Saturday, August 31, 2024

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Uzra Zeya thảo luận về các vấn đề nhân quyền tại Hà Nội
VOA Tiếng Việt
31/08/2024
VOA

Chiều ngày 29/8, tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Lê Văn Thanh có buổi tiếp, làm việc với Đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Uzra Zeya. Photo MOLISA.

Hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phụ trách về nhân quyền đang có chuyến công du đến Việt Nam, thảo luận việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, tự do tôn giáo, hỗ trợ cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương và thiệt thòi.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền Uzra Zeya hôm 30/8 có cuộc “trao đổi hiệu quả” với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, bà Zeya viết trên trang X.

Bà Allison Peters, Phó Trợ lý Ngoại trưởng, phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động (DRL), tháp tùng bà Zeya trong chuyến công du Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông cáo trước đó.

“Đã thảo luận sôi nổi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng và Ủy ban Tôn giáo Chính phủ về thúc đẩy tự do tôn giáo cho tất cả mọi người, cam kết tham gia vào việc tăng cường bảo vệ quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng”, Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) viết trên trang X hôm 30/8.

Báo Tin Tức của Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa tin rằng tại buổi làm việc ở Bộ Nội vụ, hai bên trao đổi thông tin, đối thoại về tình hình tôn giáo Việt Nam, làm rõ các vấn đề cùng quan tâm “trên tinh thần thẳng thắn cởi mở, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, tăng cường hiểu biết, vượt qua sự khác biệt”.

Ngoài ra, phái đoàn Mỹ còn có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh về đối thoại lao động giữa hai nước, cũng như có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam Ngô Lê Văn về tiến độ thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Hôm 29/8, phái đoàn Mỹ gặp gỡ ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cổng thông tin của viện này dẫn lời bà Zeya phát biểu rằng “thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một trong những trụ cột quan trọng trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ”.

Về phần mình, ông Thắng đáp lại rằng “việc tiếp tục xây dựng lòng tin chiến lược về những vấn đề an ninh, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền là một trong những yêu cầu cấp bách của hai nước trong tình hình hiện nay”.

“Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi Việt Nam bảo vệ nhân quyền, các quyền tự do cơ bản và pháp quyền”, bà Zeya viết trên trang X.

Trước đó, hôm 26/8, tổ chức Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) kêu gọi Thứ trưởng Zeya thúc đẩy việc trả tự do cho các tù nhân chính trị trong chuyến thăm Việt Nam của bà. Nhóm này nêu tên hai nhà nhà báo độc lập đang thụ án tù là Phạm Đoan Trang và Lê Hữu Minh Tuấn, và kêu gọi nhà ngoại giao Mỹ can thiệp để họ được phóng thích.

“Chúng tôi hoan nghênh sự quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và kêu gọi Thứ trưởng Zeya thúc đẩy việc trả tự do cho các tác giả bị cầm tù và kêu gọi chính phủ Việt Nam điều trị y tế cần thiết cho các tù nhân chính trị”.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi trên của Văn Bút Hoa Kỳ, nhưng chưa được trả lời.

                                                                                      VOA: Xem video


Ý kiến của giới quan sát

Giới hoạt động nhân quyền hoan nghênh lời kêu gọi trên nhưng bày tỏ hoài nghi về khả năng sẽ có một phản ứng tích cực từ phía Việt Nam trong chuyến thăm của phái đoàn Mỹ.

“Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ sang và Văn Bút Hoa Kỳ lên tiếng. Như thế này thì nhiều lần lên tiếng rồi”, blogger Nguyễn Văn Hải ở California, Mỹ, nêu ý kiến với VOA. “Không biết lần này các nhóm và những tác giả nổi bật như Phạm Đoan Trang hay nhóm của Hội nhà báo độc lập có được trả tự do trong đợt này hay không thì còn tùy thuộc vào áp lực của chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam”.

Nhà quan sát Nguyễn Văn Tri ở Sydney, Australia, đưa ra nhận xét cá nhân rằng ông không hy vọng nhiều lắm từ các phái đoàn ngoại giao Mỹ: “Thứ trưởng Bộ Ngoại giao hay cả ông Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ mà có qua đến Việt Nam, có nói về vấn đề nhân quyền hay tù nhân lương tâm, chế độ lao tù thì cũng không có thay đổi”.

Cho rằng các chính phủ Mỹ, Liên hiệp châu Âu, hay Australia... “nhận thấy lợi thế địa chính trị của Việt Nam nên họ cũng muốn o bế chính quyền Việt Nam hơn là gây áp lực về vấn đề nhân quyền”, ông Tri phân tích.

Từ Đức, nhà báo Nguyễn Hà Hùng nhận định: “Những khuyến nghị và lời kêu gọi như thế này không những tạo ra sức ép đối với nhà cầm quyền Việt Nam mà còn an ủi những nhà văn, nhà báo, những người đang ở trong ngục tù, cũng như những người đang lên tiếng bên ngoài để đấu tranh cho tự do, dân chủ”.

“Quan trọng hơn, những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế hoặc của các quan chức nước ngoài góp phần tăng cường nhận thức về các giá trị tự do, dân chủ đối với người dân”, ông Hùng đánh giá.

No comments:

Post a Comment