Harvard, biểu tượng cho sự chia rẽ nội bộ Hoa KỳThu Hằng
Đăng ngày: 05/06/2025 - 14:17Sửa đổi ngày: 05/06/2025 - 15:32
RFI
Bị cắt 3 tỷ đô la trợ cấp, bị dỡ bỏ ưu đãi miễn trừ thuế và sinh viên nước ngoài không được cấp visa, Harvard đang bị tổng thống Donald Trump dồn đến cùng. Đại học danh tiếng của Mỹ đang « trả giá » đắt vì bị xem là quá « woke », tức có tư tưởng quá cấp tiến, ngược lại với lập trường bảo thủ của ông Trump và vì đã dám « thách thức » quyền lực của vị tổng thống thứ 47.
Trong bài phân tích trên báo La Croix ngày 03/06/2025, nhà chính trị học Amy Greene nhận định, ẩn sau cuộc tấn công này là chiến lược của tổng thống Donald Trump nhắm đến hai mục tiêu: đối lập hai luồng kiến thức, một bên là giới tinh hoa, một bên là những người Mỹ « đích thực » ; mở rộng quyền lực của tổng thống trong đời sống công, cho dù phải khai thác những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ để đạt kết quả.
Harvard : Hiện thân của sự chia rẽ trong xã hội Mỹ
Tổng thống Trump không che giấu thái độ coi thường giới tinh hoa và đưa tư tưởng này vào chính sách của ông. Phó tổng thống J.D. Vance, dù xuất thân từ đại học Yale danh giá, cũng khẳng định « các trường đại học là kẻ thù ». Điều này giải thích cho việc các trường đại học, đặc biệt là những trường nổi tiếng, trở thành mục tiêu tấn công, vì bị xem là mang tư tưởng cấp tiến theo khuynh hướng Dân Chủ, bài Do Thái, phản đối Israel gây chiến ở Gaza để trả thù vụ tấn công đẫm máu ngày 07/10/2023.
Đại học, đặc biệt là các trường nổi tiếng, hiện bị coi là « nơi phân biệt giàu nghèo » vì học phí quá cao, do đó thường dành cho một bộ phận tinh hoa của xã hội. Năm 2024, tổng số nợ của sinh viên tại Mỹ đã lên tới hơn 1.777 tỉ đô la, tăng hơn 40% so với cách đây 10 năm. Gần 43 triệu người Mỹ vẫn mắc nợ vì đã vay tiền để học. Ngoài ra, bằng đại học chưa chắc đã bảo đảm được việc làm và địa vị xã hội mong muốn. Điều này giải thích cho cuộc khủng hoảng niềm tin mà các trường đại học đang phải đối mặt : từ 60% tin hoàn toàn vào đại học, tỷ lệ này đã giảm xuống gần một nửa, chỉ còn 36% trong giai đoạn 2015 đến 2024.
Theo nhà chính trị học Amy Greene, sự sụt giảm này tương ứng với hai khuynh hướng rõ rệt : cánh tả coi giáo dục đại học đồng nghĩa với thăng tiến xã hội, cánh hữu lại cho rằng đại học thù nghịch với những giá trị của họ. Bên đảng Dân Chủ, số người ủng hộ có bằng cấp chiếm một phần lớn lực lượng cử tri, còn bên đảng Cộng Hòa thì chững lại, thậm chí là giảm đi. Thêm vào đó, đối với người dân, « giấc mơ Mỹ » không nhất thiết trở thành hiện thực thông qua con đường đại học.
Để đối chọi hai lĩnh vực kiến thức và kỹ năng, đều cần cho sự vận hành và tỏa sáng của nước Mỹ, tổng thống Trump đề xuất là khoản tiền 3 tỷ đô la tài trợ cho Harvard nên được sử dụng cho các chương trình đào tạo ngành nghề kỹ thuật (cơ khí, thẩm mỹ, nấu ăn…).
Thể hiện quyền lực toàn năng
Để trừng phạt Harvard, cũng như « đánh » vào Trung Quốc, chính quyền Mỹ ngưng cấp cho thị thực dành cho sinh viên nước ngoài, trong đó sinh viên Trung Quốc chiếm đa số. Bộ Ngoại Giao nêu nguy cơ Trung Quốc « đánh cắp » công nghệ Mỹ để biện minh cho quyết định mới, cũng như lý giải việc giảm số sinh viên nước ngoài là để dành chỗ cho sinh viên Mỹ trong các đại học danh tiếng.
Tuy nhiên, quyết định này có thể gây phản tác dụng. Các trường đại học Mỹ vẫn nổi tiếng về chất lượng, song song với mức học phí cao. Đây là nguồn thu quan trọng, lên tới 50 tỷ đô la đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế Mỹ năm 2023, theo thống kê của bộ Thương Mại. Tác động thứ hai là sự cạnh tranh gián tiếp trong tương lai do thất thoát « chất xám ». Giáo sư khoa học thông tin và khoa học công nghệ Phoebe Sengers, Đại học Cornell, nhận định với AFP : « Các sinh viên nước ngoài lẽ ra đến Mỹ học thì nay phải ở lại nước họ, hoặc đi du học ở những nước khác và sau này sẽ thành lập doanh nghiệp ở những nước đó, cạnh tranh trực tiếp với công ty Mỹ ».
Cuối cùng, không đơn thuần là vấn đề thị thực, danh tiếng của Mỹ sẽ bị tác động. Sinh viên nước ngoài sẽ có cảm giác bất an, bị lệ thuộc và thiếu tự do học thuật. Nhiều nước cạnh tranh khác đang đề ra những chương trình thu hút tài năng và theo giáo sư Phoebe Sengers, « thật phi lý là Mỹ lại đuổi họ ». Pháp và Liên Hiệp Châu Âu đã tổ chức nhiều hội thảo để thu hút những nhà khoa học bị tác động vì chính sách cắt giảm ngân sách nghiên cứu của Mỹ. Đại học Khoa học Công nghệ Hồng Kông cũng đã đề xuất thủ tục xét tuyển nhanh dành cho các sinh viên ngoại quốc mất cơ hội theo học ở Harvard.
No comments:
Post a Comment