50 năm kết thúc chiến tranh: Di sản Võ Thị Sáu dưới ánh sáng tư liệu mới
Royce Novak
Gửi cho BBC từ Ohio, Hoa Kỳ
Alex-Thái Đình Võ
Dịch
21/07/2025(7 giờ trước)
BBC

Getty Images
Võ Thị Sáu được chính quyền Việt Nam coi là anh hùng dân tộc, được đặt tên cho nhiều đường phố, trường học...
Lúc nửa đêm, những đốm nhang rực lên như bầy đom đóm cam giữa biển đêm thơm ngát.
Mỗi đốm là đầu que nhang, mỗi que đánh dấu một phần mộ. Từ xa, tiếng nhạc hành khúc cách mạng vang vọng theo gió về phương bắc, phủ lên những lời trò chuyện khẽ khàng của dòng người đang xếp hàng dọc lối chính. Tất cả đều tìm đến Nghĩa trang Hàng Dương để tưởng niệm những tù nhân đã chết trên hòn đảo vừa nên thơ vừa u uất này – Côn Đảo.
Trong số đó, phần lớn du khách dừng chân trước mộ Võ Thị Sáu – cô gái trẻ bị xử bắn tại đây vào năm 1952 khi mới 19 tuổi vì tham gia kháng chiến chống thực dân. Tin rằng cô rất linh thiêng, nhiều người đến dâng lễ để cầu may mắn trong công việc, học hành hay sự nghiệp.
Võ Thị Sáu vừa là linh hồn linh thiêng thu hút du khách đến Côn Đảo, vừa là anh hùng dân tộc đã được bất tử hóa qua văn chương, âm nhạc, nghệ thuật và điện ảnh. Tên của cô xuất hiện ở nhiều con đường, trường học trên khắp cả nước.
Tuy vậy, những câu chuyện kể về cuộc đời Võ Thị Sáu lại không thống nhất – thậm chí nhiều khi mâu thuẫn. Bài viết ngắn này tìm cách sàng lọc những mâu thuẫn trong các tường thuật về cô, để tìm hiểu xem liệu có sự thật lịch sử nào, nếu có, ẩn sau lớp lớp truyền thuyết và huyền thoại hay không.
Đọc nhiều nhất





Getty Images
Sau khi qua đời, tương truyền Võ Thị Sáu rất thiêng, mộ phần của bà trở thành một địa chỉ tâm linh đối với người dân và các quan chức
Một câu chuyện đầy mâu thuẫn
Huyền thoại về Võ Thị Sáu – vốn được phản ánh trong "tường thuật chính thức" về cuộc đời cô – là điều quen thuộc với phần lớn người Việt Nam, nhưng vẫn đáng được nhắc lại ngắn gọn ở đây. Cô sinh vào đầu những năm 1930 tại làng Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Gia đình cô có sáu anh chị em, trong đó có một người anh trai đã rời nhà để gia nhập lực lượng Việt Minh. Được truyền cảm hứng từ anh trai khi còn ở tuổi thiếu niên, Võ Thị Sáu tham gia đơn vị Công an xung phong, làm nhiệm vụ trinh sát. Khi vẫn còn là một thiếu nữ chưa trưởng thành, cô đã thực hiện nhiều hành động táo bạo, nổi bật nhất là vụ ném lựu đạn vào lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp (Bastille Day) ở Đất Đỏ, khiến một sĩ quan Pháp thiệt mạng và nhiều binh lính bị thương.
Tuy nhiên, cô đã bị bắt năm 1950 trong một vụ ném lựu đạn thất bại nhằm vào một chánh tổng thân Pháp tên là Tòng. Sau khi bị tra tấn tại đồn mật thám Bà Rịa, cô bị chuyển đến nhà lao Chí Hòa ở Sài Gòn. Tại đây, các nữ tù nhân lớn tuổi đã dìu dắt cô theo con đường cách mạng, đồng thời dạy cô đọc và viết trong thời gian chờ bị đưa ra xét xử trước tòa án quân sự. Sau khi bị tuyên án tử hình, cô bị chuyển ra Côn Đảo vào năm 1952 để hành quyết.
