Tại sao Putin lại bịa ra kẻ thùFAZ
Tác giả: Reinhard Veser
Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ
28-8-2024
Tiengdan
29/08/2024
“Phong trào ly khai chống Nga” không tồn tại – nhưng Nga đã cấm nó. Theo truyền thống của Stalin, chế độ Putin đang có hành động chống lại các tổ chức do chính họ bịa ra. Nhưng hậu quả là có thật.
Số 109 trong danh sách các tổ chức cực đoan bị cấm của Bộ Tư pháp Nga có cái tên rườm rà: “Phong trào xã hội quốc tế nhằm phá hoại sự thống nhất đa quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Nga ‘Phong trào ly khai chống Nga’.” Công chúng Nga lần đầu tiên biết đến phong trào này vào ngày 17 tháng 4. Vào ngày hôm đó, Bộ Tư pháp đã kiến nghị lên Tòa án Tối cao ở Moscow để cấm chúng. Hai lần tiếp theo chúng xuất hiện là phán quyết của tòa án và việc chính thức bị đưa vào danh sách cực đoan hồi cuối tháng Bảy. Ngoài thủ tục quan liêu này, không thể tìm thấy bằng chứng nào về sự tồn tại của “Phong trào ly khai chống Nga” – bởi nó không tồn tại, nó chỉ là một sự bịa đặt.
Phong trào bị cáo buộc này không phải là tổ chức bịa đặt duy nhất mà chính quyền nhà nước Nga đã cố gắng chống lại trong năm nay. Sau khi chế độ của Vladimir Putin bịt miệng hoặc khiến gần như toàn bộ phe đối lập chính trị và xã hội dân sự phải lưu vong kể từ cuộc tấn công vào Ukraine hồi tháng 2 năm 2022, chế độ này hiện đang hành động chống lại những đối thủ hư cấu. Ngay trong tháng 3, một “phong trào LGBT xã hội quốc tế” đã bị đưa vào danh sách cực đoan của Bộ Tư pháp – theo định nghĩa của chính quyền Nga là một loại tổ chức bảo trợ của tất cả các tổ chức đồng tính trên thế giới.
Bằng cách tạo ra kẻ thù, Putin đang làm theo các phương pháp của một nhà cai trị Moscow khác: Stalin. Trong hai thập niên 1930 và 1940, ông ta đã cho bắn bỏ vô số người hoặc đày ải họ vì buộc tội họ là thành viên của các tổ chức ngầm chống Liên Xô không tồn tại. Nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai – các quan chức Đảng Cộng sản cũng như những công dân bình thường. Một số người bị xét xử trong các phiên tòa ngắn gọn, bí mật, số khác được đưa ra xét xử trong các phiên tòa trình diễn được dàn dựng cẩn thận.
Toàn bộ các nhóm dân bị tuyên bố là “sâu bọ”
Đầu tiên, Stalin cho thành lập một đảng hồi năm 1930: Đảng Công nghiệp. Những người được cho là các nhà lãnh đạo của nó thuộc về giới tinh hoa kỹ thuật của Nga trong thời Đế chế Sa hoàng và vẫn giữ các vị trí lãnh đạo sau cuộc cách mạng. Chính quyền Xô Viết ban đầu không thể loại bỏ những chuyên gia như họ, cho dù họ thuộc giai cấp không phù hợp, tức là giai cấp những kẻ bóc lột trước đây. Do đó, họ là mục tiêu hoàn hảo để cáo buộc rằng “công việc gây hại” của họ là nguyên nhân gây ra sự thất bại của các dự án công nghiệp quy mô lớn và điều kiện sống tồi tàn của công nhân. Họ bị cáo buộc lên kế hoạch thành lập một chính phủ phản cách mạng theo chỉ định của nước ngoài và các nhà công nghiệp Nga trước đây, công tố cáo buộc. Không có điều nào trong số đó là sự thật.
