Saturday, August 31, 2024

Vũ khí sinh học mới sẽ gây bất ổn cho thế giới như thế nào?
Nguồn: Roger Brent, T. Greg McKelvey, Jr., và Jason Matheny, “The New Bioweapons”, Foreign Affairs, 20/08/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
31/08/2024
NghiencuuQT


Trong lĩnh vực an ninh mạng, bài kiểm tra xâm nhập (penetration test) là một cuộc tấn công mô phỏng vào hệ thống phòng thủ của máy tính bằng cách sử dụng các công cụ và kỹ thuật mà kẻ tấn công cũng sẽ sử dụng. Các bài kiểm tra này được áp dụng bởi tất cả các chính phủ và công ty. Ví dụ, các ngân hàng thường xuyên thuê chuyên gia máy tính đột nhập vào hệ thống của họ và chuyển tiền đến các tài khoản trái phép, thường bằng cách lừa đảo để lấy thông tin đăng nhập từ nhân viên. Sau khi người thực hiện bài kiểm tra thành công, họ trình bày kết quả cho các tổ chức và đưa ra các khuyến nghị về cách cải thiện an ninh.

Vào cuối thập kỷ trước và đầu thập kỷ này, chính xã hội loài người đã trải qua một loại thử nghiệm mang tính xâm nhập: COVID-19. Virus, một kẻ thù vô tri vô giác, đã thăm dò khả năng phòng thủ chống lại các mầm bệnh mới của thế giới. Và vào cuối cuộc thử nghiệm, rõ ràng nhân loại đã thất bại. COVID-19 đã càn quét mọi nơi, từ các trạm nghiên cứu ở Nam Cực xa xôi đến các bộ lạc Amazon biệt lập. Virus này hoành hành khắp các viện dưỡng lão và tàu sân bay. Khi COVID-19 lan rộng, nó tấn công cả những người dễ bị tổn thương và những người khỏe mạnh – những nhân viên tuyến đầu và cả những người đứng đầu nhà nước. Các lệnh phong tỏa hà khắc do các chế độ độc tài áp đặt và các loại vắc xin thần kỳ do các nền dân chủ phát triển đã làm chậm virus, nhưng không ngăn chặn được sự lây lan của nó. Đến cuối năm 2022, ba trong số bốn người Mỹ đã bị nhiễm bệnh ít nhất một lần. Trong sáu tuần sau khi Trung Quốc chấm dứt các hạn chế “zero COVID” vào tháng 12, hơn một tỷ người dân nước này đã bị nhiễm bệnh. Lý do chính khiến số người chết vì đại dịch tương đối thấp không phải là do xã hội đã kiểm soát được dịch bệnh. Sự thật là, mức độ gây chết người của virus chỉ ở mức vừa phải. Cuối cùng, COVID-19 phần lớn đã tự lụi tàn.

Thất bại của nhân loại trước COVID-19 là một lời cảnh tỉnh, bởi vì thế giới đang phải đối mặt với số lượng các mối đe dọa sinh học ngày càng tăng. Một số trong số chúng, chẳng hạn như cúm gia cầm, đến từ tự nhiên. Nhưng nhiều mối đe dọa đến từ những tiến bộ khoa học. Trong 60 năm qua, các nhà nghiên cứu đã phát triển hiểu biết sâu sắc về cả sinh học phân tử và sinh học con người, cho phép phát triển các mầm bệnh cực kỳ nguy hiểm và hiệu quả. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách tạo ra các loại virus có thể lẩn tránh hệ miễn dịch. Họ đã học được cách cải tiến các loại virus hiện có để lây lan dễ dàng hơn qua không khí và cách thiết kế các loại virus để chúng trở nên nguy hiểm hơn. Vẫn chưa rõ liệu COVID-19 xuất phát từ các hoạt động như vậy hay xâm nhập vào quần thể người thông qua tương tác với động vật hoang dã. Dù bằng cách nào, rõ ràng là công nghệ sinh học, hiện được thúc đẩy bởi trí tuệ nhân tạo, đã giúp việc tạo ra bệnh tật trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Nếu một mầm bệnh do con người tạo ra hoặc cải tiến thoát ra hoặc bị phát tán từ phòng thí nghiệm, hậu quả có thể sẽ rất thảm khốc. Một số mầm bệnh tổng hợp có khả năng giết chết nhiều người hơn và tàn phá kinh tế nghiêm trọng hơn nhiều so với virus corona mới đây. Trong trường hợp xấu nhất, số người chết trên toàn thế giới có thể vượt quá số người chết vì bệnh dịch hạch, vốn đã giết chết một phần ba dân số châu Âu.

