VNTB – Chuyện tăng tiền điện, ai chịu trách nhiệm và chính quyền Trump
TS Phạm Đình Bá
13.06.2025 6:00
VNThoibao

Tiền điện bên nhà có vẻ gia tăng tùy tiện, tạo nên một màng bức xúc – ‘Nhiều bạn bè của tôi phàn nàn vì tiền điện tháng 5 tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi tháng trước dù nhu cầu sử dụng không tăng… Một biểu giá công bằng và minh bạch phải khuyến khích tiết kiệm, nhưng không gây thiệt thòi cho người dân vì nhu cầu thiết yếu. Đã đến lúc ngành điện cần xem xét lại cách tính giá điện hiện nay để đảm bảo vừa hợp lý về kinh tế, vừa… tránh để tình trạng “càng nóng càng khổ”, cứ đến hè điện lại tăng giá.’ (1)
Theo tôi hiểu, cơ cấu chịu trách nhiệm về cung cấp điện hiện nay là tổng hợp của nhiều cấp, nhưng trách nhiệm cuối cùng là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị trực tiếp tổ chức sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện trên toàn quốc. Cũng trong khung này là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, với trách nhiệm phê duyệt vốn đầu tư, giám sát triển khai các dự án điện lớn. Các công ty điện lực địa phương trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống điện lực tại địa phương, và chịu trách nhiệm cung cấp điện cho các hộ tiêu thụ.
Hiện nay, các nguồn điện chính bao gồm thủy điện (khoảng 33%), nhiệt điện than (33%), nhiệt điện khí (9%, chủ yếu ở miền Nam), năng lượng tái tạo (27%, điện mặt trời và điện gió với phân bổ nhiều miền), điện từ dầu và các nguồn sinh khối khác (1-3%), cùng với một phần nhỏ điện nhập khẩu (1%).
Trong năm 2023, các khu vực miền Bắc đã trải qua một đợt mất điện diện rộng do nguồn thủy điện thiếu nước nghiêm trọng. Hàng loạt nhà máy thủy điện lớn phải dừng hoạt động hoặc chỉ vận hành ở mức tối thiểu vì mực nước các hồ chứa xuống dưới mực nước chết. Sự kiện này dẫn đến mối quan ngại sâu rộng về độ tin cậy của EVN, đặc biệt từ các cơ sở sản xuất trong nước.
Bài này đặt ra vài câu hỏi cốt lũy về cơ cấu chịu trách nhiệm về cung cấp điện hiện nay cho bà con mình.
EVN có đủ tiền để làm điện không?
Thỏa thuận năng lượng xanh trị giá 3,2 tỷ euro giữa EU (Liên minh Châu Âu) và Việt Nam được ký vào năm 2022. Cụ thể, Việt Nam và Nhóm Đối tác quốc tế về chuyển dịch năng lượng công bằng, do EU và Vương quốc Anh đồng chủ trì, đã chính thức công bố Thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP), với tổng giá trị cam kết hỗ trợ lên tới 15,5 tỷ USD (tương đương khoảng 15 tỷ euro). Trong đó riêng EU cam kết đóng góp 3,2 tỷ euro dưới nhiều hình thức hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và đầu tư cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam.
Thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và giảm dần sự phụ thuộc vào than đá. Các khoản hỗ trợ của EU bao gồm vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án năng lượng xanh trọng điểm như thủy điện tích năng Bác Ái, mở rộng các nhà máy thủy điện và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác.
Bên cạnh EU, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực nhiệt điện than tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư vào các dự án điện than lên tới hơn 5,6 tỷ USD tính đến năm 2021. Từ năm 2021, Trung Quốc đã công bố chính sách không xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới ở nước ngoài nhằm thực hiện cam kết giảm phát thải toàn cầu. Các dự án mới về nhiệt điện than do Trung Quốc đầu tư tại nước ngoài, bao gồm Việt Nam, đã bị hạn chế hoặc dừng lại sau tuyên bố này.
Các dự án nhiệt điện than lớn ở Việt Nam có vốn Trung Quốc đầu tư đều được khởi động hoặc hoàn thành trước năm 2023, như Vĩnh Tân 1, Duyên Hải 2, Hải Dương, v.v… Sau năm 2021, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm hợp tác năng lượng với Việt Nam từ nhiệt điện than sang các lĩnh vực năng lượng tái tạo, như điện gió, mặt trời, sinh khối, và thủy điện tích năng. Thủy điện tích năng là công nghệ sử dụng hai hồ chứa ở hai độ cao khác nhau để dự trữ và phát điện, giúp lưu trữ năng lượng và bổ sung điện cho hệ thống khi cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành ổn định lưới điện.
