Nguyễn Hồng Vũ - Ngộ độc khí thải ô tô khi đang chạy, có đáng để hoang mang ?
samedi 19 juillet 2025
Thuymy
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, hai bệnh nhi được chẩn đoán, theo dõi viêm phổi hít/Ngộ độc khí thải ô tô và xử trí: thở oxy, truyền dịch, kháng sinh, theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn.”
Đây là thông tin tràn ngập các mặt báo trong những ngày gần đây làm dư luận xôn xao và không ít người hoang mang khi đang sử dụng xe ô tô chạy xăng ! Vậy thực sự ngồi trong ô tô chạy xăng có còn an toàn hay không ?
Thực ra thì, tai nạn như báo nói trên hiếm còn hơn các bạn trúng vé số Vietlott, xác suất xảy ra để bị nhiễm độc do khí thải ô tô chạy xăng khi đang di chuyển trên đường sau 1 tiếng khởi hành gần như bằng 0 ! Phân tích dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn tại sao như vậy :
Từ góc độ kỹ thuật ô tô, y khoa, và môi trường thực tế, khả năng này cực kỳ thấp, thậm chí phi lý !
𝟏. Cấu tạo xe hơi : Khí thải không thể dễ dàng lọt vào cabin
Hệ thống xe hơi hiện đại được thiết kế để cách ly tuyệt đối khoang hành khách với khí thải động cơ. Cụ thể :
- Ống xả được dẫn ra phía sau xe, hướng xa cabin.
- Cabin xe kín khí, có hệ thống lọc không khí.
- Quạt điều hòa thường hút khí ngoài trời, có bộ lọc cabin (cabin air filter).
Tiêu chuẩn khí thải (Euro 4 trở lên ở Việt Nam) đảm bảo khí thải chứa rất ít CO và NOx nếu xe không bị hư hỏng.
𝟐. Xe đang di chuyển ngoài đường – môi trường thoáng khí, loãng khí thải
Thông tin cho biết xe đang chạy từ Ninh Bình về Hà Nam – một tuyến đường tỉnh lộ, không phải đường hầm hay garage kín. Trong điều kiện xe đang di chuyển :
- Khí thải từ xe được gió cuốn tản đi ngay, không tích tụ.
- Tốc độ di chuyển liên tục tạo dòng không khí đối lưu, rất khó để khí độc quay ngược lại lọt vào cabin.
Do vậy, không giống như trường hợp ngộ độc do để xe nổ máy trong không gian kín (garage, tầng hầm), khi xe di chuyển trên đường rất khó xảy ra ngộ độc khí thải chỉ trong 1 giờ.
𝟑. Ngộ độc khí thải carbon monoxide (CO) cần thời gian phơi nhiễm dài và môi trường đóng kín
- Các tài liệu y học ghi nhận nồng độ CO từ khí thải xe ở mức 400 ppm có thể gây ngất sau 2–3 giờ tiếp xúc liên tục.
- Xe đang chạy, hệ thống xả bình thường, ngoài trời thì lượng CO chỉ khoảng 0-2 ppm. Cabin xe đang chạy có lưu thông không khí liên tục, nồng độ CO nếu có rò rỉ cũng bị pha loãng nhanh chóng -> rất khó có thể nào lên đến mức nguy hiểm !
Tóm lại, thông tin hiện nay chỉ dựa vào chẩn đoán ban đầu, chưa có kết quả xét nghiệm carboxyhemoglobin (COHb) trong máu hay đo nồng độ CO trong khoang xe. Không có hình ảnh kỹ thuật, không xác định loại xe hãng gì, tình trạng bảo trì như thế nào, mức độ hư hỏng, thiết kế hệ thống xả. Do đó, không đủ cơ sở khoa học để kết luận do khí thải ô tô, và càng không nên lan truyền với ngôn ngữ khẳng định.
Dư luận hoang mang, nhiều người lo sợ đi xe ô tô là “bị đầu độc”, trong khi điều này trái ngược hoàn toàn với thực tế hàng triệu người ở Việt Nam và hàng tỉ người trên thế giới đang sử dụng ô tô chạy xăng mỗi ngày một cách an toàn.
Khả năng bị ngộ độc khí thải khi ngồi trên ô tô đang chạy bình thường trong 1 giờ gần như bằng 0, trừ khi xe bị lỗi kỹ thuật nghiêm trọng (rò rỉ khí, va chạm cấu trúc) hoặc chứa dung môi nguy hiểm trong xe, v.v... Việc các cơ quan báo chí đưa tin theo hướng giật gân, thiếu kiểm chứng khoa học dễ gây hoang mang trong cộng đồng.
Thiết nghĩ, các cơ quan y tế và báo chí nên cung cấp thông tin chính xác, có kiểm chứng bằng số liệu đo đạc cụ thể và hồ sơ kỹ thuật xe, thay vì đẩy nhanh kết luận sơ bộ theo cảm tính. Nếu không, dư luận sẽ tiếp tục bị dẫn dắt bởi nỗi sợ không cần thiết – và đánh mất lòng tin vào thông tin chính thống.
NGUYỄN HỒNG VŨ 18.07.2025
Tài liệu tham khảo :
Kerr, H. D. et al. Carbon monoxide in automobiles: epidemiological and physiological aspects of exposure. Environ. Health Perspect. 94, 17–23 (1991).
Ramos, C. G., Yamasaki, H. & Imai, H. Carbon monoxide exposure in vehicles: a comparison between urban traffic and tunnel environments. Atmos. Environ. 35, 6073–6078 (2001).
Chan, C. C. et al. Driver exposure to volatile organic compounds, carbon monoxide, ozone, and nitrogen dioxide under different driving conditions. Environ. Sci. Technol. 25, 964–972 (1991).
House, D. E. & Del Rosario, M. Carbon monoxide levels in passenger compartments of vehicles traveling in an urban area. Arch. Environ. Health 44, 132–137 (1989).
Environmental Protection Agency (EPA). Integrated Science Assessment for Carbon Monoxide (CO). EPA/600/R-09/019F (2010).
No comments:
Post a Comment