Ngăn chặn thảm họa như vậy phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo thế giới. Đây là một vấn đề nan giải không kém gì các thách thức lớn khác của sơ kỳ thế Nhân tân (Anthropocene), như kiểm soát và quản lý vũ khí hạt nhân cũng như đối phó với hậu quả quy mô toàn cầu từ biến đổi khí hậu. Để xử lý mối nguy hiểm này, các quốc gia sẽ cần phải bắt đầu củng cố xã hội để chống lại các mầm bệnh do con người tạo ra. Ví dụ, họ sẽ phải phát triển các hệ thống cảnh báo có thể phát hiện các loại bệnh do con người thiết kế. Họ cần phải tìm cách sản xuất nhanh chóng và cải thiện hiệu quả của các thiết bị bảo hộ cá nhân nhiều hơn. Họ sẽ cần phải giảm thời gian cần thiết để phát triển và phân phối vắc-xin và thuốc kháng virus xuống còn vài ngày, thay vì vài tháng. Họ sẽ cần phải quản lý các công nghệ được sử dụng để tạo ra và thao túng virus. Và họ phải làm tất cả những điều này nhanh nhất có thể.

Ngành kinh doanh rủi ro

Trong hơn một thế kỷ, hầu hết mọi người đã nhìn nhận sinh học như một động lực cho sự tiến bộ. Vào đầu thế kỷ XXI, vắc-xin đã giúp nhân loại xóa sổ bệnh đậu mùa và bệnh dịch tả bò, đồng thời gần như xóa sổ bệnh bại liệt. Thành công chỉ đạt được một phần; nhiều bệnh truyền nhiễm không có thuốc chữa, vì vậy việc loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh vẫn là một ngoại lệ, không phải là quy tắc. Nhưng những tiến bộ đạt được là không thể phủ nhận. Bản chất chưa trọn vẹn của những thành tựu của nhân loại có lẽ được minh chứng rõ nhất qua đại dịch HIV. Trong nhiều thập kỷ, HIV đã giết chết hầu hết mọi con người mà nó tấn công. Virus này tiếp tục lây nhiễm cho hàng triệu người mỗi năm. Nhưng nhờ sự đổi mới khoa học, thế giới hiện có các loại thuốc hỗn hợp ngăn chặn sự nhân lên của virus, đã biến căn bệnh từ án tử chuyển sang tình trạng y tế có thể kiểm soát được. Kiểu tiến bộ y tế này phụ thuộc vào nhiều tổ chức riêng biệt, phối hợp không chặt chẽ với nhau – mỗi tổ chức có động lực khác nhau – trong các lĩnh vực như cung cấp dịch vụ chăm sóc, quản lý y tế công cộng và thực hiện nghiên cứu khoa học, y tế.

Nhưng tiến bộ khoa học có thể là một con dao hai lưỡi. Nếu sự hiểu biết ngày càng tăng của các nhà khoa học về vi sinh học đã tạo điều kiện cho những tiến bộ to lớn về sức khỏe con người, thì nó cũng tạo điều kiện cho những nỗ lực nhằm phá hoại sức khỏe của con người. Trong CTTG I, quân Đồng minh đã nghiên cứu việc sử dụng vũ khí dạng vi khuẩn, và các nhân viên tình báo quân sự Đức đã sử dụng các mầm bệnh như vậy để tấn công động vật mà quân Đồng minh sử dụng cho việc vận tải. Đức đã khiến ngựa và lừa ở Pháp và Romania bị bệnh. Ở Na Uy, họ đã cố gắng lây nhiễm tuần lộc được người Sami sử dụng để vận chuyển vũ khí cho quân đội Nga. Các sĩ quan Đức thậm chí còn cố gắng lây nhiễm các chuồng ngựa và chuồng trại ở Mỹ chứa đầy động vật đang hướng đến Châu Âu.

Khi CTTG II bắt đầu, những sáng kiến này đã phát triển thành vũ khí được thiết kế để giết người. Tại Mãn Châu bị Nhật Bản chiếm đóng, viên sĩ quan quân đội Nhật Bản Shiro Ishii đã cho quân đội của mình cai quản Đơn vị 731 tàn ác – nơi họ đã thử nghiệm vũ khí sinh học trên con người. Đơn vị này đã lây nhiễm và giết chết hàng nghìn tù nhân bằng bệnh than, thương hàn, phó thương hàn, bệnh loét mũi, kiết lỵ và bệnh dịch hạch. Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, Ishii đã đề xuất một chiến dịch chiến tranh sinh học toàn diện – mang tên Anh Đào Dạ Hoa – trong đó các thủy phi cơ Nhật Bản sẽ phân tán bọ chét nhiễm bệnh dịch hạch trên các thành phố lớn của Bờ Tây nước Mỹ. Nhưng kế hoạch đã bị bác bỏ bởi tổng tham mưu trưởng quân đội. Vị tổng tham mưu nói: “Nếu tiến hành chiến tranh vi khuẩn, nó sẽ phát triển từ quy mô chiến tranh giữa Nhật Bản và Mỹ thành một cuộc chiến bất tận của loài người chống lại vi khuẩn”.

