VNTB – Sáp và Xóa: Tâm sự của cái trụ sởHoàng Lan Mộc Châu
30.06.2025 7:44
VNThoibao

Mấy ngày nữa là phải xong việc sáp nhập tỉnh, xong việc xí xóa huyện. Từ ba tỉnh, còn một. Từ bao nhiêu huyện, giờ không còn huyện nào. Vô số quan đầu tỉnh, đầu huyện, đầu đơn vị cắp nón đi về đuổi gà cho vợ, nhưng cũng có quan vênh mặt ướm bàn tọa vào ghế mới cao hơn, thơm hơn. Cái ghế có mùi thơm của nó. Chúng tôi, những “thứ không phải người”, chỉ là đồ vật, là cái ghế của ngài quyền cao tót vời bí thư, là cái điếu cầy cơ quan, hay hàng cây ngoài sân, bị ảnh hưởng vì sự sáp-xóa, chúng tôi bị bạc đãi, bị vứt bỏ thậm chí bị tàn phá hay bị lọt vào tay kẻ bất lương. Chúng tôi có những nỗi niềm riêng, đau đớn vì không ai còn biết chúng tôi đã từng có mặt, và họ từng gắn bó đoái hoài, nên phải thì thầm với ai là “người”.
Và đây, tôi, cái trụ sở
Kính thưa các ông bà từng tới lui tới tôi. Tôi là một trụ sở công quyền, là bộ mặt của đảng của chính phủ, là nơi những người của chính quyền nhân dân, của đảng lãnh đạo tối cao đến để thực thi quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp, tùy theo chức năng. Dù là thôn, xã hay tỉnh; trụ sở tôi phải hoành tráng, bề thế so với môi trường địa phương. Nếu tôi là trụ sở tỉnh, uy thế và sự hoành tráng sẽ gấp vạn lần anh chị em của tôi, họ chỉ là trụ sở xã, ấp.
Xây dựng tôi là thuế của dân, những ông, bà chủ nhân trong trụ sở không phải bỏ ra đồng tiền túi nào, nhưng tiện nghi để phục vụ họ, để vuốt ve uy quyền và danh vọng của họ phải thể hiện qua cái chỗ họ ngồi. Trụ sở của các quan càng to, càng cần có phong thủy vượng địa để bất cứ ai nhìn họ ra vào là thấy vẻ uy nghi đĩnh đạc của họ. Các chức sắc khi xây dựng tôi phải lựa thầy phong thủy, phải lựa cho được đất phò chủ, có nghĩa phải là vượng địa, đắc địa để tất cả người làm trong trụ sở, mà đặc biệt thủ trưởng, phải ngày hưởng phước, tối có lộc, sức khỏe dồi dào, may mắn, tiền vào ào ào như nước sông Đà. Nếu không thể được thế tả thanh long, hữu bạch hổ, hậu huyền vũ cho chủ nhân được vững chắc oai phong thăng tiến lên đến thủ tướng, tổng bí thư thì ít ra địa thế cũng phải cao ráo, tròn trịa như cái mu rùa. Mồ mả, nhà cửa thiết lập trên mu rùa đều dễ dàng phát quan, phát tài, phát lộc, trường thọ. Rùa thì nhiều, nhưng nếu không có thầy giỏi phong thủy chỉ ra chỗ tốt trên con rùa, vô phúc xây trụ sở trên cổ rùa thường xuyên thò thụt thì tiêu tán đường như trở bàn tay. Phần lớn các trụ sở ở tỉnh bị sáp nhập hay huyện bị xóa bỏ đều nằm trên hãm địa, kình quyền sát, phong sát hay ám sát… chẳng hạn.
Người lui tới, chui vào chui ra trụ sở tui có hai loại:
1. Hạng người lãnh đạo, từ thủ trưởng cho đến anh chị lao công. Họ đến với ý niệm chắc như đinh đóng cột “sống và chết xin nhận nơi này làm nhà, thậm chí làm gia tộc, bất di bất dịch, một tấc không đi, một ly không dời, mãi mãi đoàn kết một lòng với cha mẹ, chú bác cô dì, anh em trong cơ quan”. Tất cả vì cái bàn, cái ghế họ đặt bàn tọa hơn là với những lời họ thề sống chết với tấm hình lộng kiếng uy nghi treo trên tường mỗi phòng.