Sau cái chết của Võ Thị Sáu, một số nhân viên Pháp và các tù nhân thân Pháp nhiều lần tìm cách phá hoại bia mộ của cô – nhưng rồi từng người trong số họ đều lần lượt qua đời trong vòng vài tháng sau đó. Chính những cái chết bí ẩn này đã củng cố danh tiếng linh thiêng và đáng sợ của Võ Thị Sáu, và dần dần hình thành nên một tín ngưỡng thờ cúng cô trên đảo.
Từ năm 1954, những câu chuyện về Võ Thị Sáu bắt đầu được kể lại cho công chúng miền Bắc – chủ yếu qua lời của các văn nghệ sĩ và ký giả, những người tiếp cận thông tin qua các đồng bào tập kết từ miền Nam. Trong khi tại Côn Đảo, các nữ tù nhân tưởng niệm Võ Thị Sáu theo những hình thức thờ cúng gắn với tín ngưỡng nữ thần phổ biến ở Nam Bộ, thì ở miền Bắc, các nhà văn – nghệ sĩ đã kể lại và thêm thắt câu chuyện theo phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Sau khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, hai cách hiểu khác nhau này về Võ Thị Sáu bắt đầu va chạm. Khi ấy, người ta dần nhận ra rằng cách tưởng nhớ và diễn giải về cuộc đời cô khác nhau rõ rệt giữa miền Bắc, các cựu tù nhân Côn Đảo và cả người dân quê nhà cô ở Đất Đỏ. Những mâu thuẫn trong các tường thuật này ban đầu không được thảo luận công khai, nhưng một số điểm bất nhất quá rõ ràng để có thể bỏ qua. Dễ nhận thấy nhất là năm sinh của Võ Thị Sáu: theo tường thuật chính thức, cô sinh năm 1935 (nghĩa là bị xử bắn khi mới 17 tuổi), nhưng các tài liệu sau này cho thấy cô sinh năm 1933 (tức là bị xử bắn ở tuổi 19). Một số sách thiếu nhi in trong thập niên 1970 cũng thể hiện dấu hiệu tranh luận này, với ghi chú rằng: "trong hồ sơ xử án, bọn Pháp ghi Võ Thị Sáu sinh năm 1933 cho 'đủ' tuổi."(1)
Cũng cần nói thêm rằng, vào năm 1952 – thời điểm Võ Thị Sáu bị hành quyết – luật pháp Pháp chưa cấm thi hành án tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi. Mãi đến năm 1979, Pháp và nhiều quốc gia khác mới chính thức bãi bỏ hình phạt tử hình với người vị thành niên.
Với những cải cách xã hội thời kỳ Đổi mới, không gian thảo luận công khai về quá khứ trở nên rộng mở hơn. Nếu như năm 1979, việc đặt câu hỏi hay hiệu chỉnh về năm sinh của Võ Thị Sáu vẫn bị xem là điều không thể chấp nhận, thì đến thập niên 1990, vấn đề này được tranh luận công khai, và dẫn đến việc sửa lại năm sinh của cô thành 1933 – đúng như hồ sơ từng ghi. Một bài viết trên tạp chí Lịch sử Đảng tháng 5 năm 2012 đã xác nhận thông tin này. Hơn nữa, đến thời điểm đó, việc thi hành án tử hình đối với người phạm tội khi còn là trẻ vị thành niên đã bị luật pháp quốc tế bác bỏ đến mức, việc Võ Thị Sáu có bị hành quyết trước sinh nhật thứ 18 hay không cũng không còn là điều đáng tranh cãi – bởi lẽ chỉ riêng việc cô bị tử hình vì hành vi phạm tội khi còn là trẻ vị thành niên đã là điều khiến nhiều người phẫn nộ.
Dù sự điều chỉnh năm sinh chỉ là một chi tiết nhỏ, quá trình công nhận lại sự thật này đã mất hàng chục năm. Và đây cũng không phải là mâu thuẫn duy nhất – vẫn còn nhiều điểm bất nhất khác trong các tường thuật, thậm chí có phần hệ trọng hơn.
Vào một ngày tháng Ba nóng nực năm 2017, trong không gian mát lạnh của một quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh, một nhóm văn nghệ sĩ tụ họp trò chuyện. Cuộc trao đổi đã được một người trong nhóm ghi hình và đăng tải lên mạng xã hội.
