Friday, August 30, 2024

Lưu Nhi Dũ - Đại học Fulbright, John Kerry, Bob Kerrey và…lá cờ « không sợ hãi »
vendredi 30 août 2024
Thuymy

1. Ngày 21/08, kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đăng một video về Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) với tít : "Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục", nhưng sau đó video này đã bị gỡ bỏ.

Video này cho thấy lễ tốt nghiệp của các sinh viên không diễu hành với quốc kỳ Việt Nam, thay vào đó là cờ Fearless (không sợ hãi) và một số hoạt động khác của trường. Qua đó cho rằng Đại học FUV là mầm mống của "cách mạng màu".

Riêng tôi, tôi không biết FUV có muốn làm điều đó hay không. Và nên nhớ rằng đến nay có hàng ngàn cán bộ Việt Nam (trong có đó cán bộ cấp cao) được học bổng Fulbright, thì sao? Ngoài ra hơn 100.000 sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ đủ các ngành, thì sao?

Ngày 26-8, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận về các hoạt động của Đại học FUV, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết chỉ phát biểu như sau: “Đại học Fulbright Việt Nam là thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023.

Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam tiếp tục đóng góp thiết thực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Mỹ”.

Để các bạn hiểu về Đại học FUV, xin cung cấp một số thông tin đáng tin cậy mà tôi dưa lên Facebook từ 2016, 2017 nhân Đại học này được cấp giấy phép tại Việt Nam. 

2. Trong các ngoại trưởng Mỹ gần đây, tôi khoái John Kerry. Năm 1968-1969, với cấp bậc đại úy hải quân, Kerry có 4 tháng chiến đấu tại Việt Nam và phải về nước sớm sau ba lần bị thương. Sau này ông tham gia phong trào chống chiến tranh Việt Nam. Ông cũng là người tích cực tìm cách bình thường hóa quan hệ Mỹ- Việt. Trong thời gian làm ngoại trưởng, năm nào ông cũng trở lại Việt Nam. Lần cuối cùng (1-2017), ông trở lại Việt Nam, xuống tận Cà Mau, nơi ông từng chiến đấu, để tìm lại ký ức chiến trường xưa như chúng tôi thường trở lại Campuchia để tìm về ký ức chiến tranh không thể phai mờ.

John Kerry có những suy nghĩ mà chúng ta cần biết. Vì vậy tôi muốn chép lại ra đây như một tư liệu để nghiên cứu.

- Chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt ở Việt Nam

Phát biểu tại một hội thảo về Internet, Virtuous Circle, ở California ngày 10/10/2016:

"Chúng tôi đã mở cửa Cuba. Một trong những yếu tố trong ngoại giao của chúng tôi khi mở cửa Cuba là gia tăng sự tiếp cận Internet cho người dân Cuba. Điều đó đang xảy ra. Không nhanh như chúng tôi muốn, nhưng đang xảy ra."

"Bạn đến một nơi như Việt Nam. Tôi đã từng chiến đấu tại Việt Nam, chúng tôi được cho là đến để ngăn cản nơi này biến thành cộng sản. Chúng ta mất hơn 58.000 sinh mạng để làm điều đó trong 10 năm, cuộc chiến dài nhất lịch sử Hoa Kỳ. Và các bạn đoán được không? Cách chúng tôi làm là mở cửa và bình thường hóa quan hệ, mà John McCain và tôi đã dẫn đầu cùng nhau, dỡ bỏ cấm vận để có kinh doanh. Và nay (Việt Nam) không còn dấu vết của "chủ nghĩa cộng sản", theo nghĩa là một kế hoạch và lý thuyết kinh tế."

"Ở đó (Việt Nam) là chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt, có Internet mà người dân được tiếp cận. Đó vẫn là một quốc gia độc đảng độc đoán, và không may là vẫn còn vi phạm nhân quyền, nhiều thứ khác, nhưng theo thời gian, đất nước này đang chứng tỏ thay đổi."

