Cuộc tranh luận về cơ cấu quyền lực của Trung Quốc sẽ có tác động sâu rộng
Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Debate on China’s power structure to have far-reaching effects,” Nikkei Asia, 17/07/2025.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
21/07/2025
NghiencuuQT

Những người ở trung tâm đầu não của Đảng Cộng sản Trung Quốc đột nhiên bắt đầu thảo luận về những tác động tiêu cực do quyền lực khổng lồ mà nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình tích lũy được gây ra.
Vấn đề chính đang được thảo luận là một số tổ chức của đảng, do Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Tập Cận Bình đứng đầu, đã dần trở nên cồng kềnh và lạm quyền.
Chủ đề này nổi lên sau khi Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp đầu tiên sau khoảng hai tháng vào ngày 30/06. Bộ Chính trị hiện bao gồm 24 thành viên cấp cao nhất của đảng.
Theo thông báo, ban lãnh đạo đã quyết định ban hành “quy định mới về công tác của các thể chế ra quyết định, thảo luận, và điều phối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.”
Các chi tiết về quyết định của Bộ Chính trị, vốn sẽ ảnh hưởng đến tương lai chính trị của Trung Quốc, đang dần được hé lộ.
Các tổ chức đảng địa phương rất nhạy cảm với bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong luồng gió chính trị thổi qua Trung Nam Hải, trung tâm chính trị của Trung Quốc đặt ở Bắc Kinh.

Theo các nguồn tin am hiểu tình hình chính trị và kinh tế Trung Quốc, các quan chức cấp cao của đảng tại địa phương đã bắt đầu quan ngại sâu sắc về diễn biến chính trị ở Bắc Kinh vào khoảng nửa đầu tháng 6.
Các nguồn tin cũng giải thích cách không khí đã thay đổi nhanh chóng, dẫn chứng các ví dụ về Thượng Hải, Sơn Đông, và các địa phương khác. Tỉnh Chiết Giang, vốn đã trở thành một trong những thành trì then chốt của Tập khi Tổng Bí thư lên nắm quyền lãnh đạo cao nhất trong hệ thống của đảng, cũng không phải là ngoại lệ.
Ngày 07/07 vừa qua, một cuộc họp của các quan chức cấp cao của đảng tại Chiết Giang đã được tổ chức để truyền đạt và nghiên cứu “quy định mới về công tác của các thể chế ra quyết định, thảo luận, và điều phối của Ban Chấp hành Trung ương.”
Cuộc họp tại Chiết Giang, do Tỉnh trưởng Vương Hạo chủ trì, diễn ra chỉ một tuần sau khi Bộ Chính trị thảo luận về các quy định được đề xuất.
Các quy định mới này đặt ra ranh giới mà các tổ chức đảng không được phép vượt qua.
Điều đáng chú ý là cuộc họp Chiết Giang đã đưa ra lời giải thích bổ sung về quyết định của Bộ Chính trị, mà trước đó không có trong thông báo chính thức ngày 30/06.
Tài liệu này cho biết các thể chế ra quyết định, thảo luận, và điều phối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ được “đơn giản hóa và tinh gọn.”
Sau khi Tập lên nắm quyền lãnh đạo đảng vào năm 2012, Trung Quốc đã nhanh chóng củng cố quyền lực của các tổ chức đảng, dẫn đến việc họ can thiệp sâu vào các chi tiết thực tế của việc hoạch định chính sách, bao gồm cả vấn đề nhân sự và ngân sách.
Kết quả là, Quốc vụ viện, tức chính quyền trung ương Trung Quốc, đã nhanh chóng mất đi thẩm quyền hoạch định chính sách.
Một số tổ chức đảng và chính phủ thậm chí còn được sáp nhập. Trong một lần tái cơ cấu, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, một cơ quan quan hệ công chúng của chính phủ, đã được sáp nhập vào Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng.
Nguyên tắc tối thượng là ưu tiên đảng đã lan rộng đến cấp tỉnh. Khi các thể chế ra quyết định, thảo luận, và điều phối của Ban Chấp hành Trung ương có thay đổi, các tổ chức đảng địa phương trên khắp cả nước cũng chịu áp lực phải làm theo.
Giờ đây, đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc đang muốn đảo ngược tiến trình và ngăn chặn các tổ chức quốc gia và địa phương vượt quá thẩm quyền của mình.
Những nỗ lực này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái và các xu hướng tiêu cực khác đang hình thành, chí ít một phần là do tác động của việc một số tổ chức trở nên cồng kềnh và lạm quyền.
Tại cuộc họp cuối tháng trước, Bộ Chính trị đã công khai nhận định của mình về những tác hại này. Giờ đây, các ủy ban quản lý có thể phải đối mặt với việc cắt giảm nhân sự và ngân sách.
Điều đáng ngạc nhiên là bất chấp quyền lực tập trung của Tập, một số thành viên Bộ Chính trị đã khởi xướng đề xuất này bằng cách lên tiếng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về định hướng của đất nước.
Tại cuộc họp Bộ Chính trị gần đây do Tập chủ trì, tất cả các thành viên tham dự đều chấp thuận việc điều chỉnh hướng đi tại một số tổ chức đã trở nên cồng kềnh.
Tất cả 24 thành viên Bộ Chính trị, trừ một người, bao gồm 7 thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cao nhất, được cho là đã tham dự cuộc họp.

