Ông Hun Sen công kích Thái Lan để đánh lạc hướng dư luận Campuchia?
30/06/2025(3 giờ trước)
BBC

Getty Images/BBC
Một số người cho rằng việc Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen công kích Thái Lan gay gắt về xung đột biên giới và gia tộc Shinawatra không nhất thiết là vì mục tiêu bảo vệ đất nước như ông đã tuyên bố.
"Sự giận dữ của Hun Sen nhằm vào Thái Lan không phải là hành động yêu nước, mà là phản ứng cá nhân và chính trị xuất phát từ nỗi sợ hãi. Ông ta đang hoảng loạn trước nguy cơ sụp đổ của một chế độ gắn chặt với các mạng lưới tội phạm quốc tế," ông Sam Rainsy, lãnh đạo lưu vong của phe đối lập Campuchia, đăng trên trang Facebook cá nhân hôm 28/6.
Ông Rainsy, đồng sáng lập Đảng Cứu quốc Campuchia vốn đã bị tòa án tại Campuchia tuyên giải thể vào năm 2017, cáo buộc ông Hun Sen nổi giận với Thái Lan vì chính quyền nước này đang truy quét các mạng lưới tội phạm do người Trung Quốc lãnh đạo hoạt động dọc biên giới Campuchia - nguồn "thu nhập phi pháp đang nuôi dưỡng quyền lực" của ông Hun Sen.
Cựu đối thủ chính trị của ông Hun Sen cho rằng việc công kích Thái Lan gay gắt là một chiêu tung hỏa mù của ông Hun Sen, được thực hiện bằng cách "khơi dậy chủ nghĩa dân tộc để đánh lạc hướng dư luận và lôi kéo sự ủng hộ".
Theo ông Rainsy, ông Hun Sen đã sử dụng phương thức này trước đó - chẳng hạn như vào năm 2003, ông Hun Sen từng khơi mào tâm lý chống Thái Lan sau một vụ bê bối bịa đặt liên quan đến một nữ diễn viên Thái, người bị truyền thông Campuchia trích dẫn sai rằng khu phức hợp đền Angkor Wat đáng lẽ phải thuộc về Thái Lan.
Đọc nhiều nhất




Sự việc khiến nhiều người giận dữ và châm lửa đốt tòa đại sứ Thái Lan ở thủ đô Phnom Penh, đồng thời đập phá một số cơ sở kinh doanh của người Thái. Thủ tướng Hun Sen đã phải xin lỗi người đồng cấp của mình thời điểm đó - ông Thaksin Shinawatra.
"Sự phẫn nộ có chọn lọc của ông ta cũng nói lên nhiều điều. Trong khi lớn tiếng chỉ trích Thái Lan, Hun Sen lại hoàn toàn im lặng về các vấn đề lãnh thổ nhạy cảm liên quan đến Việt Nam – đồng minh lâu năm của Campuchia – bất chấp những lo ngại kéo dài trong dân chúng Campuchia," ông Rainsy tiếp tục cáo buộc.
Tuyên bố của ông Rainsy xuất hiện trong bối cảnh xung đột biên giới Thái - Lan chưa đến hồi kết.
Một trong những diễn biến cao trào nhất là việc ông Hun Sen công bố đoạn ghi âm cuộc nói chuyện giữa ông và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, đẩy bà Paetongtarn vào tình thế có thể bị Tòa án Hiến pháp tạm đình chỉ chức vụ thủ tướng vào ngày 1/7.
Một ngày trước thời điểm phán quyết, bà Paetongtarn chia sẻ trên nền tảng X về cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - dường như để khẳng định khả năng lãnh đạo của bà trong con mắt những cường quốc khác.
"Tôi cũng nhân cơ hội này để tái khẳng định vai trò chủ động của Thái Lan trong việc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như những nỗ lực của chúng tôi trong công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến, vốn vẫn là một thách thức toàn cầu cấp bách," bà nói.
"Tôi tái khẳng định cam kết của Thái Lan trong việc đối thoại với Campuchia nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình và cùng chấp nhận được thông qua các cơ chế song phương hiện có. Tổng thống Macron đã bày tỏ sự thấu hiểu lập trường của Thái Lan và sẵn sàng hỗ trợ."
Bà cũng cho biết đã gửi lời mời ông Macron đến thăm chính thức Thái Lan vào thời điểm thuận tiện cho cả hai bên và "Tổng thống Macron, đáp lại, cũng gửi lời mời tôi thăm Pháp".

