Saturday, August 17, 2024

Việt Nam đang có tiền đề tốt để thực hiện cuộc lột xác (Bài 1)
Trần Văn Chánh
18-8-2024
Tiengdan

Bài 1: Thời thế tạo anh hùng?

Cách nay hơn hai năm, trong một bài viết mang tên “Người tốt không còn nên chẳng cần, chỉ cần chọn hướng đúng!” đăng trên trang Viet-Studies ngày 8-1-2022, tôi có viết:

Đề cập việc trị nước an dân xây dựng xã hội tốt lành mà nói không cần người tốt hay nhà lãnh đạo có đạo đức thì quả là một nghịch lý, một lối nói thậm chí có thể gọi ngụy biện, rất dễ bị mọi người nhao nhao lên đả kích không thương tiếc.

Bởi một chân lý chung cổ kim đều thừa nhận: Người lãnh đạo chính trị-xã hội phải có cả tài năng lẫn đức độ, mà bây giờ quen nói theo giọng thời thượng, phải vừa có tâm vừa có tầm.

“Nhưng khổ nỗi, một sự thật rất phũ phàng không thể phủ nhận cần phải trung thực nói lên, dù rất đau lòng, đó là nhân dân Việt Nam trong nhiều chục năm nay đã phải sống trong tình trạng xã hội hủ nát mà đại đa số quan lại tức giới lãnh đạo đều trở nên gian tà ở những mức độ khác nhau do cái thể chế độc tài toàn trị phi dân chủ gây nên.

“Nói cách khác, tình trạng rất đáng bi quan như hiện nay trong một xã hội xuống cấp toàn diện không phải do từng cá thể xấu riêng lẻ cộng lại, mà do nó được sinh ra một cách tất yếu từ thể chế độc tài toàn trị hiện hữu. Trong hệ thống chính trị này, những người được cất nhắc lên chức vụ cao lãnh đạo đại đa số đều không có tâm lẫn không có tầm, bởi nếu có tâm mà sống trung thực lành mạnh dám ăn ngay xổ thẳng không a dua cấp trên thì dù muốn lên tới chức cỡ chủ tịch phường xã quèn cũng đã thiên nan vạn nan, do phương thức bổ nhiệm con người không căn cứ vào đức độ tài năng mà theo “quy hoạch-cơ cấu”, chủ yếu dựa trên lý lịch (con ông cháu cha…) và bè đảng. Nên có thể nói, hầu hết quan to hiện nay đều là những kẻ ít nhiều tệ hại, và mức độ tệ hại này của quan chức thường tỉ lệ thuận với các chức quyền mà họ được nắm giữ…. Bên cạnh hạng người này là số ít người cũng có chức quyền kha khá và tương đối trong sạch, đôi khi có cả tâm cả tầm lẫn lý tưởng phục vụ, nhưng lực bất tòng tâm, họ đành phải sống cầu an, ngậm miệng ăn tiền, vô tình đồng lõa với cái xấu…”.

Trong một hoàn cảnh như vậy, ai muốn giữ được chí tiết thanh cao kiểu người xưa, thì phải “độc hành kỳ đạo, độc thiện kỳ thân”, theo cách dám can đảm xả bỏ cáo quan trước tuổi về hưu, chứ không chờ bị đuổi hoặc bị buộc phải “xin thôi” một cách nhục nhã, rồi thong dong về quê cắm câu, đuổi gà cho vợ, làm người tử tế trong xóm ngõ, cơm ngày hai bữa, chấp nhận sống cuộc đời có thể lu mờ, cho qua ngày đoạn tháng trong thời buổi “nước vô đạo”.

Nói về tình trạng tham nhũng tiêu cực và thoái hóa biến chất của giới quan lại chức quyền, như trên đã nói và vì nhiều nguyên nhân khác nữa, thì không bút mực nào tả xiết, “trúc Nam Sơn không ghi hết tội”, nên chỉ cần tóm gọn trong mấy chữ “quốc nạn tham nhũng” hay “thối nát toàn tập” là đủ. Hiện trạng đã xuất hiện từ rất nhiều năm này, dẫn tới nguy cơ quan trường suy bại, quốc lực ngày một suy mòn, đời sống nhân dân lao động ngày càng điêu đứng, khiến họ mất lòng tin vào thể chế chính trị hiện hữu, vốn bị coi là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, gây nên tình trạng tham nhũng sâu rộng đến mất kiểm soát và hầu như vô phương cứu chữa.

Các “khúc củi” bị ném vào lò trong thời gian gần đây. Nguồn: Báo VNN

Cho nên có thể nói, đặc điểm nổi bật của xã hội Việt Nam sau nhiều năm đi theo con đường XHCN đã bị biến tướng (thành CNXH thân hữu và CNTB cuồng nhiệt), là một xã hội tham nhũng, đi cùng với các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng và tình trạng suy thoái về văn hóa-đạo đức nghiêm trọng chưa từng được chứng kiến trong lịch sử.

