Việt Nam đang có tiền đề tốt để thực hiện cuộc lột xác (Bài 2)Trần Văn Chánh
18-8-2024
Tiengdan
19/08/2024
Tiếp theo bài 1
Một vấn đề rất quan trọng được những kẻ ưu tư thời cuộc đặt ra là, người nắm đại quyền hiện nay với tư cách tổng bí thư xuất thân từ một đại tướng công an. Câu hỏi được đặt ra là: Giai đoạn sắp tới nền chính trị Việt Nam sẽ đi theo hướng nào? Tiếp tục thực hiện chính sách công an trị với một cường độ mạnh hơn, hay tiến hành cải cách chính trị-kinh tế-xã hội theo đường hướng dân chủ hóa?
Mấy câu hỏi như vừa nêu trên, nếu thận trọng thì nên tạm thời bỏ ngỏ, khoan vội xác định, phải đợi số xổ ra rồi mới biết.
Tuy nhiên, đã có một tiền đề khách quan cho các điều kiện cải cách chính trị, để Việt Nam có cơ hội lột xác. Đó là qua cuộc thanh trừng nhân sự khốc liệt của thời gian qua, điều mà các đảng CS trên toàn thế giới luôn coi là bí mật cần phải che giấu thì đến nay mọi sự thật đều đã được phơi bày một cách công khai cho mọi người cùng biết (cả đối với nhân dân lẫn cán bộ công nhân viên chức; cả trong lẫn ngoài nước), về bộ mặt thối nát của phần tử lãnh đạo chóp bu.
Mặc dù họ vẫn còn giữ cách nói khéo theo kiểu úp mở, rằng thì là có những nhân vật phải “xin thôi chức” chỉ vì đã vi phạm những điều không được làm, thiếu trách nhiệm nêu gương, thiếu trách nhiệm của người đứng đầu… này khác, nhưng họ không thể thuyết phục được người dân tin theo. Tuy nhiên, nếu nghĩ theo hướng lạc quan thì có thể coi các cuộc thanh trừng vừa qua là điều kiện tiền đề khởi đầu cho một cuộc cách mạng lần thứ hai.
Xét về mặt nào đó, một số đại gia mắc tội hối lộ, thông thầu được biết khá nhiều, đang bị xét xử hiện nay cũng có phần đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách đất nước trong tương lai, trong việc họ vô tình làm sáng rõ/ phơi bày sự thật về một hệ thống chính trị đang cần có sự thay đổi một cách căn bản.
Như cố nhà báo cách mạng lão thành Bến Nghé trước đây đã từng viết cho Lời Bạt của một cuốn sách xuất bản tại Việt Nam về nghề báo: “Sự thật là hạt nhân làm nổ những trái bom thông tin nhằm giải phóng các xã hội ra khỏi sự kiềm tỏa hữu hình và vô hình, đưa con người và đời sống xã hội tiếp cận với chân lý, thức tỉnh thường trực trách nhiệm của giới hữu trách, của mỗi công dân và cộng đồng, vun đắp nhân bản, nuôi dưỡng cái thiện, chống cái ác, cái xấu, cái gian dối”. (Theo ‘Bước vào nghề báo’, NXB Trẻ, ấn bản lần thứ hai, 2003, tr. 372-373).
Từ cuộc đảo chính, một loạt những vụ “cho thôi chức” và tái phối trí kiện toàn các chức danh lãnh đạo đã được tiến hành chớp nhoáng, thần tốc trong những ngày gần đây nhất, đã được chính thức công bố trên các phương tiện truyền thông. Lẽ dĩ nhiên, cuộc đảo lộn lịch sử này cũng làm cho một số người vui và một số người buồn, tùy theo quan điểm đánh giá, bên cạnh không ít quan chức tham nhũng lớn nhỏ các cấp phập phồng lo sợ do “lò lửa” còn có khả năng cao sẽ tiếp tục cháy bùng.
Vấn đề đặt ra là, hiện tượng phái mới thay cho phái cũ thực chất chỉ là một cuộc thanh trừng nội bộ để tranh giành quyền lực hay còn vì những lý do tốt đẹp nào khác? Nếu thuộc vế thứ hai (vì lý do tốt đẹp) thì một cuộc thanh trừng như vậy cũng đáng được mọi người hoan nghênh ủng hộ.