Getty Images
Người dân biểu tình ở khu vực quanh Tượng đài Chiến thắng tại Bangkok hôm 28/6
Hôm 28/6, mặc cho trời mưa lớn ở Bangkok, đông đảo người dân đã biểu tình, cùng nhau hô vang khẩu hiệu kêu gọi bà Paetongtarn từ chức.
Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ khi Đảng Pheu Thai của gia đình Shinawatra lên nắm quyền vào năm 2023, với ước tính khoảng 7.000 người và lên tới đỉnh điểm 10.000 người vào buổi tối.
Cùng ngày nhiều người dân ở thủ đô thể hiện sự bất mãn với mình, bà Paetongtarn chia sẻ trên nền tảng X nhiều hình ảnh về chuyến thăm của mình tới tỉnh Chiang Rai ở miền bắc Thái Lan, nơi có đến hơn 4.500 hộ gia đình bị ảnh hưởng do lũ lụt.
Bà cũng làm điều tương tự trên tài khoản Instagram.
Nhưng trong số hình ảnh đăng tải trên chế độ ''story'' (biến mất sau 24 giờ) là một câu nói bằng tiếng Anh với nội dung: "Không ai đóng vai nạn nhân tốt hơn người gây ra thiệt hại", được tiếp nối bởi câu nói: "Đằng sau mỗi một đứa trẻ có niềm tin vào bản thân là một phụ huynh đã luôn tin tưởng chúng trước."
Dường như bà đang ám chỉ những phát ngôn của ông Hun Sen những ngày gần đây.
Hôm 27/6, ông Hun Sen đã thẳng thừng kêu gọi ông Thaksin, cha của bà Paetongtarn, hãy "dạy dỗ lại con cái của ông đi."
Nhà lãnh đạo lâu năm của Campuchia còn cáo buộc ông Thaksin có hành vi khi quân và giả bệnh để đánh lừa công chúng và tòa án Thái Lan. Ông còn nói bà Paetongtarn phản quốc, toa rập với ngoại bang để hạ nhục quân đội nước mình.
Ông còn cáo buộc bà Paetongtarn giở chiêu trò lừa gạt ông dưới danh nghĩa là một chiến thuật đàm phán:
"Cô ta đã cố thao túng tôi bằng cái gọi đó là chiến thuật đàm phán, nhưng cô ta biết quá ít về Hun Sen. Cha cô ta từng gọi tôi là 'Lãnh đạo số 1' đấy!"
Ông Hun Sen còn nhấn mạnh rằng ông không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả lại và cho rằng bà Paetongtarn đã xúc phạm ông quá nghiêm trọng đến mức không thể tha thứ.
Một chính khách ngoại giao tại Bangkok chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng rất khó để đoán được chiến lược cuối cùng của ông Hun Sen là gì.
Nhưng người này cho rằng những đòn công kích liên tiếp nhằm vào chính phủ Thái Lan trên mạng xã hội của ông Hun Sen cho thấy mục đích cuối cùng có thể không chỉ để bảo vệ biên giới và lãnh thổ Campuchia, mà còn để kéo sự chú ý của người dân khỏi những vấn đề quan trọng khác mà chính quyền cũng đang gặp áp lực phải giải quyết, như áp lực thuế quan từ chính quyền Donald Trump hay các ổ lừa đảo công nghệ trên lãnh thổ Campuchia.
Từ Phnom Penh, một nhà báo người Campuchia nói với BBC rằng: "Tôi nghĩ hầu hết người dân Campuchia không muốn có xung đột với bất kỳ quốc gia nào vì chúng tôi từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh và đã mất hàng triệu người. Điều chúng tôi mong muốn là hòa bình thực sự."
"Nếu chiến tranh xảy ra, không ai là người chiến thắng, chỉ có kẻ thua cuộc. Đôi khi vì vấn đề biên giới, nó thực sự ảnh hưởng đến người dân bằng cách làm mất đi lòng tin," người này nói thêm và yêu cầu không nêu tên để bảo vệ danh tính.
Nhà báo người Campuchia này cũng bày tỏ lo ngại rằng việc không còn những tờ báo quốc tế hoạt động ở Campuchia như trước đã góp phần làm mất đi những nơi mà người dân Campuchia có thể lên tiếng với cộng đồng quốc tế.
"Chỉ có mỗi ông Hun Sen và con ông ấy nói thôi. Điều đó không công bằng và không cân bằng," người này nhận định.

