Mai Quốc Ấn - Đọc mà không thể không phẫn nộ !samedi 31 août 2024
Thuymy
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2020 đến nay, trên lâm phần của Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm xảy ra hơn 500 vụ phá rừng.”
Giữ rừng nhưng mất rừng hàng trăm vụ như vậy nhưng hàng năm Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm vẫn nhận kinh phí bảo vệ rừng. Họ thậm chí còn tự ý sử dụng đất vào mục đích khác là cho thuê để kiếm lợi. Việc này kéo dài một cách kỳ lạ!
Mà lạ hơn nữa, đây là công ty cổ phần có vốn góp nhà nước. Không lẽ đại diện nhà nước trong công ty này không biết gì?
Nghĩa là ngân sách-thuế dân, đang giao cho Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm hàng năm để rừng mất đi, để quản lý nhà nước không có hiệu quả. Nó kéo theo những hệ lụy khác như suy giảm mực nước ngầm hay khó di dời các hộ dân lấn chiếm khiến Tây Nguyên trở nên hạn hán hơn và tăng các nguy cơ tiềm ẩn xung đột hơn. Mất rừng nghĩa là nguy cơ lũ cao hơn, vùng hạ du hay chính nơi thuộc trách nhiệm quản lý của công ty này cũng bị ảnh hưởng.
Những công ty như Buôn Ja Wầm ở Việt Nam không hiếm.
Và dù ngân sách giữ rừng vẫn nhận, tiền cho thuê đất sai mục đích vẫn thu, rừng vẫn mất; mà chẳng có ai chịu trách nhiệm cả ư ? Tây Nguyên là “nóc nhà Đông Dương” mà sao lại để một nhóm lợi ích “dỡ mái nhà” dễ dàng đến vậy !
Chắc Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm có “chống lưng” lớn lắm ?
Câu hỏi là ai “chống lưng” để tài nguyên rừng bị vắt kiệt, cho những công ty như Buôn Ja Wầm thao túng như chỗ không người ?
MAI QUỐC ẤN 31.08.2024
No comments:
Post a Comment