Điều chắc chắn là, phái mới đang lên thay cho nhóm cũ đương nhiên cần phải giương ngọn cờ mới để thu phục công chúng, nếu ngọn cờ là chính nghĩa, nó sẽ như ngọn cuồng phong làm đổ rạp cây cỏ. Bấy giờ, ngay cả những phần tử đối lập dù muốn dù không cũng phải vâng theo, trên cơ sở họ cũng đã dính chấm; vừa sợ vừa sẵn biết những việc cần làm nhưng không dám phát động trước trên cái nền của loại tổ chức chính trị CS khắc nghiệt, làm cho ai cũng phải phát rét bị mất hoàn toàn mọi sáng kiến, thế chủ động và tinh thần trách nhiệm.
Một lý do sâu xa nữa biện minh cho thuyết vừa nêu, đó là giữa những người cho dù có thể đối lập nhau về phương diện lợi quyền, với kinh nghiệm thực tế và lương tri, họ đều có chung một nhận thức giống nhau (gọi là “công thức”), rằng CNXH như những gì trông thấy trên thực tế chẳng qua chỉ là một loại lý tưởng phi hiện thực, nếu không muốn gọi ảo tưởng.
Bằng như ngược lại, nếu phái mới đi theo con đường bất chính, chống lại nhân dân, thì câu trả lời coi như đã có sẵn…
Nhiều người nhận thấy, nhân vật tân tổng bí thư vừa lên ngôi là một người thực dụng chứ không lý thuyết suông như vị tiền nhiệm của ông, nên có tinh thần quyết đoán cao, hễ nói là làm. Có người còn chê ông “võ biền” không thông thạo chính trị-ngoại giao, nhưng đây không phải là điều đáng ngại, vì chắc chắn ông không hành động một mình và cũng không thể hành động một mình, mà phía sau ông còn có những vị “tả phù hữu bật” chưa công khai ra mặt.
Có người còn đặt câu hỏi, nhân vật tân tổng bí thư có khuynh hướng thân Tàu hay thân Mỹ, thì đây cũng là loại câu hỏi hóc búa chờ giải đáp. Nhưng nói chung, có lẽ ông vẫn phải tiếp tục “cây tre” nữa mà thôi, vì ngoại giao uyển chuyển có những khía cạnh rất khôn ngoan của nó, vấn đề là “cây tre” sẽ phải uốn éo theo kiểu mới nào cho thích hợp nhất với thời đại và với quyền lợi của nhân dân. Chính trị là những cái bắt tay bí mật, chứ không phải những lời tuyên bố công khai, nên người ngoài cuộc thường chưa thể đoán định trúng hết mọi điều được.
Ngoài ra, cũng có người trách nhân vật tân tổng bí thư là có óc địa phương, tìm cách đưa những người thuộc cùng phe cánh lên nắm những vai trò chủ chốt, nhưng sự chê trách này xét cho cùng cũng không hoàn toàn chính đáng, bởi một lẽ đơn giản, dễ hiểu là bất kỳ ai chấp chính cũng cần kết tập xung quanh mình những người chịu ủng hộ mình. Còn một số người khác đã bị khai trừ, thời gian qua thì đều có lý do chính đáng, bởi tất cả họ đều đã dính chàm trong cái mẫu số chung tham nhũng của hệ thống chính trị Việt Nam.
Hơn nữa, kết bè kết đảng là một trong những quy luật chính yếu của hoạt động chính trị, cổ kim Đông Tây đều như thế cả.
Nhà văn-quan lại cấp cao Âu Dương Tu (1007-1072) nổi tiếng thời Tống, từng viết bài “Bằng đảng luận” (Luận về bè đảng), đoạn đầu nói thẳng: “Tôi nghe thuyết bè đảng đã có từ xưa, chỉ nhờ ông vua biết phân biệt quân tử hay tiểu nhân mà thôi. Đại phàm quân tử với quân tử thì vì cùng theo đạo nghĩa mà kết bạn với nhau; tiểu nhân với tiểu nhân thì vì cùng mưu lợi mà kết bạn với nhau, lẽ đó tự nhiên”.
Tôi không dám chắc các nhân vật đang lên trong bộ máy cầm quyền Việt Nam hiện tại là thuộc quân tử hay tiểu nhân, chỉ dám hy vọng họ được vừa này vừa kia là cũng tốt lắm rồi. Nhưng có điều, tất cả trong số họ đều đã “thoát nghèo” bằng con đường quan lại, đã được no đủ hơn phần nhiều đám dân dã. Do vậy, làm chính trị bây giờ đối với họ có lẽ không phải chủ yếu để thu vén thêm tài sản (vì như ông “chủ lò” đã từng nhắc nhở các đồng chí, “tiền bạc nhiều để làm gì, chết có mang theo được đâu, danh dự mới là điều quan trọng”), mà vì những lý do danh dự khác, như để thực hiện một cuộc chơi lớn nào đó.
