Saturday, July 19, 2025

Nguyễn Thông - Chuyện thương binh liệt sĩ (1)
vendredi 18 juillet 2025
Thuymy


Tôi vừa đọc bài của bác nhà văn cựu binh Đỗ Trung Lai, một cây đề trong làng văn chương đương đại xứ ta. Bác ấy viết về người chị dâu, vợ liệt sĩ Đỗ Trung Cẩn anh trai bác. Đọc xong tôi ứa nước mắt, khóc. Thương con người, thương dân tộc mình. Cào phím biên mấy dòng. Lần đầu tiên trong đời tôi viết hai câu sai ngữ pháp, thiếu chủ ngữ.

Đang tháng 7 tây, năm Việt Nam dân chủ cộng hòa thứ 80. Hôm nay đã ngày 18, còn 9 ngày nữa là 27.7, ngày Thương binh - Liệt sĩ, dân quen mồm bỏ bớt dấu gạch ngang, gọi thành "ngày thương binh liệt sĩ".

Tháng 7 nói chung, tuần trước "ngày" và nhất là trong "ngày", cả nước nghi ngút khói hương, đặc biệt những trọng điểm tâm linh như nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Vị Xuyên. Thương binh và gia đình liệt sĩ lại bổi hổi bồi hồi nhớ thương trong tháng 7.

Theo quy định của nhà nước, ngày 27.7 lịch dương là ngày tưởng nhớ biết ơn liệt sĩ - thương binh, một dạng lễ kiểu lịch âm, tưởng nhớ người đã khuất. Dĩ nhiên không phải ai chết cũng được nhớ dù cuộc chiến tranh năm xưa, binh đao máu đổ làm chết biết bao người. Có rất nhiều hồn ma, người cụt người què khốn khổ bị chôn vùi, quên lãng, chỉ bởi họ bị xô đẩy vào trận tương tàn và bị thua cuộc. Đánh nhau do ý thức hệ thì sự phân biệt cũng từ ý thức hệ.

Xứ ta thời hậu chiến, lực lượng thương binh (của bên thắng) là một dạng vết thương xã hội, lâu lâu gặp khi trái gió trở trời lại sưng tấy, mưng mủ, đau nhức. Một loại đối tượng rất nhạy cảm, nếu không có chính sách đối xử hợp lý hợp tình sẽ dễ sinh chuyện. Điều ấy cắt nghĩa vì sao chính quyền từng phải có hẳn một bộ gọi tên “Lao động - Thương binh - Xã hội” (giờ đất nước vào kỷ nguyên mới thì bị đổi rồi), tức là thương binh được xem như một đơn nguyên ngang hàng với “lao động” và “xã hội”.

Cuộc chiến tranh đã lùi hơn 50 năm, tuy nhiên vấn đề thương binh sẽ còn phải kéo dài vài chục năm nữa. Mai ngày từ “thương binh” sẽ chỉ còn trong quá vãng (mong như thế, đừng bao giờ chiến tranh nữa), những chiếc xe tự chế, những tổ hợp 27.7, nhưng cơ thể “tàn nhưng không phế”, những chính sách ưu tiên, và cả những phũ phàng trong sự đối xử với người có công, v.v…sẽ thưa vắng và tắt dần. Cũng chưa biết rồi cuộc sống, xã hội không còn thương binh sẽ như thế nào, chi bằng lúc này đây, khi thương binh vẫn hiện diện như một thực thể bằng xương bằng thịt, cứ giải quyết sao cho có lý có tình.

Cả với gia đình liệt sĩ, gia đình và người có công với cách mạng cũng vậy, đừng như gia đình liệt sĩ thiếu tướng Hoàng Sâm (từng là đội trưởng đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của quân đội) mà dư luận đang quan tâm. Nhà văn Phạm Việt Long và con trai thiếu tướng Sâm là Hoàng Sùng vừa có bài kể lại, rất buồn. Ai chưa tỏ cứ hỏi bác Long.

Trước hết, nói về thương binh. Tôi luôn kính trọng những người đã đổ máu hy sinh. Vẫn hiểu rằng cuộc chiến tranh mà họ tham gia có rất nhiều uẩn khúc, nhưng thời thế đã vậy, phận làm trai phải ra nơi chiến địa, "gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao". Bên thắng giành được phần thắng, điều đương nhiên phải trả món nợ máu xương cho thương binh liệt sĩ.

