VNTB – Hệ thống Y tế công đối mặt nguy cơ sụp đổ hàng loạtMinh Hải
30.08.2024 4:24
VNThoibao
Mới đây vào ngày 26/8/2024 vừa qua, truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt thông tin nhiều cơ sở Y tế công của cả nước đang rơi vào tình trạng nợ tài chính, thiếu đội ngũ Y-Bác sĩ nghiêm trọng sau một thời gian thực hiện Nghị định số: 60/2021/NĐ-CP về việc quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Dẫn chứng cụ thể là bằng việc mục tiêu tự chủ tài chính đến mức 70-80%, từ mấy năm qua tại các cơ sở Y tế tuyến huyện như: Thăng Bình, Đông Giang, Nam Giang, Hiệp Đức… thuộc tỉnh Quảng Nam đang phải đối diện đầy những khó khăn. Từ việc thông tuyến khám chữa bệnh, đa phần bệnh nhân chọn khám chữa bệnh tại các cơ sở Y tế tuyến tỉnh hoặc trung ương. Vì vậy các cơ sở Y tế tuyến huyện rơi vào tình trạng ngày càng ít bệnh nhân đến khám chữa bệnh, bị hụt thu, nợ lương người lao động, nợ Bảo hiểm và cắt giảm phụ cấp lao động. Nhiều nơi do, đội ngũ Y-Bác sĩ thiếu việc làm nên tự chuyển đổi công tác từ Công sang Tư hoặc đi làm thêm những công việc khác ở bên ngoài để cải thiện thu nhập.
Ví dụ mới qua 8 tháng của năm 2024, toàn tỉnh Quảng Nam đã có 16 bác sĩ bỏ việc, thiếu 1.054 biên chế viên chức và thiếu 7 biên chế công chức ngành y tế theo mức định được giao năm 2024. Hoặc, tại Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình từ năm 2021 đến nay, cơ sở này chỉ tập trung chi trả lương, mức thu cơ bản cho nhân viên, riêng các khoản thu nhập khác thì nợ hoặc cắt giảm.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại hàng loạt cơ sở Y tế công tuyến huyện ở Ninh Bình. Từ năm 2019, nhiều cơ sở y tế công phấn đấu thực hiện 100% tự chủ về tài chính và phát triển theo mô hình doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau mấy năm thực hiện thì hầu hết các cơ sở Y tế đều lâm vào tình trạng thu không đủ chi, nợ lương, nợ bảo hiểm… Dẫn chứng là tại cơ sở Y tế Đa khoa huyện Nho Quan, lãnh đạo của cơ sở cho biết, khi được giao 100% tự chủ tài chính thì cơ sở đã nợ lương người lao động từ tháng 11/2023 cho đến nay.
Và một dẫn chứng cuối là tại Hà Tĩnh. Hàng loạt cơ sở Y tế công tuyến huyện của địa phương này như: BVĐK Hương Khê, TTYT Hồng Lĩnh, BVĐK TP. Hà Tĩnh… cũng vì mục tiêu tự chủ tài chính mà hiện nay đang phải gồng mình gánh số nợ từ tiền thuốc men, vật tư y tế cho đến lương hướng, phụ cấp người lao động khoảng mấy tỉ cho đến hàng chục tỉ đồng.
Trước nguy cơ không sớm thì muộn, hệ thống Y tế công sẽ sụp đổ, ngành Y tế Việt Nam thời gian tới sẽ phải đề nghị Chính phủ dừng hoặc điều chỉnh, thu hẹp mức tự chủ tài chính.
Thay vì phấn đấu đến 100% tự chủ tài chính theo Nghị định số: 60/2021/NĐ-CP thì các tuyến cơ sở Y tế đặc biệt là các tuyến huyện – quận tùy vào tình hình hoạt động kinh doanh mỗi địa phương mà đặt mức phù hợp, đa phần hiện nay khoảng 30-40%.
Công bằng mà nói, hiện nay ở Việt Nam, hoạt động tự chủ tài chủ hay như hoạt động khám chữa bệnh ở hệ thống Y tế tư đang cho thấy hiệu quả, linh hoạt hơn hệ thống Y tế công rất nhiều. Nhu cầu đến cơ sở Y tế tư khám chữa bệnh của người dân ngày càng được ưu tiên lựa chọn.
Nghị định số: 60/2021/NĐ-CP do cựu Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký vào ngày 21 tháng 6 năm 2021, ban đầu cho thấy có mang tính đột phá chuyển đổi, tự chủ tài chính để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa hệ thống Y tế công và hệ thống Y tế tư.
Tuy nhiên, thực tế xảy ra nó đang là áp lực đầy thách thức, gia tăng theo chiều hướng xấu. Các cơ sở Y tế phải có bệnh nhân đến khám chữa bệnh, càng nhiều bệnh nhân càng tốt. Đội ngũ Y-Bác sĩ mong có nhiều bệnh nhân mới có nhiều việc làm đặng nhận mức lương sống được.
Bản thân Nghị định số: 60/2021/NĐ-CP không ít người trong giới chuyên môn cho rằng, nó còn mang tính “nửa vời”, bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử như các cơ sở Y tế tư khi tự chủ tài chính thì có quyền quyết định giá cả hoạt động khám chữa bệnh trong khi các cơ sở Y tế công dù được tạo điều kiện, khích lệ tự chủ nhưng nhà nước vẫn còn nắm phần quyết định giá cả hoạt động khám chữa bệnh, giá thuốc men…
Từ khó khăn tài chính sẽ dẫn đến nhiều khó khăn hệ lụy khác như trang thiết bị y tế lâu ngày ít sử dụng sẽ lạc hậu, hư hỏng. Hay nóng bỏng hơn hết là khó khăn giữ chân đội ngũ Y-Bác sĩ, “chảy máu chất xám” từ công sang tư. Các Y –Bác sĩ không thể yên tâm khám chữa bệnh cho bệnh nhân mà lúc nào cũng phải nghĩ đến chuyện nợ lương, lương thấp và cái bụng đói.
Rõ ràng nếu cứ nợ nần và khó khăn ngày càng chồng chất kéo dài vì một Nghị định “nửa vời”, bộc lộ nhiều bất cập, thì trước sau gì hệ thống Y tế công ở Việt Nam đối mặt nguy cơ sụp đổ hàng loạt.
No comments:
Post a Comment