Ngay sau khi nhận chức trách mới, tân tổng bí thư liên tục có những lời phát biểu nơi này nơi khác, đại khái nói, vẫn tiếp tục quyết tâm nối chí người tiền nhiệm, làm trong trạch bộ máy, xây dựng nhà nước pháp quyền… Rồi nào là tiếp tục kiên định con đường đi lên CNXH, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… y như những câu chữ mà vị tiền nhiệm vừa được làm quốc tang nói mãi khi còn sống, nghe riết chán phèo!
Tuy nhiên, đối với người CS, nói một lẽ, còn thực tế họ làm như thế nào lại là lẽ khác. Người đương nhiệm trọng trách năm nay đã khá tuổi, từng lăn lộn trường đời, thâm nhập thực tế cuộc sống, với kinh nghiệm và lương tri, ông thừa biết, nói như nhà văn Lâm Ngữ Đường, “một chính trị bất cận nhân tình là một chính trị điên khùng!”
Tạm bỏ qua mọi sự ngờ vực, qua cuộc đảo chính cung đình đã thực hiện bước đầu thành công, nếu nhóm chấp chính đương cuộc hiện nay muốn làm nên đại cuộc lịch sử, hướng về phía quyền lợi của nhân dân, chứ không chỉ vì để bảo vệ đảng phải, thì tự nhiên họ sẽ có những lựa chọn và kế sách hành động thích hợp.
Nghĩ theo hướng tốt trước, một khi thể chế chính trị đã được cải cách, đi vào thực chất chiều sâu, nền dân chủ pháp trị được xây dựng, phát triển vững chắc trên cơ sở thực thi đúng và đủ hiến pháp, với các quyền tự do dân chủ (như tự do bầu cử ứng cử, tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình…) đã quy định, thì một khoảng dư địa rộng rãi sẽ được tạo ra cho xã hội dân sự dần dần thâm nhập một cách tự nhiên. Đây chính là điều kiện căn bản để phát triển con người và giải phóng mọi công dân, gồm cả cán bộ nhà nước, thoát khỏi sự tha hóa do sự kiềm kẹp khắc nghiệt của thế chế độc tài toàn trị, mà người CS đã tạo ra nó với tư cách vừa là tội đồ vừa là nạn nhân của chính nó: Họ mất hết mọi quyền tự do sáng tạo, quyết định, và cũng không thể trở thành người trung thực, được sống theo ý mình.
Theo thông báo chính thức thì ngày 18-8-2024, tân tổng bí thư-chủ tịch nước Việt Nam cùng phu nhân sẽ đi thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc. Đây là chuyện bình thường theo quán lệ truyền thống trong bang giao Trung-Việt, nhưng trong điều kiện ngoại giao phức tạp có sự căng kéo giữa mấy cường quốc, cũng có một số người tỏ ra lo ngại cho ông. Họ ví ông như Kinh Kha ngày xưa, qua sông Dịch làm người thích khách (ám sát) Tần vương hung bạo. Nhưng lần này vị nguyên thủ quốc gia Việt Nam sang nước bạn láng giềng lớn không phải làm thích khách, mà để đóng vai trò làm kẻ thuyết khách (du thuyết, dùng lời lẽ thuyết phục đối phương nghe theo mình), một nhiệm vụ nặng nề, không hề đơn giản.
Trên phương diện đối ngoại, chọn hướng đúng cũng có nghĩa là chọn hợp tác nhiều hơn với các quốc gia dân chủ tiến bộ mà Việt Nam cũng đã và đang có chủ trương ngày càng rõ nét. Còn đối với một vài nước bạn, đã lỡ cùng mình đi theo chế độ độc tài vì những lý do ngoắt ngoéo của lịch sử, thì vẫn phải tiếp tục hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học- công nghệ… để cùng nhau phát triển. Nhưng có lẽ chúng ta nên đi trước một bước để dần dần tách ra khỏi những ảnh hưởng không tốt về mặt chính trị, thay vì tiếp tục câu kết nhau với tư cách đồng chế độ chính trị, để cùng áp bức người dân trong mỗi nước.
