Trừng phạt các ông Phúc, Thưởng, Huệ - Tổng Bí thư Tô Lâm muốn gửi thông điệp gì?
21 tháng 7 2025
BBC

Đúng một năm ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị trung ương 12 do Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì bế mạc bằng thông báo cách tất cả các chức vụ của ba nhân vật từng nằm trong Tứ Trụ.
Việc cùng lúc kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng của ba cựu lãnh đạo chủ chốt - gồm cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - là một động thái chưa có tiền lệ.
Ông Nguyễn Phú Trọng là trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13 - tiểu ban có nhiệm vụ xây dựng phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương; kế hoạch giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng cho nhiệm kỳ hiện tại.
Khi kết thúc Đại hội 13, ông Trọng đã khẳng định đại hội "thành công rất tốt đẹp" với công tác nhân được Đảng "chuẩn bị kỹ lưỡng", "hết sức công phu từ dưới cơ sở lên". Lúc bấy giờ, ông Trọng với vị trí tổng bí thư và ông Nguyễn Xuân Phúc với vị trí chủ tịch nước là hai "trường hợp đặc biệt" được bầu vào Tứ Trụ. Ông Vương Đình Huệ làm chủ tịch Quốc hội còn ông Phạm Minh Chính làm thủ tướng.
Một vị trí được cho là xếp thứ 5 (sau Tứ Trụ) - thường trực Ban Bí thư - do ông Võ Văn Thưởng đảm nhiệm.
Đọc nhiều nhất




Thế nhưng, chưa được nửa nhiệm kỳ, ông Phúc đã phải xin thôi chức vào đầu năm 2023 và ông Thưởng lên làm chủ tịch nước kế nhiệm còn bà Trương Thị Mai làm thường trực Ban Bí thư thay ông Thưởng.
Và chỉ hơn một năm sau, vào tháng 3/2024, ông Thưởng cũng nối gót ông Phúc rời chính trường. Sau đó, ông Vương Đình Huệ (tháng 4/2024) và bà Trương Thị Mai (tháng 5/2024) cũng lần lượt rời ghế theo hình thức "thôi chức".
Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự từ Đại học New South Wales (Úc), nói với BBC News Tiếng Việt rằng việc cách tất cả chức vụ của các cựu lãnh đạo chủ chốt của Đảng và nhà nước là một bước đi rất quyết liệt, có ý nghĩa mở rộng trách nhiệm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người cầm trịch Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13.
"Có lẽ Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng việc để các lãnh đạo được rút lui trong danh dự là chưa đủ để thực thi kỷ luật Đảng, cần phải có một hình thức kỷ luật. Khi Trung ương họp để chuẩn bị công tác cho Đại hội 14, việc kỷ luật ba lãnh đạo từng ở trong Tứ Trụ là thông điệp rõ ràng về một tiêu chuẩn mới với các đảng viên vi phạm, ngay cả những lãnh đạo cao nhất cũng không là ngoại lệ," Giáo sư Thayer nói.
Những ngôi sao dưới thời ông Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trưởng Tiểu ban Nhân sự của các kỳ đại hội 12, 13 và 14 (giai đoạn chuẩn bị ban đầu). Trước mỗi kỳ đại hội, ông luôn khẳng định hai công tác quan trọng nhất là văn kiện và nhân sự.
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam chia sẻ với BBC với điều kiện ẩn danh là Tiểu ban Nhân sự quyết định quy trình lựa chọn cán bộ chiến lược trước mỗi kỳ đại hội, để đảm bảo tính kế thừa và ổn định của bộ máy nhân sự cấp cao, đặc biệt là Bộ Chính trị và Trung ương Đảng.
Cụ thể hơn, Tiểu ban Nhân sự quyết định cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn của các vị trí chủ chốt, nên về cơ bản, Tiểu ban Nhân sự là cửa soát vé quan trọng nhất của Trung ương về vấn đề nhân sự trước đại hội. Tiểu ban này thống nhất danh sách trước khi trình ra Đại hội, cả nhân sự cấp chiến lược gồm Tứ Trụ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trưởng các ban đảng, trưởng bộ ngành, bí thư tỉnh thành...
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc diễn ra ngày 23/4/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó kiêm nhiệm vị trí chủ tịch nước và là trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội 13 đã phát biểu rằng:
"Đúng người thì nhân dân được nhờ, cách mạng được nhờ và đất nước phát triển. Còn chọn sai người thì không biết sẽ sao."
Công tác nhân sự luôn được ông Trọng nhấn mạnh là nhiệm vụ "then chốt của then chốt" và "liên quan đến vận mệnh của Đảng và tiền đồ phát triển của đất nước".
Giờ đây, bản án kỷ luật cách tất cả chức vụ các nhân vật cựu lãnh đạo chủ chốt - Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ - là lời nhắc nhở về trách nhiệm của ông Trọng.
Một nhà quan sát giấu tên từ Việt Nam nhận định với BBC như sau:
"Đây là một đòn giáng mạnh vào uy tín của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bởi những lãnh đạo cấp cao này đều là nhân sự thuộc diện quy hoạch của Tiểu ban Nhân sự do chính ông Trọng đứng đầu. Hơn nữa, họ đã được ông Trọng tạo điều kiện để 'hạ cánh an toàn' nhằm giữ thể diện cho Đảng và cho cả chính ông. Tuy nhiên, việc tước bỏ chức vụ của những người từng được cho 'rút lui trong danh dự' dưới thời ông Trọng có thể được xem như một hành động gián tiếp lật ngược quyết định của ông Trọng, cho thấy rằng phương án 'rút lui trong danh dự' là cách xử lý chưa đủ sức thuyết phục."
Bên cạnh đó, nhà quan sát này còn cho rằng ông Tô Lâm muốn chứng minh cho công chúng thấy ông mới thực sự là người xử lý các quan chức vi phạm một cách "không vùng cấm, không ngoại lệ" và đây còn là một đòn thị uy quyền lực trước kỳ Đại hội 14.

