Friday, August 30, 2024

Vụ Pháp bắt giữ Pavel Durov: Gọng kềm của Liên Hiệp Châu Âu cũng đang siết chặt Telegram
Thùy Dương
Đăng ngày: 29/08/2024 - 14:31
RFI

Với gần 900 triệu người sử dụng và được dự báo là trong một năm nữa sẽ đạt 1 tỉ người sử dụng, Telegram được xem là một trong những nền tảng lớn trên toàn cầu, cùng với Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok hay Wechat. Một ưu điểm của Telegram so với các mạng xã hội khác, đó là người dùng có thể lập những nhóm nhắn tin rất lớn, quy mô lên tới 200.000 người, khiến thông tin được lan truyền rộng rãi.

Logo của Telegram. Ảnh minh họa ngày 21/02/2023. REUTERS - Dado Ruvic

Thế nhưng, AFP nhắc lại, đặt trụ sở tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Telegram đã tránh được các quy định kiểm duyệt chặt chẽ của nhiều nước, chẳng hạn Mỹ, Nga và đương nhiên là cả Liên Hiệp Châu Âu. Pavel Durov, chủ nhân Telegram, nổi tiếng với quan điểm bảo vệ tuyệt đối các hoạt động trên mạng xã hội, nhân danh quyền tự do ngôn luận. Durov hầu như luôn từ chối các yêu cầu hợp tác từ phía chính quyền các nước. 

Chính vì thế mà Telegram thường bị cáo buộc là bao che, tiếp tay cho các hoạt động phạm pháp trên mạng internet, từ loan tin bất hợp pháp, gieo rắc tin giả, cho đến truyền tải các thông điệp cực đoan, thù hận, tân phát xít, cổ vũ thói nghiện ngập, nạn ấu dâm, khủng bố …

Hôm 28/08/2024, Bruxelles khẳng định « Ủy Ban Châu Âu sẽ không bao giờ bình luận về một quyết định được đưa ra dựa theo trên luật hình sự của một nước thành viên Liên Âu » và vụ bắt giữ Pavel Durov trong khuôn khổ điều tra các vi phạm liên quan đến « tội phạm có tổ chức » là « hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Pháp ». Tuy nhiên, Ủy Ban Châu Âu cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác với chính quyền Pháp nếu Paris cần thông tin liên quan đến Telegram. La Croix nhận định Bruxelles đang muốn tham gia vào mặt trận chung, cùng Paris chống « Miền Viễn Tây kỹ thuật số ».

Quả thực, Liên Hiệp Châu Âu đặc biệt chú trọng thúc đẩy để « không gian mạng kỹ thuật số » trở nên an toàn hơn. Đó cũng chính là mục tiêu của Quy chế giám sát kỹ thuật số châu Âu được thông qua hồi tháng 08/2023. Digital Services Act (gọi tắt là DSA), có hiệu lực từ ngày 17/02/2024, buộc các mạng xã hội có quy mô rất lớn (trên 45 triệu người dùng mỗi tháng tại Liên Âu) phải tuân thủ các quy định của Bruxelles, bảo đảm tính minh bạch của môi trường thông tin trên mạng và chống các nội dung bất hợp pháp.

Theo báo La Croix ngày 28/08, từ 5 năm nay, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, đã xem chuyển đổi công nghệ số là một trong những ưu tiên, song song với việc thông qua các đạo luật, quy định để chấm dứt điều được gọi là « Miền Viễn Tây kỹ thuật số » (Far West numérique), ý nói đến không gian mạng thiếu quy củ, đầy cạm bẫy.

Cho đến nay, Telegram vẫn chưa bị xếp vào danh sách các « nền tảng rất lớn » theo khái niệm được nêu trong Quy chế giám sát kỹ thuật số châu Âu, bởi Telegram thông báo mới có 41 triệu người dùng mỗi tháng. Thế nhưng, theo thông tín viên Céline Schoen của báo La Croix tại Bruxelles, ông Thomas Regnier, chuyên trách kinh tế kỹ thuật số tại Ủy Ban Châu Âu, đã lưu ý Bruxelles không dễ bị lừa.

