Friday, August 30, 2024

Thụy Sĩ có sẽ từ bỏ chính sách trung lập?
Thanh Hà
Đăng ngày: 29/08/2024 - 15:15Sửa đổi ngày: 29/08/2024 - 15:35
RFI

Chiến tranh Ukraina liệu có khai tử chính sách « trung lập » của Thụy Sĩ hay không ? Ngày 29/04/2024, các chuyên gia về an ninh trình lên chính phủ một bản báo cáo mới khuyến cáo Berne « hợp tác với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO ». Tuy chỉ mới là một « tài liệu làm việc », văn bản này thách thức một trong những nền tảng đã được chính thức công nhận từ 1815 và sẽ là chủ đề gây nhiều tranh cãi tại quốc gia châu Âu yên bình này.

Tổng thống Thụy Sĩ kiêm bộ trưởng Quốc Phòng, bà Viola Amherd, nhân chuyến công du Anh Quốc hôm 18/06/2024. AP - Stefan Rousseau

Hợp tác quân sự với NATO

Bản báo cáo được đệ trình lên tổng thống và cũng là người đứng đầu bộ Quốc Phòng Liên Bang Thụy Sĩ Viola Amherd bao gồm những gì ?

Theo các nguồn tin của tờ báo Blick ấn hành tại Zurich, đây là một tài liệu để tham khảo và « làm việc » được chính bộ Quốc Phòng Thụy Sĩ yêu cầu để « chuẩn bị cho chính sách an ninh trong những năm sắp tới ». Các chuyên gia đã bắt tay vào việc từ tháng 7/2023. Văn bản chính thức khuyến nghị một số những điểm chính như sau :  

Thụy Sĩ cần « xích lại gần khối NATO » bởi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương « hiện tại và trong tương lai là điểm tựa bảo đảm an ninh tại Châu Âu », NATO là « tấm gương của các đội quân phương Tây hiện đại (…) là chuẩn mực về công nghệ quốc phòng ». Do vậy « tăng cường hợp tác với NATO giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Thụy Sĩ ». Đây là « điều cần thiết để đối phó với một cuộc chiến hỗn hợp và trước những cuộc tấn công trên mạng ».

Tài liệu nêu bật khả năng Thụy Sĩ tham gia các cuộc tập trận chung với NATO, bao gồm cả một số « chiến dịch » quân sự. Thậm chí trong trường hợp « các nước châu Âu lâm chiến hoặc không phận của châu Âu bị xâm phạm », Berne cũng có thể can thiệp. Ngoài ra, các thành viên trong ủy ban soạn thảo bản báo cáo về an ninh Thụy Sĩ giải thích tăng cường hợp tác với NATO vừa tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia, vừa giảm bớt trách nhiệm về mặt an ninh đối với phần còn lại trên châu lục. Thụy Sĩ bị coi là « mắt xích yếu kém tại Châu Âu ». Hơn nữa đến nay, tuy không đóng góp nhưng Thụy Sĩ nhưng vẫn được ô dù hạt nhân của NATO bảo vệ.

Chính vì điểm này mà các chuyên gia soạn thảo báo cáo kêu gọi Berne « không phê chuẩn hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân ». Trước mắt, báo chí Thụy Sĩ chưa có nhiều thông tin về điều khoản này.

Yếu tố Ukraina

Trực tiếp liên quan đến chiến tranh Ukraina, ủy ban an ninh Thụy Sĩ kêu gọi  Berne thẩm định lại chính sách « trung lập », đặc biệt là « đạo luật liên quan đến các thiết bị chiến tranh ». Bởi « việc cấm xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự do Thụy Sĩ sản xuất » cho Ukraina từ khi quốc gia châu Âu này bị Nga xâm lược « gây khó hiểu » trong khối phương Tây và « nguyên tắc đó không còn được chấp nhận ».

Ngay từ mùa xuân 2022, Thụy Sĩ đã từ chối để cho Đức, Tây Ban Nha hay Đan Mạch viện trợ cho Ukraina các loại vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất  -nhân danh đạo luật về thiết bị chiến tranh của Berne.  

Thực ra tất cả ba điểm chính vừa nêu đều đặt lại nguyên tắc « trung lập » trong chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ. Chiếm một vị trí chiến lược tại trên lục địa Châu Âu, nhưng Thụy Sĩ không là thành viên Liên Hiệp Châu Âu và vẫn đứng ngoài Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

Thụy Sĩ không chỉ nổi tiếng với sô cô la, đồng hồ hay là thiên đường của ngành ngân hàng. Về ngoại giao, quốc gia với chưa đầy 10 triệu dân và đứng thứ ba trên thế giới về thu nhập đầu người này còn có truyền thống « trung lập » lâu đời nhất trên thế giới. Chính vì thế mà hàng loạt các vòng hòa đàm, các cuộc đối thoại làm tiền đề cho vãn hồi hòa bình hay các hiệp định chấm dứt chiến tranh từng diễn ra tại Genève. Chiến tranh Ukraina do Nga khởi động từ tháng 2/2022 đặt Thụy Sĩ vào thế kẹt.

