VNTB – Cho trẻ học tiếng Anh sớm: có lợi nhưng cũng có bất cậpPhú Nhuận
20.07.2025 2:52
VNThoibao

Không phủ nhận vai trò quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống, nhưng việc cho con trẻ học tiếng Anh sớm, có lợi nhưng cũng có sẽ có bất cập khi tiếng mẹ đẻ chưa rành, đã vội học một ngoại ngữ mới. Tuy nhiên, dẫu biết vậy, cũng sẽ khó cho lựa chọn của phụ huynh. Nếu không học tiếng Anh sớm, con em mình sẽ theo kịp đồng trang lứa khi vào tiểu học? Và nếu như câu trả lời là không, liệu rằng đứa trẻ có bị thầy cô coi thường, vô hình trung, thành “kẻ lạc loài” giữa cộng đồng?
Tiếng Anh, ngôn ngữ mà nhiều người ví von là dùng để hội nhập. Đây cũng là ngoại ngữ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Chính vì điều đó, nhiều trường, trong đó có mầm non (dành cho những trẻ 4 – 5 tuổi, tương đương lớp Chồi, lớp Lá) và cấp 1 cũng đã đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy.
Nhiều phụ huynh cũng cho con em mình theo học. Suy nghĩ thoáng, giải thích vì sao cho con đi học ngoại ngữ từ bậc mầm non, một số phụ huynh cho rằng cho con em có chút “khái niệm” về ngôn ngữ này. Một số khác xuất phát từ lo lắng, nếu không được học trước, liệu rằng khi vào bậc Tiểu học, con em mình có theo kịp những bạn bè khác?
Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở khi tiếng Anh đã được đưa vào chương trình giảng dạy ngay từ lớp 1. Mặc dù theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học các môn ngoại ngữ tự chọn ở lớp 1 và lớp 2. Tuy nhiên, khi lên lớp 3, 4, 5, các môn này sẽ là bắt buộc.
Cũng xin được nói thêm về môn tự chọn. Môn tự chọn là những môn học mà học sinh hoặc sinh viên được quyền lựa chọn, không bắt buộc phải học, khác với các môn học bắt buộc. Nói một cách dễ hiểu, học sinh lớp 1, 2 với tiếng Anh là môn tự chọn thì có thể “không chọn học”. Tuy nhiên, nếu đã quyết định như vậy và còn không được học trước ở bậc mầm non như những đứa trẻ khác, liệu rằng, khi bước vào lớp 3, sẽ như thế nào?
Học tiếng Anh sớm, khi học sinh còn nhỏ, là một cái lợi. Bởi, với lứa tuổi đó, các em tựa như một tờ giấy trắng, chưa lem mực nên việc tiếp thu và nhớ một ngôn ngữ mới sẽ tốt và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu các em tiếp cận trúng môi trường học chưa chuẩn, ví dụ như giáo viên phát âm sai, sẽ không dễ dàng gì thay đổi, cần có khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, ngôn ngữ không chỉ là công cụ truyền đạt thông tin. Đối với trẻ nhỏ, ngôn ngữ còn là nền móng để hình thành bản sắc cá nhân; phát triển khả năng tư duy, phản biện trước một (hoặc nhiều) vấn đề; kết nối cộng đồng, xã hội. Chính vì thế, việc được nuôi dưỡng một cách đầy đủ tiếng mẹ đẻ trước khi bước vào ngôn ngữ thứ hai sẽ là một điều thật sự cần thiết.
Có ý kiến phản biện rằng, tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ ngay từ khi sinh ra đã được biết đến thông qua những lời ru của gia đình; những bài nhạc; những giao tiếp hằng ngày. Điều đó là không sai, nhưng chưa hẳn đúng hoàn toàn. Bởi, những hành động đó sẽ mới chỉ cung cấp cho trẻ một lượng từ vựng, ngôn ngữ nhất định cho trẻ, chưa chắc trẻ sẽ ứng dụng những điều đó vào thực tế một cách chính xác, đúng hoàn toàn các ngữ cảnh. Trẻ nói tiếng mẹ đẻ chưa vững nhưng lại kỳ vọng sử dụng ngôn ngữ thứ hai một cách trôi chảy có thể sẽ gặp khó khăn trong diễn đạt cảm xúc, có xu hướng thu mình, bắt chước một cách máy móc hay sẽ sử dụng ngôn ngữ, nói bình dân kiểu “nửa nạc nửa mỡ”.
Giáo sư Jim Cummins tại Đại học Toronto đã phân biệt rất rõ hai cấp độ ngôn ngữ. Một là ngôn ngữ giao tiếp bề mặt, thường phát triển nhanh nếu trẻ được tiếp xúc thường xuyên. Hai là ngôn ngữ học thuật và cảm xúc, cần thời gian, trải nghiệm và sự hướng dẫn tinh tế để hình thành. Cũng theo ông, nền tảng ngôn ngữ mẹ đẻ mạnh mẽ giúp trẻ dễ dàng chuyển giao sang ngôn ngữ thứ hai mà không bị rối loạn trong diễn đạt và tiếp thu.
Không phủ nhận vai trò quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc cho con trẻ học tiếng Anh sớm, có lợi nhưng cũng có sẽ có bất cập khi tiếng mẹ đẻ chưa rành, đã vội học một ngoại ngữ mới. Tuy nhiên, dẫu biết vậy, cũng sẽ khó cho lựa chọn của phụ huynh. Nếu không học tiếng Anh sớm, con em mình sẽ theo kịp đồng trang lứa khi vào tiểu học? Và nếu như câu trả lời là không, liệu rằng đứa trẻ có bị thầy cô coi thường, vô hình trung, thành “kẻ lạc loài” giữa cộng đồng?
No comments:
Post a Comment