Chúng ta đang bước vào giai đoạn hậu ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa
Phạm Ngọc Hưng
20-7-2025
Tiengdan
Ngày hôm qua, việc báo quốc doanh gỡ tin bài về kỷ luật các lãnh đạo cũ sau khi phát hiện trùng ngày mất của cố TBT Nguyễn Phú Trọng, đã nhanh chóng trở thành trend trên facebook.
Tuy nhiên, trend ‘thanh trừng người ông Trọng’ chỉ là chuyện câu like, che khuất những tín hiệu quan trọng hơn trong bài phát biểu của ông TBT Tô Lâm.
1. Những gì để lộ qua ngôn từ
Thống nhất phong cách từ trước tới nay, bài phát biểu tiếp tục vắng bóng ngôn ngữ kinh điển Mác Lê, không có cả “tư tưởng Hồ Chí Minh”, thay vào đó là “động lực tăng trưởng mới”, “chuyển đổi số”…
Cụm từ “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, vốn là bản mệnh chính trị trước nay chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong phát biểu khai mạc đã không được nhắc lần nào trong bài này.
Hai điểm trên đây củng cố nhận xét trước nay của tôi: TBT Tô Lâm đã chủ động rút lõi ý thức hệ Mác Lê, giải thiêng những tín điều cũ để định hình một tư tưởng lấy pháp trị — hành chính làm trục trung tâm.
2. Nắm quyền diễn giải tư tưởng:
Việc hợp nhất ba báo cáo chính trị, kinh tế xã hội và phát triển xây dựng đàng vào làm một (*) là hành động phá vỡ phân tầng phản biện cũ, chiếm toàn quyền diễn giải thực tiễn, nhằm đưa ra diễn ngôn chính trị duy nhất, một nguồn tư tưởng duy nhất.
Đây là dấu hiệu cho thấy tư tưởng của TBT Tô Lâm có rất ít liên hệ đến cố TBT Nguyễn Phú Trọng.
3. Kiểm soát trục nhân sự chiến lược
Bài phát biểu nhấn mạnh “Phương hướng công tác nhân sự… là văn bản đặc biệt quan trọng” đã nâng phương hướng thành công cụ quyền lực cứng, báo hiệu công tác nhân sự không còn là lựa chọn “thỏa hiệp” theo truyền thống nữa.
Cụm từ “đặt lợi ích quốc gia–dân tộc lên trên hết” là backdoor nhằm chính danh hóa việc chọn người ngoài đảng hoặc ngoài quy hoạch, hoặc gạt người trong đảng nhưng không phù hợp.
Đây là dấu hiệu cho ý thức hệ Mác — Lê không còn là bệ phóng như trước nữa.
4. Nắm toàn quyền nhân sự
Hai cụm từ “kiên quyết không để lọt người không đủ tiêu chuẩn…” và “phải có giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng nhân sự vừa bầu đã phải xử lý kỷ luật” là cách gửi đi thông điệp rằng người đề cử nhân sự phải chịu trách nhiệm cho đề cử của mình.
Nói cách khác, muốn an toàn thì mọi đề cử phải đi qua luồng của TBT Tô Lâm.
5. Một chính phủ được giao quyền
Những cụm từ như “nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước”, “xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động quyết liệt”, “kiên quyết tinh giản tổ chức, giao quyền, cá thể hóa trách nhiệm” cho thấy ý chí đưa chính phủ thành trung tâm hành động chính trị, và thủ tướng có không gian để xây dựng bản sắc riêng.
Đây là bước tách lớp điều hành khỏi lớp tư tưởng — gần giống mô hình kỹ trị Singapore, nơi thủ tướng là CEO của quốc gia.
6. Cuối cùng, một bản preview của chính trị tương lai
Những tín hiệu lộ ra từ bài phát biểu cho thấy một thiết kế chính trị mới đang được thiết lập: Quốc gia trở thành đại doanh nghiệp; chính phủ là cơ quan điều hành và trung ương đảng là hội đồng quản trị.
Trong bàn preview ấy, lý tưởng XHCN sẽ được thay bằng ‘hiệu quả’, bằng ‘năng lực điều hành’ và bằng ‘ứng dụng công nghệ’.
Và đấy chính là những biểu hiện của chính trị thực dụng thời đại mới khi ý thức hệ cũ đã hết thời.
Nói cách khác, chúng ta đang bước vào giai đoạn hậu ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa.
_____
(*) Ba báo cáo sẽ hợp nhất trong một văn bản trình đại hội XIV.
No comments:
Post a Comment