2. Những người thỉnh thoảng phải đến với tôi. Người Việt có câu thành ngữ “đến cửa quan”, hàm ý chẳng vui vẻ gì khi gặp các quan thủ trưởng ở đây. Từ anh chị thư ký quèn, lao công, bảo vệ, cứ gọi là thủ trưởng cho lành. Họ đến trụ sở vì mục đích khác nhau. Có người đến với cái miệng toe toét, nịnh bợ, với cặp da căng tiền, khác với những kẻ đến với gánh giấy tờ oằn vai chỉ vì cần có một chữ ký xác nhận, cần con dấu. Người đến với cặp mắt đỏ hoe, vẻ mặt bơ phờ vì thiếu ăn, vì lao động quá sức, người đến với những chiếc xe hơi bóng lộn với khuôn mặt phì nộn, nụ cười nhăn nhở cầu cạnh kè kè vài chai rượu nhập, vài hộp xì gà và thường là với cái túi đầy đô la. Họ đến gặp những cái giá áo túi cơm, chễm chệ trên những cái ghế bành to đùng, bằng gỗ quý hiếm; chạm khắc cầu kỳ rồng phượng, hoa lá thiếu thẩm mỹ, trái với người rụt rè đến gặp những bộ mặt vác lên, ngoác miệng đọc khẩu hiệu phục vụ dân nhưng tay thì sẵn sàng vặn cổ, bóp họng, móc hầu bao của dân.
Tôi không phải là người nên tôi không biết làm chính trị, không họp hành, không ký công văn, nhưng tôi ghi nhớ từng bước chân quyền lực đã nện gót giày cồm cộp lên nền gạch tôi. Tôi nhớ từng cuộc họp hành lúc ồn ào, hô hố tâng bốc nhau, lúc gay gắt, xỏ lá tranh ghế, tôi nhớ từng buổi liên hoan giả lả, từng ánh mắt dòm ngó, rình mò cái phòng “có cửa sổ hướng Đông Nam”. Tôi cũng từng ghi nhớ những bước chân nặng nề lết vào cổng quan, từ anh thư ký quèn trở lên đều là quan, để bị xét nét từng sai sót đơn từ mà chỉ có tiền mới sửa được.
Rồi bỗng một ngày, tin “sáp nhập”, tin xóa bỏ làm ồn ào huyên náo muốn tung nóc của tôi. Từ đó đến nay mọi công việc ngưng trệ. Từng nhóm làm việc trong trụ sở túm năm, tụm ba xì xào to nhỏ những chuyện mà cái vách có tai của tôi lúc nghe được, lúc điếc đặc. Cái mà tôi nghe đến nhiều nhất là họ nói về chị bạn Ghế của tôi. Có hàng chục, đến hàng trăm anh chị Ghế trong từng trụ sở, anh chị nào cũng từng được nâng niu, giờ lại thêm được nhìn với cặp mắt níu kéo, đỏ hoe long lanh lệ. Tôi thấy, tôi nghe các thủ trưởng, suốt ngày a lô cho đồng chí lãnh đạo cấp trên, cho các bác, các chú, cho cô, cho chị, có kẻ ôm cái phôn nức nở hơn cả cha mẹ chết, có kẻ hồ hởi phấn khởi như cướp giật được vàng. Tôi cũng thấy các quan cùng vợ con sắm lễ đến đủ đình, chùa linh thiêng khấn bái. Tôi cũng thấy tất cả, từ thủ trưởng đến nhân viên bảo vệ, làm lễ thật to, lợn quay vài chục con, gà luộc hàng trăm con; khói hương nghi ngút, ngay tại sân trụ sở dập đầu bái lạy. Họ nhỏ to khấn xin được thần linh phù hộ cho trở thành tỉnh đầu của các tỉnh sẽ bị nhập, còn nếu có lỡ phải đi thì xin có được mã khốc khách, xin đừng là mã triệt, mã phù thi.