Getty Images
Cảnh sát Trung Quốc đưa 130 nghi phạm lừa đảo trở về từ Campuchia, ảnh chụp tại sân bay quốc tế Thiên Hà Vũ Hán tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 13/4/2024
Ổ lừa đảo công nghệ
Campuchia không chỉ đang đối diện với thách thức ở biên giới ở phía Tây. Từ thời đại dịch Covid-19 đến nay, nước này đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì sự nở rộ không ngừng của các mạng lưới tội phạm lừa đảo với sức ảnh hưởng lan rộng gần như toàn vùng Đông Nam Á và nhiều nơi khác trên thế giới.
Tuyên bố nói trên của ông Rainsy cũng được đưa ra hai ngày sau khi tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đưa ra cáo buộc rằng chính quyền Campuchia "đang cố tình phớt lờ một loạt các hành vi vi phạm nhân quyền, bao gồm nô lệ, buôn người, lao động trẻ em và tra tấn, đang được thực hiện bởi các băng nhóm tội phạm trên quy mô lớn tại hơn 50 khu phức hợp lừa đảo nằm trên khắp cả nước."
Theo Amnesty, chính phủ Campuchia đã tuyên bố đang giải quyết cuộc khủng hoảng lừa đảo thông qua Ủy ban Quốc gia Phòng chống Buôn bán Người và một số lực lượng đặc trách cấp bộ, những cơ quan đã giám sát một loạt các cuộc "giải cứu" nạn nhân từ các khu phức hợp do cảnh sát thực hiện.
Tuy nhiên, hơn hai phần ba trong số 53 khu phức hợp lừa đảo được tổ chức Amnesty xác định trong báo cáo hoặc chưa được điều tra hoặc đã được điều tra nhưng việc tra tấn hoặc các hình thức ngược đãi người lao động bên trong vẫn tiếp diễn và gần như không bị trừng phạt, ngay cả sau các cuộc đột kích và "giải cứu" của cảnh sát.
Amnesty cho biết những phát hiện của họ đã tiết lộ một "mô hình thất bại của nhà nước" đã cho phép ngành công nghiệp tỷ đô này phát triển mạnh, bao gồm việc không điều tra các hành vi vi phạm nhân quyền, không xác định và hỗ trợ nạn nhân, cũng như không quản lý các công ty an ninh và việc lưu hành các công cụ tra tấn.
Theo hãng tin Reuters, người phát ngôn chính phủ Campuchia, ông Pen Bona, đã bác bỏ cáo buộc nước này không hành động, chỉ ra một lực lượng đặc trách do Thủ tướng Hun Manet đứng đầu đã được thành lập vào tháng 1/2025 và nói rằng báo cáo này là "phóng đại".
Ông Bona nói thêm rằng Campuchia là một trong những nạn nhân của ngành công nghiệp lừa đảo và muốn hợp tác hơn là bị đổ lỗi.
Đây không phải lần đầu tiên các tổ chức quốc tế đã lên tiếng chỉ trích Campuchia về tình trạng tội phạm nghiêm trọng này,
Năm 2023, Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) ước tính doanh thu từ hoạt động lừa đảo hằng năm ở Campuchia là 12,5 tỷ USD, khoảng một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cùng năm của nước này.
Năm 2024, cơ quan viện trợ nước ngoài của chính phủ Hoa Kỳ USAID ước tính con số doanh thu đó là 19 tỷ USD, tức hơn 40% GDP cùng năm.
Trước đó, Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ lần lượt ước tính rằng có đến 100.000 và 150.000 lao động tự nguyện hoặc bị ép buộc hoạt động các lĩnh vực lừa đảo ở Campuchia.

