Nguyễn Viện – « Thuyền » và Nguyễn Đức Tùng ra mắt ở Saigon
samedi 21 juin 2025
Thuymy
Trong tinh thần bạn bè với Nguyễn Đức Tùng, sức hot của quyển sách, đề tài nhạy cảm… tôi kỳ vọng buổi ra mắt sách sẽ sôi nổi hào hứng. Nhưng tôi đã thất vọng.
Nguyễn Đức Tùng đã nói quá nhiều, quá dài và thiếu trọng tâm. Nhiều diễn giả khác cũng rơi vào tình trạng này, khiến người dẫn chương trình phải giành lại micro, không chỉ một lần.
Ban tổ chức hơi thiếu chuyên nghiệp. Giữa lúc giao lưu lại mời khách đi lấy đồ ăn. Từ đó dẫn tới mất trật tự. Đến độ nhà văn Dạ Ngân phải yêu cầu mọi người im lặng cho chị phát biểu. Và cũng từ đó, mọi người không tập trung nghe các diễn giả nữa mà tập trung nói chuyện riêng.
Cái thiếu chuyên nghiệp thứ hai, mời hội đồng hương Quảng Trị của tác giả lên tặng hoa. Thế là không chỉ một đại diện mà cả nhóm cùng lên chụp hình và bày tỏ cảm xúc… rất lai láng.
Ai cũng tưởng đến đây là chấm dứt chương trình. Nhưng không, các khách mời lại tiếp tục được mời phát biểu. Không khí càng loãng.
Tuy nhiên, chương trình cũng có một số ưu điểm :
- Tất cả những nhân vật trong chủ toạ đoàn đều phát biểu hay và đúng mực. Nhà báo + nhà giáo + nhà văn Nguyễn Hồng Lam mở đầu với nhận định về thế hệ hamburger trong văn chương. Tiếp đến phó giáo sư/tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh cũng nói về các thế hệ 1, 1.5, 2 của dòng văn chương di dân. Người thứ ba trong chủ tọa đoàn, phó giáo sư/tiến sĩ Võ Văn Nhơn nói về chuyện vượt biên, thuyền nhân.
- Tất cả nhà văn lề trái - lề phải tham dự đều được giới thiệu một cách trang trọng.
- Phát biểu của nhà văn Dạ Ngân rất cảm động và nhức nhối. Dạ Ngân đã khóc qua những câu hỏi đại ý : tại sao những nơi chốn đã từng là căn cứ cách mạng mà chính bản thân chị, một Việt cộng đã chiến đấu ở đó lại trở thành nơi chốn cho những người liều mình bỏ nước ra đi ? Tác giả Nguyễn Đức Tùng đã viết mình ra đi vì phẩm giá, vậy thì những người như chị đã chiến đấu, đã ở lại thì cái phẩm giá đó là gì ?
Đấy là một sự thật. Cay đắng nhưng chỉ khi chúng ta dám nhìn vào sự thật, chúng ta mới có thể thấu hiểu và hòa giải. Rất cám ơn chị Dạ Ngân về phát biểu của chị.
- Phát biểu mang tính phản biện của tiến sĩ Hà Thanh Vân, theo tôi cũng là thẳng thắn và công bằng, khi đề nghị được nhắc đến những tác giả khác viết về cùng một đề tài, đồng thời đề nghị NXB tiếp tục dũng cảm cho in tác phẩm của những nhà văn gai góc khác. Có điều này thì tôi không đồng ý lắm khi tiến sĩ Vân cho rằng chỉ nên đọc Thuyền trên văn bản nghệ thuật, đừng chính trị hóa sự việc.
Tôi đã biết Nguyễn Đức Tùng từ những lần đầu tiên về Việt Nam, và tôi biết tiến trình hoà giải mà Tùng theo đuổi từ tổ chức Hội luận về hòa hợp hòa giải trên 10 năm trước đến những tác phẩm của anh và cách anh tham dự vào nó.
Và Thuyền, trong phát biểu của Tổng biên tập NXB Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng cũng đã nhìn nhận việc xuất bản này như một nỗ lực hòa giải.
- Một đoạn thư giãn khi cho khách mời được nghe đọc truyện với hai giọng đọc trầm ấm, truyền cảm của cô bạn Hồng Anh và một giọng nam tôi không nhớ tên. Một trích đoạn văn chương sex của Nguyễn Đức Tùng, say đắm và đau đớn.
Dù sao cũng chúc mừng NXB Phụ nữ đã cho in một tác phẩm được trông đợi. Và chúc mừng cuộc hoà giải của Nguyễn Đức Tùng của chúng ta đang trở nên đáng hy vọng hơn.
NGUYỄN VIỆN 21.06.2025
No comments:
Post a Comment