Monday, August 26, 2024

Phó Đức An - Khốn quẫn với thiên mệnh
lundi 26 août 2024
Thuymy

Lời nói đầuNguyễn Quang Chánh ra Hà Nội gặp gỡ anh em giới thiệu cuốn sách mới còn thơm mùi mực “Kể chuyện cụm tình báo H.63”. Đây là cuốn sách rất hấp dẫn, các bạn nên tìm đọc! 

Toàn anh em trí thức tu học từ Liên Xô về nên toàn bàn chuyện Nga. Các bạn cứ phân vân tại sao Putin lại đi những nước cờ đem Nga vào đường hầm tăm tối như vậy? Nửa đêm thức giấc, lão cũng nghĩ đến vấn đề này và viết một bài ít nhiều cũng giải bầy được tâm tư của các bạn.

Nga - Một dân tộc không vượt qua được khổ đau và bất hạnh

Vừa rồi Nguyễn Hoài Bắc đã đưa chúng ta đến thăm đất nước Cuba xã hội chủ nghĩa với đầy ruồi muỗi, hạ tầng cơ sở nghèo nàn lạc hậu đến thê thảm. Khiến Hoài Bắc, một chàng trai trẻ đang hưởng thụ cuộc sống đẹp tựa tranh vẽ của chế độ tư bản cũng phải cong đít chuồn gấp.

Một chế độ độc tài với những tay lãnh đạo ngu xuẩn và những bộ óc hóa đá, trái tim băng lạnh không đoái hoài đến cuộc sống lầm than của nhân dân. Khư khư giữ lấy ngôi vị của mình, không biết hy sinh lợi ích nhóm, không dám tìm ra một con đường, một giải pháp đổi mới để dân đổi đời. Đấy là sự bất hạnh của dân tộc ấy, nhân dân ấy.

Nước Nga tuy tốt hơn, nhưng vẫn có cái gì đó như một bóng ma đeo bám, khiến dân tộc này không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn để dân tộc Nga theo kịp nền văn minh tiên tiến của nhân loại. Để được hít thở bầu không khí tự do trong lành, hoan ca cùng thế giới đại đồng.

Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky có câu nói nổi tiếng: Tôi chỉ có một điều lo lắng: “Tôi e rằng tôi không xứng đáng với những gì tôi đang phải chịu đựng. Nga dường như là một dân tộc không thể thoát ra khỏi đau khổ”. Ông chính là tác giả cuốn Anh em nhà Karamazov (Братья Карамазовы). Đó là cuốn tiểu thuyết cuối cùng và được xem là lớn của ông. Với tác phẩm này, Dostoevsky được toàn thế giới công nhận là một trong những đại văn hào nước Nga.

Nga có lãnh thổ rộng 17,07 triệu km2 và dân số dưới 150 triệu người. Mặc dù 2/3 diện tích đất đai nằm ở Siberia, một vùng đất lạnh giá. Từ góc độ nông nghiệp, phần lớn diện tích ở đó không thích hợp cho việc trồng trọt cũng như chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, từ góc độ hiện đại, nó chứa đựng nguồn tài nguyên phong phú.

Đối với nước Nga nói chung, nguồn tài nguyên phong phú của nước này thậm chí còn thái quá và bất công đối với những khu vực khác trên thế giới. Các loại tài nguyên khác nhau hiện được lưu trữ ở Nga chiếm 21 % tổng trữ lượng của thế giới và trữ lượng nhiều loại tài nguyên đứng đầu thế giới.

Có người cho rằng đây là đất nước không thiếu thứ gì, miễn là giữ được lãnh thổ không để mất đi hoặc không cho kẻ khác nhẩy vào chia phần. Có vũ khí hạt nhân rồi thì còn sợ thằng nào. Cứ an phận thủ thường sống những ngày êm đềm với những của cải trời cho.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú dường như chưa mang lại cuộc sống tương xứng cho người dân nơi đây. Quyền lực chuyên chế và sự cai trị tàn bạo tạo nên một bầu không khí ức chế, ngột ngạt. Cách mạng và hỗn loạn giày xéo vùng đất này theo chu kỳ. Ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao của đế chế, những gì mang lại cũng chỉ là sự ngạo mạn ngông cuồng của những kẻ thống trị chứ không phải là sự bình yên, an cư lạc nghiệp của người dân. Đau khổ dường như là thiên mệnh của dân tộc này. Trong lịch sử, cho dù có một tia hy vọng nào đó về một sự chuyển biến thì những gì diễn ra sau đó vẫn là vòng luân hồi quen thuộc.

