Dở với hòa bình, kém với chiến tranhNguyễn Hoàng Văn
29-6-2025
Tiengdan
“Cách hiệu quả nhất để gìn giữ hòa bình”, theo George Washington, Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, là phải “sẵn sàng cho chiến tranh” nhưng, hiện tại, ông Tổng thống thứ 47 của nước này lại chơi kiểu khác [1]. Ông ta, Donald Trump, như có thể thấy mới đây, thì bốc đồng với chiến tranh vì quá mót một… giải thưởng hòa bình [2].
Nhưng Trump lại rất kém với chiến tranh. “Binh bất yếm trá” (Tôn Tử), chiến tranh là trò chơi của sự dối trá thì điều trọng yếu nhất là che giấu ý đồ của mình, là không mù quáng tin vào đối thủ trong khi Trump lại nói nhiều, hay “nổ” nhưng hoàn toàn “thật thà”.
Đây không phải là sự thật thà của người lương thiện, chính trực mà là kiểu “cả tin” của người ngây ngô, nhẹ dạ nếu không nói là mù quáng. Như khi Trump, trong cuộc họp báo chung ở Phần Lan năm 2018, thẳng tay phủ quyết công sức điều tra của bộ máy an ninh tình báo Mỹ về sự can thiệp của Nga trong nội tình chính trị Mỹ: “Tổng thống Putin nói vậy thì tôi tin vậy” [3]. Hay như mới đây, khi Trump hí hửng tuyên bố cuộc đình chiến Israel – Iran sau lời hứa từ hai phía để rồi, hầu như ngay sau đó, lại lồng lộn chửi thề với cả hai phía [4].
Từng thể hiện sức mạnh vô song trong Đệ nhị Thế chiến khi cùng lúc có thể đương đầu trên cả hai mặt trận, Âu châu và Thái bình dương, tại sao Mỹ bị sa lầy và nản lòng bỏ cuộc với decent interval chỉ với mỗi chiến trường Việt Nam? Nguyên nhân thì nhiều mà chính yếu nhất và liên quan đến đề tài đang bàn, là sự mù mờ của Robert McNamara khi xem việc binh đao trên một chiến trường phi quy ước như thể việc kinh doanh quy ước.
Tốt nghiệp kinh tế học với các tín chỉ phụ về toán và triết học, từng làm phụ giảng môn kế toán tại Havard rồi tham gia Đệ nhị Thế chiến như một sĩ quan thống kê chuyên phân tích hiệu quả của các phi tuần oanh tạc tại Bộ Quốc phòng rồi cải tổ và vực dậy công ty Ford như một phép màu, McNamara tin rằng không có trở ngại nào là không giải quyết bằng những phương pháp phân tích hệ thống và đã điều hành cuộc chiến tại Việt Nam bằng cái nghề ruột của mình. Cái nghề đòi hỏi sự phân tầng và rạch ròi trách nhiệm của luật kế toán. Cái nghề mà sự nhìn xa trông rộng nào cũng nằm trong khuôn khổ của mấy mô hình xác suất thống kê.
Chiến thắng thì phải tương thuận với số lượng và thời hạn những cuộc hành quân cấp tiểu đoàn. Chiến thắng thì phải tương thuận với số lượng bom đạn trút xuống chiến trường, với mức thương vong của địch quân, với số lượng vũ khí và thiết bị di chuyển từ cảng trạm này đến các trạm cảng khác v.v… Quan niệm này, qua Tư lệnh William Westmoreland, lại là những chiến dịch lùng diệt “Search and Destroy” để làm cơ sở cho những bản báo cáo chiến công theo biểu mẫu thống kê học, trong khi những yếu tố cực kỳ quan trọng khác như mức độ an ninh, sự tin cậy của dân cư, những oán hận có thể phát sinh đều bị xem nhẹ nếu không nói là vứt qua một bên [5].
McNamara đã sai trên khía cạnh phương pháp luận, trên “chủ thuyết chiến tranh” và điều này, dẫu sao, cũng hơn Trump cả ngàn bậc. Tổng thống hiện tại của nước Mỹ, có thể nói, đang xem chiến tranh và hòa bình như một show truyền hình thực tế, chỉ chú tâm vào những chỉ số thăm dò, những tiếng vỗ tay tán thưởng và những lượt “like” trên không gian ảo.
Nói nhiều mà chủ yếu chỉ nói toàn chuyện bá láp, Tổng thống của siêu cường quốc này trông cũng chẳng khác thì bọn “nổ” bên những bàn nhậu hay cà phê, ở quán cóc vỉa hè [6]. Mà cái mạng xã hội “Truth Social”, như một kênh thông tin ưa chuộng của Trump, cũng như bao mạng xã hội khác, về bản chất, có khác gì một cái quán cà phê, ở đó đầy rẫy những “long trọng viên” nối tiếp nhau phát tán theo lối dây chuyền những thông tin giật gân vô căn cứ và, do đó, đã làm nhiễu xạ suy nghĩ của cộng đồng quanh mình?