Tuy nhiên, các suy nghĩ tương tự như vậy đã không ngăn cản các quốc gia khác nghiên cứu và phát triển vũ khí sinh học. Vào những năm 1960, Bộ Quốc phòng Mỹ đã khởi động Dự án 112, thử nghiệm cách phát tán hàng loạt các mầm bệnh tấn công. Để làm điều đó, lục quân đã phân tán bào tử trong các đường hầm của tàu điện ngầm thành phố New York và vi khuẩn trong bình phun từ thuyền ở Vịnh San Francisco. Mỹ đã phun hóa chất từ máy bay quân sự trên hàng nghìn dặm vuông, từ dãy núi Rocky đến Đại Tây Dương và từ Canada đến Vịnh Mexico. Theo quan điểm của các quan chức Mỹ, những vũ khí này là một loại chính sách phòng ngừa một cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô: nếu Moscow tấn công Mỹ và vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Washington, Mỹ vẫn có thể tàn phá Liên Xô bằng cách phản công bằng các mầm bệnh chết người. Vào giữa thập kỷ, Bộ Quốc phòng cam kết phát triển vũ khí sinh học gây chết người và có khả năng vô hiệu hóa. Khi thập niên 1960 sắp kết thúc, các nhà khoa học của chính phủ đã sản xuất một lượng lớn vi khuẩn và độc tố chết người được thiết kế, theo lời của nhà vi sinh vật học Riley Housewright, để “gây nhầm lẫn trong chẩn đoán và cản trở việc điều trị.”

Tuy nhiên, những phát triển này đã khiến các nhà nghiên cứu dân sự khiếp sợ, những người đã phản đối các kế hoạch của Washington. Họ đã tìm thấy một người đồng quan điểm tại Nhà Trắng. Năm 1969, Tổng thống Mỹ Richard Nixon quyết định ngừng chương trình vũ khí sinh học của đất nước mình. Ông cũng kêu gọi một hiệp ước quốc tế cấm các sáng kiến như vậy. Các chuyên gia nước ngoài đã củng cố thông điệp của ông. Ngay sau thông báo của Nixon, Joshua Lederberg – một nhà sinh học đoạt giải Nobel – đã làm chứng trước Quốc hội để ủng hộ lệnh cấm toàn cầu. Joshua Lederberg nói vũ khí sinh học có thể trở nên nguy hiểm chết người như vũ khí hạt nhân. Nhưng chúng sẽ dễ chế tạo hơn. “Vũ khí hạt nhân đã bị các cường quốc độc quyền đủ lâu để duy trì sự cân bằng răn đe trên thực tế và xây dựng một hệ thống an ninh dựa trên không phổ biến vũ khí hạt nhân”, theo Lederberg. “Sức mạnh vi trùng sẽ hoạt động ngược lại.”

Tuy nhiên, đối thủ chính của Washington đã không bị thuyết phục. Năm 1971, trong khi thế giới đang tranh cãi về một hiệp ước, Liên Xô đã phát tán một chủng virus đậu mùa Variola được vũ khí hóa trên một hòn đảo ở biển Aral. Nó dẫn đến sự bùng phát bệnh đậu mùa ở Kazakhstan ngày nay. Vụ bùng phát dịch đã được ngăn chặn nhờ những nỗ lực anh hùng của các quan chức y tế công cộng Liên Xô, nhưng những nỗ lực đó chỉ thành công nhờ vào dân số thưa thớt của khu vực bị ảnh hưởng và vì hầu hết công dân Liên Xô đã được tiêm phòng và có một số khả năng miễn dịch.

Cuối năm đó, Liên Xô và Mỹ đã ký một hiệp ước cấm vũ khí sinh học, được gọi là Công ước Vũ khí Sinh học. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã hoan nghênh hiệp ước này, và vào năm 1972, nó đã được công khai ký kết tại London, Moscow và Washington. Nhưng cuối cùng Liên Xô đã vi phạm thỏa thuận. Năm 1979, 68 người đã chết tại thành phố Sverdlovsk – ngày nay là Yekaterinburg – sau khi các bào tử từ một dự án bệnh than bí mật bị phát tán. Moscow không gặp bất kỳ tai nạn rõ ràng nào khác, nhưng Liên Xô vẫn duy trì một chương trình vũ khí sinh học cho đến khi sụp đổ – một chương trình mà theo những người đào thoát, có tới 60.000 người tham gia vào thời kỳ đỉnh điểm. Năm 1991, đại diện Mỹ và Anh đã đến thăm một số cơ sở của chương trình, nơi họ nhìn thấy hàng loạt tàu và lò phản ứng sinh học có khả năng sản xuất hàng nghìn lít đậu mùa có hiệu giá cao. Sau đó, những con tàu này có thể bơm virus qua các đường ống được làm lạnh và vào các quả bom nhỏ, từ đó, có thể được nạp lên tên lửa.