Tính xác thực của những cáo buộc trong các phiên tòa xét xử ở Moscow từ năm 1936 đến năm 1938, trong đó có hàng chục thành viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản bị kết án tử hình, cũng thấp không kém. Các nạn nhân từng là đối thủ cạnh tranh thật sự của Stalin. Nhưng các tổ chức mà họ bị cho là đã hợp lực để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố thay mặt cho các nhà tài trợ nước ngoài và lật đổ chính quyền Liên Xô không tồn tại, cũng như những tội ác mà họ bị cáo buộc mà hầu hết các bị cáo đã thú nhận khi bị tra tấn. Những cái tên mà tay sai của Stalin đặt cho các nhóm âm mưu được bịa ra, không nhất thiết phải có lý nhưng nó phản ánh một hình ảnh của kẻ thù thích hợp về mặt tư tưởng. Chẳng hạn như thế này: “Trung tâm Trotskyist-Zinoviev thống nhất chống Liên Xô”, là một ví dụ.
Khoảng 700.000 người đã bị bắn trong hai năm của cái gọi là Đại khủng bố. Số người bị bắt nhiều hơn gấp đôi; nhiều người trong số họ đã chết trong các trại tù. Với số lượng lớn các nạn nhân, bộ máy đàn áp của Stalin không thèm tạo ra các tổ chức chống Liên Xô dành riêng cho họ: Toàn bộ các nhóm dân khác nhau bị coi là “thành phần thù địch” và “sâu bọ”. Các thủ tục tố tụng có hình thức tương tự như các vụ án ở tòa, chỉ xảy ra trong những vụ án cấp cao mà Stalin muốn sử dụng cho mục đích tuyên truyền.
Khác với Liên Xô thời trước, không có người nào bị bắn về mặt pháp lý ở nước Nga của Vladimir Putin. Số lượng tù chính trị ngày nay không phải là vài triệu, mà – theo các nhà hoạt động nhân quyền tại OWD-Info – chỉ hơn 1.300. Nhà sử học Đông Âu Karl Schlögel của F.A.S nói: “Vào thời điểm đó, Liên Xô là một xã hội trẻ đang trong tình trạng thay đổi căn bản. Điều đó giải thích sức mạnh khủng khiếp của việc thả lỏng bạo lực trong thập niên 1930”.
Mặt khác, nước Nga của Putin là một quốc gia có dân số già đi và ngày càng thu hẹp: “Lực đẩy ngày nay hoàn toàn khác”. Ông Schlögel, người nghiên cứu rất nhiều về lịch sử chủ nghĩa Stalin, cảnh báo điều này, là không nên để cho những điểm tương đồng hiển nhiên che khuất cái nhìn thực tiễn: “Chúng ta phải cố gắng hiểu chế độ của Putin từ góc độ ngày nay và động lực bên trong của chính nó”.
Nhưng truyền thống mà nó theo đuổi vẫn còn có ý nghĩa. Mối quan hệ của Putin với Stalin và sự cai trị của ông ta rất nhập nhằng. Trong 25 năm dưới thời Putin, Stalin đã dần được khôi phục trên các phương tiện truyền thông, viện bảo tàng, quân đội và trường học. Ông ta được ghi nhận là người đã biến nước Nga từ một quốc gia nông nghiệp thành một cường quốc công nghiệp thế giới với những thành tựu kỹ thuật hàng đầu. Việc đày ải, nạn đói và lao động cưỡng bức trong việc xây dựng các con đập và nhà máy được coi là mặt tối đáng tiếc hoặc cần thiết của một câu chuyện thành công vĩ đại. Ở nước Nga của Putin, Stalin, với tư cách là người đã dẫn dắt Liên Xô giành chiến thắng trong Thế chiến thứ Hai, hoàn toàn không thể bị đụng tới.
Khi tổ chức “Memorial” của Nga, vốn tìm cách chỉnh lý chế độ chuyên chế của chủ nghĩa Stalin, bị cấm vào cuối năm 2021, cơ quan tư pháp [Nga] đã cáo buộc tổ chức này muốn “ép buộc” hối hận về lịch sử Liên Xô, thay vì tưởng nhớ “quá khứ huy hoàng”. Khi các nước Đông Âu tưởng nhớ các cuộc đàn áp thời Stalin, giới lãnh đạo Nga đã lên án đó là biểu hiện “bài Nga”. Ở Moscow, việc Ukraine nhớ lại nạn đói năm 1932-1933 do Stalin gây ra, khiến gần 4 triệu người thiệt mạng, đã bị xúc phạm là “chính trị lịch sử dơ bẩn”.