Một nhà thơ trong nhóm bất ngờ đứng dậy và nói thẳng điều mà ai cũng biết: phần lớn những gì họ từng viết về Võ Thị Sáu đều không đúng sự thật. Họ đều từng gặp gỡ các bậc cao niên ở Đất Đỏ – những người từng biết Võ Thị Sáu ngoài đời, từng chứng kiến những việc cô làm. Sau đó, một học giả nói thêm rằng Võ Thị Sáu có khiếm khuyết về mặt trí tuệ (dù ông dùng những từ ngữ khác để diễn tả).
Một số người ngồi trong bàn đồng ý với ông và bổ sung thêm những chi tiết mới. Họ cũng đều từng nghe rằng, vụ ném lựu đạn của cô không giết sĩ quan Pháp mà khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Khi ấy là tháng Hai năm 1950, gần Tết, và khu chợ rất đông người dân đi sắm sửa. Cô được giao nhiệm vụ ám sát một kẻ cộng tác với Pháp – nhưng người này hôm ấy không xuất hiện. Võ Thị Sáu vẫn tiến hành vụ tấn công, và theo lời nhà thơ, đã khiến 12–13 thường dân thiệt mạng. Chính sự kiện này mới là nguyên nhân dẫn đến việc cô bị bắt.
Nhưng đó chỉ là một cuộc trò chuyện, liệu lời truyền miệng như thế đáng tin đến đâu?

Khu di tích Nhà tù Côn Đảo
Bức tranh Anh hùng Võ Thị Sáu bị dẫn ra pháp trường Côn Đảo được trưng bày tại Khu di tích Nhà tù Côn Đảo
Tư liệu mới từ các kho lưu trữ
Với tư cách là một nhà sử học, phần lớn nguồn thông tin tôi sử dụng đến từ các kho lưu trữ. Khi bước vào kho lưu trữ thuộc địa Pháp, tôi hoàn toàn không biết đến cuộc trò chuyện được đăng tải trên mạng xã hội nói trên, mà chỉ quen thuộc với huyền thoại về Võ Thị Sáu. Thành thật mà nói, tôi đã ngây thơ nghĩ rằng các tài liệu lưu trữ này sẽ giúp làm sáng rõ hoặc tái hiện truyền thuyết ấy. Nhưng đáng tiếc thay, những gì tôi tìm thấy chủ yếu phản ánh góc nhìn của các viên chức và tướng lĩnh thực dân: thương vong, bắt giữ và bản án chỉ được liệt kê như những con số vô danh. Tên riêng hoặc câu chuyện cá nhân chỉ xuất hiện trong những trường hợp đặc biệt, khi có báo cáo chi tiết hoặc điều tra chính thức.
Tuy vậy, tôi có tìm thấy một ghi chép về một cô gái được gọi là "Thi-Sau" – người hoạt động trong một tổ chức Việt Minh có nhiệm vụ thẩm vấn lính Pháp. Ở gần Vũng Tàu, cô cùng hai đồng đội đã tham gia thẩm vấn các binh sĩ người Việt chiến đấu cho phía Pháp, những người bị một người tên là "Thuan" bắt cóc. Mục đích là khiến họ sợ hãi mà khai ra thông tin về vị trí đóng quân của quân đội Pháp tại Vũng Tàu và chuyển vũ khí cho Việt Minh.
Điều đáng chú ý là có nhiều điểm tương đồng giữa nhân vật "Thi-Sau" trong tài liệu lưu trữ và Võ Thị Sáu trong huyền thoại: cả hai cùng mang tên Sáu; cùng hoạt động ở khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu; cùng đảm nhận vai trò tình báo trong đơn vị Công an xung phong; và đều bị bắt vào tháng 2 năm 1950. Tuy nhiên, để xác định chính xác liệu "Thi-Sau" trong báo cáo có phải là Võ Thị Sáu huyền thoại hay không thì cần thêm bằng chứng cụ thể, nhất là khi hoạt động này không hề được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu tiếng Việt vốn dựa chủ yếu vào hồ sơ Công an xung phong, đặc biệt là cuốn Võ Thị Sáu: Con người và Huyền thoại (2013) của Nguyễn Đình Thống.