Công ước Vũ khí Sinh học còn một vấn đề khác: nó không ngăn cản các nhóm và cá nhân tư nhân theo đuổi những vũ khí này. Năm 1984, phong trào tôn giáo Rajneesh, có trụ sở tại Oregon, đã làm ô nhiễm các quầy salad bằng vi khuẩn salmonella. (Mục tiêu của phong trào này là làm mất khả năng của cử tri đối lập để các ứng cử viên Rajneesh có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở quận Wasco.) Không ai chết, nhưng hàng trăm người bị nhiễm bệnh. Năm 1995, nhóm Aum Shinrikyo ngày tận thế đã làm bị thương hàng nghìn người ở Tokyo bằng chất độc thần kinh sarin; trước đây tổ chức này đã cố gắng, nhưng không thành công, chế tạo vũ khí bệnh than. Năm 2001, các vụ tấn công bằng bệnh than ở Mỹ nhằm vào các nhà báo và hai văn phòng Thượng viện Mỹ – mà FBI tin rằng do một nhà khoa học Mỹ thực hiện – đã giết chết năm người.

Quy mô tương đối nhỏ của những sự cố này có thể được coi là bằng chứng cho thấy những kẻ khủng bố và các quốc gia hiện có thể đang bị hạn chế, có lẽ bởi những khó khăn kỹ thuật hoặc luật pháp hiện hành, để gây ra thiệt hại sinh học hàng loạt. Nhưng quan điểm này là quá lạc quan. Thay vào đó, chúng cho thấy rằng các hiệp ước quốc tế và các biện pháp y tế công cộng hiện nay không thể ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy. Những sự cố này cũng chứng minh việc giả định rằng các quốc gia và những kẻ khủng bố thiếu ý chí hoặc phương tiện để chế tạo vũ khí sinh học là sai lầm. Một số cá nhân và nhóm phải đối mặt với những rào cản — chẳng hạn như không có khả năng tiếp cận các phòng thí nghiệm hoặc cơ sở phù hợp. Nhưng nhờ những tiến bộ công nghệ không ngừng, những rào cản đó đang sụp đổ.

Dù tốt hay dù xấu

Năm 2012, một nhóm các nhà khoa học do Emmanuelle Charpentier và Jennifer Doudna dẫn đầu đã xuất bản một bài báo trên Science, một tạp chí học thuật hàng đầu. Bài báo mô tả một hệ thống kỹ thuật, được gọi là CRISPR-Cas9, sử dụng RNA nhân tạo để chỉnh sửa vật liệu di truyền. Phát minh này đã bổ sung vào một bộ công cụ kỹ thuật sinh học phân tử vốn đã rất đáng gờm, bao gồm cái mà các nhà khoa học gọi là “DNA tái tổ hợp cổ điển” (được phát minh vào những năm 1970), phản ứng chuỗi polymerase (được biết đến nhiều hơn với tên gọi PCR, và được phát minh vào những năm 1980), và DNA tổng hợp (cũng được đưa vào sử dụng trong những năm 1980). Kết hợp lại, những phát minh này đã tạo ra một sự bùng nổ về trí tuệ của con người, thúc đẩy khám phá khoa học và tiến bộ trong y học. Ví dụ, vào tháng 12 năm 2023, FDA đã phê duyệt một liệu pháp gen phức tạp dựa trên CRISPR để chữa bệnh thiếu hồng cầu lưỡi liềm, một căn bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Tuy nhiên, vì những lý do chính trị, kinh tế và các thể chế phức tạp mà thông qua đó những tiến bộ sinh học có thể đến được với con người, có thể phải mất nhiều năm trước khi những mặt tích cực của công nghệ mới nhất chạm đến những người cần chúng. Ví dụ, phương pháp điều trị CRISPR cho bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm về mặt kỹ thuật và y tế rất phức tạp, tốn kém (2,2 triệu USD cho bệnh nhân) và tốn nhiều thời gian. Do đó, nó chỉ tiếp cận được một tỷ lệ rất nhỏ bệnh nhân. Và trong khi thế giới đang vật lộn để truyền bá những lợi ích của các công nghệ mới phức tạp này, các nhà khoa học tiếp tục chứng minh rằng chúng cũng có thể dễ dàng gây ra thiệt hại. Năm 2018, một cá nhân trong nhóm ba người đã sử dụng DNA tái tổ hợp, PCR và DNA tổng hợp để tái tạo bệnh đậu mùa ngựa, một nhánh gần của bệnh đậu mùa. Một nhóm khác đã sử dụng các công cụ này, cộng với CRISPR, để thiết kế một loại virus khác liên quan đến bệnh đậu mùa. Nghiên cứu như vậy có thể dễ dàng được sử dụng để sản xuất độc tố gây chết người.

