Monday, June 30, 2025

VNTB – Tinh gọn nhưng càng bị bội thực sếp phó
Dân Trần
30.06.2025 5:42
VNThoibao


(VNTB) – Cần Thơ có 17 Phó Chủ tịch MTTQ, Lâm Đồng có 14 người ở vị trí này; Khánh Hoà, Phú Thọ, Đà Nẵng mỗi nơi sẽ có 8 Phó Giám đốc Công an… chưa tính các sở ban ngành khác

 Thông tin mới nhất khiến dư luận không khỏ hoang mang về kế hoạch tinh gọn của Tô Lâm đó là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Cần Thơ sẽ có một chủ tịch và 17 phó chủ tịch. Không chỉ Cần Thơ, MTTQ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2024 – 2029 sẽ có một chủ tịch và 14 phó chủ tịch.

Các sở ban ngành khác sau sáp nhập các tỉnh thành cũng sẽ bị bội thực sếp phó bởi 2-3 tỉnh xếp lại thành 1 tỉnh nhưng cấp trưởng cấp phó không ai chịu nghỉ hưu sớm. Như ở Khánh Hoà, Phú Thọ, Đà Nẵng mỗi nơi sẽ có 8 Phó Giám đốc Công an, Cần Thơ có 9 người giữ vị trí này. Con số 7-8-9 sếp phó mỗi sở ban ngành là con số trung bình sau khi sáp nhập các địa phương.

Trước đó, Trung ương Đảng cũng phình to lực lượng sếp phó như Quốc hội có 6 phó chủ tịch, 7 phó thủ tướng, 8 thứ trưởng Bộ Xây Dựng, 9 thứ trưởng Bộ Tài Chính, 10 thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Môi Trường. 12 phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận, 12 phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương…

Trong khi Tô Lâm và bộ máy cầm quyền CSVN cứ lặp đi lặp lại cụm từ “tinh gọn bộ máy” trong hầu hết các văn kiện, hội nghị, và phát biểu. Nhưng sự phình nở số lượng cấp phó gần đây là minh chứng rõ ràng nhất cho hiện tượng “cải cách ngược”, khi những gì được tuyên bố đã không tương thích với những thứ đang diễn ra. Theo kiểu nói một đằng làm một nẻo. Hay như cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu từng nói “đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn thật kỹ những gì cộng sản làm”. Sau các đợt “tái cơ cấu”, bộ máy không những không nhỏ đi, mà đang có xu hướng… phình to bất thường.

Thật ra, nói đi cũng phải nói lại, việc giữ lại một vài cán bộ để đảm bảo “ổn định tổ chức” là điều dễ hiểu, nhưng giữ đến hàng chục thứ trưởng, phó ban, hay thậm chí 17 phó chủ tịch cho một đơn vị cấp tỉnh là sự bất thường không thể biện minh bằng lý do “chuyển tiếp”. Thử hỏi, bộ máy chỉ có một người đứng đầu nhưng tới hàng chục người cấp phó như vậy thì ai sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng? Việc phân chia vai trò, phối hợp quản lý quyền lực làm sao đảm bảo hiệu quả, nếu không muốn nói là càng khiến cho quá trình ra quyết định thêm rối rắm và chồng chéo?

Việc phình to sếp phó cũng cho thấy sự bất lực và thiếu quyết đoán của CSVN trong điều hành bộ máy nhà nước. Người dân Việt Nam cũng thừa biết rằng cái ghế nào cũng phải mua, những ghế càng cao thì càng phải tốn nhiều tiền. Bây giờ tiền đã chung chi mà đột ngột lấy ghế lại thì đâu có được. Bởi vậy có thể thấy rằng, Tô Lâm nửa muốn tinh gọn, nhưng nửa lại không muốn mất lòng cấp dưới, phải ráng tìm cách để không ai bị thiệt, tránh quan chức “tâm tư”, bất mãn khi không được ưu tiên chia phần.

Từ đó dẫn tới tình trạng sáp nhập tinh gọn càng ngày càng mang tính hình thức, chẳng khác nào thay áo mới cho cơ chế cũ, làm đẹp bề ngoài, nhưng không thay đổi thực chất. Hậu quả cho việc làm đẹp này sẽ là hàng trăm ngàn tỷ đồng đổ sông đổ bể cho những thay đổi không hiệu quả. Một bộ máy cồng kềnh, nhiều cấp phó nhưng thiếu rõ ràng về chức năng và trách nhiệm không chỉ dẫn đến chi phí hành chính tăng cao, mà còn kéo lùi hiệu quả quản lý hành chính, điều hành nền kinh tế, giáo dục, y tế, an ninh xã hội… Tiền mất tật mang, tất cả đều sẽ đổ cho người dân lãnh đủ.

No comments:

Post a Comment