Theo đoạn phim ghi lại cuộc họp của Bộ Chính trị được tổ chức cùng ngày, Tướng Hà Vệ Đông đã vắng mặt.
Đoạn phim cũng cho thấy Tướng Lưu Chấn Lập và Tướng Trương Thăng Dân, cả hai đều là thành viên của Quân ủy Trung ương, ngồi ở hàng ghế phía sau Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp.
Lưu Chấn Lập và Trương Thăng Dân đã không tham dự cuộc họp trước đó vào ngày 25/04. Điều này cho thấy nội dung cuộc họp mới nhất của Bộ Chính trị sẽ ảnh hưởng đến Quân Giải phóng Nhân dân, quân đội của đảng.
Vấn đề liên quan đến quá trình ra quyết định, thảo luận, và điều phối của Ban Chấp hành Trung ương chắc chắn cũng ảnh hưởng đến công tác nhân sự của đội ngũ lãnh đạo.
Một trong những thay đổi nhân sự quan trọng liên quan đến Mã Hưng Thụy, Ủy viên Bộ Chính trị và là phụ tá thân cận của Tập. Thay đổi này đã bất ngờ được công bố vào ngày 01/07, chỉ một ngày sau cuộc họp mới nhất của Bộ Chính trị.
Cụ thể, Trần Tiểu Giang sẽ kế nhiệm Mã làm quan chức đứng đầu Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, ở tây bắc Trung Quốc. Trước đó, Trần từng giữ chức Phó Trưởng Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương.
Việc bổ nhiệm Trần vào một vị trí chủ chốt ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc đối với các dân tộc thiểu số đã gây bất ngờ cho nhiều người, bởi khác với người tiền nhiệm, Trần không phải là thành viên Bộ Chính trị.

Mặt khác, vẫn chưa rõ Mã sẽ đảm nhận chức vụ mới nào trong tương lai. Thông báo thay đổi nhân sự chỉ nói ngắn gọn rằng ông “sẽ được giao một nhiệm vụ khác.”
Những thay đổi về mặt nhân sự liên quan đến Mã và Trần dường như cũng là một phần trong kế hoạch chuẩn bị cho những diễn biến sắp tới trong tình hình chính trị Trung Quốc.
Dự kiến sẽ có những thay đổi nhân sự đáng kể liên quan đến các ủy viên Bộ Chính trị vào mùa hè này hoặc muộn hơn. Nguyên nhân là do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 hiện tại sẽ tổ chức hội nghị trung ương bốn vào cuối năm nay.
Các cải cách thể chế của Ban Chấp hành Trung ương Đảng không chỉ ảnh hưởng đến “an ninh quốc gia” theo định nghĩa rộng của Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách đối ngoại và kinh tế.
Trung Quốc dường như đã bắt đầu chuyển hướng sang mặt trận ngoại giao.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio bên lề một hội nghị quốc tế tại Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia, vào ngày 11/07.
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm nay. Cuộc gặp được tổ chức bất chấp việc Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Rubio vào năm 2020, bao gồm lệnh cấm nhập cảnh vào Trung Quốc đối với nhân vật có lập trường cứng rắn chống Trung Quốc này. Giờ đây, sự chú ý sẽ đổ dồn vào một cuộc gặp trực tiếp có thể diễn ra giữa Tập và Trump.
Chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với Nhật Bản cũng có dấu hiệu mềm mỏng hơn.
Ngày 11/07 vừa qua, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, người phụ trách đàm phán thương mại với Mỹ, đã đến thăm Nhật Bản nhân Ngày Quốc gia Trung Quốc (China’s National Pavilion Day) tại Triển lãm Thế giới năm 2025 tổ chức ở Osaka.
Cùng ngày, ông đã gặp Hiroshi Moriyama, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản. Moriyama cũng là người đứng đầu một nhóm nghị sĩ Nhật Bản liên đảng phái, những người đã thúc đẩy quan hệ hữu nghị Nhật-Trung.
Vấn đề buôn bán thịt bò đã được đề cập trong cuộc trò chuyện của họ. Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu thịt bò Nhật Bản từ năm 2001 do dịch bệnh bò điên.

Phó Thủ tướng Hà đã truyền đạt ý định của Trung Quốc về việc sắp xếp để nối lại nhập khẩu thịt bò Nhật Bản; một thỏa thuận song phương về kiểm dịch và thú y cần thiết cho động thái này cũng đã có hiệu lực vào ngày 11/07.
Diễn biến liên quan đến hoạt động buôn bán thịt bò cho thấy một bước tiến nhỏ trong lập trường của Trung Quốc đối với Nhật Bản sau khi nước này dỡ bỏ một phần lệnh cấm nhập khẩu hải sản Nhật vào cuối tháng 6.
Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm để đáp trả việc Nhật Bản xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi hồi năm 2023.
Loạt động thái gần đây của Trung Quốc cũng liên quan đến màn dạo đầu cho một cuộc chiến chính trị xoay quanh việc cải tổ Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại đại hội đảng toàn quốc lần thứ 21 vào năm 2027.
Lịch sử cho thấy rằng các sự kiện quan trọng quyết định kết quả chung của các cuộc chiến chính trị thường diễn ra hai năm trước kỳ đại hội toàn quốc.
Sự kiện tiếp theo trong lịch trình chính trị của Trung Quốc là cuộc họp thường niên của đảng tại Bắc Đới Hà, một khu nghỉ dưỡng ven biển ở tỉnh Hà Bắc. Cái gọi là mật nghị Bắc Đới Hà này là một sự kiện không chính thức, nơi các nhà lãnh đạo đương nhiệm và các bậc lão thành đã nghỉ hưu thảo luận các vấn đề quan trọng. Nó dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng tới.
Sẽ không có nhiều sự kiện chính trị được tổ chức công khai trước cuộc họp ở Bắc Đới Hà, nhưng sẽ có rất nhiều hoạt động chính trị diễn ra ở hậu trường. Giống như chi tiết của cuộc họp Bộ Chính trị gần đây nhất, ảnh hưởng của chúng có thể dần trở nên rõ ràng.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
No comments:
Post a Comment