Rủi ro đang gia tăng một phần nhờ cuộc cách mạng công nghệ thứ hai: sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo. Các mô hình ngôn ngữ lớn, chẳng hạn như các mô hình từ ChatGPT và Claude, trở nên tinh vi và mạnh mẽ hơn nhiều với mỗi lần lặp lại mới. Ngày nay, các phiên bản mới nhất được hàng nghìn nhân viên phòng thí nghiệm sử dụng hàng ngày để tăng tốc công việc của họ, một phần bằng cách cung cấp nhiều hướng dẫn hữu ích về các câu hỏi kỹ thuật. Năm 2020, các nhà nghiên cứu AI đã tạo ra một hệ thống, AlphaFold, có hiệu quả giải quyết một vấn đề đỉnh cao trong sinh học: dự đoán cấu trúc ba chiều của một protein từ trình tự các axit amin của nó.

Tuy nhiên, đối với những kẻ khủng bố sinh học tiềm tàng, những hệ thống này có thể tạo điều kiện cho con đường dẫn đến sự hỗn loạn. Các mô hình AI lớn nhất dường như đã được đào tạo dựa trên toàn bộ nền tảng kiến thức đã xuất bản của khoa học sự sống. Tất nhiên, hầu hết kiến thức này đã có sẵn trên Internet, nhưng không có con người nào có thể tiếp thu, xử lý và tổng hợp tất cả. Các hệ thống AI hiện tại cũng có thể thiết kế các protein mới (cho phép thiết kế các mầm bệnh nguy hiểm) và thực hiện các hoạt động trong phòng thí nghiệm. Một số nhà khoa học máy tính thậm chí còn đang nghiên cứu để tạo ra các hệ thống tự động có thể thực hiện các nhiệm vụ trong phòng thí nghiệm. Nếu những nỗ lực này thành công, một tác nhân độc hại có thể tạo ra một mầm bệnh mới chết người chỉ bằng cách chiếm quyền điều khiển các cơ sở tự động đó.

Và các nhà chức trách sẽ rất khó ngăn chặn chúng. Tin tặc đã chứng minh khả năng đột nhập vào các hệ thống bảo mật cực kỳ phức tạp và các vật liệu cần thiết để tạo ra mầm bệnh mới bao gồm thuốc thử và thiết bị có sẵn rộng rãi. Các cơ quan quản lý có thể cố gắng nhắm mục tiêu vào hàng chục nhà cung cấp đáp ứng các đơn đặt hàng cho các thành phần chính. Nhưng có nhiều cách để giải quyết những nhà cung cấp này và việc đóng cửa họ có thể làm chậm quá trình nghiên cứu và phát triển y sinh có giá trị.

Nếu những kẻ xấu cuối cùng sản xuất và phát tán một mầm bệnh vi rút, nó có thể lây nhiễm cho nhiều người trong thời gian ngắn hơn nhiều so với khoảng thời gian mà các quan chức có thể phát hiện và xác định mối đe dọa và bắt đầu chống trả. Suy cho cùng, việc tạo ra mầm bệnh sẽ rẻ hơn là chữa trị chúng. Tiền vốn cho các cơ sở và vật liệu cần thiết để tạo ra một căn bệnh mới là thấp, nhưng việc ứng phó với dịch bệnh lại liên quan đến một loạt các thành phần phức tạp và tốn kém đáng kinh ngạc: mạng lưới xét nghiệm và phát hiện mở rộng, số lượng lớn thiết bị bảo hộ cá nhân, phong tỏa gây rối loạn xã hội và một bộ máy có thể phát triển, sản xuất và phân phối các phương pháp điều trị và vắc xin.

Ý nghĩ chi hàng tỷ đô la để cố gắng ngăn chặn một đại dịch khác sẽ đủ để ngăn cản các quốc gia vũ khí hóa sinh học. Tuy nhiên, một số chính phủ vẫn tiếp tục theo đuổi các sáng kiến nguy hiểm. Vào tháng 4 năm 2024, Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá rằng Triều Tiên và Nga có các chương trình vũ khí sinh học tấn công và Trung Quốc cùng Iran đang theo đuổi các hoạt động sinh học có thể được vũ khí hóa. Tất cả đều là các bên tham gia Công ước Vũ khí Sinh học.