Vậy còn hai chiến công quân sự nổi bật nhất gắn liền với tên tuổi Võ Thị Sáu thì sao? Một là vụ ném lựu đạn vào đoàn lính Pháp trong lễ Quốc khánh Pháp (Bastille Day) tại Đất Đỏ năm 1947 hoặc 1948; hai là vụ tấn công bằng lựu đạn nhằm vào một viên chức địa phương tham nhũng năm 1950 – sự kiện dẫn đến việc cô bị bắt. Các tài liệu lưu trữ của Pháp không cung cấp nhiều thông tin về hai sự kiện này. Tuy nhiên, một số bằng chứng có thể được tìm thấy qua dữ liệu thống kê.
Cụ thể, tôi tìm thấy thông tin liên quan đến hai sự kiện này trong các hồ sơ tình báo quân sự chi tiết, vốn tổng hợp dữ liệu thương vong từ các báo cáo sự vụ tại cấp tỉnh trên toàn Việt Nam, theo từng tháng, từ năm 1946 đến 1952. Những hồ sơ này ghi nhận mọi thứ – từ tiếng súng lẻ tẻ vang lên xa xa, cho đến những trận giao tranh giữa quân đội Pháp và Việt Minh.
Trước tiên, tôi tra cứu về vụ nổ trong lễ Quốc khánh Pháp. Dù các tường thuật khác nhau đặt sự kiện này vào năm 1947 hoặc 1948, nhưng vì lễ Bastille Day luôn diễn ra vào ngày 14 tháng 7 nên phạm vi tìm kiếm được thu hẹp lại. Tuy nhiên, không hề có ghi nhận nào về thương vong tại tỉnh Bà Rịa trong tháng 7 của các năm 1947 hoặc 1948. Ngạc nhiên, tôi kiểm tra thêm các năm 1946, 1949, và cả 1950 – cũng không có dấu hiệu gì về thương vong hay tấn công vũ trang. Tôi đã kiểm tra lại nhiều lần trước khi đi đến kết luận: vụ đánh bom huyền thoại vào ngày Quốc khánh Pháp chưa từng xảy ra. Đó là một hư cấu trong lịch sử.
Liệu hồ sơ có bị thiếu sót? Để kiểm chứng, tôi đối chiếu một số sự kiện khác liên quan đến Võ Thị Sáu và đơn vị Công an xung phong số 16 được nêu trong sách của Nguyễn Đình Thống – ví dụ như vụ phá sập cầu Trọng trên sông Ray giữa Đất Đỏ và Xuyên Mộc vào tháng 4 năm 1947. Sự kiện này – cùng với một chuỗi các trận đụng độ, phá hoại, và bắt cóc liên quan đến đơn vị 16 – được thể hiện rõ ràng trong dữ liệu lưu trữ.
Vậy còn vụ ném lựu đạn vào viên chức tham nhũng – sự kiện cuối cùng dẫn đến việc Võ Thị Sáu bị bắt? Khi tôi đang tìm hiểu tại các kho lưu trữ thuộc địa ở Pháp, tôi chưa hề biết đến đoạn video cuộc trò chuyện diễn ra ở quán cà phê tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm 2017. Vì vậy, tôi lật giở từng trang bảng tính đánh máy và các báo cáo theo tháng, lần theo dòng thông tin về tỉnh Bà Rịa, với hy vọng sẽ thấy một sự gia tăng bất thường về thương vong quân sự, hoặc một vụ việc có ghi nhận thương tích hay tử vong trong giới chức. Lác đác có vài con số nhỏ xuất hiện, nhưng không có gì trùng khớp với câu chuyện truyền miệng. Ban đầu, tôi loại trừ một sự kiện xảy ra vào tháng 2 năm 1950 – vì nó ghi nhận thương vong cho 25 thường dân (5 người chết, 20 người bị thương), mà không đề cập gì đến quan chức hay binh lính.
Tuy nhiên, khi xem lại lần thứ hai, tôi dừng lại lâu hơn ở sự kiện này: 25 thường dân thương vong. Liệu có khả năng? Một ghi chú đính kèm báo cáo đã làm rõ rằng đây là hậu quả của một vụ tấn công bằng lựu đạn duy nhất. Đây chính là dấu vết thống kê của vụ nổ do Võ Thị Sáu thực hiện.
