Không được quên Ukraina!Lâm Bình Duy Nhiên
28-8-2024
Tiengdan
Tối qua, hai vợ chồng đi họp phụ huynh với hai cô giáo của con trai. Trước khi trình bày cho các cha mẹ học trò về các sinh hoạt trong lớp, cô giáo giới thiệu một bà mẹ người Ukraina cùng với một phụ nữ khác, cũng người Ukraina, làm thông dịch.
Ngồi bên cạnh họ là một cháu gái chừng 6 hay 7 tuổi, có lẽ là bạn học cùng lớp với con trai. Cháu cột tóc với cái nơ mang màu tổ quốc thật xinh xắn.
Ngắm nhìn cháu gái, gương mặt thơ ngây, hồn nhiên như một thiên thần. Cháu có vẻ vẫn còn nhiều bỡ ngỡ và ngạc nhiên về một không gian mới dẫu đã một tuần nhập học. Tiếng người thông dịch hoà trong lời nói của cô giáo, ánh mắt của cô bé quan sát cảnh vật và mọi người khiến tôi chạnh lòng và cảm động. Cuộc chiến tranh Vệ quốc của người dân Ukraina vẫn đang tiếp diễn và vẫn khốc liệt. Sau hơn hai năm bị bom đạn cày xới, dường như tất cả đều đã mỏi mệt, cả dư luận quốc tế, vốn bàng hoàng và căm tức trước hành động xâm lược tàn bạo của Putin và quân đội Nga, nay cũng ít quan tâm hơn…
Sự hiện diện của cháu gái trong lớp học của con trai như đưa chúng ta về một hiện thực đau buồn: cuộc chiến vẫn còn đó, và người dân Ukraina vẫn còn phải lưu lạc, chạy nạn khắp châu Âu.
Bao mảnh đời, bao tuổi thơ xinh đẹp và hồn nhiên đã và đang bị đánh cắp và chà đạp một cách tàn bạo, trong một thời đại mà nhân loại vốn dĩ được cho là thông minh hơn và nhân bản hơn!
Học sinh người Ukraina đang “học tạm” tại Thuỵ Sĩ từ tiểu học đến đại học, dường như vẫn chưa thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm khi hy vọng hoà bình vẫn còn quá mỏng manh. Đối với các học sinh lớn tuổi hơn, sự hội nhập có vẻ không dễ và kết quả học tập không được tốt. Rất khó cho các em khi đã có suy nghĩ, hiểu biết và nhận thức về hoàn cảnh bi thương để có thể tập trung học hành.
Tôi từng được một cậu học trò trung học tâm sự rằng cậu nhớ ngôi trường và bạn bè của cậu tại Ukraina lắm!
Đôi mắt cậu lúc nào cũng đợm buồn, dẫu trường học, bạn bè và thầy cô luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để cậu và hàng ngàn học sinh người Ukraina khác tại Thuỵ Sĩ có thể sống và học tập một cách tốt nhất.
Ngắm nhìn cháu gái, tôi thầm mong nó bớt cô quạnh khi được bạn bè cùng trang lứa dìu dắt và vui chơi. Tôi cầu mong nó vẫn cứ thơ ngây như dạo trước chiến tranh để sống những năm tháng hồn nhiên và đẹp nhất của tuổi thơ…
Tôi cầu mong thôi, chứ thừa biết vết thương chiến tranh, chia ly và xa cách trong tiềm thức của bọn trẻ rất nặng, khó chữa, có thể sẽ đeo đuổi cả cuộc đời của chúng.
Còn hy vọng cuỗc chiến sớm kết thúc và hoà bình sẽ trở lại trên mảnh đất Ukraina, đối với tôi, chỉ là một giấc mơ không tưởng và ngây thơ… Dư luận cũng như các quốc gia tiến bộ đã mệt mỏi và phải đối đầu với nhiều khó khăn hàng ngày. Các chính phủ phương Tây vẫn bị bế tắc trước bài toán ủng hộ và giúp đỡ Ukraina như thế nào. Suy cho cùng, vẫn có những toan tính sao cho có lợi cho chính họ. Cái cảm giác bất lực khi cảm thấy phương Tây vẫn muốn “giúp Putin” một lối thoát, không muốn làm y mất mặt vẫn hiện hữu!
Kết cục, chỉ có người dân Ukraina chính là những nạn nhân lớn nhất của cuộc xâm lược và Putin là kẻ tội đồ cần bị lên án và xét xử. Nhưng trớ trêu thay, y vẫn còn đó và dường như chẳng có một dự báo nào cho thấy quyết tâm tẩy chay hay loại bỏ Putin từ các quốc gia đang trợ giúp Ukraina.
Đau đớn thay, như Camus từng viết: “Thất bại cuối cùng là thất bại làm chấm dứt những cuộc chiến tranh và biến hòa bình thành một nỗi đau không thể nào chữa khỏi” (La défaite définitive est celle qui termine les guerres et fait de la paix elle-même une souffrance sans guérison).
Ánh mắt của cô học trò Ukraina chính là bức thông điệp nhắn nhủ với nhân loại về hoàn cảnh bi thương của dân tộc này.
Chúng ta không thể và không được quên những gì đang xảy ra tại Ukraina!
No comments:
Post a Comment