Vụ bắt chủ nhân mạng Telegram: Điện Kremlin rúng động, người chống Putin lo ngại
Trọng Thành
Đăng ngày: 27/08/2024 - 14:15Sửa đổi ngày: 27/08/2024 - 16:12
RFI
Ngày 24/08/2024, ông chủ mạng Telegram, với gần một tỉ người sử dụng, bị cảnh sát Pháp bắt giữ tại một sân bay gần Paris trong khuôn khổ một cuộc điều tra về ‘‘dung túng tội phạm’’ trên mạng. Vụ tỉ phú người Nga Pavel Durov, mang nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Pháp, bị bắt không chỉ liên quan đến các hành động bị cáo buộc là phạm pháp tại Pháp, mà đặc biệt liên quan đến nước Nga. Cả điện Kremlin và những người chống Putin đều lo ngại về vụ bắt giữ này.
Một chuyên gia an ninh mạng Ukraina cho xem một ví dụ về tin giả đăng trên Telegram, trước khi Nga tấn công vùng Kharkiv, Ukraina, ngày 22/05/2024. REUTERS - Valentyn OgirenkoHôm nay, 27/08/2024, điện Kremlin chính thức lên tiếng. Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, cảnh báo mọi ý đồ ‘‘hù dọa’’ của Pháp đối với ông chủ Telegram, một chủ doanh nghiệp lớn. Trước đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, nhân vụ việc này, để một lần nữa lên án ‘‘các nền dân chủ tự do’’ phương Tây chống tự do ngôn luận. Trên thực tế, Telegram không phải là một doanh nghiệp lớn bình thường. Mạng xã hội đặc biệt với tin nhắn được bảo mật này được 69% người Nga coi là một nguồn thông tin chính, theo một thăm dò mới đây. Telegram được cả giới thân cận với điện Kremlin, ủng hộ cuộc xâm lăng Ukraina cũng như giới tranh đấu đòi dân chủ cho nước Nga sử dụng.
Điện Kremlin từng nỗ lực buộc Pavel Durov trao quyền kiểm soát Telegram hồi năm 2018, nhưng bất thành. Ông chủ Telegram từ chối đòi hỏi của Cơ quan An ninh Nga FSB, nhân danh bảo vệ quyền bí mật thông tin của người sử dụng, được ghi trong Hiến pháp Nga. Việc nhà cầm quyền Nga giới hạn truy cập vào Telegram từ tháng 4/2018 đến tháng 7/2020, đã làm bùng lên biểu tình tại nhiều thành phố Nga. Telegram đã vượt hàng rào kiểm duyệt Nga nhờ các phần mềm vượt tường lửa. Điện Kremlin buộc phải chấp nhận thực tế này.
Chấm dứt nhiều hoạt động tuyên truyền quy mô lớn của Nga
Kể từ đó, nhà cầm quyền Nga tương kế tựu kế đã sử dụng mạng này để làm một kênh tuyên truyền chủ yếu. Trong một nhận định trên báo Moscow Times, nhà quan sát Konstantin Sonin cho biết Matxcơva đã ‘‘chi ra những khoản tiền khổng lồ’’ để tạo ra một loạt kênh trên mạng này, nhằm tung ra các tin tức bóp méo, bịa đặt và thúc đẩy truyền bá các thông tin này với các dịch vụ mua ‘‘like’’, mua người ủng hộ… Việc Pavel Durov bị tạm giữ có thể chấm dứt các hoạt động tuyên truyền quy mô lớn này. Đây là điều khiến đông đảo dân Ukraina vui mừng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhiều báo Pháp, như Libération, điều nghiêm trọng hơn đối với điện Kremlin là một số lượng lớn thông tin trong nội bộ Nga về cuộc chiến xâm lăng Ukraina, mà Matxcơva gọi là ‘‘chiến dịch quân sự đặc biệt’’, đã được truyền đi trên mạng tin nhắn mã hóa này. Theo nhà quan sát Konstantin Sonin, nếu Telegram ngừng hoạt động, hoặc rơi vào tay kẻ thù, thì ‘‘toàn bộ chiến dịch đặc biệt’’ sẽ bị ‘‘lâm nguy’’.