Nhai lại những đau khổ và quá khứ không thể thoát ra được

Nhai gặm khổ đau không thoát khỏi quá khứ là điều đau khổ nhất của dân tộc này. Nhiều người trong chúng ta có cảm nhận về văn hóa Nga qua việc đọc các tác phẩm văn học Nga. Khi đọc văn học Nga, thường có cảm giác sâu thẳm nhất trong trái tim mình đã được chạm tới. Đó là mùi vị của đau khổ. Vì vậy, văn học Nga, giống như họa phẩm “Người vận chuyển sà lan trên sông Volga” nổi tiếng của Ilya Repin, buồn tẻ và chán nản. Ngay cả những cảnh vui cũng có thể khiến bạn cảm thấy hơi buồn. Nói một cách dễ hiểu, đặc điểm lớn nhất của văn học Nga là gì? Là viết về đau khổ.

Có người đã từng nói thế này: “Văn học dân tộc Nga không bao giờ sinh ra từ những xung lực sáng tạo vui vẻ, mà sinh ra từ nỗi đau khổ khốn cùng của nhân dân và số phận bi thảm của họ, sinh ra từ tư duy cứu rỗi toàn nhân loại”.

Lênin từng nói quên đi quá khứ đồng nghĩa với phản bội. Nhưng vấn đề là nếu chúng ta không thể bước ra khỏi quá khứ thì chúng ta không thể hướng tới tương lai. Nhiều quốc gia trên thế giới đã từng trải qua đau khổ trong quá khứ. Điều quan trọng là họ có thoát ra khỏi đau khổ hay không.

Vì vậy, các loại chủ nghĩa dân tộc như nhà tư tưởng cực đoan Alexander Dugin đang thịnh hành ở đây. Họ ngưỡng mộ sức mạnh của đế chế và đặt hy vọng vào những tưởng tượng viển vông về tương lai, khiến họ không thể tập trung vào hiện tại đích thực.

Người Viking đã ngừng cướp bóc từ lâu và chuyển sang khai thác công nghệ cao. Đế quốc Đông La Mã đã biến mất từ ​​lâu và tan rã thành nhiều quốc gia nhỏ để sống và làm việc trong hòa bình và mãn nguyện. Mông Cổ trước súng ống hiện đại đã thu về cung tên gươm giáo của mình và chuyên tâm chăn cừu. Nhiều quốc gia trên thế giới hoặc đã trải qua nhiều gian khổ, hoặc đã trải qua sự mất mát từ huy hoàng đến suy bại, nhưng dân tộc Nga dường như khó có thể đi từ u ám đến xán lạn. Thậm chí không hề thấy họ khát khao về ánh sáng mặt trời.

Một số người có thể nói, vậy chúng ta có nên quên đi quá khứ không?

Cách đây không lâu tôi có xem một đoạn video ngắn: một blogger hỏi một cô gái Việt Nam có bằng thạc sĩ : ”Trước đây các bạn đã chiến đấu rất quyết liệt với Hoa Kỳ, bây giờ quan hệ giữa hai nước rất thân thiết, các bạn đánh giá Hoa Kỳ như thế nào trong sách giáo khoa lịch sử?”.  Cô gái trả lời: ”Sách giáo khoa dạy dỗ chúng tôi rằng, tổ tiên đã trả giá rất đắt cho độc lập và giải phóng. Điều này cần phải luôn ghi nhớ. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh đã là chuyện quá khứ. Chúng ta không nên đắm chìm trong hận thù, cần hướng tới phía trước, phát triển và hợp tác. Đây mới là điều quan trọng nhất.”

Đấy, sao cô bé lại am tường và thông minh đến thế! Nếu như Putin hoặc lãnh đạo Cuba có được tư duy như vậy thì dân của họ bớt đi rất nhiều khổ đau và luẩn quẩn. Việt Nam là một đất nước nhiều lần bị chiến tranh giằng xé. Vấn đề then chốt là làm thế nào để thiết lập một logic nhất quán giữa lịch sử và hiện thực: Không chỉ tôn trọng lịch sử mà còn đưa ra những lựa chọn thực tế hợp lý hơn cho đất nước được phát triển.