Riêng đối với nước láng giềng lớn Trung Quốc, người Việt Nam luôn tin tưởng rằng chúng ta có thừa khả năng và kinh nghiệm để đối phó thành công trong mọi tình huống, cũng bằng đường lối “hòa bình, hữu nghị, hợp tác, trên cơ sở bình đẳng, các bên cùng có lợi”. Tuyệt đối tránh xung đột bằng bạo lực để sinh linh của cả hai bên không bị tàn sát.
“Ngoại giao cây tre” thật ra không phải là sáng kiến riêng của một ai đó như một số người lầm tưởng. Chính sách ngoại giao kiểu này đã có từ lâu, mà trong thời hiện đại đã được đánh dấu bằng việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ hồi năm 1995.
Đối với Hoa Kỳ, nhiều người cho rằng người Mỹ “thực dụng” mà tỏ ra quá e dè, ngán ngại. Nhưng thực tế lịch sử đã có những diễn biến mới và thời đại đã khác, sự phân cực và các mối tương quan quốc tế cũng khác so với trước đây, nên vấn đề cốt lõi hiện nay là biết khai thác những khía cạnh tương quan quyền lợi giữa các bên để mang lại lợi ích cho người dân trong nước, đồng thời cũng là chiến lược để tạo nên thế trận cân bằng trong trường ngoại giao quốc tế, vốn đang còn tồn tại những mối xung đột giữa đôi ba cường quốc tiêu biểu.
Cũng cần lưu ý thêm rằng, chơi thân với những nước giỏi hơn bao giờ cũng có lợi, đây cũng là tấm gương của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… mà Việt Nam nên lấy làm bài học tham khảo.
Chúng ta không từ bỏ CNXH nhưng cần một thứ CNXH cải cách, biết tôn trọng nhân quyền và dân chủ, có thể noi gương mô hình CNXH cải lương (socialisme réformiste) hoặc CNXH lý tưởng (socialisme idéal) kiểu một số nước ở Bắc Âu, nơi có thu nhập đầu người rất cao và hầu như không có tham nhũng, không có nhà tù.
Nên phóng thích ngay tất cả các tù nhân chính trị (còn được gọi là “tù nhân lương tâm”), những người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ, nhằm tạo ra một bầu không khí mới, tạo lòng tin đối ngoại với một số nước văn minh phương Tây, thu hút mạnh đầu tư, đồng thời kích thích tinh thần hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc.
Với tầm của Hiến pháp, có thể vẫn tạm duy trì Điều 4 (về quyền lãnh đạo của đảng CS), nhưng cần có quyết sách đúng và rõ ràng về chủ quyền và quyền sở hữu đất đai; thu gọn vai trò kinh tế quốc doanh, song song với tập trung phát triển kinh tế tư nhân; nâng cao vai trò của Quốc hội bằng việc tổ chức bầu cử, ứng cử thật sự tự do, để Quốc hội thật sự trở thành cơ quan quyền lực cao nhất; cải cách mạnh mẽ hệ thống tư pháp theo hướng tư pháp độc lập với hành pháp, tránh những vụ xét xử “bỏ túi” mà vai trò của luật sư thực tế chỉ là số không; cải tạo cơ bản hệ thống tiền lương công chức, coi như biện pháp chính bài trừ quốc nạn tham nhũng (lương chủ tịch nước tối thiểu phải khoảng 150 triệu/ tháng, từ đó tính xuống…).
Giải quyết rốt ráo một số vấn đề khó khăn của đất nước, trong đó có quốc nạn tham nhũng, chủ yếu bằng con đường cải cách chính trị, chứ không phải chỉ bằng giải pháp trừng phạt theo kiểu “đốt lò”, vì đốt lò tuy bất đắc dĩ phải làm, nhưng rất dễ làm phát sinh một số hiệu ứng phụ, gây mất đoàn kết nội bộ, như đã thấy.
Những ai trong số các nhà lãnh đạo cấp cao, dù tay đã lỡ dính chàm mà chưa bị phát hiện, nhưng họ có mong muốn cải cách chính trị bằng giải pháp hòa bình và chọn đường hướng tiến bộ, hòa nhập với thế giới văn minh, thì những người đó chắc chắn sẽ được đa số dân chúng ủng hộ và họ đích thực trở thành vĩ nhân của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới hôm nay.
No comments:
Post a Comment