‘‘Chiến dịch đặc biệt’’ của Nga chống Ukraina ‘‘lâm nguy’’
Vài giờ sau khi Durov bị câu lưu, theo Baza - một kênh thân cận với điện Kremlin, nhiều giới chức Nga đã nhận được lệnh xóa bỏ các địa chỉ chính thức trên mạng này. Mệnh lệnh đã được chuyển đến một số giới chức cao cấp của bộ Quốc Phòng Nga, cũng như một số doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn. Nhà tuyên truyền của điện Kemlin Margarita Simonyan, tổng biên tập kênh truyền thông nhà nước Nga RT (Russia Today) kêu gọi người sử dụng Telegram ‘‘xóa bỏ mọi thông tin nhạy cảm’’.
Không chỉ được dùng trong nội bộ giới chức cấp cao trong chính quyền Nga, Telegram cũng được sử dụng phổ biến trong trao đổi về các hoạt động tác chiến tại Ukraina, cũng nhưng trong giới blogger quân sự ủng hộ cuộc xâm lăng. Rybar, một trang mạng thân cận với bộ Quốc Phòng Nga, báo động ‘‘cảnh sát Pháp đã bắt giữ nhà lãnh đạo của phương tiện trao đổi chính trong quân đội Nga. Họ đã tước đi của chúng ta phương tiện thông tin duy nhất được coi là hoạt động bình thường !’’. 24 giờ sau khi Durov bị bắt, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga ban hành lệnh ngừng sử dụng Telegram trong nội bộ.
Kênh trao đổi thông tin ‘‘cuối cùng’’ từ bên ngoài với dân Nga
Vụ bắt giữ làm rúng động điện Kremlin nhưng cũng gây lo ngại cho đông đảo giới chống Putin tại Nga và tại Ukraina. Mạng thông tin này được coi là một trong những kênh thông tin cuối cùng mà báo chí độc lập có thể dùng để trao đổi với độc giả tại Nga và Belarus. Cựu trợ lý truyền thông của tổng thống Ukraina, bà Iuliia Mendel, thừa nhận : ‘‘đây là một nguồn tin thông tin chủ yếu với Ukraina’’. Theo Libération, Telegram có ý nghĩa quan trọng với những các nhà báo độc lập Nga cũng như thân nhân của các thanh niên Nga đang tham chiến tại Ukraina, một mạng xã hội an toàn duy nhất còn thoát khỏi cặp mắt cú vọ của mật vụ Nga.
Vụ tạm giữ ông chủ Telegram gây chấn động không chỉ vì lần đầu tiên lãnh đạo một mạng truyền thông tầm cỡ như Telegram bị bắt tại châu Âu. Vụ việc này không chỉ liên quan đến các mâu thuẫn không dễ giải quyết giữa quyền tự do ngôn luận và đòi hỏi tuân thủ các quy định phòng chống các hoạt động phạm pháp trên các mạng xã hội.
Telegram và nền dân chủ : Thách đố không dễ có lời giải
Telegram của Pavel Durov được giới quan sát ghi nhận là một mạng truyền thông được ví như ‘‘con dao Thụy Sĩ’’ độc nhất vô nhị, do tính đa chức năng của mạng này, vừa là mạng tin nhắn, vừa là mạng thảo luận có thể cho phép đến 200.000 người tham gia… Về nguyên tắc, Telegram hạn chế tối đa các hợp tác với cả chính quyền các nước dân chủ cũng như các chế độ toàn trị, nhân danh bảo vệ tuyệt đối quyền tự do ngôn luận. Người chống độc tài sử dụng Telegram, chế độ toàn trị cũng tương kế tựu kế.
Chính quyền các nước dân chủ đối xử ra sao với Telegram, phương tiện truyền thông có tầm ảnh hưởng ‘‘địa - chính trị’’ đặc biệt này? Tương lai của mạng Telegram sẽ ra sao với vụ tạm giữ Pavel Durov, được triển hạn đến ngày mai 29/08/2024, là câu hỏi còn để ngỏ.
No comments:
Post a Comment