Sự oán giận và bất an

Trong thế giới ngày nay, có thể nói Nga là quốc gia chú trọng nhất đến việc thành lập vùng đệm. Dù ở thời kỳ nước Nga Sa hoàng, Liên Xô hay nước Nga ngày nay, nước này đã cố gắng không mệt mỏi vì mục đích này. Về hướng châu Âu, vùng đệm là Ukraina và Belarus. Về hướng Kavkaz là Azerbaijan, Armenia và Georgia. Về hướng Trung Á là Kazakhstan, Uzbekistan và 5 nước nhỏ khác. Cái gọi là thiết lập vùng đệm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc xâm lược Ukraine lần này. Nguyên nhân chủ yếu là bởi Nga là một quốc gia thiếu cảm giác an toàn.

Vậy giữa rất nhiều quốc gia trên thế giới, tại sao Nga lại thiếu cảm giác an toàn đến vậy? Một số người cho rằng nguyên nhân là do lãnh thổ Nga quá rộng lớn và không có rào cản chiến lược. Vì vậy, chỉ có thể tiếp tục mở rộng ra bên ngoài và liên tục thiết lập các vùng đệm. Cái gọi là vùng đệm có nghĩa là khi hai bên có chiến tranh, có thể chọn chiến đấu trong vùng đệm để cố gắng tránh chiến tranh lan vào đất liền.

Tư duy này như đúng mà lại sai. Tất nhiên, trong thế giới ngày nay, các vấn đề an ninh không phải không tồn tại. Ví dụ, các vấn đề an ninh ở Ukraine là có thật. Nhưng đối với một nước lớn có vũ khí hạt nhân, ít nhất vấn đề an ninh theo nghĩa truyền thống là mất nước, mất quyền, nhục nhã, hay diệt chủng là không thể xẩy ra. Nếu anh không đi khiêu khích người khác, làm sao người khác dám khiêu khích anh?

Trong trường hợp xâm chiếm Ukraine lần này, một trong những nguyên nhân là do sự mở rộng về phía đông của NATO. Nhưng chúng ta đều biết rằng trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, ngay cả ông Macron cũng nói rằng NATO đang trong tình trạng chết não. Đây có phải là một tổ chức gần như chết não đang gây ra mối đe dọa cho việc mở rộng về phía đông?

Một số người cho rằng việc NATO mở rộng về phía đông không phải là sự thật sao? Đó là sự thật, nhưng nguyên nhân tại sao? Họ cố tình đe dọa Nga thông qua việc mở rộng về phía đông, hay các nước Đông Âu nhỏ bé đang tìm kiếm một chiếc ô bảo vệ dựa trên lý do lịch sử và thực tiễn? Xung quanh nước Mỹ có Canada ở phía bắc và Mexico ở phía nam. Tại sao họ không nghĩ rằng có vấn đề về an ninh?

Trên thực tế, cái gọi là vấn đề an ninh của Nga còn có lý do khác.

Lý do là gì? Đó là ý thức thù địch với thế giới xung quanh. Cảm giác thù địch này có thể nảy sinh từ sự đối đầu về ý thức hệ hoặc từ sự ân oán lịch sử. Bám víu vào quá khứ chắc chắn sẽ mang đến mất mát, oán giận, thù địch và bất an. Đó là tâm lý luôn có người rình rập ám hại mình. Nhưng kết quả cuối cùng của việc theo đuổi sự an toàn là tạo ra cảm giác bất an mạnh mẽ hơn.

Việt Nam đã đi đúng hướng với đường lối ngoại giao cây tre sau chiến tranh. Chúng ta không quên quá khứ nhưng nhìn xa trông rộng hướng về tương lai. Đưa đất nước tiến lên vào giai đoạn mới, mở cửa tiếp đón làn gió mới. Xây dựng quan hệ ngoại giao với tất cả các nước kể cả những nước trong quá khứ là đối địch của mình, miễn là họ cũng cùng một nhận thức, gạt bỏ hận thù, cùng nhau hợp tác, hai bên cùng có lợi. Đem lại sự ổn định trong nước để tập trung phát triển kinh tế.

Sự thật là, một kiến thức đơn giản như cô gái Việt Nam kể trên cũng có thể thay đổi vận mệnh một quốc gia. Chả nhẽ ở nước Nga hay Cuba lại không thể có một cái đầu như vậy để đưa đất nước ra khỏi vòng luẩn quẩn của kiếp luân hồi đáng nguyền rủa?

PHÓ ĐỨC AN 26.08.2024

No comments:

Post a Comment