Phải công bằng nhận xét thế này : Nhà nước đã có rất nhiều ưu đãi cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, nhưng cũng còn không ít sự đối xử phũ phàng. Nhiều người từng bỏ lại phần thân thể ở chiến trường khi trở về quê nhà vẫn chịu cảnh đối xử bất công, cuộc sống cơ hàn, nghèo khó, phận dưới đáy xã hội.

Nói đâu xa, một nhân vật mà nhiều người biết, nhà văn nhà thơ Hoàng Cát (đã mất), tác giả truyện ngắn nổi tiếng “Cây táo ông Lành”, cụt chân ở chiến trường Quảng Đà, suốt mấy chục năm hậu chiến phải vất vưởng sống vỉa hè, mọi chế độ thương tật bị cắt bỏ, không được thừa nhận là thương binh, dù chỉ còn một chân, mà lý do chính chỉ là cái án văn vớ vẩn. Mãi sau này, người ta mới phục hồi quyền lợi cho ông, lúc ấy cũng muộn rồi. Chả khác gì bê đĩa cơm sườn hoặc bát canh xương ống mời một ông rụng hết răng, bảo mời bác xơi cơm.

Dạng được đối xử ân cần như bác thương binh nặng nhà văn Sơn Tùng (đã mất) hiếm lắm. Ai muốn biết cách nhà nước đền ơn thương binh thế nào, nên đọc những cuốn sách của cô Phan Thúy Hà, như "Tôi là con gái của cha tôi", "Những trích đoạn của các anh".

Tôi có ông bác, cụ Nguyễn Phẩm Bình cán bộ tiền khởi nghĩa, còn những giấy tờ, chứng cứ về những hoạt động, đóng góp cho cách mạng. Khi nhà nước thực hiện chính sách người có công tiền khởi nghĩa thì cụ đã mất, con cháu ôm hồ sơ tới đủ cửa nhưng người có trách nhiệm cứ lờ đi, thậm chí còn gợi ý này nọ. Rồi con cũng mất, cháu lại đòi tiếp, vẫn không được. Chả biết đến bao giờ.

Chính quyền muốn tường tận vụ việc này cứ về thôn Trà Phương, xã Kiến Thụy (mới) hỏi cháu ruột cụ là Nguyễn Hữu Cộng. Tôi từng viết chuyện này mấy lần, người chức việc nhà nước đọc biết cả nhưng lờ đi, mà suốt ngày chỉ nhăm nhe săm soi tìm tòi xem tôi có điều gì trái ý họ không rồi làm khó dễ. Hình như đối với họ, số phận của một cán bộ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa chả là gì, chả đáng quan tâm.

Ở một nước trải qua hết cuộc chiến tranh này tới cuộc đánh nhau khác, hết trong nhà đánh nhau lại tới đánh với “bạn” ngoài, đội ngũ thương phế binh nhiều vô kể. Chỉ kể riêng cuộc chiến 1954-1975, khi chiến tranh kết thúc, bên thắng đương nhiên có chính sách đãi ngộ thương binh, còn thương phế binh phe bại trận tuyệt đối không chút quan tâm gì, cũng là điều dễ hiểu. Nếu có chăng, chỉ được lờ đi, sau đó tự lang thang bến tàu bến xe kiếm sống bằng sự què cụt của mình.

Nhiều năm sau “giải phóng”, ở miền Nam nhan nhản những hình ảnh thương phế binh chịu thân phận sống dưới đáy xã hội như vậy. Được làm vua, thua chịu thiệt. Tới ngày 27.7, có lẽ họ là người ngậm ngùi thân phận nhất. Đọc cuốn sách “Những trích đoạn của các anh” của chị Phan Thúy Hà, tôi càng rõ thêm. Tôi thương quý các chú các anh thương binh, gia đình liệt sĩ (như trường hợp nhà thiếu tướng Hoàng Sâm và nhà bác Đỗ Trung Lai) và thấy tội nghiệp cho phế binh. Đều là con người cả.

(Còn tiếp)

NGUYỄN THÔNG 18.07.2025

No comments:

Post a Comment