Monday, July 21, 2025

VNTB – Chuyển đổi phương tiện: vẫn còn lựa chọn?
Ngọc Linh Lan
21.07.2025 6:27
VNThoibao

(VNTB) – Nhằm mục đích bảo vệ môi trường, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có những đề xuất cũng như lộ trình được đề ra để dần chuyển đổi xe xăng thành xe điện. Không ít người, không ít hộ gia đình lo lắng về “ngày mai”. Cái ngày mà xe xăng không còn được di chuyển, còn tiền mua xe điện thì không có…

 Có thể nói, một trong những tin tức thu hút sự quan tâm của nhiều người chính là nội dung này. Không lo sao được khi chén cơm hằng ngày còn phải chắt chiu từng cọng rau, miếng thịt, con cá… Giờ đây để có thể mưu sinh, càng phải “thắt” hơn nữa một khoản chi phí để mua thêm phương tiện mang tên xe điện. Cũng có ý kiến thắc mắc rằng, với “mặt bằng” không nhiều bằng xe xăng, liệu rằng, ngoài thương hiệu xe VinFast, còn có sự lựa chọn khác hay không?

Câu trả lời, là có.

Một vài thương hiệu khác

Tuy không quá nhiều, nhưng Việt Nam cũng là một thị trường phong phú về mảng xe điện. Nhiều thương hiệu với nhiều sản phẩm dẫn đầu xu hướng công nghệ trẻ xuất hiện, tồn tại. Một số thương hiệu xe điện, bên cạnh cách quảng cáo theo kiểu truyền thông quen thuộc, họ còn làm những video viral về sản phẩm của mình. Do nhiều người tiêu dùng không có thói quen sử dụng xe điện nên cũng không quan tâm nhiều về vấn đề này.

Theo ghi nhận, VinFast cho ra mắt xe điện đầu tiên vào năm 2019. Tuy nhiên, trước đó, tại Việt Nam đã tồn tại không ít thương hiệu về xe điện. Có thể kể đến thương hiệu được thành lập từ năm 2009, DK Bike. Rồi thì DAT BIKE tên đầy đủ là Công Ty Cổ Phần DAT BIKE, được thành lập vào năm 2019 bởi ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn. Rồi thì hãng xe điện trực thuộc hệ thống phân phối Yamaha Motor Việt Nam, cũng được thành lập vào năm 2009. Công Ty TNHH Nijia Việt Nam, là một thương hiệu xe điện Việt Nam, được thành lập vào năm 2012…. Có khá nhiều sự lựa chọn về hãng xe điện “made in Viet Nam”.

Bên cạnh đó, còn là những thương hiệu xe điện đến từ nước ngoài như Yadea, Honda, Yamaha…

“Về cơ bản mình thấy xe điện ở Việt Nam cũng nhiều thương hiệu. Nhưng do không có nhiều sự quảng cáo hay vì lý đặc biệt nào đó, không nhiều người biết đến. Khi nói đến xe điện, thường nhắc nhiều đến hình ảnh bắt gặp quen thuộc ngoài đường hơn. Chứ mình thấy các hãng xe khác, mẫu mã cũng ok, giá cả cũng chấp nhận được. Quan trọng hơn, trước đó, mình không nghe nhiều về tình trạng cháy nổ do xe điện”, một người tiêu dùng giấu tên chia sẻ.

Vẫn không an tâm về xe điện

Lẽ tất yếu, bên cạnh yếu tố nhiều hơn về sự lựa chọn trong mua xe điện, vẫn có người luôn mang trong mình nỗi lo canh cánh khi sử dụng xe điện. Cái lo đó, không chỉ xuất phát từ việc sạc, mà còn từ các chuyến đi băng qua những vũng ngập hay trong cơn mưa lớn, từ những lo ngại về cháy nổ nếu lỡ va chạm “không được nhẹ” khi tham gia giao thông…

Thời gian gần đây, trước vấn đề chuyển đổi xe xăng thành xe điện, nhiều báo chí cũng đưa tin với titre: “Bắt buộc dùng xăng E10 từ ngày 1-1-2026”.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết đã cơ bản thực hiện xong công tác rà soát, đánh giá, phân tích tình hình thực hiện quyết định 53/2012 về lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Trong đó, bộ đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng xin chủ trương xây dựng quyết định thay thế Quyết định 53, đề xuất kế hoạch mới thay thế lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học.

Xăng E10 là loại nhiên liệu pha trộn giữa xăng không chì và ethanol (cồn sinh học), trong đó ethanol chiếm từ 9% đến 10% thể tích. Ethanol là cồn etylic, được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tái tạo như ngô, mía, sắn, lúa mì…

Có thể nói, dù là loại xăng quen thuộc với nước ngoài nhưng ở thị trường Việt Nam, vẫn còn… mới toanh. Chính vì thế, ít nhiều cũng thu hút sự lo ngại của người tiêu dùng về ảnh hưởng của xăng E10 đến máy xe cũng như các linh kiện trên xe.

Giải đáp cho vấn đề này, cũng theo thông tin “cảnh báo” từ báo chí. Các dòng xe máy đời cũ, đặc biệt được sản xuất trước năm 2000 hoặc đầu những năm 2000, có thể gặp vấn đề do hệ thống nhiên liệu sử dụng vật liệu cao su hoặc kim loại không tương thích với ethanol. Việc sử dụng E10 trong các loại xe này có thể gây hỏng gioăng, rò rỉ đường ống nhiên liệu hoặc làm tắc chế hòa khí.

Với những xe ít sử dụng, nếu để nhiên liệu E10 trong bình quá lâu (trên 3 tháng), ethanol có thể hấp thụ nước, gây hiện tượng tách lớp, ăn mòn và dẫn đến khó khởi động hoặc hỏng hệ thống phun xăng.

Bên cạnh đó, một số mẫu xe hiệu suất cao hoặc xe cổ điển được nhà sản xuất khuyến cáo nên sử dụng xăng không pha ethanol (E0) hoặc chỉ sử dụng E5 để đảm bảo hiệu suất hoạt động tối ưu và bảo vệ động cơ.

Ở Hà Nội thì từ ngày 1/7/2026, xe môtô và xe gắn máy chạy xăng dầu sẽ bị cấm lưu thông trong vành đai 1. Từ ngày 1/1/2028, phạm vi hạn chế mở rộng sang vành đai 2, bao gồm cấm xe máy và hạn chế xe ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2030, lộ trình tiếp tục được mở rộng đến vành đai 3.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh thì chuyên gia đề xuất, ngừng ký hợp đồng đối với xe ôm công nghệ và giao hàng chạy xăng có thể bắt đầu áp dụng từ tháng 1/2026, mục tiêu “điện hóa” 100% xe máy kinh doanh vận tải tại TPHCM tháng 12/2029.

Và báo chí thì đăng thông tin về loại xăng sinh học E10, dự kiến ngày 1.8.2025, Petrolimex sẽ thử nghiệm kinh doanh xăng E10RON95-III tại thị trường TP.HCM (theo địa giới cũ, trước ngày 1.7), thay thế hoàn toàn cho các mặt hàng E5RON92 và RON95-III, RON95-IV.

Tổng hợp lại những điều trên, liệu có sự mâu thuẫn xảy ra giữa các tin tức? Hay chăng, đó là tín hiệu tốt khi có sự lựa chọn cho những người dân không thích và cũng không muốn sử dụng xe điện?

Xem ra, mọi thứ vẫn còn phải chờ ở phía trước…

No comments:

Post a Comment