Để khắc phục hiểm nguy, bởi “dân vô tín bất lập” (dân không tin thì phải sụp đổ), người ta đã đưa ra chủ trương tận diệt tham nhũng dưới hình thức “đả hổ diệt ruồi”, còn quen gọi là “đốt lò”, tạm coi như khởi động mạnh từ năm 2016, nhưng chiến dịch hoàn toàn không mang lại kết quả như mong muốn. Bằng cớ là sau đó vài năm, còn có những vụ đại án tham nhũng lớn hơn, với tội ác tày đình hơn, diễn ra giữa lúc nhân dân toàn quốc đang bị khốn đốn vì đại dịch Covid-19, dính tới hàng trăm, hàng ngàn quan chức các cấp câu kết từ trung ương tới địa phương, như có thể dẫn chứng tiêu biểu từ các vụ Việt Á, “chuyến bay giải cứu”…

Chưa kể chiến dịch đốt lò còn làm phát sinh một số hiệu ứng phụ, khó lòng tránh khỏi, như tệ đấu đá tranh giành quyền lực, gây mất đoàn kết nội bộ; tình trạng co cụm vì sợ trách nhiệm của các quan chức đầu ngành làm tê liệt một phần quan trọng hiệu quả của bộ máy hành chính; việc đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng các hoạt động kinh tế khác… bị ngưng trệ, mà cụ thể rõ ràng nhất là tình trạng thiếu thiết bị, dụng cụ, thuốc men chữa bệnh cho dân, đã và đang xảy ra hai năm nay tại tất cả các bệnh viện trên toàn quốc.

Còn như những vụ đại án kinh tế khác, như Vạn Thịnh Phát, AIC, Quyết còi, Công ty Cây xanh Công Minh, Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn, các công ty đăng kiểm… đều do có sự câu kết, bao che của những quan chức cấp cao tham nhũng, liên quan đến các tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đưa và nhận hối lộ…

Do vậy, dân chúng và các giới quan sát vẫn còn rất nghi ngờ về khả năng chống tham nhũng, tiêu cực của biện pháp “đốt lò”, vì gốc của tham nhũng, tiêu cực chính là do từ thể chế độc tài toàn trị mà ra, trong đó các nhánh quyền lực chẳng những không chế ước được lẫn nhau, mà còn kết nối thành một hệ thống chặt chẽ, thực chất chỉ là để “chia quyền tham nhũng” một cách hợp pháp, dưới hình thức sân sau của các quan chức cấp cao hoặc tối cao, đang ngày càng lộ rõ cho mọi người dân đều thấy.

Đến đây, có thể nói, công cuộc đốt lò đã tỏ ra thất bại, mất kiểm soát, cho dù khởi đầu nó có thể xuất phát từ một thứ thiện ý phi thực tế của số ít nhân vật ảo tưởng, chân đi không chấm đất, hoặc có tâm mà không có tầm, chỉ biết dựa vào những tín điều cổ hủ chẳng còn ai tin, bởi vì tham nhũng thực tế đã phát triển thành một “bầy sâu” đông đảo bò lổn nhổn khắp nơi trên những mảnh ruộng đã bị nhiễm độc vì các loại nông dược, nên sờ vào đâu cũng thấy sâu.

Trong tình trạng ai cũng dính chàm như ai, thì lấy ai trị ai, ngoài cách dung túng bao che lẫn nhau để cộng đồng tồn tại, bởi tất cả cùng là một giuộc như nhau, trong cái hệ thống chính trị độc tài toàn trị không có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp).

Quốc hội, và hội đồng nhân dân các cấp nói là có trách nhiệm giám sát nhưng thực tế chỉ ăn theo nhà cầm quyền, được cấu tạo bằng những cuộc bầu cử phi dân chủ một cách cực kỳ lố bịch.  Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể khác thì người dân cũng chẳng thể đặt hy vọng gì cao hơn. Báo chí – thay vì là “đệ tứ quyền” góp phần kiểm soát, phát hiện hiệu quả các hành vi tiêu cực – trái lại đã luôn biến thành cái loa của Ban Tuyên giáo Trung ương, như trong vụ test kit Việt Á, khi nói vầy lúc nói khác, tráo trở khôn lường.

Dân gian nói “Nhà dột từ nóc”, “Thượng bất chính hạ tắc loạn”… Lại  còn nói  “Dòi từ trong xương dòi ra”…, nếu chỉ bôi thuốc ngoài mặt vết lở loét thì chẳng ăn thua, một lũ dòi phục sẵn trong ổ mủ sẽ tiếp tục bò ra ngày một thêm đông đảo, phá hoại toàn cơ thể…

Suy ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao và tối cao trong bộ máy cầm quyền hầu như không thể còn người tốt, hoặc chỉ còn một số ít người tương đối trong sạch nhưng cũng đều trở thành lực lượng đồng lõa, thường giữ các chức vụ trung gian từ cấp tỉnh, thành trở xuống.

Tuy nhiên, bên cạnh tình thế có vẻ bi quan như mô tả ở trên, chúng ta vẫn còn được khá nhiều hy vọng, cũng chính từ “công cuộc đốt lò” mà ra: Nương theo tính chính danh của chiến dịch bài trừ tham nhũng “không có vùng cấm, không có vùng tránh, không có ngoại lệ”.