Ông Võ Văn Thưởng từng là ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất của khóa 13 với tiền đồ được đánh giá là xán lạn. Thời điểm ông được bầu làm chủ tịch nước vào tháng 3/2023 thay cho ông Phúc, giới quan sát đã nhận định ông là người thân cận với ông Trọng.
Con đường đi lên từ công tác Đoàn, Đảng của ông Thưởng rất gần gũi với ông Trọng, một người đi lên từ công tác lý luận của Đảng. Việc ông Thưởng được Bộ Chính trị phân công làm thường trực Ban Bí thư vào đầu khóa 13 cho thấy ông Thưởng là người có được sự chấp thuận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Thưởng còn từng được đánh giá là ứng viên tiềm năng nhất cho vị trí tổng bí thư vì ông đã là ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12 và 13, từng làm thường trực Ban Bí thư trước khi làm chủ tịch nước, vốn là những bước đệm chắc chắn để bước lên vị trí cao nhất của Đảng.
Tương tự, ông Vương Đình Huệ cũng từng được xem là ứng cử viên nặng ký cho vị trí tổng bí thư. Xét việc ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng đều từng làm chủ tịch Quốc hội trước khi được bầu làm tổng bí thư, ông Huệ đầu khóa 13 đã nắm giữ một vị trí là bàn đạp cho chức vụ cao nhất của Đảng Cộng sản.
Ông cũng được xem là một trong những nhà kỹ trị hiếm hoi trong dàn lãnh đạo lúc bấy giờ - những người vốn "hồng" hơn "chuyên". Với quê quán ở Nghệ An, ông Vương Đình Huệ từng được xem là ứng viên nặng ký cho vị trí tổng bí thư khi ông Trọng có nhiều vấn đề sức khỏe trong nhiệm kỳ thứ 3.
Bên cạnh đó, ông Vương Đình Huệ còn là nhân vật được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ủng hộ lâu năm.
Trong một bài viết trên trang East Asia Forum vào năm 2015, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp viết: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 5/2013 đã ủng hộ ông Vương Đình Huệ khi đó là trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cùng với ông Nguyễn Bá Thanh ứng cử vào vị trí trong Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương lại bầu cho hai ứng viên khác.

