Friday, June 13, 2025

VNTB – Khi cà phê giả từng được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao
Camille Nguyễn
13.06.2025 7:31
VNThoibao


(VNTB) – Những ngày qua, tin tức về một doanh nghiệp sản xuất cà phê bị Công an phát hiện đã thu hút ít nhiều sự quan tâm của “giới uống cà phê”.

 Theo đó, thông tin tường thuật từ báo chí, ngày 9.6.2025, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Đặng Thị Hòa Hiệp (53 tuổi, ở TT.Phú Thứ, TT.Phú Thứ, H.Tây Hòa, Phú Yên – chủ một doanh nghiệp chế biến cà phê) để điều tra về hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” trong vụ sản xuất 21 tấn cà phê giả.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất 21 tấn cà phê giả, theo điều tra, do giá nguyên liệu cà phê tăng cao, với mục đích tăng lợi nhuận, bà Hiệp đã thay đổi công thức sản xuất, giảm hàm lượng caffeine trong sản phẩm cà phê bột nhãn hiệu Dạ Thảo.

Một điểm đáng để lưu ý hơn, doanh nghiệp của bà Hiệp, đã từng được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo đó, sản phẩm OCOP (One Commune One Product) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực như nguồn lao động, văn hoá địa phương, trí tuệ và sáng tạo… của địa phương. Từ đó, cải thiện đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới qua các sản phẩm mang tính thương hiệu đặc trưng của từng địa phương, vùng miền.

Không quá khó để bắt gặp những sản phẩm OCOP ở siêu thị, sàn thương mại điện tử hay những cửa hàng. Đặc biệt, nhằm mục đích quảng bá, đem sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, nhiều tuần lễ sản phẩm OCOP cũng được diễn ra trong năm; những lễ hội xúc tiến thương mại, xúc tiến tiêu dùng; hội chợ mua sắm cuối năm ở các tỉnh thành…. Người tiêu dùng tin tưởng vào “thương hiệu OCOP”, an tâm khi lựa chọn sản phẩm.

“Thật sự thất vọng. Tôi đi siêu thị hay đi những hội chợ kết nối cuối năm ở các tỉnh khá nhiều. Trải dài từ miền Trung như Bình Định đến Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương và xuống miền tây như Đồng Tháp, và cả Thành phố Hồ Chí Minh. Quy mô có khác nhau, nhưng nhìn chung có nhiều gian hàng ở các tỉnh tề tựu về đây, giới thiệu sản phẩm. Tin tưởng vào sản phẩm có nhãn hiệu OCOP nên tôi thường ưu tiên ghé hơn. Và tôi cũng từng mua sản phẩm cà phê ở một trong những hội chợ đã đi”, bà nội trợ Nguyễn Thị Út chia sẻ về niềm tin vào sản phẩm OCOP.

Tại Điều 5 Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Sản phẩm OCOP Việt Nam ban hành kèm Quyết định 1162/QĐ-VPĐP-OCOP năm 2020 thì sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP là sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm và được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận đạt ba (03) sao, bốn (04) sao hoặc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt năm (05) sao theo quy định.

Như vậy, nói theo quy định, những sản phẩm thuộc danh mục OCOP ít nhiều cũng có phần trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận (ở đây, sản phẩm của cà phê Dạ Thảo đạt OCOP 3 sao). Vậy câu hỏi đặt ra, nếu truy tố bà chủ doanh nghiệp cà phê Dạ Thảo, sẽ thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp huyện; còn trách nhiệm của những cán bộ đã cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp Dạ Thảo thì như thế nào?

Giải thích cho vấn đề trách nhiệm, theo vị lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân huyện Tây Hoà thì “Sản phẩm cà phê Dạ Thảo đạt OCOP 3 sao cấp huyện từ năm 2023, còn việc phát hiện hàng giả từ tháng 12/2024 nên sau khi có quyết định khởi tố, địa phương sẽ tiến hành thu hồi giấy chứng nhận này”.

Nói như lời của vị lãnh đạo này, có thể phần nào hiểu rằng, nếu không bị cơ quan chức năng, báo chí phanh phui, doanh nghiệp có thể yên tâm muốn làm gì làm khi đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP mà không có sự kiểm tra từ địa phương? Là do địa phương có quá nhiều sản phẩm OCOP nên dẫn đến việc khó kiểm soát? Sự tắc trách trong công tác quản lý không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, vô hình trung, còn có tác động không tốt đến chứng nhận sản phẩm OCOP.

Trong một hành vi tương tự, về sản xuất các loại sản phẩm cà phê bột giả, không có thành phần cà phê (hàm lượng Cafein 0%), theo bản án của toà án Nhân dân huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự (tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự quy định), không những xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế, xâm hại đến các quy định của nhà nước về quản lý thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an tại địa phương, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.

No comments:

Post a Comment