Nguy cơ thương chiến với Mỹ và Trung Quốc: Liên Âu hóa giải bằng cách nào?
Trọng Thành
Đăng ngày: 21/07/2025 - 16:15Sửa đổi ngày: 21/07/2025 - 18:43
RFI
Nước Mỹ, từ khi Donald Trump lên cầm quyền, tung ra các đe dọa đơn phương tăng thuế quan với toàn cầu, xóa bỏ các quy tắc thương mại quốc tế từ nhiều thập niên, để gây áp lực nhằm đạt được các thỏa thuận thương mại song phương có lợi cho Washington. Đối thủ chính của chính quyền Trump dường như không ai khác hơn là Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc đối đầu Mỹ-Trung đặt Liên Âu trong tình thế đặc biệt nan giải.

Liên Hiệp Châu Âu có nguy cơ cùng lúc phải lưỡng đầu thọ địch, hứng chịu « hai cuộc chiến tranh thương mại », với Mỹ và với Trung Quốc, đồng thời bị Washington gây áp lực phải đứng với phía Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Ba tháng đàm phán: Trump « chưa ngả bài » và mục tiêu thực sự của TT Mỹ
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, Donald Trump đã quyết định tăng thuế quan 25% đối với ô tô và 50% đối với thép và nhôm của châu Âu, và mức thuế 10% với nhiều sản phẩm, có thể tăng lên 30% vào ngày 1/8 tới, nếu không đạt được thỏa thuận. Các đàm phán giữa Mỹ và khối 27 nước, từ ba tháng nay, chưa đạt được bất kỳ nhượng bộ nào. Ngày 18/07, ủy viên Thương mại Châu Âu Maros Sefcovic đã từ Washington trở về sau cuộc gặp bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, đại diện Thương mại Jamieson Greer và Kevin Hassett, cố vấn kinh tế của ông Trump. Nhưng lần đàm phán với các quan chức cao cấp Mỹ đã không cho phép các cuộc đàm phán tiến triển.
Cho đến nay, Liên Âu chưa thực thi các biện pháp trả đũa Mỹ, với hy vọng đạt được một thỏa hiệp với chính quyền Trump. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia về địa chính trị và thương mại, Elvire Fabry, viện tư vấn Jacques Delors (Pháp), « Trump không tìm kiếm một thỏa thuận. Trong hiện tại Trump chưa ngả bài. Nhưng điều mà ông ta nhắm tới là xóa bỏ các quy định của châu Âu, về kỹ thuật số và y tế » (Bài « Châu Âu trước nguy cơ đối đầu với hai cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và Trung Quốc » của Le Monde dẫn lại). Theo Le Monde, trong chuyến công du Mỹ vừa qua, ủy viên Thương Mại Liên Âu Sefcovic đã phải làm việc với « những người chưa chắc đã biết là tổng thống Trump muốn gì và cũng không phải là những người có quyền ra quyết định ».
Vòng xoáy trả đũa leo thang Âu – Trung khó hóa giải
Trong lúc chính quyền Trump tìm cách gây áp lực tối đa lên Liên Âu, và không để ngỏ cánh cửa nào cho các thỏa hiệp vào lúc hạn chót đang đến gần, thì xung đột thương mại giữa Liên Âu và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Liên Âu phải đối mặt với tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc không có chiều hướng suy giảm, với 305 tỉ euro năm 2024. Tình trạng này có nguy cơ trầm trọng hơn, nếu việc tăng thuế quan, khiến hàng hóa xuất khẩu không vào được thị trường Mỹ sẽ tràn sang châu Âu, buộc châu Âu phải có sử dụng « các công cụ phòng vệ thương mại », có thể dẫn đến các trả đũa mới từ Trung Quốc.
Trong những tuần qua, Trung Quốc đang tấn công vào các hàng xuất khẩu của châu Âu, như rượu, thiết bị y tế, để đáp lại các biệp pháp của châu Âu « chống cạnh tranh bất chính ». Kể từ tháng 4, Trung Quốc bắt đầu hạn chế xuất khẩu nhiều loại đất hiếm, mặt hàng chiến lược, rất cần cho các ngành công nghiệp châu Âu, đặc biệt là sản xuất xe hơi. Tình hình đang trở nên « ngày càng không thể chấp nhận được », và nếu kéo dài Liên Âu sẽ phải có các biện pháp bảo vệ các lợi ích của mình, theo Le Monde.
Điểm yếu lớn của Liên Âu: Phụ thuộc nặng về khoáng sản chiến lược, dịch vụ kỹ thuật số….
