VNTB – Độc lạ: những người không biết bố mình là aiChâu Nam Việt
29.08.2024 4:54
VNThoibao
Sinh ra là con người, nhưng vài cá nhân chỉ muốn sống được phần “con”, không muốn học phần “người”. Con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đã bị tước hết nhiều quyền lợi, càng ngày càng bị mất tự tin, phải bấu víu vào các mối quan hệ xung quanh. Thế mới có câu “nhất quan hệ, nhì tiền tệ”, từ đó hình thành ra tư tưởng ỷ lại. Ỷ lại vào mối quan hệ, ỷ có chống lưng, ỷ có bảo kê, ỷ có tiền. Vì vậy, không ngạc nhiên khi thấy đâu đó câu nói: “Mày biết bố mày là ai không?”, hay “Mày biết tao là ai không?”
Những câu này mang đầy hàm ý thách thức, đe dọa bởi nó “phân hạng” công dân, giữa những kẻ “là ai đó”, “quen biết người nào đó”, “có chức vụ gì đó”… với số còn lại “không là ai cả”. Nó chính xác là trạng thái bất bình đẳng trước pháp luật đã diễn ra phổ biến đến độ cả người nói và người nghe đều cảm thấy được uy lực và “hiệu lực áp dụng” của câu nói.
Khi ai đó sử dụng câu này, họ muốn người đối diện nhận ra rằng họ có thể đang đối diện với một người “có quyền”, “có thế”, hoặc ít nhất là có “quan hệ lớn”. Đằng sau câu nói này là một tâm lý thượng đẳng, cho rằng mình có quyền hành, địa vị hoặc mối quan hệ “khủng” mà người khác không dám đối đầu.
Đơn cử như vụ việc vào ngày 26/7/2019, trên khoang hạng thương gia của Vietnam Airlines, ông C – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu Tư Thương Mại Dịch Vụ ĐL, bị tố sàm sỡ một nữ hành khách. Hành vi của ông C được mô tả là: “sờ vào vai em rồi lần dần xuống phía sườn”. Cơ trưởng chuyến bay VN253 từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh đã quyết định từ chối phục vụ, đuổi khỏi máy bay. Tuy nhiên, thay vì nhận lỗi ông C lại phản ứng mạnh bằng câu: “… Mày biết bố mày là ai không? Mày tin tao gọi sếp to xử hết chúng mày không?(1)
Hay mới đây, vào trưa 11/8/2024, chỉ vì suýt va chạm trên đường, tài xế 46 tuổi đuổi theo một người 26 tuổi suốt hơn hai km. Sau khi ép nạn nhân vào lề đường, ông này vớ được khúc xương trên vỉa hè, đập vỡ kính ôtô, buộc lái xe xuống, bắt quỳ lạy, xin lỗi. Ông vừa dọa đánh vừa hỏi “Mày biết tao là ai không?”.(2)
Đây là kết quả của một thời gian dài nhà cầm quyền Việt Nam giải quyết vấn đề không minh bạch và chỉ dựa trên sự quen biết, quyền thế và sức mạnh,… Kéo theo đó là người dân không thể dựa vào công cụ pháp luật để giải quyết vấn đề, mà tự giải quyết theo cách riêng nên sự lộng quyền lên ngôi hoặc sức mạnh lên ngôi.
Ở chế độ xã hội chủ nghĩa như hiện nay thì “Nhất quan hệ, nhì tiền tệ, thứ ba hậu duệ” đã ăn sâu tới mức thâm căn cố đế ở tư duy nhiều người rồi. Mọi hành xử, xử lý vấn đề đều được giải quyết theo quan điểm trên. Nên ra đường, luôn thấy những cảnh hài là người ta không biết “bố mẹ mình là ai” khi xảy ra va chạm, đụng vấn đề với ai đó mà đa phần là với người lạ.
Đến lúc biết người ta và cả “bố mẹ mình là ai” rồi thì cũng là lúc cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm pháp luật, phải trả giá dù ít dù nhiều. Nhà nước luôn hô hào xây dựng con người xã hội chủ nghĩa và lối sống ngày càng văn minh, tử tế đã được nghe và đọc rất nhiều, nói cũng nhiều, nhưng làm thì chẳng đâu vào đâu!
Nhìn chung bản chất côn đồ là do sự giáo dưỡng và tu dưỡng của chế độ xã hội đó thôi. Ở trong trường học thì giáo viên côn đồ với học sinh, ngoài xã hội thì chính quyền ỷ quyền, ỷ thế với dân đàn áp dân,… Mà cũng do người dân nhịn nhục nên nếp sống côn đồ này riết quen theo thời gian.
Nếu pháp luật nghiêm minh, mọi thứ có văn hóa thì phải nghiêm minh và có văn hóa từ trên xuống dưới, vì người trẻ, người “bé” luôn noi gương người lớn, người “to”. Nhưng câu chuyện pháp luật nghiêm minh thì có lẽ không bao giờ tồn tại ở chế độ xã hội chủ nghĩa này!
____________________
Tham khảo:
No comments:
Post a Comment