- Việt Nam không phải là cộng sản

Còn đây là phát biểu của John Kerry ngày 04/10/2016 tại Brussels, Bỉ, khi đề cập đến Việt Nam, ông cho rằng Việt Nam không phải là quốc gia cộng sản mà là một đất nước hoàn toàn tư bản:

 "Tôi vừa quay lại đó với Tổng thống Mỹ loan báo việc mở Đại học Fulbright, hoàn toàn tự do về học thuật và sẽ đào tạo thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Việt Nam tại một đất nước hoàn toàn tư bản ngày hôm nay, không phải cộng sản."

"Cộng sản là một lý thuyết kinh tế, và bạn không thấy một chút hơi thở của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam."

"Bạn thấy chủ nghĩa độc đoán, một chính phủ độc đảng, và dĩ nhiên đó không phải là lựa chọn của chúng tôi."

- Chuyển hóa thông qua ngoại giao

Và đây là phát biểu hôm 29/09/2016 tại Washington DC:

"Hiện nay (Việt Nam) nhà cao tầng khắp mọi nơi, giao thông, người dân mặc quần jean xanh, đồ phương Tây, mong muốn giao lưu với thế giới. Lối sống thay đổi nhanh, có tầng lớp trung lưu, cơ hội đầu tư."

Ông John Kerry nhấn mạnh "chuyển hóa thông qua ngoại giao": "Nếu anh tiến hành chiến tranh, thì phải đánh nhau cho đúng, và sau chiến tranh cũng phải làm cho đúng." "Tôi nghĩ chúng ta đã làm sai phần đầu, và làm đúng phần sau, và tôi rất tự hào về điều đó."

- Quỹ của Đại học Fulbright Việt Nam có từ đâu ?

Khi xin phép thành lập FUV, Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) và Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) phát hành thông báo sau:

Theo một số báo, khoản tài trợ ban đầu 20 triệu USD của Chính phủ Hoa Kỳ cho FUV là khoản tiền “còn lại từ chương trình VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam - đã được thực hiện từ năm 2000, trích 5 triệu USD/năm trên tổng số 100 triệu USD cho chương trình học bổng)”.

Đây là những thông tin không chính xác về nội dung và nguồn gốc của khoản tài trợ từ chính phủ Hoa Kỳ dành cho Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Cho đến thời điểm này (2016), Đại học Fulbright Việt Nam chưa nhận được bất kỳ khoản tài trợ nào từ nguồn ngân sách liên bang được phân bổ cho Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). Trái lại, một phần của nguồn tài trợ liên bang dành cho FUV là từ Quỹ Trả nợ Việt Nam (Vietnam Debt Repayment Fund). Đây là một định chế được thành lập khi chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đồng ý trả hai khoản nghĩa vụ nợ dân sự của chính quyền Sài Gòn trước đây. Để đổi lại, chính phủ Hoa Kỳ đồng ý chuyển giao cho chính phủ Việt Nam những tài sản (bao gồm tài khoản ngân hàng và bất động sản) của Việt Nam Cộng Hòa trước đây đã bị phong tỏa kể từ năm 1975.

Quỹ VEF được Quốc hội Hoa Kỳ thành lập vào năm 2000. Đạo luật thành lập Quỹ này quy định rằng nguồn tài trợ cho VEF sẽ đến từ Quỹ Trả nợ Việt Nam. Đạo luật này đã dành cho VEF một nửa số ngân sách của Quỹ Trả nợ Việt Nam. Phần nửa còn lại của Quỹ Trả nợ Việt Nam vẫn thuộc quyền kiểm soát của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Nguyên thượng nghị sĩ Bob Kerrey cùng với nguyên thượng nghị sĩ John Kerry là hai trong số các thượng nghị sĩ bảo trợ cho dự luật này.

Về mặt tài chính, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Trường Đại học Fulbright Việt Nam khoảng 20 triệu USD từ 2015 đến 2018 dưới hình thức tài trợ không hoàn lại. Khoản tài trợ 20 triệu USD này đến từ hai nguồn:

Thứ nhất, theo Đạo luật số HR 83 (Luật về Ngân sách hợp nhất và tiếp tục tăng cường 2015 - Consolidated and Further Continuing Appropriations Act of 2015) được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua ngày 15/12/2014, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ sử dụng nguồn tiền trong Quỹ Trả Nợ Việt Nam (Vietnam Debt Repayment Fund) để tài trợ cho một trường đại học tư thục phi lợi nhuận ở Việt Nam. Số tiền này nằm ngoài số tiền mà Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết tài trợ cho Quỹ Giáo dục Việt Nam. Vì vậy, số tiền này không phải là tiền của Quỹ Giáo dục Việt Nam. Ước tính, số tiền còn lại vào khoảng 17,5 triệu USD. Trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư gửi Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao TPHCM và hồ sơ xin thành lập FUV gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi đã thể hiện rõ số tiền này.