Chưa có sự phối kiểm rõ ràng mà đã hí hửng lên mạng tuyên bố việc xóa sổ hoàn toàn năng lực nguyên tử của Iran, Trump chỉ “nổ” cho sướng mồm và sướng tiếng vỗ tay. Chưa có sự bảo đảm chắn chắn nào mà đã tuyên bố cuộc đình chiến Iran-Israel để rồi chửi thề ầm ầm sau những loạt phi đạn trả miếng giữa hai bên, Trump cũng chỉ ba hoa nhằm nhấn mạnh vai trò trung tâm của mình. Và qua những việc như thế, Trump đã cho thấy cả một sự thật thà trong kiểu cách ngây ngô.
Chiến tranh, như đã nói, chỉ dựa trên sự lừa dối nhau thì những thỏa thuận ngưng bắn, chủ yếu, chỉ là những đòn thế để, nhẹ, là câu giờ, là mua thời gian và, nặng, là gài nhau, dồn nhau vào bẫy, như cái “thỏa thuận ngưng bắn” Tết Mậu Thân 1968 mà chúng ta đã hiểu bằng xương, bằng máu. Nhưng Trump thì rất “thật thà”. “Thật thà” rằng, chỉ bằng một thỏa thuận ngưng bắn như đã sắp xếp với Ấn Độ và Pakistan, là có thể đạt hòa bình vĩnh cửu cho hai bên và, do đó, với mình, phải là một giải Nobel Hòa Bình [7].
Làm một việc có ích cho nhân quần, chúng ta phải làm một cách vô tư, tâm niệm rằng đó là việc đáng làm, rằng đó là việc tốt thì nó mới thực sự là… việc tốt. Nhưng khi chúng ta làm để được cái gì đó, một giải thưởng cao quý hay được phúc đức đời sau, đó lại là một tính toán đầu tư. Mà Trump ngay sau những lời hờn mát về giải Nobel Hòa Bình, đã ra lệnh tấn công Iran rồi ngay sau đó, lại hấp tấp với những tuyên bố nhập nhằng về ngưng bắn và hòa bình. Xem ra, con người ái kỷ này đã chiếm dụng bộ máy quốc phòng của nước Mỹ để đầu tư vào việc tìm kiếm danh vọng Nobel.
Nếu sống lại thì cố Tổng thống George Washington biết nói cái gì? Con người từng chủ trương rằng phải chuẩn bị chiến tranh để gìn giữ hoa bình hẳn phải vô cùng thất vọng khi đất nước mình góp phần tạo dựng lại có một kẻ kế tục sự nghiệp như thế. Khi hùng hổ hay hấp tấp về chiến tranh, rồi khi cáu giận về hòa bình, viên Tổng thống thứ 47 này không thể hiện được một chút xíu “chuẩn bị” nào cả, cả hiểu biết căn bản nhất cũng không hề chuẩn bị, cho chiến tranh, và cho cả hòa bình.
Cái mà ông ta “chuẩn bị” là những tràng pháo tay sẽ nghe, là những chỉ số thăm dò và nút like sẽ tăng vọt nên, khi sự thể không như đã “chuẩn bị” thì hung hăng đe dọa và chửi bới, như với CNN, với The New York Times, những cơ quan truyền thông đã khẳng định rằng vụ tấn công trên không hề xóa sổ năng lực nguyên tử của Iran [9].
Dở với hòa bình, viên Tổng thống từng trốn lính này còn tệ và kém với chiến tranh, không chỉ như một nhà chiến lược hay lãnh đạo mà như một con người bình thường nhưng chính trực và tử tế, sẵn sàng đối mặt với chiến tranh vì biết quý trọng hòa bình.
Tham khảo:
1. “To be prepared for war is one of the most effective means of preserving peace.”
2. Trump says he should get Nobel Peace Prize – hours before US bombs Iran: https://ca.news.yahoo.com/trump-says-nobel-peace-prize-081643538.html
3. Trump sides with Russia against FBI at Helsinki summit: https://www.bbc.com/news/world-europe-44852812
4. Donald Trump’s f-word fury at Israel and Iran over fragile ceasefire: https://www.independent.co.uk/news/world/middle-east/israel-iran-ceasefire-trump-war-b2776039.html
5. Williamson A. Murray and Geoffrey Parker “The Post-War World”, trong The Cambridge History of Warfare (2005), Geoffrey Parker biên tập, The Cambridge University Press, trang 276-277
6. Trump bị báo chí Mỹ diễn tả như là “garrulous” (nói nhiều) hay “bullshiter” (ba hoa, nổ, dối trá, lừa lọc), thí dụ: https://www.theguardian.com/tv-and-radio/2020/jul/17/the-guy-stinks-and-hes-a-racist-anthony-scaramucci-on-donald-trump
https://theconversation.com/why-donald-trump-is-such-a-relentless-bullshitter-249896
7. Exclusive: Early US intel assessment suggests strikes on Iran did not destroy nuclear sites, sources say: https://edition.cnn.com/2025/06/24/politics/intel-assessment-us-strikes-iran-nuclear-sites
8. Donald Trump Complains He Won’t Get Nobel Peace Prize: https://www.newsweek.com/doald-trump-nobel-peace-prize-rwanda-2088736
9. Trump threatens to sue New York Times and CNN over Iran bomb strike reporting: https://www.independent.co.uk/news/world/americas/trump-sue-new-york-times-cnn-iran-bombing-b2777966.html
No comments:
Post a Comment