Tháng 7/2023 bộ Quốc Phòng Thụy Sĩ yêu cầu một nhóm chuyên gia trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao và cả kinh tế … đề nghị một số hướng cải tổ và cập nhật hóa chủ trương « trung lập » tồn tại từ hơn 200 năm nay.  

Tuy không kêu gọi tham gia liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nhưng khi nêu bật khả năng « Thụy Sĩ cần chuẩn bị cho một chính sách phòng thủ chung » với châu Âu và NATO, hay điều chỉnh « luật về thiết bị chiến tranh » mặc nhiên ủy ban soạn thảo văn bản mới về an ninh đặt lại vấn đề về nguyên tắc « trung lập » của Thụy Sĩ.  

Từ khi Nga xâm chiếm Ukraina hai nước châu Âu trung lập là Thụy Điển và Phần Lan đã gia nhập NATO. Thụy Sĩ thì không nhân danh nguyên tắc « trung lập bất di bất dịch » của mình. Jean - Marc Rickli thuộc Trung Tâm về Chính Sách An Ninh GCSP tại Genève giải thích: « Thụy Sĩ không thể tham gia vào một liên minh quân sự, nhưng vẫn phải tự vệ và trong mục tiêu này Berne vẫn có thể cầu viện một quốc gia thứ ba, nếu Thụy Sĩ bị tấn công ».

Chính vì cần dung hòa giữa hai mục tiêu nói trên mà từ nhiều thập niên qua, Thụy Sĩ thiên về khái niệm « tương tác », tức là dù không chính thức tham gia vào các hoạt động quân sự với các nước đồng minh, nhưng trong trường hợp bị tấn công, quốc gia này có thể được các nước bạn giúp đỡ và cỗ máy quân sự của Thụy Sĩ vẫn phải có khả năng dễ dàng « trao đổi » với các nước bạn. Do vậy, tài liệu mới về an ninh của Thụy Sĩ chủ trương « đẩy mạnh các chương trình hợp tác cho phép nâng cao khả năng tương tác » của nước này với NATO và Liên Âu.

Tranh cãi gay gắt được chờ đợi

Do những khuyến cáo trong tài liệu mới về an ninh Thụy Sĩ động chạm đến nguyên tắc « trung lập », cho nên giới phân tích báo trước văn bản này sẽ gây nhiều tranh cãi gay gắt.

Giới quan sát chờ đợi nhiều chống đối từ các phe phái cánh tả chủ hòa bên đảng Xã Hội và đảng Xanh của Thụy Sĩ. Nhưng đảng cực hữu UDC sẽ có tiếng nói mạnh mẽ cả, do phe này luôn quan niệm rằng Thụy Sĩ đã « hy sinh quá nhiều nguyên tắc trung lập » khi đứng hẳn về phía Âu-Mỹ trừng phạt Nga » xâm chiếm Ukraina.

Từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, Thụy Sĩ đã nhiều lần điều chỉnh nguyên tắc « trung lập » trong đường lối đối ngoại : Cuối thập niên 1990 Thụy Sĩ áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu nhắm vào chính quyền nước này trong khuôn khổ chiến tranh ở Kosovo. Năm 1999 Thụy Sĩ tham gia chiến dịch KFOR dưới sự chỉ huy của Liên Hiệp Quốc và NATO tại Kosovo…

Tranh cãi chung quanh tài liệu làm việc về an ninh Thụy Sĩ được báo trước sẽ rất gay gắt là vì văn bản này tác động trực tiếp đến tính « trung lập » trong đường lối đối ngoại của quốc gia châu Âu này. Theo các thăm dò dư luận thực hiện hồi tháng 1/2024, đến nay vẫn có 91 % người được hỏi tán đồng và ủng hộ truyền thống này.

Nhà chính trị học Alois Riklin trong cuốn tự điển về lịch sử Thụy Sĩ định nghĩa : « Tính trung lập giúp củng cố sự tồn tại của liên bang, đây đã trở thành cột sống trong đường lối đối ngoại của Thụy Sĩ, nhờ vậy mà nước này không bị lôi kéo vào các cuộc xung đột vũ trang. Chính vì thế nhiều người Thụy Sĩ coi đây là một nét đặt thù của quốc gia này. Nhìn từ nước ngoài, đôi khi nét đặc trưng đó được xung tụng như một công cụ đóng góp cho hòa bình, trái lại một số khác thì xem đó là một sự giả dối ».

Nhìn từ Thụy Sĩ, nguyên tắc trung lập đó là một sự « khôn ngoan cần thiết » trước những thủ đoạn của các siêu cường. Đôi khi Thụy Sĩ uyển chuyển hơn trước những tính toán lạnh lùng đó vì nghĩa vụ nhân đạo.

Giáo sư Sacha Zala đại học Berne thì cho rằng đã đến lúc Thụy Sĩ phải suy nghĩ lại khi mà tính toán đó « không còn phù hợp với thực tế ».

No comments:

Post a Comment