Sau đó, tôi tình cờ xem được đoạn video ghi lại cuộc trò chuyện ở quán cà phê Thành phố Hồ Chí Minh. Những con số mà nhà thơ nêu ra có khác, nhưng nội dung cốt lõi thì hoàn toàn trùng khớp. Những gì trước đây bị xem là "lời đồn" giờ đây đã được dữ liệu lưu trữ củng cố. Và chi tiết khác – rằng Võ Thị Sáu có thể có khuyết tật về trí tuệ – dù không thể xác minh bằng tài liệu, cũng đột nhiên trở nên đáng tin hơn.
50 năm kết thúc chiến tranh: Ngoại giao cây tre, từ quá khứ đến hiện tại9 tháng 6 năm 2025
50 năm sau chiến tranh, Việt Nam đã thực sự có tự do, dân chủ?31 tháng 5 năm 2025
Đánh giá lại di sản của Võ Thị Sáu
Và như vậy, chúng ta đã đi đến một tường thuật mới – chính xác hơn, gần với sự thật hơn. Câu chuyện về Võ Thị Sáu giờ đây cần được kể lại như sau: Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại Đất Đỏ. Từ nhỏ, cô gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập vì có một dạng khuyết tật trí tuệ. Khi đến tuổi thiếu niên, cô theo anh trai gia nhập Việt Minh – nơi cô tìm thấy một cộng đồng chấp nhận mình. Tại đây, cô tỏ ra xuất sắc trong vai trò trinh sát và thẩm vấn, nơi những đặc điểm tâm lý của cô lại trở thành lợi thế phục vụ cách mạng.
Tháng 2 năm 1950, Võ Thị Sáu được các đồng đội giao cho một quả lựu đạn với nhiệm vụ ám sát một cộng tác viên người Việt của Pháp ngay tại chợ Đất Đỏ. Tuy nhiên, người cộng tác viên đó không xuất hiện. Dù vậy, Võ Thị Sáu vẫn rút chốt và ném lựu đạn vào khu chợ đông người. Vụ nổ đã khiến nhiều dân thường không hay biết gì bị thương vong. Ngay sau đó, cô bị quân Pháp bắt giữ tại hiện trường.
Từ thời điểm này, phần còn lại của câu chuyện vẫn giống với tường thuật quen thuộc: Võ Thị Sáu bị giam giữ tại các đồn mật thám, nơi cô phải chịu tra tấn và thẩm vấn khốc liệt nhưng không khai báo. Sau đó, cô bị chuyển đến nhà lao Chí Hòa chờ xét xử. Năm 1951, một tòa án quân sự đã tuyên án tử hình cô mà không cân nhắc nhiều đến tuổi đời còn quá trẻ. Cô bị đưa ra Côn Đảo và xử bắn vào rạng sáng ngày 23 tháng 1 năm 1952. Cô được chôn cất tại nghĩa trang Hàng Dương, nơi các tù nhân âm thầm chăm sóc phần mộ và cúng lễ hương hồn cô – một truyền thống vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, với những lượt khách thập phương về thăm viếng.
Nếu nhìn theo một hướng, có thể người ta sẽ cho rằng câu chuyện về Võ Thị Sáu là dối trá – một tội ác chiến tranh được khoác lên chiếc áo anh hùng. Đây là kết luận dễ rơi vào nếu ta chấp nhận tường thuật mang tính tuyên truyền, vốn tôn vinh Võ Thị Sáu như một biểu tượng quả cảm chống quân lính Pháp. Đó chính là huyền thoại được xây dựng tại Hà Nội từ năm 1954 – vào thời điểm chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang huy động lực lượng thanh niên cho một cuộc đấu tranh vũ trang đang hình thành ở miền Nam. Trong bối cảnh ấy, Võ Thị Sáu buộc phải trở thành hình mẫu của một người trẻ cách mạng, gan dạ, sẵn sàng hy sinh.
Nhưng nếu đọc theo một hướng khác, câu chuyện Võ Thị Sáu lại là một bi kịch – câu chuyện về một thiếu nữ có cuộc đời bị cắt ngắn lúc 19 tuổi, bị xử bắn bởi chính quyền thực dân vì những hành động cách mạng mà cô đã thực hiện khi chưa tròn 18 tuổi, tại một hòn đảo đã trở thành biểu tượng của sự đàn áp thuộc địa. Trong cách hiểu này, sự bất công mà cô phải chịu đựng trở thành nét định hình nên cuộc đời cô – cái chết đến quá sớm, khi cô còn chưa hết tuổi thanh xuân. Và bi kịch ấy là điều mà rất nhiều người trẻ Việt Nam đã phải nếm trải giữa lằn ranh mong manh của chiến tranh, từ 1946 đến 1975.