Thần không thiêng, hay bị mù, bị điếc hay chỉ biết ăn mà không biết làm phước, hay câu sấm Trạng Trình ứng nghiệm lúc này: “Mười phần chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình”, khiến cho tỉnh tôi ở phải sáp nhập tỉnh khác.
Hàng trăm huyện bị xóa tên, hàng ngàn trụ sở bọn tôi bị diệt sạch, trong đó có tôi. Tôi mất tên! Dù lãnh đạo cấp trên bảo “đâu cũng là quê hương”, tôi không có chân để chạy sang quê hương mới. Tôi nhìn người ta kẻ khóc, người cười, họ bỏ tôi, họ đi mang theo tất cả những thứ có thể gồng gánh được. Không mang theo được thì họ đốt bỏ, thủ tiêu. Phường Cổ Nhuế 2 ở Hà Nội đốt luôn tài liệu thu chi tài chánh trước đêm sáp nhập. Tưởng như một trận hồng thủy vừa tràn ngập lên tôi, cướp đi mọi thứ. Chú Bảy Bí thư vội bê cái ghế bành gỗ quý, chạm khắc cầu kỳ dị hợm về nhà, quạt trần, máy lạnh bị cuốn theo chiều gió. Chị Sáu, anh Bảy, cậu Tám bứng cây lan, cây mai, chậu kiểng đem về “để tưởng niệm thời cống hiến”. Tan hoang còn hơn thời Mỹ ném bom. Người ta mang đi sạch sành sanh còn hơn ngày giải phóng miền Nam, bộ đội ta tràn vào Saigon vơ-vét-về.
Đến ngày tôi bị phế bỏ. Họ phủi bàn tọa, cay đắng có, bịn rịn hồ hởi có, không ai bàn giao tôi cho ai, tôi trơ trụi như một cái vỏ ốc mắc trên cạn lâu ngày, những thứ trang trí tôi như cây cau bị cắt buồng “không ai chăm nữa”, cây mai bị bứng gốc. Tủ hồ sơ biến mất vì “có tài liệu mật cần hủy”. Mất sạch, biến sạch từ chổi cùn, rế rách. Chỉ riêng các bức chân dung lộng kiếng trên mỗi bức tường các phòng ban là không ai đụng đến, vẫn tươi cười nhìn xuống cảnh tan hoang.
Không ai có cử chỉ thân thiện, kính nể nữa với tôi. Không ai lau lại cái bảng tên tôi đầy bụi. Không ai nghĩ tới chuyện trồng lại cái khóm hoa cho người sau. Tôi biết tôi không có quyền, không phải cán bộ, không phải là người, tôi chỉ là gạch, là vôi, là nền nhà và ký ức. Nhưng tôi tự hỏi: “Nếu đến một cái trụ sở anh chị còn không để lại được gì tử tế, thì các anh chị đã làm được gì cho dân?”. Tôi mong người đến sau, nếu còn ghé qua, trồng lại giùm tôi một cây. Không cần là cây kiểng đắt tiền – một bụi chuối thôi cũng được. Miễn là đừng nhổ nó lên…khi anh chị chuyển đi.
Tôi mong một ngày đẹp trời có đơn vị nào đó nhận tôi, làm gì cũng được. Tôi không cần danh như các thủ trưởng, các quan, tôi chỉ cần tồn tại. Ngày xưa, đảng đã biến đình chùa thành hợp tác xã, thành nhà kho, nơi chứa trâu bò. Giờ tôi cũng chỉ mong thành, ít ra, nơi nhốt trâu bò của hợp tác xã cho có mùi phân trâu, phân bò, có trâu đến, bò đi cho đời bớt hiu quạnh; còn hơn sống với lũ bạc bẽo, trên nịnh, dưới nạt. Đảng ơi, chính phủ ơi, vì sách lược sáp nhập, vì nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính và nhân sự mà bỏ cả hàng ngàn trụ sở tôi hoang phế, mà trong đó chỉ còn mỗi hai mảnh cờ đỏ và các hình bác đau đáu nhìn sự tan hoang của “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương!”. (Bà Huyện Thanh Quan)
No comments:
Post a Comment