Liên Âu có trọng lượng kinh tế nhỉnh hơn Trung Quốc, với GDP 20.000 tỉ đô la, so với 18.700 tỉ đô la của Trung Quốc, chỉ dưới Mỹ (26.900 tỉ đô la). Tuy nhiên, giữa một bên là nước Mỹ của Donald Trump đang đe dọa áp dụng mức thuế hải quan mới rất cao, có nguy cơ đóng sập cánh cửa với hàng hóa châu Âu, và Bắc Kinh có thể gia tăng áp đặt các rào cản mới vào thị trường Trung Quốc, và sẵn sàng sử dụng các đòn tấn công thương mại tàn khốc, như ngăn chặn xuất khẩu đất hiếm, Liên Âu dường như không có nhiều lá bài.
Theo ông Patrick Artus, cố vấn kinh tế của Ossia, thành viên của trung tâm tư vấn Cercle des économistes, được tuần báo Pháp Le Point dẫn lại, Liên Âu yếu thế trong các đàm phán, do « yếu kém trong các khoáng sản chiến lược, gần như vắng mặt các các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, sự kém phát triển của lĩnh vực công nghệ và sự phụ thuộc vào Liên Âu về các công nghệ thông tin và truyền thông ».
Cụ thể là Liên Âu phụ thuộc nặng nề vào đất hiếm do Trung Quốc sản xuất (90% hoạt động tinh chế đất hiếm toàn cầu được làm tại Trung Quốc), vào bình nạp điện (73% bình nạp toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc), tấm pin mặt trời (Trung Quốc chiếm 78% thị phần toàn cầu), các nguyên liệu của ngành dược phẩm (Trung Quốc chiếm 40% thị phần).
Về phía quan hệ thương mại Liên Âu - Mỹ, Mỹ là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Liên Âu, với kim ngạch 532 tỉ năm 2024, với ô tô, thiết bị công nghiệp và sản phẩm y tế, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Liên Hiệp Châu Âu, và đây là các đối tượng tấn công của Washington. Theo chuyên gia Patrick Artus, bên cạnh các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, khí đốt tự nhiên, Liên Âu cũng là khối hiện đang phụ thuộc nặng nề vào các dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ (viễn thông, tin học, thông tin)… với nhập siêu dịch vụ từ Mỹ lên đến 148 tỉ euro.
Nội bộ châu Âu không dễ thống nhất…
Một điểm yếu căn bản khác của Liên Âu trong đàm phán là nội bộ Liên Âu không dễ thống nhất. Ở sườn đông của Lục địa Già, có tâm lý mong muốn bằng mọi giá phải đảm bảo sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga của Ukraina và sự đóng góp của Mỹ dành vào quốc phòng châu Âu. Đức, Ý và Ireland, ba quốc gia chiếm gần hai phần ba kim ngạch xuất khẩu của Liên Âu sang Mỹ, lo sợ một cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.
Cho đến nay, Ủy Ban Châu Âu tránh đọ sức trực tiếp với Washington, chưa thực hiện bất kỳ biện pháp trả đũa nào, để ưu tiên bảo vệ đoàn kết nội bộ. Gói trả đũa đầu tiên – thuế quan bổ sung đánh vào 21 tỷ euro hàng hóa của Mỹ Hoa Kỳ – hiện đã sẵn sàng, nhưng đã được Liên Âu hoãn lại đến ngày 6/8. Gói trả đũa thứ hai (nhắm vào 72 tỷ euro hàng hóa nhập khẩu Mỹ) cũng đã được chuẩn bị, nhưng Ủy Ban Châu Âu vẫn chưa chuyển đến các quốc gia thành viên để xác nhận. Một gói trả đũa nặng ký thứ ba nhắm vào hàng Mỹ là đe dọa không cho các công ty Mỹ tham gia đấu thầu các dự án nhà nước, hay áp thuế với các tập đoàn kỹ thuật số của Mỹ cũng đang được xem xét. Liên Âu chọn giải pháp thỏa hiệp với Mỹ để tránh chiến tranh thương mại, cho dù có phải chịu phần thiệt hơn.
Tuy nhiên, chủ tịch Ủy Ban, bà Ursula von der Leyen, nhấn mạnh « mọi lựa chọn đều có thể được xem xét », hàm ý bao gồm thực thi các biện pháp trả đũa nặng ký. Ngày 18/07, nước Đức có dấu hiệu thay đổi. Berlin không còn phản đối việc sử dụng công cụ trả đũa Mỹ. « Đã có đồng thuận về việc đẩy nhanh gói trả đũa thứ ba », theo một nhà ngoại giao châu Âu, được Le Monde trích dẫn.