Răn đe bởi quốc phòng

Trong Chiến tranh Lạnh, các cường quốc hạt nhân trên thế giới đã tránh được thảm họa phần lớn nhờ vào khái niệm hủy diệt lẫn nhau. Các chính trị gia nhận ra rằng một cuộc tấn công hạt nhân duy nhất có thể dẫn đến sự trả đũa hủy diệt hành tinh—hoặc, như Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng vào năm 1985, “không một ai có thể thắng một cuộc chiến tranh hạt nhân, và nó không bao giờ được phép xảy ra.” Các quốc gia hạt nhân đã đưa ra các học thuyết phức tạp để quản lý công nghệ của họ và ngăn chặn việc sử dụng vũ khí. Các chính phủ đã đạt được nhiều thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, giữ số lượng các quốc gia có vũ khí hạt nhân ở mức tối thiểu. Và Liên Xô cùng Mỹ đã tạo ra nhiều hệ thống – bao gồm các hiệp ước, các giao thức chỉ huy và kiểm soát, và các đường dây nóng – để giảm khả năng hiểu lầm dẫn đến một cuộc chiến tranh thảm khốc.

Nhưng khi nói đến vũ khí sinh học, công thức răn đe thời Chiến tranh Lạnh sẽ không hiệu quả. Khái niệm “hủy diệt lẫn nhau” dựa vào nỗi sợ hãi, điều đã lan rộng trong thời đại hạt nhân, nhưng lại không phổ biến đối với chiến tranh sinh học. Mối đe dọa hiện tại phụ thuộc vào sự tiếp nối của tiến bộ công nghệ chóng mặt và những phát minh chưa từng có, khiến mọi người khó có thể nắm bắt đầy đủ các rủi ro. Không giống như các vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, chưa có cuộc tấn công sinh học nào trở thành sự kiện lịch sử thế giới thu hút sự chú ý lâu dài.

Sự hủy diệt lẫn nhau cũng phụ thuộc vào khả năng xác định kẻ tấn công của một quốc gia. Với vũ khí hạt nhân, làm như vậy là đủ dễ dàng. Với vũ khí hạt nhân, việc phát hiện ra nguồn gốc tấn công là khá dễ dàng. Tuy nhiên, các quốc gia có thể phát tán vũ khí sinh học và trốn tránh sự phát hiện – và do đó, tránh bị trả đũa. Một chính phủ có thể bí mật phát tán một loại virus nguy hiểm và đổ lỗi cho bất kỳ quốc gia nào khác, hoặc thậm chí là các chủ thể phi nhà nước.

Và các chủ thể phi nhà nước thực sự có thể giải phóng các mầm bệnh chết người, một thực tế khiến sự hủy diệt lẫn nhau trở thành một biện pháp răn đe thậm chí còn ít hữu ích hơn. Không có chính phủ nào muốn mạo hiểm với sự hủy diệt của chính đất nước mình, nhưng rất nhiều kẻ khủng bố không quan tâm đến sự sống còn và giờ đây họ có quyền tiếp cận với các vật liệu, thiết bị, kiến thức và khả năng kỹ thuật cần thiết để chế tạo vũ khí sinh học. Năm 1969, Lederberg cảnh báo rằng hậu quả của việc phổ biến sinh học không được kiểm soát sẽ giống như việc “bom hydro có sẵn tại siêu thị”. Thế giới năm 2024 có rất nhiều siêu thị, chứa đầy nguyên liệu chế tạo bom.

Vì sự răn đe kiểu Chiến tranh Lạnh khó có thể thành công, tình hình hiện tại đòi hỏi một triết lý khác. Ở đây, con đường dẫn đến sự răn đe không nằm ở khả năng trả đũa. Thay vào đó, nó nằm ở một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ đến mức khiến các cuộc tấn công sinh học không đáng để thực hiện.

