Saturday, July 19, 2025

VNTB – Cam Ranh, cam kết và cơ hội: Đã đến lúc Hà Nội chọn vị thế cho Việt Nam
Vũ Đức Khanh
19.07.2025 8:09
VNThoibao


(VNTB) – Việt Nam cần một quyết định vì Việt Nam, chứ không phải vì một phe nhóm

 Một tuần sau tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Donald Trump về mức thuế 20% đánh lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, 40% cho hàng trung chuyển trá hình có xuất xứ từ Trung Quốc, bầu không khí ở Hà Nội vẫn im lặng khác thường. Truyền thông nhà nước chỉ đưa tin tối giản. Các cơ quan hữu trách thì vẫn “đang tiếp tục phối hợp với phía Mỹ”. 

Tuy nhiên, dưới bề mặt làn sóng ngầm đang dâng cao: cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia, và nhất là người dân — những người mang trên vai giấc mơ thịnh vượng của quốc gia — đang bắt đầu đặt ra câu hỏi lớn hơn: Hà Nội đang có gì trong tay, và liệu có dám chơi bài lớn?

Một đề nghị (có thể) đã được đặt lên bàn

Theo nhiều nguồn tin độc lập từ Washington, phía Hoa Kỳ không chỉ quan tâm đến vấn đề thương mại hay xuất xứ hàng hóa, mà còn đề cập đến một số sáng kiến có tính chất chiến lược: kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng trung chuyển trá hình từ Trung Quốc, mở rộng hợp tác quân sự theo cơ chế tiếp cận định kỳ (có thể áp dụng cho cảng Cam Ranh), tham gia sâu hơn vào các sáng kiến hàng hải khu vực, và phát triển lĩnh vực đất hiếm theo tiêu chuẩn cao.

Dù chưa có xác nhận chính thức nào từ cả hai phía, điều rõ ràng là Hà Nội đang đứng trước một cơ hội — hoặc thách thức — mang tính bước ngoặt: duy trì mô hình “đu dây” cũ, hay tái định hình vị trí chiến lược quốc gia trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng?

Không còn là bài toán giữa hai cường quốc

Việt Nam không phải là người chơi duy nhất đang bị “soi” trong bàn cờ địa chính trị. Cạnh tranh Mỹ–Trung đã định hình lại toàn bộ cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Các quốc gia trung bình như: Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore… đều đang tận dụng làn sóng “tránh Trung” để nâng cấp vị thế, ký kết các hiệp định chiến lược, và thúc đẩy cải cách nội tại. 

Việt Nam — với vị trí địa lý quan trọng, dân số trẻ, tiềm năng công nghệ, và nền tảng sản xuất mạnh — lẽ ra phải là ngôi sao sáng nhất trong nhóm đó. Nhưng chúng ta đang hụt hơi. Việt Nam là quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ tư với Mỹ (sau Mexico, Trung Quốc và Ireland). 

Chúng ta có FTA với EU, CPTPP, và là một phần của RCEP. Nhưng nếu không chứng minh được mình là đối tác đáng tin cậy, Hà Nội sẽ tiếp tục bị đánh giá là “trung chuyển trá hình” hơn là một cường quốc sản xuất thực thụ.

Tư thế quốc gia không thể bị trói buộc bởi nỗi sợ

Việt Nam cần hợp tác với Trung Quốc — điều đó không ai phủ nhận. Nhưng hợp tác không đồng nghĩa với lệ thuộc. Nếu vì sợ phản ứng từ Bắc Kinh mà né tránh mọi hành động chiến lược — dù hợp pháp và chủ quyền — thì đó không còn là chính sách cân bằng, mà là tự giới hạn mình.

Các quốc gia như Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, thậm chí Philippines đều cho phép tàu chiến Mỹ tiếp cận cảng theo cơ chế định kỳ. Họ vẫn giữ nguyên lập trường không liên minh, không căn cứ, không khiêu khích ai — nhưng họ đã tự chọn được vị thế chiến lược vững vàng.

Cam Ranh có thể là một quân bài chiến lược của Việt Nam — nếu được chơi đúng lúc, đúng cách.

Lòng dân đã chọn, Hà Nội còn chờ gì?

Thăm dò không chính thức trên mạng xã hội, các diễn đàn chuyên gia, và phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp đều cho thấy: tâm lý “xa Trung, gần Mỹ” đang ngày càng trở thành một xu hướng chủ đạo, nhất là sau các động thái mạnh tay của Bắc Kinh trên Biển Đông và các biện pháp “phạt ngầm” trong chuỗi cung ứng.

Hơn lúc nào hết, người dân mong muốn một Việt Nam độc lập, chủ động, và sẵn sàng chọn lộ trình cải cách vì quyền lợi quốc gia — chứ không tiếp tục bị trói buộc bởi những toan tính nội bộ hay nỗi ám ảnh về “ổn định chính trị”. Không ai muốn đối đầu nhưng ai cũng hiểu: trì hoãn lựa chọn sẽ không giúp đất nước an toàn hơn. Trái lại, nó sẽ khiến chúng ta mất cơ hội đàm phán, mất vị thế, và dần bị cô lập trong một trật tự đang tái định hình.

Lời nhắn gửi đến những người đang nắm quyền

Nếu có điều gì có thể củng cố lại niềm tin giữa người dân và nhà nước, thì đó chính là một chiến lược đối ngoại rõ ràng, dũng cảm, và thực sự đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Không cần những tuyên bố màu mè, chỉ cần một hành động đủ mạnh — chẳng hạn, tái khẳng định nguyên tắc chủ quyền trong tiếp cận Cam Ranh, đưa chuỗi cung ứng Việt Nam ra khỏi vùng xám, và nâng cao tiêu chuẩn hợp tác đất hiếm theo quy chuẩn G7. Nếu không tận dụng được cơ hội trong vòng hai tuần tới — khi đàm phán với Mỹ bước vào giai đoạn nước rút — thì không chỉ là mất một ưu đãi thuế quan. Mà có thể là đánh mất cả một thế hệ cơ hội.

Việt Nam cần một quyết định vì Việt Nam. Không phải vì một phe nhóm.

No comments:

Post a Comment