Các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Tập đoàn Hoa Điện, PowerChina, SinoHydro, Sungrow Renewables đã và đang đầu tư mạnh vào các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, lưu trữ năng lượng và thủy điện tích năng tại nhiều tỉnh của Việt Nam như Đắk Lắk, Trà Vinh, Quảng Trị, Lâm Đồng, Ninh Thuận.
Ví dụ, Tập đoàn Hoa Điện đã đầu tư khoảng 2,8 tỷ USD vào các dự án điện tại Việt Nam, bao gồm cả các dự án điện gió và đang tiếp tục muốn mở rộng đầu tư vào năng lượng xanh như điện mặt trời, sinh khối, hydro, lưu trữ năng lượng và nâng cấp công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Theo tin nhà nước Việt Nam, các tập đoàn Trung Quốc không chỉ đầu tư vốn mà còn phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam để chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.
Thêm nữa, Mỹ đã thúc đẩy hợp tác khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với Việt Nam trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thông qua các dự án đầu tư lớn, ký kết thỏa thuận cung ứng LNG dài hạn, phát triển hạ tầng và công nghệ, bắt đầu từ năm 2019 và đặc biệt tăng tốc mạnh mẽ từ 2020 đến 2025, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phân phối LNG của khu vực Đông Nam Á.
Các tập đoàn năng lượng hàng đầu của Mỹ như Excelerate Energy, AES, Delta Offshore Energy, General Electric đã ký kết nhiều thỏa thuận với các đối tác Việt Nam (PVGas, PVN) về cung ứng LNG, xây dựng kho cảng LNG, phát triển các dự án điện khí LNG quy mô lớn như Sơn Mỹ và Bạc Liêu.
Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các tiêu chuẩn công nghiệp quốc tế về LNG, chuyển giao công nghệ, và thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại trong khuôn khổ sáng kiến AsiaEDGE nhằm tăng cường hợp tác năng lượng khu vực.
Giai đoạn 2020–2025 chứng kiến nhiều dự án lớn được ký kết, như dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ (1,4 tỷ USD), dự án điện khí LNG Bạc Liêu (hơn 3 tỷ USD), cùng nhiều thỏa thuận hợp tác khác trị giá hàng tỷ USD.
Đặc biệt, trong năm 2025, hợp tác được nâng lên tầm chiến lược với việc Excelerate Energy (Mỹ) và PVGas ký thỏa thuận cung ứng LNG dài hạn, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phân phối LNG trong khu vực.
Việt Nam nhận hỗ trợ để phát triển năng lượng từ EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc với những nguồn vốn rất lớn. Thế thì EVN đã có hậu thuẫn, kỹ thuật, công nghệ, vốn nước ngoài để làm ra điện dư thừa với giá rẻ cho người tiêu thụ.
Tại sao cơ cấu chịu trách nhiệm về điện làm việc không tốt?
EVN có nhiều vấn đề trong nội bộ mà các hỗ trợ dồi dào từ nước ngoài không giúp gì cho EVN trong việc giải quyết các vấn đề cốt lõi này. Đầu tiên, cơ sở hạ tầng của EVN là lạc hậu. Hệ thống lưới điện miền Bắc thiếu công suất dự phòng, phụ thuộc 44% vào thủy điện – nguồn sản xuất điện này dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Thứ hai, EVN kém hiệu quả quản lý. EVN chậm đầu tư nguồn điện mới (chỉ đạt 24% công suất lắp đặt thủy điện năm 2023), đồng thời không cân đối được cung-cầu khi nhu cầu tăng 5.530 MW/năm.
Các cơ chế vận hành và quản lý yếu kém khiến EVN liên tục tăng giá điện khoảng 17% từ 2023–2025, phần lớn do áp lực tài chính. EVN thường biện hộ là chi phí đầu vào tăng nên phải tăng giá điện. EVN cho rằng giá than nhập tăng 71% năm 2023–2024 và giá khí tăng do Nga xâm lăng Ukraine. Tuy Mỹ có hỗ trợ EVN về LNG, giá thành điện khí vẫn cao hơn điện than. Sáu tháng đầu 2024, EVN lỗ 8.098 tỷ đồng do cách vận hành và quản lý kém hiệu quả.
Cơ cấu chịu trách nhiệm về điện có tạo thất thoát và tham nhũng không?
Nguồn vốn “Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng” từ EU có rủi ro cao do Việt Nam thiếu cơ chế giám sát đa bên, và cơ cấu chịu trách nhiệm về điện tích cực hạn chế sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự trong giám sát cách quản lý và vận hành kinh doanh điện bên nhà.
Tháng 3/2025, Mỹ rút khỏi chương trình “Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng” một phần do lo ngại về minh bạch. Sự kiện này càng làm tăng nghi ngờ về hiệu quả sử dụng vốn quốc tế tại Việt Nam.