Reuters
Ông Hun Sen thăm ông Thaksin tại dinh thự Ban Chan Song La ở Bangkok vào tháng 2/2024 để tăng cường "tình anh em" 32 năm giữa hai người. Hơn một năm sau, ông Hun Sen cáo buộc ông Thaksin đã giả bệnh để đánh lừa người dân Thái Lan
'Không cần phải hỏi Campuchia'
Hôm 29/6, Thủ tướng Hun Manet nói trên trang Facebook cá nhân rằng chính quyền ông đã nhận được một bức thư từ Thái Lan, yêu cầu mở một số cửa khẩu biên giới Campuchia-Thái Lan tại khu vực tỉnh Sa Kaeo và cho phép xe tải ra vào để giảm bớt tác động đến sinh kế của người dân.
Ông Hun Manet phản hồi lại rằng vào ngày 7/6, chính quân đội Thái Lan đã đơn phương đóng cửa các trạm kiểm soát biên giới, sửa đổi giờ mở cửa và đóng cửa, cũng như áp đặt các điều kiện đối với việc đi lại qua biên giới.
Những hành động đơn phương này tiếp tục cho đến ngày 24/6 - vẫn theo ông Hun Manet - khi chính phủ Thái Lan chính thức thông báo đóng cửa tất cả các trạm kiểm soát biên giới, với lý do lo ngại về an ninh.
"Sự không chắc chắn và những thay đổi đột ngột trong lập trường chính trị của chính phủ Thái Lan - cùng với sự không nhất quán giữa các chính sách được các nhà lãnh đạo chính trị Thái Lan tuyên bố và việc thực hiện thực tế của quân đội trên thực địa - đã tạo ra những trở ngại đáng kể để đạt được một giải pháp chính xác, có ý nghĩa và lâu dài," thủ tướng Campuchia tuyên bố.
Ông cho rằng trách nhiệm để giải quyết vấn đề đóng cửa biên giới "thuộc về phía Thái Lan" - nước này chỉ phải đồng ý mở cửa trở lại và Campuchia sẽ làm theo trong vòng năm tiếng sau đó.
Các nhà chức trách và công dân Thái Lan muốn thấy biên giới Campuchia-Thái Lan mở cửa trở lại thì "không cần phải hỏi Campuchia".
"Thay vào đó, xin hãy gửi yêu cầu của quý vị đến những người đang nắm quyền lực thực sự ở Thái Lan - dù là quân đội hay những người khác - để khôi phục biên giới về trạng thái bình thường như trước ngày 7/6/2025," ông Hun Manet cho biết.
Cũng trong ngày 29/6, theo báo Bangkok Post, Thiếu tướng Benchapol Dechatiwong na Ayutthaya, chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Burapa, đã ký hai lệnh nới lỏng biên giới tạm thời, sau khi quân đội phong tỏa biên giới Thái Lan-Campuchia (trừ lý do nhân đạo) "trong bối cảnh căng thẳng song phương do phía Campuchia khởi xướng vào tháng Tư".
Theo các lệnh có hiệu lực ngay lập tức này, xe tải chở hàng bị mắc kẹt có thể quay về nước thông qua ba trạm kiểm soát biên giới trong bảy ngày tới với những hạn chế nghiêm ngặt.
Người phát ngôn quân đội, Thiếu tướng Winthai Suvaree, cho biết vào tối 29/6 rằng việc nới lỏng biên giới cho vận tải hàng hóa sẽ mang lại lợi ích cho các xe tải Thái Lan đã đăng ký trước đó với Cục Hải quan để xuất hàng sang Campuchia.
Tuy nhiên, ông cho biết Bộ Nội vụ Campuchia đã phản ứng bằng cách công bố lệnh cấm tất cả các loại hình vận tải hàng hóa qua biên giới Thái Lan-Campuchia, vẫn theo Bangkok Post.
Tin liên quan

Quyền lực Hun Sen dẫn đến sự đổ vỡ quan hệ với gia đình thủ tướng Thái Lan29 tháng 6 năm 2025

Hun Sen 'vạch trần' những gì về gia đình Shinawatra và tại sao?27 tháng 6 năm 2025

Hun Sen muốn gì khi tung đoạn ghi âm, nói thủ tướng Thái Lan sắp mất chức?26 tháng 6 năm 2025
No comments:
Post a Comment