Putin nói về cuộc Đại khủng bố mà không nêu tên thủ phạm
Chính Putin đã cảnh báo chống lại việc phỉ báng Stalin. Tuy nhiên, cũng có những tuyên bố mà ông ta đưa ra có vẻ khác. Khi đài tưởng niệm các nạn nhân của cuộc Đại khủng bố được khánh thành ở Moscow năm 2017, Putin đã có bài phát biểu. Ông nói: “Những tội ác thời đó không thể biện minh được bằng bất cứ điều gì, không thể được bằng cái gọi là lợi ích cao hơn của nhân dân… Chỉ có ký ức, sự rõ ràng và sáng tỏ về vị trí, việc đánh giá những sự kiện đen tối này mới có thể đóng vai trò là lời cảnh báo mạnh mẽ chống lại sự lặp lại của chúng”. Điều đó nghe có vẻ hay, nhưng trên thực tế, Putin đi ngược lại sự rõ ràng.
Putin nói về cuộc Đại khủng bố như thể một bạo lực thiên nhiên đã đổ xuống Liên Xô. Thủ phạm đã không xuất hiện trong bài phát biểu này – như trong hầu hết các tuyên bố của Putin về chủ đề này. Ông ta không nhắc đến tên Stalin, cũng như không nêu tên người hành quyết. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên: Các vụ giết người hàng loạt được thực hiện bởi cảnh sát mật NKVD, tổ chức tiền thân của cơ quan mật vụ KGB Liên Xô, nơi Putin bắt đầu sự nghiệp của mình. Ngay từ những ngày đầu tiên cầm quyền, Putin đã tôn vinh truyền thống không ngừng nghỉ của các cơ quan này như những người được cho là người bảo vệ tổ quốc không có gì để chê được.
Tính nhất quán này cũng được phản ánh trong cách Putin xử lý khủng hoảng. Ở nước Nga ngày nay cũng như ở Liên Xô thời Stalin, Karl Schlögel nhận ra, “việc phát minh ra kẻ thù là cần thiết để gắn kết một xã hội mà tự sức mình không thể làm được điều đó”. Ông nhìn thấy những điểm tương đồng thực sự giữa Stalin và Putin trong “sự dàn dựng quyền lực, tài hùng biện và phong cách”. Ông nói: “Tính thẩm mỹ của chủ nghĩa Putin” thường bị đánh giá thấp. Nó rất thành thạo những câu trích dẫn từ “DNA văn hóa” của xã hội Nga, trong đó cũng bao gồm cả di sản của chủ nghĩa Stalin.
Việc cáo buộc Nga bị bao vây không phải là một công thức mới
Giống như Stalin, những người cai trị Moscow ngày nay gợi lên ý tưởng được cho là “người Anglo-Saxon” bao vây đất nước này. Giống như tuyên truyền của chủ nghĩa Stalin, họ mô tả phương Tây như là một thế giới mục nát sẽ bị hủy diệt. Tuyên bố đã được đưa ra trong nhiều năm rằng, kẻ thù của Nga muốn chia cắt đất nước theo các đường ranh giới sắc tộc và khu vực cũng có nguồn gốc từ thời Stalin. Ở phương Tây, “họ đã công khai nói về thực tế là họ đã có thể chia cắt Liên Xô vào năm 1991 và giờ đến lượt chính nước Nga phải chia cắt thành một số lượng lớn các khu vực và vùng đất thù địch sâu xa”, Putin nói hồi tháng 9 năm 2022.
Nỗi sợ hãi thực sự này có thể là nguyên nhân đằng sau việc phát minh ra “phong trào ly khai chống Nga”. Không phải ngẫu nhiên mà việc đặt tên đầy đủ cho nó trong danh sách chủ nghĩa cực đoan của Bộ Tư pháp gợi nhớ đến các nhóm âm mưu chống Liên Xô được bịa đặt trong thập niên 1930: “Đó là một cảm giác hoảng loạn được dịch sang ngôn ngữ bộ máy quan liêu của Liên Xô và hậu Liên Xô”, Karl Schlögel nói.