Tuy khó nắm bắt bằng chứng trực tiếp về việc sử dụng sai vốn hỗ trợ quốc tế cho chuyển đổi năng lượng bên nhà, một số vụ án nêu ra bên dưới phản ánh nguy cơ hệ thống trong quản lý tài chính công.
EVN bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do vi phạm trong cấp phép vận hành cho các dự án điện mặt trời. Các quan chức Bộ Công Thương và EVN bị cáo buộc thông đồng để “thổi phồng” công suất, cấp phép trái quy định cho 32 dự án điện gió và mặt trời. Hậu quả là EVN phải mua điện từ các dự án không đủ tiêu chuẩn, gây thất thoát ngân sách. Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và nhiều lãnh đạo EVN bị bắt giữ trong năm 2023 và 2024.
Đầu năm 2024, công an điều tra mở rộng vụ án tham nhũng liên quan đến việc sử dụng sai mục đích “Quỹ Bình ổn giá xăng dầu”, trị giá gần 300 triệu USD. Các quan chức Bộ Tài chính và Bộ Công Thương bị nghi ngờ thông đồng với doanh nghiệp để chiếm đoạt tiền quỹ, gây thiệt hại cho ngân sách. Dù quỹ này chủ yếu dùng cho xăng dầu, nhưng việc quản lý lỏng lẻo phản ánh rủi ro trong các cơ chế tài chính công, bao gồm cả nguồn vốn trong chương trình “Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng” của Châu Âu.
Báo cáo của “Tổ chức Minh bạch Quốc tế” (Transparency International, 2017) đã cảnh báo nguy cơ tham nhũng cao trong các dự án năng lượng nhận tài trợ quốc tế do thiếu minh bạch và thiếu sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự. Đặc biệt, các khoản vay ưu đãi từ Châu Âu có thể bị “chuyển hướng” do cơ chế giám sát yếu, với quan ngại đặc biệt về vốn 250 triệu euro cho năng lượng bền vững giai đoạn 2014–2020.
Vụ án Trương Mỹ Lan năm 2024 tuy không trực tiếp liên quan đến chương trình “Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng” của Châu Âu, nhưng vụ án tham nhũng 12,5 tỷ USD này phơi bày cơ chế “hợp thức hóa” dòng tiền thông qua ngân hàng, làm dấy lên lo ngại về việc lạm dụng nguồn vốn quốc tế.
Cơ cấu trách nhiệm về điện có mong muốn cải thiện và phát triển không?
Các đối tác quốc tế như EU đã nhiều lần đề nghị và nhấn mạnh vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc giám sát hiệu quả quản lý và vận hành kinh doanh điện, cũng như toàn bộ quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
Cụ thể, trong các chương trình tài trợ như Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng và các hiệp định thương mại, EU đặt ra yêu cầu về sự tham gia của xã hội dân sự nhằm đảm bảo minh bạch, trách nhiệm giải trình và thực hiện quá trình chuyển đổi một cách công bằng, hiệu quả. Các văn kiện chính thức của EU và các báo cáo quốc tế đều nhấn mạnh rằng việc tham vấn, giám sát, và phản biện từ các tổ chức xã hội dân sự là yếu tố then chốt để đảm bảo các mục tiêu chuyển dịch năng lượng được thực hiện đúng cam kết và tránh lạm dụng nguồn vốn và nguồn lực.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi quyền giám sát của các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại do môi trường pháp lý và chính trị, cũng như các vụ bắt giữ nhà hoạt động môi trường trong thời gian gần đây. Có vẻ như thể chế hiện nay và cơ cấu trách nhiệm về điện cố tình không chịu đổi mới và phát triển.
Từ năm 2021 đến 2023, có 5 nhà hoạt động môi trường và chuyển đổi năng lượng xanh đã bị bắt với cáo buộc “trốn thuế”. Thứ nhất là bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, bị bắt tháng 2/2022, kết án 24 tháng tù (giảm xuống 21 tháng), với lý do không kê khai thuế từ giải thưởng Goldman Environmental Prize (200.000 USD).
Thứ 2 là ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD), bị bắt tháng 7/2021, kết án 5 năm tù, với lý do trốn thuế liên quan đến tài trợ nước ngoài.
Thứ 3 là ông Mai Phan Lợi, Chủ tịch Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC), bị bắt tháng 7/2021, kết án 48 tháng tù (giảm xuống 45 tháng), với lý do trốn thuế từ hoạt động của Trung tâm MEC. Thứ 4 là Ông Bạch Hùng Dương (Nguyên Giám đốc MEC), bị kết án 30 tháng tù (giảm xuống 27 tháng) với vai trò đồng phạm.
Thứ 5 là Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), bị bắt tháng 5/2023, kết án 3 năm tù vì trốn thuế.