Có một khuôn mẫu lịch sử về cách các xã hội có thể khiến vũ khí sinh học không thành công: sự kết thúc của các đám cháy đô thị lớn. Trong phần lớn lịch sử được ghi lại, các thành phố trên thế giới đã bị tàn phá định kỳ bởi những đám cháy lớn thiêu rụi trung tâm. Nhưng vào thế kỷ XIX, tần suất của những vụ cháy này giảm đáng kể. Sự suy giảm này một phần là sản phẩm của việc phát triển các hệ thống ứng phó tốt hơn, chẳng hạn như lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp và trụ nước chữa cháy. Nhưng chủ yếu, việc giảm thiểu này là do các bước cơ bản, bao gồm việc sử dụng các vật liệu xây dựng ít bắt lửa hơn, áp đặt các tiêu chuẩn kỹ thuật và mã xây dựng, và các yêu cầu về bảo hiểm trách nhiệm pháp lý – điều này không khuyến khích hành vi rủi ro. Khi các bang đưa ra định nghĩa rõ ràng hơn về sự sơ suất, giúp khởi kiện dân sự về các vụ cháy do tai nạn dễ dàng hơn, mọi người càng trở nên thận trọng hơn.

Các nhà chức trách ngày nay có thể học hỏi từ các ví dụ này. Các chính phủ đã xây dựng các sở cứu hỏa và trụ nước để ứng phó với các vụ cháy đô thị. Bây giờ, họ cần xây dựng các hệ thống có thể nhanh chóng phát triển vắc-xin, thuốc kháng virus và các biện pháp can thiệp y tế khác. Tuy nhiên, giống như các vụ cháy đô thị, các chính phủ cần hiểu rằng phản ứng nhanh sẽ không đủ. Thế giới có thể, và phải, phát triển khả năng tiêm chủng cho tám tỷ người trong vòng 100 ngày kể từ khi bùng phát dịch – nhanh hơn thời gian Mỹ cần để tiêm chủng đầy đủ cho 100 triệu người chống lại COVID-19. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ đối với một mầm bệnh lây lan với tốc độ của biến thể Omicron của coronavirus.

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách phải thực hiện các bước tương tự như thiết lập các quy tắc xây dựng tốt hơn—nói cách khác, các bước giúp mầm bệnh khó lây lan hơn. Họ có thể bắt đầu bằng cách tạo ra các kho dự trữ lớn hơn các thiết bị bảo hộ cá nhân. Khẩu trang, găng tay và mặt nạ phòng độc là chìa khóa để ngăn chặn sự lây truyền vi rút, và vì vậy các quan chức nên ký các hợp đồng chuẩn bị cho các mặt hàng đó. Các quốc gia cũng nên trợ cấp cho các cơ sở công nghiệp của họ để họ có thể tăng sản lượng nếu cần. Họ nên hướng dẫn các nhà sản xuất thiết kế lại thiết bị bảo hộ cá nhân để làm cho chúng rẻ hơn, hiệu quả hơn và thoải mái hơn. Các chính phủ có thể tăng cường khả năng chống chịu này hơn nữa bằng cách đảm bảo rằng những người làm việc trong các dịch vụ thiết yếu có quyền tiếp cận đặc biệt nhanh chóng với thiết bị bảo vệ. Các quốc gia nên giúp trang bị cho các tòa nhà của các khu vực này hệ thống lọc vi khuẩn bằng tia cực tím và hệ thống lọc hạt. Kết hợp lại, những biện pháp này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ bùng phát thành các sự kiện làm mất ổn định xã hội.

Từng bước từng bước một

Có một cách cuối cùng để giảm nguy cơ của các thảm họa sinh học, một cách vượt ra ngoài việc lập kế hoạch ứng phó và phòng thủ. Đó là để các quan chức quản lý tốt hơn các công nghệ mới. Và cuối cùng, đó có thể là cách duy nhất để thực sự ngăn chặn một cuộc tấn công sinh học hàng loạt.

Có nhiều công cụ mà các chính phủ có thể sử dụng để quản lý những tiến bộ. Ví dụ, các quan chức có thể từ chối tài trợ hoặc thậm chí cấm hoàn toàn các thí nghiệm cụ thể. Họ có thể yêu cầu các cá nhân và cơ sở phải có giấy phép trước khi thực hiện một số loại công việc nhất định. Họ có thể giám sát kỹ lưỡng hơn việc tự động hóa phòng thí nghiệm trong tương lai.

Nhưng các quan chức cũng nên định hình hệ sinh thái hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sinh học. Ví dụ, họ nên yêu cầu các công ty bán axit nucleic, chủng, thuốc thử và các thiết bị khoa học đời sống khác được sử dụng để tạo ra các tác nhân sinh học áp dụng các quy tắc “biết khách hàng của bạn”, yêu cầu các công ty xác nhận danh tính của khách hàng và bản chất của hoạt động của họ. Họ cũng đảm bảo rằng hàng hóa chỉ được vận chuyển đến các trang web hợp pháp, uy tín. (Nhiều chính phủ từ lâu đã buộc các tổ chức tài chính phải tuân theo các quy tắc “biết khách hàng của bạn” để ngăn chặn dòng tiền chảy vào các mạng lưới tội phạm.) Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách sẽ có thể điều chỉnh hành vi tốt hơn. Các chính phủ nên nghĩ ra những cách mới để phát hiện hoạt động sinh học bị cấm để các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo có thể ngăn chặn các cuộc tấn công trước khi chúng xảy ra.