Và thuận theo tính phát triển logic trong một chuỗi nhân quả liên tục của nó, một cuộc lật đổ cung đình hay còn gọi cuộc đảo chính không tiếng súng/ không chết người đã diễn ra một cách thông minh, vô cùng ngoạn mục, chưa từng có trong lịch sử, trong cũng như ngoài nước, qua việc đốn ngã thành công chớp nhoáng vừa qua đối với một vài nhân vật cấp cao trong hàng ngũ tứ/ ngũ trụ, những người đường đường là phương diện quốc gia trông bề ngoài có vẻ bệ vệ đạo đức, phát lời tuyên thệ trước quốc dân khi giơ tay nhận chức vụ cao với những lời tuyên bố hùng hồn có canh, nhưng thực chất đều là những con sâu bự, tay đã dính chàm, dựa vào danh nghĩa bảo vệ Đảng lãnh đạo, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin và nêu gương đạo đức Hồ Chí Minh để lén lút làm bậy.

Một trong những thủ thuật trọng yếu của người CS là điều khiển con người bằng sự sợ hãi. Cuộc đảo chính đã được thực hiện trên nền tảng “ai ai cũng dính chàm” nên ai ai cũng sợ hãi. Kế đến là thuật “giết gà dọa khỉ” (sát kê hách hầu), một trong 36 kế kinh điển của người xưa đã dạy, để bịt miệng những người có tịch, bị ngành công an nắm rõ hồ sơ tội lỗi, khiến ai ai cũng riu ríu tuân theo, không dám chống.

Có thể nói chính trường Việt Nam chưa bao giờ sôi động và gây kinh ngạc như trong khoảng thời gian từ đầu năm 2024 đến nay. Người nắm đại quyền xuất phát từ ngành công an, sau khi nắm rõ điểm mấu chốt trong hiện tình thối nát của đất nước, dường như muốn gì được nấy, cũng là nhờ nắm được lý lịch phạm tội tham nhũng cũng như tâm lý sợ hãi của tất cả những nhân vật cấp cao.

Một cuộc đảo chính độc đáo đã thật sự diễn ra như vậy hoàn toàn không dựa trên một lý thuyết chính trị viển vông nào, mà chỉ dựa trên thực tế của tình trạng “thối nát toàn tập” của hệ thống chính trị biểu hiện qua quốc nạn tham nhũng, nên coi như đã đạt được tính chính danh nhờ được nhân dân ủng hộ…

Đây là lý do khiến kẻ viết bài này hôm nay vẫn tiếp tục tái khẳng định: Người tốt không còn nên chẳng cần, chỉ cần chọn hướng đúng!

Điều này có nghĩa, trước mắt chúng ta chỉ cần những nhà lãnh đạo thông minh, có tài năng, bản lĩnh và tư tưởng cải cách mạnh mẽ hợp thời vụ và hợp với nền văn minh chung của nhân loại theo đường hướng dân chủ hóa đời sống xã hội một cách thực chất, nhằm đưa cả dân tộc Việt Nam đi về phía ánh sáng.

Điều này cũng có nghĩa chúng ta tạm thời chấp nhận sự lãnh đạo của một số người tên X, tên Y nào đó, dù tay họ cũng đã lỡ dính chàm giống như mọi đồng chí khác (nếu không muốn nói dĩ độc trị độc, dính chàm mới trị được dính chàm), trên cơ sở chấp nhận một sự thật phũ phàng là không thể còn tìm ra được ai khác vừa trong sạch, vừa tài năng và đủ bản lĩnh để thực hiện cải cách chính trị, trên cái nền thể chế từ lâu đã suy bại mà chính họ cũng là sản phẩm.

Trong chiều hướng suy nghĩ này, tôi cho rằng ý tưởng chỉ chấp nhận người đạo đức trong sạch, không tham nhũng và không có tham vọng chính trị, được vào “trung ương”, chỉ là một loại ảo tưởng, hoàn toàn xa rời thực tế nếu không muốn nói điên rồ.

Cứ như vậy, chúng ta cũng không được quên một chân lý cực kỳ đơn giản, mà lịch sử loài người đã chứng minh rất rõ rệt, đó là một người đạo đức trong sạch trong thời tranh tối tranh sáng sẽ không bao giờ làm chính trị thành công, nhất là theo vương đạo kiểu đức trị, nếu không muốn nói anh ta sẽ bị đồng đội gồm toàn những kẻ tham lam lật đổ rất nhanh trong một sớm một chiều!

Nghĩ được một cách đau đớn như vậy rồi, kẻ ưu tư thời cuộc sẽ không còn thắc mắc hoặc hy vọng chờ có được một bậc minh vương lý tưởng nào trong thời buổi “nước vô đạo” này.

 Xin đón đọc tiếp bài II: Xuất hiện tiền đề cho một cuộc  lột xác của Việt Nam và những nỗi trăn trở

No comments:

Post a Comment