Các tổ chức nhân quyền và chính phủ Mỹ và các nước trong EU chỉ trích việc bắt giữ này là đàn áp xã hội dân sự, cho rằng cáo buộc “trốn thuế” là công cụ để hạn chế tiếng nói phản biện về môi trường và phát triển năng lượng bền vững.
Dù Việt Nam khẳng định xử lý theo pháp luật, không liên quan đến hoạt động môi trường, cộng đồng quốc tế nghi ngờ động cơ chính trị đằng sau. Điều này khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về khả năng thực hiện đúng tinh thần “chuyển dịch công bằng” như các đối tác quốc tế đề xuất.
Tại sao giá điện có thể tăng hơn nữa trong tương lai?
Cuộc chiến thương mại leo thang do Mỹ dẫn đầu đã thúc đẩy quá trình tái cấu trúc sâu sắc các thị trường năng lượng toàn cầu, buộc các quốc gia phải ưu tiên an ninh nguồn cung, đa dạng hóa quan hệ đối tác và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng phục hồi. Chế độ thuế quan quyết liệt của Mỹ đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ kinh tế toàn cầu, thúc đẩy những thay đổi cấu trúc vượt xa các tranh chấp thương mại tạm thời.
Thỏa thuận năng lượng xanh giữa EU và Việt Nam ký năm 2022 không chỉ là việc hai bên hợp tác về kỹ thuật hay công nghệ. Thỏa thuận này còn cho thấy các nước có quy mô kinh tế trung bình như Việt Nam đang đứng trước lựa chọn phải nghiêng về một trong các nhóm nước lớn trên thế giới, khi các nước này cạnh tranh để thiết lập lại trật tự năng lượng toàn cầu.
Trong cuộc đua giành ảnh hưởng tại Đông Nam Á, EU đã tập trung vào điện gió ngoài khơi, lưới điện thông minh và hydro xanh. Con số 3,2 tỷ euro từ EU tương đương 35% tổng đầu tư nước ngoài vào năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn 2021-2025, cho thấy mức độ chi phối của EU trong lĩnh vực này.
Chuyện EU ký kết với Việt Nam diễn ra song song với hai đối thủ cạnh tranh về năng lượng, Trung Quốc và Mỹ. Trong Chiến lược Vành đai và Con đường, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực nhiệt điện than tại Việt Nam, cũng như điện xanh sau năm 2021. Trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ đã thúc đẩy hợp tác LNG với Việt Nam bằng các dự án đầu tư lớn, thỏa thuận cung ứng LNG dài hạn, phát triển hạ tầng và công nghệ, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phân phối LNG của khu vực Đông Nam Á.
Quá trình hợp tác của EU với Việt Nam không chỉ “thể chế hóa chia rẽ” giữa các khối mà còn tạo ra sự phân mảnh trong chính sách phát triển quốc gia, khiến Việt Nam khó duy trì tính trung lập trong cạnh tranh địa chính trị. Đối với EU, đây là cách làm lại trật tự năng lượng mới.
EU có lợi lộc gì mà phải làm như vậy? Thứ nhất, EU muốn biến Việt Nam thành phòng thí nghiệm sống để kiểm chứng công nghệ mới với chi phí thấp vì ở Việt Nam, nhân công rẻ và điều kiện khí hậu đa dạng. Thứ hai, EU tạo mô hình mẫu này ở Việt Nam để nhắm đến nhân rộng xuất khẩu kỹ thuật và công nghệ sản xuất năng lượng sạch sang Philippines, Indonesia, các nước khác ở Châu Á và nhiều nơi hơn. Thứ ba, EU củng cố việc xây dựng “hệ sinh thái khép kín” từ nghiên cứu đến thương mại hóa. Trên diện rộng, EU không chỉ thu lợi kinh tế mà còn định hình trật tự năng lượng thế giới theo quy tắc của mình.
Nhưng với Việt Nam, việc cạnh tranh năng lượng giữa EU, Trung Quốc và Mỹ ngay trên nước mình đòi hỏi thể chế cầm quyền nói chung và cơ cấu trách nhiệm về điện nói riêng phải sở hữu một sự cân bằng tinh tế giữa lợi ích quốc gia và sức ép từ các liên minh. Thể chế và cơ cấu hiện nay không có khả năng đó.
Bởi vậy, trong bối cảnh thuế quan tùy tiện và bất công từ chính quyền Trump, và sự yếu kém của cơ cấu trách nhiệm về điện bên nhà, chuyện tăng giá điện có thể sẽ kéo dài hơn nữa trong tương lai.
___________________
Tham khảo:
https://vnexpress.net/tang-gia-dien-sinh-hoat-tien-dien-thang-5-tang-gap-ruoi-4894018.html
No comments:
Post a Comment