Như vậy, cả ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ đều có điểm chung là từng nhận được sự hậu thuẫn chính trị từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời từng được đánh giá là những ứng viên sáng giá cho chức tổng bí thư, là mối đe dọa cho những ai có tham vọng chạy đua vào vị trí này.
Do đó, việc cả hai ông đột ngột xin thôi chức lần lượt vào tháng 3 và tháng 4 năm 2024 được coi là những cơn địa chấn chính trị.
Tháng 11/2024, ông Huệ trở nhân vật đầu tiên từng trong Tứ Trụ bị kỷ luật cảnh cáo dù đã rút lui, còn ông Thưởng thì được chưa bị kỷ luật đang điều trị bệnh. Tháng 12/2024, ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành người thứ hai trong Tứ Trụ bị cảnh cáo khi đã thôi chức.
Tới ngày 19/7/2025, cả ba người đều bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng.
Tất cả các án kỷ luật Đảng này đều được đưa ra trong vòng một năm sau khi ông Trọng qua đời.
Giáo sư Carl Thayer nhận định rằng với vai trò tổng bí thư và là người đứng đầu Tiểu ban Nhân sự, cơ quan chịu trách nhiệm chọn nhân sự giới thiệu ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội 12 (2016) và 13 (2021), ông Trọng đã trực tiếp phê duyệt việc tái cử của ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ vào Ban Chấp hành Trung ương trong cả hai kỳ đại hội. Sau mỗi kỳ đại hội, ông Trọng đều tự ca ngợi rằng Đảng đã chọn được những người vừa có tài vừa có đức. Thế nhưng, thực tế đã chống lại lời ông.
Khóa 13 có tổng cộng bảy ủy viên Bộ Chính trị - những đảng viên quyền lực nhất - bị cho thôi chức; hơn 30 ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự, do liên quan tới các vụ án nổi cộm như Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh, Việt Á.
Giờ đây, việc cả ba lãnh đạo chủ chốt – những người đã được "cho thôi" dưới thời ông Trọng - tiếp tục bị cách chức là một cách gián tiếp đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của công tác nhân sự do ông Trọng đứng đầu.
Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm

Thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm quyền, các ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ được cho thôi các chức vụ khi có khuyết điểm mà không phải nhận bất kỳ hình thức kỷ luật Đảng nào.
Theo Giáo sư Thayer, chiến dịch chống tham nhũng và tiêu cực của ông Trọng theo đuổi hai hướng. Hướng thứ nhất là xử lý các vi phạm của đảng viên. Những người vi phạm sẽ bị cho thôi chức, kỷ luật và có thể bị xử lý hình sự.
Hướng thứ hai tập trung vào trách nhiệm giải trình. Ông Trọng sử dụng hai quy định để yêu cầu các cán bộ cấp cao phải chịu trách nhiệm: Quy định 08 (năm 2018) về trách nhiệm nêu gương và Quy định 37 (năm 2021) về những điều đảng viên không được làm. Cán bộ đảng vi phạm bị xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức cho đến khai trừ Đảng.
Trong hai năm cuối nhiệm kỳ, ông Trọng đã cho phép các cán bộ cấp cao vi phạm hai quy định trên được tự nguyện từ chức.
"Chính sách" này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần giải thích, nhấn mạnh đó là "nhân văn".
Ông từng nói: "Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất xin thôi. Thực tế ta đã xử lý rồi. Đó là nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử nặng."
Qua các phát biểu của ông Trọng, có thể nhận thấy rằng việc xử lý trách nhiệm các lãnh đạo cấp cao mang tính linh hoạt, có phần tùy nghi. Chủ trương này không chỉ giúp Đảng giữ được hình tượng trong mắt công chúng mà còn giúp các đảng viên cấp cao mắc sai phạm thoát khỏi khả năng bị truy tố hình sự.
Tuy nhiên, dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm, các ông Phúc, Thưởng, Huệ lại tiếp tục bị đem ra xử lý, từ hình thức cảnh cáo và rồi đến mức cách hết tất cả chức vụ. Cựu Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cũng bị kỷ luật khiển trách vào tháng 12/2024, sau khi đã được "cho thôi" và "rút lui trong danh dự" dưới thời ông Trọng.

