Friday, June 13, 2025

VNTB – Hơn 9000 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp
Ngọc Linh Lan
13.06.2025 7:39
VNThoibao

(VNTB) – Đây là con số được đưa ra tại buổi họp báo về tình hình kinh tế – xã hội Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 5/6/2025. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ dưới 35 tuổi chiếm gần 50% tổng số người thất nghiệp. Điều này cho thấy thị trường lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều biến động, tạo ra nhiều thách thức về kết nối cung – cầu…

 Tại buổi họp báo, bà Lượng Thị Tới – Phó giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh – cũng cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 5/2025, thành phố đã ban hành quyết định trợ cấp thất nghiệp cho 45.620 người. Trong số này, có 22.383 lao động dưới 35 tuổi, chiếm 49,06%.

Một điểm đáng để lưu ý, đó là số lượng lao động trẻ dưới 35 tuổi thất nghiệp là gần 22.400 người, chiếm tỷ lệ gần 50% (49,06%). Đặc biệt là những lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 20,02% với con số lên đến 9.297 người.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm nay, thành phố ghi nhận hơn 45.600 người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp.

So với cùng kỳ năm 2024, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm 15% nhưng thị trường lao động vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề do ảnh hưởng của hậu Covid-19 cũng như sắp xếp lại bộ máy chính quyền hai cấp. Dự báo quý 3/2025, thị trường lao động tiếp tục có những thách thức.

“Điều này tôi nghĩ cũng không quá khó để nhận ra. Những cửa hàng đóng cửa, trả mặt bằng. Tốn bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc theo đuổi ngành học để mong có được một công việc tương xứng, đúng ngành nghề. Khi tốt nghiệp, cầm tấm bằng trên tay, mới vỡ lẽ đủ thứ chuyện. Thế nhưng, nói đi cũng nói lại. Câu chuyện sinh viên sau tốt nghiệp, xin vào làm, phải đào tạo lại, cũng không có gì xa lạ”, từng có thời gian hướng dẫn thực tập cho các sinh viên, theo chia sẻ của nhà báo lão thành Anh Thu chia sẻ.

Bên cạnh đó, làn sóng dịch chuyển lao động về các địa phương cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn nhân lực ổn định tại Thành phố Hồ Chí Minh.

“Giải thích cho nguyên nhân này, cũng là vấn đề dễ hiểu. Để tồn tại ở cái thành phố có mức sống cao như Sài Gòn, bạn phải có mức lương tương đối, bởi chi phí cho ăn uống, sinh hoạt không phải là rẻ. Lấy một ví dụ đơn giản, một dĩa cơm tấm ở thành phố sườn, bì, chả, trứng có thể lên đến con số 50.000 hay 60.000 hoặc cũng có thể cao hơn, tuỳ vào từng quán. Về khu vực tỉnh lẻ, đặc biệt là ở các vùng quê, càng quê, cái giá nó càng giảm, vào khoảng 30.000 đồng. Như vậy là bạn đã tiết kiệm được 20.000 đồng”, độc giả bút danh Trúc Mai chia sẻ.

Lên thành phố học đại học, cố gắng bám trụ ở Sài Gòn hơn chục năm trời, quyết định bỏ phố về quê, chị Thanh Vy chia sẻ: “Về quê dễ sống hơn. Lượng công việc ở quê tuy có thể ít hơn thành phố nhưng mức sống chấp nhận được trong bối cảnh quá nhiều khó khăn. Đó là chưa kể đến, nếu ở quê bạn có vườn. Khi cần, bạn có thể ra vườn hái bó rau, bắt con gà, là hôm đó bạn có một bữa ăn ngon, tiết kiệm hơn rất nhiều so với ở thành phố”.

Sự sôi động của Thành phố Hồ Chí Minh, mở ra nhiều cơ hội cho người lao động, hấp dẫn không ít người cố gắng “bám trụ” lại ở thành phố này. Tuy vậy, cũng đặt ra nhiều áp lực hơn không chỉ với người trẻ mà còn đối với lao động trung niên, khi con đường phía trước, còn nhiều khó khăn…

No comments:

Post a Comment