Ủy Ban Châu Âu nghi ngờ về phương pháp tính toán của Telegram để ra được con số 41 triệu người dùng mỗi tháng, dưới ngưỡng 45 triệu để tránh phải tuân thủ Quy chế giám sát kỹ thuật số châu Âu. Từ mối ngờ vực này, Ủy Ban Châu Âu đã phát động chiến dịch xác minh số liệu do Telegram cung cấp.  Theo tờ La Croix, rất có thể mạng Telegram sẽ bị xếp vào danh sách « nền tảng rất lớn », đồng nghĩa với việc sẽ bị Quy chế giám sát kỹ thuật số châu Âu, với các quy định chặt chẽ nhất, nhắm đến.

Nghị sĩ châu Âu Stéphanie Yon-Courtin (đảng Renew Europe), một chuyên gia về các vấn đề kỹ thuật số, nhận định là việc xác minh nói trên « là vô cùng cần thiết ». Bà báo động là trẻ em châu Âu có thể tải miễn phí ứng dụng Telegram, tra thông tin về « chất gây nghiện », « cần sa » hoặc « tình dục » trên công cụ tìm kiếm và tìm thấy trên một kênh chuyên về những thứ đó. Nghị sĩ châu Âu Stéphanie Yon-Courtin đề nghị ít nhất cũng phải đưa chủ đề này ra thỏa thuận tại phiên họp toàn thể của Nghị Viện châu Âu.

Trong khi đó, ông Thomas Regnier cho biết Ủy Ban Châu Âu có thể giúp đỡ Pháp, nếu Paris muốn « liên hệ với các cơ quan công quyền của các nước khác, kể cả Bỉ, vốn chịu trách nhiệm giám sát » mạng Telegram. Trên thực tế, các nền tảng có trụ sở chính đặt bên ngoài Liên Âu phải chọn một cơ quan quản lý ở Liên Âu để áp dụng một số cơ chế nhất định của DSA (kể cả những nền tảng dưới 45 triệu người dùng mỗi tháng).

Cụ thể, tại châu Âu, Telegram chịu sự giám sát của Viện Bưu chính và Viễn thông Bỉ (BIPT). Vấn đề là Quốc Hội Bỉ vẫn chưa chỉ định BIPT là cơ quan có thẩm quyền để triển khai quy chế DSA. Nghị sĩ châu Âu Stéphanie Yon-Courtin bất bình, vì rõ ràng có một số nền tảng đã được được hưởng lợi từ « lỗ hổng » kiểu này. Chính vì thế, Stéphanie Yon-Courtin lưu ý Bruxelles cần thắt chặt Quy chế giám sát kỹ thuật số châu Âu.

Về các nước thành viên Liên Âu, theo trang tin châu Âu Euronews ngày 28/08/2024 trên thế giới, tính từ năm 2015 đến nay, trong số 31 nước, với tổng cộng 3 tỉ dân, đã cấm tạm thời hoặc cấm hẳn mạng Telegram, có Tây Ban Nha hay Đức. Vào năm 2022, Đức đã cân nhắc việc cấm Telegram sau khi chính phủ phát hiện có 64 kênh có khả năng vi phạm luật pháp của Đức, nhắm đến việc kích động hận thù, chẳng hạn như các kênh chuyên về bài Do Thái. Đức đã phạt các nhà khai thác mạng Telegram 5 triệu euro vì không tuân thủ luật pháp Đức. Telegram sau đó cho biết đã đồng ý hợp tác với chính phủ Đức và xóa những video nói trên, cũng như những video sau này bị xem là có thể mang nội dung bất hợp pháp. 

No comments:

Post a Comment