Ép EU theo « 100% », tìm kiếm thỏa hiệp với Bắc Kinh: Chiến lược bắt cá hai tay của Mỹ ?
Trên thực tế, các căng thẳng Mỹ - Liên Âu vượt xa khuôn khổ thương mại. Cùng lúc với các đe dọa trừng phạt thuế quan Liên Âu, tổng thống Trump hy vọng Liên Âu sẽ đứng về phía mình chống lại Bắc Kinh. Ông Leopoldo Rubinacci, một quan chức cấp cao của Ủy Ban Châu Âu phụ trách quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, cho biết chính quyền Hoa Kỳ đã yêu cầu rõ ràng là Bruxelles cần « tuân thủ 100% » chiến lược của Mỹ về Bắc Kinh (giải trình trước Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị Viện Châu Âu, ngày 14/7, theo Euractiv). Không ít chuyên gia coi việc Liên Âu đứng về Mỹ là chuyện hiển nhiên, và có cả một Vạn Lý Trường Thành ngăn cách Liên Âu với Trung Quốc (bài « The Great Wall Between China and the EU » của hai nhà nghiên cứu Atlantic Council, trang mạng The Diplomat, 19/07/2025).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà quan sát lo ngại về các áp lực của Mỹ kéo Liên Âu lập mặt trận chung chống Trung Quốc nhân danh chống độc tài toàn trị, và thái độ bắt cá hai tay của Mỹ trong lúc bản thân chính quyền Trump lại đang tìm cách đạt được các thỏa thuận riêng rẽ với Bắc Kinh. « Việc liên kết với lập trường đối đầu của Washington sẽ làm suy yếu quyền tự chủ về kinh tế và chính trị của Liên Âu và đẩy nhanh sự phân mảnh kinh tế toàn cầu (global fragmentation) – đặc biệt gây tổn hại cho một nền kinh tế hướng đến xuất khẩu » của châu Âu, theo chuyên gia Gerhard Stahl, viện tư vấn FEPS, có trụ sở tại Bruxelles.
Tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc, thúc đẩy trật tự toàn cầu mới, thoát khỏi thế bị Mỹ thao túng
Chuyên gia Gerhard Stahl cảnh báo và khuyến cáo Liên Âu không để lặp lại kịch bản để Mỹ đàm phán với Trung Quốc trên lưng Liên Âu. Vị chuyên gia này nhấn mạnh đến cốt lõi của cuộc đối đầu Mỹ - Trung hiện nay là « nỗi lo sợ (của Washington) về một thế giới đa cực mới đang định hình », với một Trung Quốc đang trỗi dậy thách thức vai trò thống trị của Mỹ. Hội nghị thượng đỉnh Liên Âu – Trung Quốc, ngày 24 và 25/07 tới tại Bắc Kinh, nhân dịp kỉ niệm 50 năm quan hệ song phương sẽ là một cơ hội để xác lập các hợp tác có điều kiện rõ ràng (clear condition) với Trung Quốc, theo chuyên gia viện tư vấn FEPS.
Liên Âu không chỉ phải nỗ lực để bảo vệ các lợi ích của mình, chống chiến tranh thương mại, với Mỹ, với Trung Quốc, hướng đến một cam kết với Trung Quốc « không ký kết các thỏa thuận thương mại với Mỹ gây bất lợi cho các bên thứ ba », mà còn có trọng trách thúc đẩy một trật tự toàn cầu mới, dựa trên luật pháp và hợp tác đa phương quốc tế, điều mà chính quyền Trump đang tìm cách phá bỏ.
Việc tìm được một số hợp tác với Trung Quốc về phương diện này sẽ giúp Liên Âu thoát khỏi thế bị lưỡng đầu thọ địch, và đặc biệt là không để bị Mỹ thao túng (xem thêm Từ « MAGA » đến « MEGA »: Phe cực hữu châu Âu trông chờ Trump tiếp sức, RFI, ngày 22/01/2025). Tuy nhiên, xác lập được các hợp tác với một quốc gia mà Liên Âu cùng lúc coi là « đối tác, thế lực cạnh tranh, và đối thủ hệ thống » (« partner, competitor, and systemic rival », trích Chiến lược của EU về Trung Quốc / EU-China Strategic Outlook, xác lập năm 2019), và hiện đang có nhiều hậu thuẫn Nga, quốc gia xâm lược Ukraina, quả là điều nan giải.
No comments:
Post a Comment