Saturday, August 31, 2024

VNTB – Ông Lê Minh Trí có thể làm gì với vụ án Hồ Duy Hải
Đặng Đình Mạnh
01.09.2024 1:13
VNThoibao


(VNTB) – Ông Lê Minh Trí và sau đó là ông Tô Lâm chỉ cần trả lại công lý cho Hồ Duy Hải, hoặc Nguyễn Văn Chưởng… đễ dàng chiếm trọn thiện cảm công chúng mà không cần quá khó phải dụng công, dụng trí, dụng tài.

Ông Lê Minh Trí vừa được Quốc hội phê chuẩn trở thành Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, chức vụ đứng đầu ngành tòa án. Sự kiện này đã khiến không ít người quan tâm đến vụ án oan Hồ Duy Hải khấp khởi hy vọng. Vì lẽ, trước đó, năm 2020, khi nắm chức giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, thì ông đã từng có văn bản quyết định kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải theo hướng tuyên Hải vô tội. Rõ ràng, sự trông chờ từ công chúng cũng là phép thử đối với ông Lê Minh Trí trong cương vị mới.

Theo phân tích của luật sư, vụ án Hồ Duy Hải có đến 41 điểm phi lý, mà lẽ ra, chỉ cần 1 hoặc 2 điểm phi lý thì vụ án điều tra đối với Hồ Duy Hải đã phải bị đình chỉ chứ không phải đến 41 điểm. Năm 2020, khi đại diện Viện Kiểm sát Tối cao trình bày tại phiên tòa, thì cũng nêu ra đến 17 điểm phi lý, khẳng định đây là một vụ án oan sai.

Đơn cử một vài chi tiết dễ hiểu trong số ấy:

– Vụ án thu thập được nhiều dấu máu có vân tay tại hiện trường, nhưng không có vân tay nào của Hồ Duy Hải cả. Điều đáng ngờ là cơ quan điều tra đã không điều tra xem các dấu vân tay còn lại là của ai?

– Vật chứng chính của vụ án gồm con dao và cái thớt bị cho là phương tiện gây án, nhưng đã bị cảnh sát điều tra làm mất. Họ ra chợ mua con dao và cái thớt mới đưa vào hồ sơ vụ án làm vật chứng “tham khảo”?!

– Hồ Duy Hải có chứng cứ ngoại phạm, nhưng cơ quan điều tra đã từ chối thực nghiệm điều tra khoảng cách, thời gian di chuyển từ nơi được cho là ngoại phạm đến hiện trường;

– Tòa án căn cứ vào hơn 20 lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải. Thế nhưng, trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn đã từng có đến 53 lời khai nhận tội, cho dù ông Chấn không hề phạm tội?!

– Nhiều chứng cứ, lời khai quan trọng đã bị tự tiện bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án một cách khó hiểu;

Cho thấy, quá trình điều tra vụ án đầy rẫy vi phạm pháp luật, như: Tiêu hủy vật chứng, thay đổi vật chứng, bỏ sót các chứng cứ pháp y như vân tay, vết máu tại hiện trường; Ép cung, rút bỏ hồ sơ chứng cứ có lợi cho bị cáo, bỏ qua một số bản khai cung không nhận tội của bị cáo.

Thế nhưng, trong phiên tòa xét xử giám đốc thẩm vụ án vào ngày 08/05/2020, Hội đồng Thẩm phán do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đứng đầu, đã “lái” 17/17 vị thẩm phán cao cấp bỏ phiếu bác bỏ kháng nghị của Viện Kiểm sát, tiếp tục duy trì quan điểm cho rằng Hồ Duy Hải có tội và phải chịu hình phạt cao nhất trong khung hình phạt là tử hình.

Nghiêm trọng và nguy hiểm nhất khi ông Nguyễn Hòa Bình công khai đưa ra khái niệm: “Có sai sót về tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”. Hầu như, khái niệm này đã phủ nhận toàn bộ các nguyên tắc tố tụng hình sự cơ bản và là tiền lệ rất xấu tạo sự tùy tiện tố tụng sau này. Nhất là trong bối cảnh tư duy trọng pháp rất kém của những người tiến hành tố tụng hiện nay.

Bên cạnh đó, đối với ông Nguyễn Hòa Bình, trước khi giữ chức vụ Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình cũng từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (2011 – 2016). Trong thời gian ông tại chức Viện trưởng, thì Viện Kiểm sát tối cao lại có quan điểm cho rằng Hồ Duy Hải có tội. Đó cũng là lý do Viện Kiểm sát Tối cao khẳng định không kháng nghị bản án, dẫn đến việc Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Lẽ ra với một quá trình tham gia tố tụng như thế trong cùng một vụ án, ông Nguyễn Hòa Bình phải tự mình rút lại tư cách tham gia phiên tòa giám đốc thẩm như là chủ tọa và có quyền bỏ phiếu vì lý do xung đột lợi ích.

Năm 2020, bản án giám đốc thẩm vẫn giữ hình phạt tử hình, nhưng 4 năm qua kể từ bác bỏ kháng nghị và 16 năm qua kể từ khi bị bắt giữ (2008), Hồ Duy Hải vẫn là tử tù trong khu biệt giam khắc khoải chờ đợi công lý mong manh. Nhưng nay, khi một người đã từng có quan điểm cho rằng Hồ Duy Hải vô tội trở thành người lãnh đạo cao nhất của ngành tòa án thì điều đó có tạo nên sự khác biệt gì cho vụ án?

Về thủ tục, thật ra điều tạo sự khác biệt hoàn toàn khả thi. Vì lẽ, với cương vị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Lê Minh Trí vẫn có quyền kích hoạt thẩm quyền mới có của mình tham chiếu theo điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, ông có quyền đề nghị Hội đồng Thẩm phán xem xét lại quyết định giám đốc thẩm bác kháng nghị trước đây, với lý do quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới.

Trong thực tế, việc “lật” lại một quyết định đã từng được thông qua với tỷ lệ 100% (17/17) tuy khó khăn đối với một nền tư pháp nghiêm túc, nhưng lại quá dễ dàng đối với một nền tư pháp tùy tiện. Do hồ sơ vụ án bị “rút ruột” rất nhiều, có nhiều tài liệu bị đóng dấu mật, không lưu trong hồ sơ vụ án mà lại lưu tại Bộ Công an một cách khó hiểu(?!). Nay, chỉ cần xuất trình một hay vài tài liệu đó thì đã có thể xem như trường hợp có chứng cứ mới để xem xét lại vụ án.

Việc ông Lê Minh Trí trở thành người lãnh đạo cao nhất của ngành tòa án đã là yếu tố thuận lợi, cái thiếu là yếu tố quyết định thì không hẳn nằm ở pháp đình, nó nằm ở Ba Đình nơi vừa có một người lãnh đạo mới. Ông ấy mới là người quyết định. Khi ông ấy đã quyết định, mọi việc còn lại hết sức đơn giản, chỉ còn là thủ tục.

Tạo dấu ấn nhiệm kỳ, không gì bằng vuốt ve công chúng. Ông Lê Minh Trí và sau đó là ông Tô Lâm sẽ dễ dàng chiếm trọn thiện cảm công chúng mà không cần quá khó phải dụng công, dụng trí, dụng tài. Chỉ cần trả lại công lý cho Hồ Duy Hải, hoặc Nguyễn Văn Chưởng… Cái giá quá rẻ để mà chuộc lại lòng tin vốn đã mất sạch từ lâu vào chế độ.

DC, ngày 27 Tháng Tám 2024

No comments:

Post a Comment