Cuối cùng, bắt đầu từ hôm nay, các quốc gia sẽ cần phải xây dựng các chính sách bảo vệ sinh học của mình với AI trong tâm trí. Hiện nay, trước khi phát hành các mô hình ngôn ngữ lớn, các công ty phát minh và cài đặt các biện pháp bảo vệ khác nhau, chẳng hạn như “lằn rảnh đỏ” mà người dùng không thể vượt qua. Ví dụ: ChatGPT-4 và Claude 3.5 Sonnet từ chối trả lời các câu hỏi trực tiếp về cách phát triển virus để giết động vật trang trại. Nhưng nếu người dùng yêu cầu hướng dẫn kỹ thuật về cách tham gia vào quá trình tiến hóa có định hướng như vậy mà không sử dụng từ “giết”, thì các mô hình này sẽ đưa ra hướng dẫn tốt. Do đó, các mô hình AI cần có thêm các biện pháp bảo vệ chống lại việc cung cấp thông tin nguy hiểm và chính phủ nên giúp tạo ra chúng.

Sẽ không dễ dàng để giảm thiểu những rủi ro đến từ những công nghệ mới này, và một số biện pháp quản trị có nguy cơ làm chậm quá trình nghiên cứu hợp pháp. Các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc kỹ lưỡng khi họ xem xét các hạn chế. Nhưng sự giám sát thông minh là điều cần thiết. Thực tế là đối với tất cả những mặt tích cực của chúng, AI và kỹ thuật sinh học mang theo những mối nguy hiểm to lớn, và xã hội cũng như chính phủ phải đánh giá trung thực những lợi ích hiện tại và tương lai của những phát triển này so với những nguy hiểm tiềm tàng của chúng.

Tuy nhiên, các quan chức không nên thất vọng. Xét cho cùng, thế giới đã từng tránh được thảm họa mang tính sống còn trước đây. Chiến tranh Lạnh có thể không cung cấp một khuôn mẫu về cách giải quyết những thách thức ngày nay, nhưng lịch sử của nó vẫn là bằng chứng cho thấy xã hội có thể ngăn chặn những phát minh nguy hiểm. Trước đây, cũng như bây giờ, thế giới phải đối mặt với một sự đổi mới, được phát triển bởi trí thông minh của con người, vốn có thể đe dọa nền văn minh. Trước đây, cũng như bây giờ, các quốc gia không thể loại bỏ hoàn toàn sự phát triển của các loại công nghệ mới. Nhưng các chính phủ đã thành công trong việc ngăn chặn điều tồi tệ nhất, nhờ vào sự phát triển của các khái niệm và hệ thống giúp giảm thiểu rủi ro. John von Neumann, một nhà toán học và vật lý giúp định hướng chính sách hạt nhân của Mỹ, đã viết: “Đối với sự tiến bộ, không có thuốc chữa”. “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm tìm kiếm các kênh an toàn tự động cho sự tiến bộ đa dạng bùng nổ hiện nay đều dẫn đến thất bại. Sự an toàn duy nhất chỉ là tương đối, và nó nằm ở việc thực hiện một cách thông minh phán đoán hàng ngày.”

Một thách thức mang tính quyết định đối với thế kỷ 21 sẽ là liệu thế giới có thể tồn tại trước sự xuất hiện của những công nghệ mới hơn này, vốn hứa hẹn sẽ biến đổi nền văn minh một cách sâu sắc. Cũng như năng lượng hạt nhân, chúng là sản phẩm từ nghiên cứu của con người. Cũng như năng lượng hạt nhân, không có cách nào để quay ngược quyết định một khi đã áp dụng nó. Nhưng xã hội có thể ngăn chặn điều tồi tệ nhất bằng cách thực hiện đánh giá hàng ngày một cách khôn ngoan. Von Neumann nói: “Mong đợi một giải pháp hoàn chỉnh từ trước là không thực tế…Chúng ta chỉ có thể xác định những phẩm chất cần có ở con người: kiên nhẫn, linh hoạt và trí tuệ”.

ROGER BRENT là Giáo sư Khoa học Cơ bản tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson; T. GREG MCKELVEY, JR., là nhà nghiên cứu chính sách y tế cấp cao và là cố vấn cho Trung tâm Meselson và Trung tâm Chính sách Công nghệ và An ninh tại Tập đoàn RAND; JASON MATHENY là Chủ tịch và CEO của RAND.

No comments:

Post a Comment