Stalin cáo buộc các dân tộc thiểu số cùng nhau tham gia hoạt động gián điệp và phá hoại theo chỉ thị của các thế lực tư bản nhằm tiêu diệt Liên Xô. Vào thập niên 1930, toàn bộ các nhóm dân tộc đã bị đàn áp: Người Đức, Ba Lan, Latvia, Estonia, Phần Lan, Hy Lạp, Hàn Quốc và những nhóm người khác. Hơn 40.000 người bị bắn chỉ vì họ là người Đức và hơn 110.000 người Ba Lan chịu chung số phận. Kể cả khi họ là những người cộng sản tận tụy, đã từng thuộc các tổ chức chống Liên Xô hay hoàn toàn phi chính trị cũng không quan trọng. Trong Thế chiến thứ Hai, Stalin đã đày ải toàn bộ những người mà ông ta cáo buộc cộng tác với người Đức.
Như chính Putin thường xuyên nhấn mạnh, nước Nga ngày nay vẫn là một quốc gia đa sắc tộc. Nhiều nước cộng hòa cấu thành nước này ở vùng Kavkaz, phía bắc, trên sông Volga, ở Urals và Siberia được đặt theo tên của các dân tộc không phải người Nga sống ở đó. Khắp nơi đều có các phong trào bảo tồn ngôn ngữ của mình, vốn đang chịu áp lực từ tiếng Nga đang được Moscow thúc đẩy. Một số có quan điểm phi chính trị, số khác kêu gọi quyền tự quyết nhiều hơn trong khu vực. Vào cuối thời Liên Xô, lời kêu gọi ly khai khỏi Nga đã được đưa ra ở một số khu vực. Tuy nhiên, nhìn lại, rõ ràng là các phong trào đòi độc lập này có rất ít cơ hội thành công do thiếu sự hỗ trợ xã hội – ngoại trừ Chechnya, nơi Moscow đã sử dụng vũ lực để ngăn chặn phong trào trong hai cuộc chiến tranh.
Ở hầu hết các nước cộng hòa không phải là Nga trên danh nghĩa, người Nga hiện chiếm đa số, trong khi số dân thiểu số nói tiếng Nga trong cuộc sống hàng ngày ngày càng tăng. Nhưng cuộc chiến chống Ukraine đã thay đổi điều gì đó. Một số lượng tương đối lớn các thành viên của các nhóm thiểu số đã ngã xuống trên chiến trường. Điều này và ảnh hưởng của các cuộc tranh luận của phương Tây về chủ nghĩa hậu thuộc địa, dẫn đến việc một số nhóm thiểu số nói về việc phi thực dân hóa nước Nga, ngay cả khi nó chỉ mang tính biểu tượng. Điều này chỉ có thể thực hiện một cách công khai ở những nơi lưu vong, nơi một số tổ chức nhỏ thật sự ủng hộ việc phân chia nước Nga. Các chuyên gia cho rằng, khó có khả năng họ nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào ở quê nhà.
Trong danh sách 55 tổ chức mà Bộ Tư pháp Nga mô tả là “các đơn vị trực thuộc” của “Phong trào ly khai chống Nga”, những nhóm như vậy xuất hiện cùng với các hiệp hội khác xa với những yêu cầu như vậy. Một số phong trào khu vực của người dân thiểu số Nga bị cho là những người ly khai, đã không tồn tại trong nhiều năm, như – vì những lý do khó giải thích – Hiệp hội Nghiên cứu Đông Âu của Đức. Cái gọi là “Phong trào ly khai chống Nga” này không gây nguy hiểm cho nhà nước Nga – vì nó không tồn tại. Nhưng điều nguy hiểm cho nhiều công dân của nó mà hệ thống tư pháp có thể xác định là có mối liên hệ với một trong những tổ chức trong danh sách. Điều này có trong danh sách 109 tổ chức thuộc nhóm chủ nghĩa cực đoan của Bộ Tư pháp Nga, cùng với các tổ chức được tạo ra từ thời Stalin. Và ngay cả khi không có mối đe dọa bị xử bắn hôm nay, nhưng nó có thể hủy hoại cuộc sống của người ta sau này.
______
Tác giả Reinhard Veser là biên tập viên mục chính trị của báo FAZ
No comments:
Post a Comment