngược với các nghiên cứu khoa học thì cũng phải làm. Bởi đây là chế độ độc tài, lãnh đạo luôn đúng, chống lệnh lãnh đạo là bất trung, sẽ bị trù dập, mất chức, mất ghế, thậm chí vô tù.
Cho nên, cũng không thể trách Trần Sỹ Thanh hay Sở Xây dựng Hà Nội. Những kẻ ra quyết định cho phi vụ cấm xe xăng này là Tô Lâm, Phạm Minh Chính. Cấp dưới chỉ là kẻ thừa hành. Những báo cáo về an toàn, cơ sở hạ tầng đều đã rất rõ. Người dân muốn tự bảo vệ mình thì một là tránh xa xe điện, hai là tránh xa chế độ độc tài. Tránh xa không có nghĩa là bỏ chạy, mà phải lên tiếng, phải hành động để những bất cập đó không thể tồn tại.
___________________
Tham khảo:
No comments:
Post a Comment