Tuy nhiên, bằng chứng mới từ kho lưu trữ cho thấy Võ Thị Sáu gây thương vong cho dân thường lại đặt ra một câu hỏi khó hơn: làm sao chúng ta có thể dung hòa hình ảnh cô vừa là nạn nhân, vừa là người gây ra bạo lực trong thời chiến?
Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày chiến tranh kết thúc. Việt Nam đã đạt được những bước phát triển xã hội và kinh tế vượt bậc. Câu chuyện về Võ Thị Sáu cũng thay đổi theo từng thời kỳ – cô từng là biểu tượng thanh niên yêu nước lý tưởng trong giai đoạn hình thành thể chế năm 1954; là hình ảnh phụ nữ miền Nam kháng chiến những năm 1960; và là một linh hồn thiêng có thể ban phát thành công cho từng cá nhân trong bối cảnh thập niên 1990, khi công cuộc Đổi mới đã thực sự khởi sắc và đất nước bước vào thời bình. Mỗi giai đoạn lịch sử hậu thuộc địa của Việt Nam lại nhấn mạnh một "sự thật" khác nhau – những dữ kiện được thêm thắt hoặc thậm chí bịa ra – để Võ Thị Sáu trở thành người anh hùng phù hợp với thời đại.
Giờ đây, khi Việt Nam bước vào "kỷ nguyên vươn mình," di sản và vai trò xã hội của Võ Thị Sáu chắc chắn sẽ tiếp tục biến đổi.
Tôi đã chia sẻ những bằng chứng mới về cuộc đời Võ Thị Sáu. Tôi đã đưa ra một lập luận về cách có thể hòa giải giữa sự thật lịch sử và vị thế anh hùng dân tộc, sự linh thiêng của cô. Phần còn lại, thưa quý độc giả, là ở các bạn. Với những bằng chứng mới này, câu chuyện và di sản của Võ Thị Sáu trong kỷ nguyên mới sẽ là gì?
Royce Novak là một nhà sử học chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á hiện đại, với trọng tâm là lịch sử pháp luật, xã hội và môi trường – đặc biệt là lịch sử các nhà tù và tù nhân trong bối cảnh thuộc địa và Chiến tranh Lạnh tại Indonesia và Việt Nam. Dự án nghiên cứu hiện tại của ông tập trung vào các hòn đảo nhà tù, xem đây như một hình thức giam giữ đặc thù có vai trò quan trọng trong cả quá trình xây dựng nhà nước lẫn các phong trào cách mạng. Ngoài ra, Novak còn nghiên cứu về di sản của các "phụ nữ mua vui" và văn học Đông Nam Á. Ông nhận bằng tiến sĩ về lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Wisconsin–Madison và hiện đang giảng dạy tại Đại học Kenyon, bang Ohio, Hoa Kỳ. Các công trình của ông đã được công bố trên Journal of Asian Studies và Journal of Vietnamese Studies.
Nguồn tham khảo:
1. Kim Thuận và Bùi Thuận, Truyện tranh Võ Thị Sáu, Ty Văn hóa và Thông tin Đồng Nai xuất bản, 1979, trang 37.
Tin liên quan

50 năm Kết thúc Chiến tranh: Bộ Chính trị và quyết định tiếp tục chiến tranh sau Hiệp định Paris26 tháng 5 năm 2025

50 năm Kết thúc Chiến tranh: Hai Việt Nam – từ xa cách đến gắn kết qua ký ức gia đình19 tháng 5 năm 2025

50 năm kết thúc chiến tranh: Nhìn lại quan hệ Việt-Mỹ thời hậu chiến12 tháng 5 năm 2025


50 năm kết thúc chiến tranh: Hiểu về tính đa dạng của lịch sử và của nhau28 tháng 4 năm 2025

50 năm kết thúc chiến tranh: Thể chế hóa và quân sự hóa sắc tộc thời Việt Nam Cộng hòa7 tháng 7 năm 2025
No comments:
Post a Comment