Lê Huyền Ái Mỹ - Nghĩ vụn, ngày mai 1.7lundi 30 juin 2025
Thuymy
Ngẫm, nếu không có cuộc “cách mạng” này thì đã tuần tự theo ngày sanh tháng đẻ mới về. Nay, có khi chưa đủ tuổi, còn dư hàng năm chứ đừng nói tháng mà vẫn phải về. Ngậm ngùi chơ, bác tổng nói đại ý cán bộ tâm tư trong khi dân thì hồ hởi. Nhưng tôi lại nghĩ, cán bộ tâm tư, còn dân… vô tư thôi.
Hồ hởi hay không thì cũng như bác nói hôm xuống phường Xuân Hòa, bác chả bảo rằng : "Bất kể việc gì người dân cần, có nhu cầu, đang gặp khó khăn thì tập trung giải quyết ngay”. Nếu làm được như vậy thì dân còn hơn cả hồ hởi !
Quả là việc dân cần nhiều lắm, dân gặp khó khăn cũng cơ man. Nhưng thông thường, hễ đụng phải việc công là quan hay đổ cho cơ chế. Có cái là do cơ chế thật - như vụ việc tôi phản ánh về cụ bà 96 tuổi bên An Phú Đông có nguyện vọng chuyển đất thổ cư, giờ theo quy định phải đi xin giấy chứng nhận độc thân cơ đấy. Mà cái tờ giấy ấy chỉ có giá trị 6 tháng. Sáu tháng tới, bà cụ 96 tuổi, chồng mất từ thời bà còn trẻ, ở vậy nuôi con, nuôi cán bộ, lại tiếp tục đi xin chứng nhận tui vẫn còn độc thân !
Có cái là do chính con người thụ lý, thực thi. Nhưng giờ thì quyền lực được tập trung về cơ sở nhiều, nặng ký, chỉ mong dân cần cũng như quan cần, vậy thôi.
Cũng nhân chuyện người đi, người ở, có khi không phải người “trong khung” phải về hẳn là người kém năng lực chuyên môn ; người ngoài khung được ở lại là giỏi hơn người về. Thậm chí, khi chạy thí điểm bộ máy mới, nghe đồn rằng TPHCM (cũ) còn mở ra cơ chế chạy song song để đảm bảo bộ máy vận hành không đứt gãy. Người (sẽ) về có khi có kinh nghiệm nhiều hơn, tháo vát hơn cả người (sẽ) ở lại. Nhưng khi số lượng phân bổ có hạn, các tiêu chí đưa ra đòi hỏi đáp ứng đủ- đầy thì chuyện thiếu hụt đôi khi là hệ quả… rủi ro từ trước.
Nói điều này để thấy, được ở lại không chỉ là… may mắn mà có khi là áp lực vì vẫn còn đó một đội hình dự bị. Nếu không đạt KPI, có khi tới phiên mình lọt khung ! Nên, đấy cũng là một việc tốt, cán bộ, chuyên viên mà có sự cạnh tranh (lành mạnh) thì dân chỉ được nhờ trở lên mà thôi.
Một việc nữa, việc sáp nhập - tinh gọn vận hành thông suốt là phải cậy nhờ vào số hóa. Phải vậy thôi. Thời máy móc phải thay thế bớt sức người diễn ra cũng mấy bận rồi, cách mạng mấy chấm rồi. Giờ là thời của AI. Vậy, chỗ nào AI không làm được thì sức người mới phải gánh. Nên chỉ mong, thái độ, biểu lộ của cán bộ đừng như người máy, có khi AI nó còn vui vẻ, lịch sự, ân cần hơn nhiều cơ đấy. Thú thật, người có thông minh, sáng láng cỡ nào mà khi gặp phải cán bộ, chuyên viên tra hỏi nhát gừng thì cũng đâm… lú !
Thật lòng, đổi bảng tên phường, mở rộng địa giới hay bất cứ thủ tục, quy trình cải cách nào, miễn cái cuối cùng là sửa ngay những điều bất cập trong cơ chế, thủ tục ; chỉnh đốn ngay và luôn thái độ, kỹ năng, trách nhiệm phục vụ nhân dân ; từng bước loại bỏ chi phí không chính thức, chiêu trò hành dân. Nói như bác bí thư hôm nay thì đó chính là thước đo của mọi cuộc cải cách. Chí phải.
Thật lòng, đọc cụm từ “sắp xếp lại giang san”, không dưng lòng có chút rung cảm. Như hơn ngàn năm trước, xét thấy Hoa Lư ở nơi hẻo lánh, chật hẹp không thể làm trung tâm nên vua Lý Công Uẩn dời về Đại La, đổi tên thành Thăng Long. Trong tờ chiếu thiên đô có câu, đại khái : Ta xem khắp địa đồ trong nước chỉ có thành Đại La… ở chính giữa thiên hạ… là nơi trung tâm của bốn phương, nhân vật phồn thịnh, thực là chốn thượng đô của đế vương (theo tác giả Đào Duy Anh).
Từ ngày mai, 1.7, mọi thứ mới bắt đầu…
Ờ, mà ngày mai cũng tròn 29 năm, mình rời Huế vào thành phố này lập nghiệp. Có khi nào, 29 năm sau, cũng ngày này, mình hết thất nghiệp !
LÊ HUYỀN ÁI MỸ 30.06.2025
No comments:
Post a Comment