Thursday, August 1, 2024

EU kêu gọi Việt Nam tác động đến Nga để chấm dứt cuộc chiến Ukraine
VOA Tiếng Việt
01/08/2024
VOA

Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Josep Borrell phát biểu tại cuộc họp báo ở Hà Nội, ngày 31/7/2024. Photo Facebook EU in Vietnam.


Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), nói hôm 31/7 rằng ông đã đề nghị các nhà lãnh đạo Việt Nam dùng ảnh hưởng của mình với Nga để chấm dứt cuộc chiến Ukraine.

Tại cuộc họp báo tại Hà Nội trước khi kết thúc chuyến công du từ ngày 29 đến 31/7, ông Borrell cho biết đã trao đổi với lãnh đạo Việt Nam về nhiều vấn đề, trong đó có cuộc chiến Nga-Ukraine, mà theo ông “giải quyết cuộc chiến này có ý nghĩa sống còn với Châu Âu”.

“Trong tất cả các cuộc gặp với những người đối thoại của tôi ở Hà Nội, tôi đều thảo luận về ‘cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine’ của Nga, cho rằng Moscow ‘đã gây ra đau khổ lan rộng cho Ukraine và người dân nước này’”.

“Tôi biết rằng việc Nga gây hấn với Ukraine có vẻ là chuyện xa xôi với Việt Nam, nhưng hậu quả của cuộc chiến này – bao gồm lạm phát cao, giá năng lượng cao và mất an ninh lương thực – cũng đang ảnh hưởng đến người dân Việt Nam”, ông nói, theo thông cáo của EC.

“Ukraine đã bị xâm lược và Nga đã xâm lược Ukraine. Chúng ta không thể chấp nhận việc áp đặt quyền lực của kẻ mạnh nhất lên một quốc gia có chủ quyền. Nếu chúng ta không ngăn chặn cuộc chiến phi lý này, Nga sẽ khuyến khích các nước khác đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ”, vẫn lời ông Borrell.

“Việt Nam là một bên có ảnh hưởng và tôi đã đề nghị những người đối thoại với tôi hãy tác động lên Nga để dừng cuộc chiến này”, nhà lãnh đạo EC nói.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Nga tại Hà Nội và Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội, đề nghị họ cho ý kiến về phát biểu trên của ông Borrell, nhưng chưa được phản hồi.

Hồi tháng 2/2022, Nga thông báo tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Lập tức, Mỹ và phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Moscow.

Việt Nam, một đối tác thân hữu lâu năm với Nga từ thời Liên Xô cũ, cho đến nay vẫn không lên tiếng phản đối cuộc xâm lược của Moscow và đã nhiều lần bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về các nghị quyết liên quan trực tiếp đến cuộc chiến Nga-Ukraine, trong đó có nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.

Giữa lúc bị phương Tây cô lập, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm hiếm hoi đến Hà Nội hồi tháng 6 mới đây. Truyền thông nhà nước Việt Nam khi ấy ca ngợi chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga và Hà Nội tự nhận mình với vai trò điều phối như một “điểm cân bằng” giữa các xu hướng tập hợp lực lượng đối trọng hiện tại, “góp phần đáng kể vào xu thế kiến tạo hòa bình”.

Khi được hỏi cụ thể Việt Nam nên dùng ảnh hưởng gì để tác động Nga, ông Borrell lý giải: “Chúng tôi biết Việt Nam có mối quan hệ tốt với Nga. Tổng thống Putin đã ở đây vài ngày trước. Tôi yêu cầu họ sử dụng ảnh hưởng này để làm cho ông Putin hiểu rằng cuộc chiến này phải kết thúc”.

Ông nhấn mạnh rằng “không có giải pháp quân sự” cho cuộc chiến kéo dài hơn hai năm đó.

“Hai năm sau, Ukraine vẫn phản kháng. Và họ sẽ tiếp tục kháng cự, nhưng đất nước đang bị tàn phá. Điều này không thể tiếp tục”, ông nói.

Ông phân tích rằng cách duy nhất để ngăn chặn cuộc chiến này là thông qua đàm phán hòa bình. “Vì vậy, tôi đã yêu cầu những người đối thoại Việt Nam của tôi gửi thông điệp tới ông Putin rằng ông ấy phải tham gia đàm phán để chấm dứt cuộc chiến này”, ông nhấn mạnh.

“Tôi đã giải thích cho họ lý do tại sao chúng tôi ủng hộ Ukraine, bởi vì như tôi đã nói, đối với người châu Âu chúng tôi, cuộc chiến đánh vào Ukraine này là mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh của chúng tôi”.

Khi thăm Hà Nội, ngoài việc viếng tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Borrell có các cuộc gặp với Chủ tịch nước Tô Lâm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, và Phó Thủ tướng Lê Thành Long.

Nhận định của giới quan sát 

Các nhà bình luận nêu nhận định rằng yêu cầu Việt Nam thuyết phục Nga dừng cuộc chiến ở Ukraine sẽ đưa Hà Nội vào thế khó xử.

“Đây là điều tế nhị và rất khó cho Việt Nam vì Việt Nam vẫn được coi là nước đàn em, vẫn ca ngợi Liên Xô trước đây và Nga bây giờ, đã giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều cả về vật chất và tinh thần”, luật sư Lê Quốc Quân ở thủ đô Washington, Mỹ, viết cho VOA hôm 31/7.

Tuy nhiên, luật sư Quân phân tích rằng nếu Việt Nam tác động được đến Nga để chấm dứt cuộc chiến Ukraine, việc này sẽ “cực kỳ có lợi cho Việt Nam”, vì Hà Nội sẽ tự khẳng định mình trên trường quốc tế, đồng thời đưa ra một thông điệp ngầm rằng các nước lớn không thể can thiệp quân sự, hoặc xâm lược nước láng giềng như Nga đang làm.

Nhận xét về lời đề nghị của ông Borrell đối với giới lãnh đạo Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Cường, một người tị nạn Việt Nam ở Ukraine, chia sẻ với VOA: “Phó Chủ tịch EC Borrell không chỉ như nhà chính khách, mà còn như nhà ngoại giao, nhà sư phạm, nhắc nhở người dân Việt Nam về tính nhân văn, tinh thần trách nhiệm... Vì vậy Việt Nam hãy khuyên can đứa bạn ngỗ ngược Nga kia để hắn thôi hung hăng”.

No comments:

Post a Comment