Việc ông Tô Lâm kỷ luật mạnh tay với những nhân vật từng trong Tứ Trụ, trong khi ông Nguyễn Phú Trọng đã cho họ hạ cánh an toàn, cho thấy ông Tô Lâm có chủ trương khác biệt với người tiền nhiệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm được đánh giá là một nhà lãnh đạo thực dụng, ít bị chi phối bởi ý thức hệ hay tư tưởng cộng sản như ông Trọng. Nếu như ông Trọng đặt nặng vấn đề giữ gìn thể diện của Đảng thì ông Tô Lâm – với xuất thân từ ngành công an – lại coi trọng việc xử lý nghiêm mọi sai phạm, không để lọt bất kì ai, kể cả những lãnh đạo cấp cao nhất.
"Có lẽ Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng việc để các lãnh đạo được rút lui trong danh dự là chưa đủ để thực thi kỷ luật Đảng, cần phải có một hình thức kỷ luật. Khi Trung ương Đảng họp để chuẩn bị công tác cho Đại hội 14, việc kỷ luật ba lãnh đạo từng ở trong Tứ Trụ là thông điệp rõ ràng về một tiêu chuẩn mới trong việc xử lý các đảng viên vi phạm, ngay cả những lãnh đạo cao nhất cũng không là ngoại lệ," Giáo sư Thayer nhận định.
Theo ông Thayer, Tổng Bí thư Tô Lâm còn muốn gửi thông điệp rằng bất cứ ai muốn thách thức ông hoặc ban lãnh đạo mới thì trước hết cần xem bản thân có vấn đề gì không đã.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị 12 vào ngày 19/7, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14.
Ông cũng nhấn mạnh phải có giải pháp, biện pháp hiệu quả để hạn chế, sớm khắc phục tình trạng nhân sự vừa được bầu vào Trung ương Đảng hoặc mới được quy hoạch, bổ nhiệm đã phải xem xét kiểm điểm, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Ông Tô Lâm hiện đang trong quá trình xây dựng liên minh nhằm được bầu làm người đứng đầu Đảng trong nhiệm kỳ 5 năm tại Đại hội 14 vào tháng 1/2026. Các ưu tiên của ông là hoàn tất 'cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy' đúng thời hạn và tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp trong năm nay.
"Bằng việc tước bỏ các chức vụ trong quá khứ của ông Phúc, ông Thưởng và ông Huệ, Tổng Bí thư Tô Lâm muốn thể hiện mình là một lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán. Đồng thời, ông cũng đặt ra tiêu chuẩn lựa chọn lãnh đạo cho Đại hội 14, không để lọt những người mắc khuyết điểm," Giáo sư Thayer đánh giá.

Trước đây, đối với hai trường hợp cựu ủy viên Bộ Chính trị bị cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng là ông Lê Thanh Hải và ông Trương Hòa Bình, Trung ương Đảng đều kết luận là do vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Đối với ba ông Phúc, Thưởng, Huệ bị cách chức, thông cáo chí nêu ngắn gọn: "Ban chấp hành Trung ương quyết chí định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ".
Có một điểm đáng chú ý là thoạt tiên, một số tờ báo điện tử vào chiều 19/7 đã giật tít với nội dung các ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ bị cách hết chức vụ trong Đảng. Tuy nhiên, chỉ trong chốc lát, các bài viết này đã biến mất, thay vào đó là các bài viết với dòng tít "đồng phục" giới thiệu Thông báo tổng kết Hội nghị trung ương 12 và toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Việc báo chí được định hướng không nêu đậm sự kiện ba ông Phúc, Thưởng, Huệ bị kỷ luật có thể là chủ trương của tổng bí thư trong việc bình thường hóa việc xử lý các Đảng viên vi phạm, kể cả cựu lãnh đạo trong Tứ Trụ.
Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC rằng việc bị cách hết tất cả các chức vụ đồng nghĩa với việc các ông Phúc, Thưởng, Huệ sẽ mất đi nhiều đặc quyền vốn có trong một hệ thống chính trị vẫn dành sự kính trọng lớn đối với "các bậc lão thành cách mạng", ngay cả khi họ không còn giữ chức vụ chính thức.
"Với cú hạ đo ván từ ông Tô Lâm, giờ đây, họ đã không còn vị thế đó nữa."
Tin liên quan

Di sản Nguyễn Phú Trọng: Lò cháy thế nào dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm?20 tháng 7 năm 2025

Di sản Nguyễn Phú Trọng: Thống nhất quyền lực về tay Đảng Cộng sản17 tháng 7 năm 2025

Di sản Nguyễn Phú Trọng: thăm Nhà Trắng, 'thay đổi vĩnh viễn quỹ đạo quan hệ Việt - Mỹ'19 tháng 7 năm 2025

Khai trừ Đảng cựu Bộ trưởng Kim Tiến: Đòn chống lãng phí của ông Tô Lâm19 tháng 7 năm 2025

Ngôi sao Vương Đình Huệ: từ hào quang đến bóng tối hậu trường14 tháng 6 năm 2025

Cách tất cả chức vụ ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ19 tháng 7 năm 2025
No comments:
Post a Comment