Thứ hai, trong năm tài chính 2015-2016, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tài trợ 2,5 triệu USD cho việc triển khai Dự án FUV thông qua Đại học Harvard từ nguồn tài chính khác của Chính phủ Hoa Kỳ.

- Đại học Fulbright Việt Nam – Khai phóng – Máu và Bob Kerrey

Về vai trò của cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey trong quá trình gây quỹ cho FUV.

Cựu Thượng nghị sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tín thác FUV Bob Kerrey đóng vai trò chủ chốt trong quá trình vận động thông qua đạo luật số HR 83 tháng 12/2014 nhờ xây dựng được một liên minh lưỡng đảng ở cả Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ.

Phát hiện cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey là Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam dính líu trực tiếp tới cuộc thảm sát Thạnh Phong (Bến Tre) năm 1969, lập tức mạng xã hội nóng bừng lên. Liệu một người như Bob Kerrey có được tha thứ, có nên làm Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam ? Chính tờ Financial Time ngày 31-05-2016 cũng có bài viết dài về vai trò của ông Bob Kerrey ở FUV và cho rằng sự có mặt của ông Kerry mở ra những vết thương chiến tranh mới.

Giá như có một người “sạch sẽ” hơn ông Bob Kerrey? Khi đó tôi có bài viết đăng trên NLĐO về vấn đề này.

- Về quỹ tín thác sáng kiến đại học Việt Nam (TUIV)

Đây là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập theo đạo luật số 501(c)(3) có trụ sở đặt tại Massachusetts. Sứ mạng của TUIV là thúc đẩy những sáng kiến về thể chế cho giáo dục đại học Việt Nam. TUIV hỗ trợ sáng kiến Trường Đại học Fulbright Việt Nam bằng cách huy động nguồn lực tài chính và trí thức cho trường đại học này, quản lý phần đóng góp của chính phủ Hoa Kỳ vào FUV, và tiến hành giám sát dự án. Cho đến khi FUV nhận được giấy phép hoạt động như là một trường đại học vào tháng 5 năm 2016, TUIV đại diện cho dự án FUV trước chính phủ Việt Nam. Chủ tịch của TUIV là Thomas J. Vallely.

- Về Đại học Fubright Việt Nam

Đại học Fulbright Việt Nam là trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam (sau 1975 - người viết). FUV cam kết về trình độ ưu tú trong giảng dạy và học thuật, tự do nghiên cứu và tôn trọng lẫn nhau. Trường cũng cam kết về những tiêu chuẩn cao nhất đối với tính liêm chính và trách nhiệm giải trình. FUV sẽ cung cấp những chương trình giáo dục đẳng cấp thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm chính sách công, kinh doanh, kỹ thuật, và mô hình giáo dục khai phóng. Đơn vị học thuật đầu tiên của FUV, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, sẽ thành lập trong năm 2016. Trường Khoa học và Nhân văn Fulbright sẽ thành lập vào năm 2018. Hiệu trưởng sáng lập của FUV là bà Đàm Bích Thủy.

…Đó là những thông tin dành cho các bạn muốn nghiên cứu về Đại học FUV, ngoài ra không có mục đích nào khác. Màu không, không màu, tư bản, tư bản cuồng nhiệt; cộng sản cuồng nhiệt hay cộng sản vẫn là Việt Nam độc lập, tự chủ…

*Đăng ở đây hai bức ảnh, một của cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cựu binh Mỹ trở lại chiến trường xưa ở Cà Mau; và ảnh của Bob Kerrey, người dính líu trực tiếp tới cuộc thảm sát Thạnh Phong (Bến Tre) năm 1969.

LƯU NHI DŨ 30.08.2024

No comments:

Post a Comment