Thursday, June 5, 2025

Đàm phán hòa bình Nga - Ukraina : Tổng thống Trump và chiếc bẫy Putin
Minh Anh
Đăng ngày: 05/06/2025 - 16:11
RFI

Nguyên thủ Mỹ những ngày cuối tháng 5/2025 đã có những tuyên bố gay gắt đối với tổng thống Nga Vladimir Putin, rằng ông « hoàn toàn điên rồ », « đang đùa với lửa »…Những lời chỉ trích này phải chăng đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách của ông Trump về Nga? Phải chăng Donald Trump đang thoát khỏi sự kìm kẹp ảnh hưởng từ đồng nhiệm Nga ?

Ảnh ghép: Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm ngày 19/05/2025. AFP - DREW ANGERER,GAVRIIL GRIGOROV

Trên đây là những thắc mắc từ nhiều nhà quan sát. Tổng thống Mỹ Donald Trump có những phát biểu như trên sau những đợt oanh kích quy mô lớn chưa từng có tính từ đầu cuộc xung đột Nga – Ukraina, phối hợp tên lửa và drone nhắm vào nhiều vùng trên lãnh thổ Ukraina.

Thiếu kiên nhẫn chiến thuật

Phải chăng tổng thống Nga đã đánh mất sự hậu thuẫn của Donald Trump ? Cựu đại sứ Pháp tại Nga giai đoạn 2020-2024, Pierre Lévy, trên làn sóng RFI Pháp ngữ ngày 27/05/2025, tỏ ra cẩn trọng khi cho rằng đối với Donald Trump, « cần phải chờ xem » những tuyên bố sắp tới.

Nhưng theo ông, điều này thể hiện rõ một phương pháp tồi từ phía Washington, « không phải là cách để đối phó với Nga », với một dân tộc mà trong tâm trí luôn quan niệm rằng « nhà lãnh đạo thống trị và tự ngự trị mình. Do vậy, vị lãnh đạo đó không có tâm trạng và ông ta không nên thể hiện cảm xúc quá mức. Đó là dấu hiệu của sự yếu đuối ».

Cũng theo cựu đại sứ Pháp Pierre Lévy, cách tiếp cận này của Nga là rất rõ ràng, được thể hiện rõ qua lời đáp trả của phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov khi đánh giá những phát biểu của Donald Trump là « trả lời theo cảm xúc trước các sự kiện ».

Nhà ngoại giao Pháp giải thích tiếp : « Vì vậy, tôi thấy rằng về cơ bản đây là một cách tiếp cận khá khinh thường. Vụ việc thể hiện sự tương phản giữa một bên là sự thiếu kiên nhẫn về chiến thuật của Donald Trump và bên kia là sự kiên nhẫn chiến lược của Nga với một quyết tâm lạnh lùng. Và do vậy, không chút tâm trạng. »

Vladimir Putin : Ukraina chỉ là « Tiểu Nga »

Sự thiếu kiên nhẫn đó có lẽ phần nào phản ảnh tâm trạng hụt hẫng của Donald Trump khi nhận ra rằng ông không dễ chấm dứt chiến tranh « trong vòng 24 giờ » như tuyên bố khi vận động tranh cử. Ngày 04/06/2025, sau cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, tổng thống Trump thừa nhận sẽ không có « hòa bình tức thì » giữa Kiev và Matxcơva.

Một sự thật hiển nhiên và chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Ông Brian Whitmore, nhà nghiên cứu, giáo sư trường đại học Texas – Arlington, trên trang Atlantic Council ngày 29/05/2025, từng viết là sẽ « không có một thỏa thuận nào với Nga về Ukraina. Điều đó chưa bao giờ có và sẽ chẳng bao giờ có ».

Đơn giản là vì, theo ông, không có một công thức kỳ diệu nào, không một nhượng bộ hay một sự mặc cả lớn nào có thể thỏa mãn những mục tiêu tối đa và mang tính tiêu diệt của điện Kremlin : Chấm dứt chủ quyền, quốc gia và nhà nước Ukraina. Trong khi Ukraina muốn tiếp tục tồn tại như một quốc gia có chủ quyền độc lập. Do vậy, không có một sự thỏa hiệp nào là khả thi.

Trong một cuộc trao đổi với đồng nhiệm Mỹ, tổng thống Putin đã tuyên bố mọi giải pháp cho cuộc xung đột phải xử lý điều mà ông gọi là « nguồn cội sâu xa của xung đột ». Nói một cách cụ thể, đó là sự tồn tại của Ukraina như là một quốc gia có chủ quyền, điều mà từ lâu ông Putin coi là đáng nguyền rủa.

Tại thượng đỉnh NATO ở Bucarest, Bulgari năm 2008, trước sự hiện diện của đồng nhiệm Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush, tổng thống Nga đã nói rằng « Ukraina thậm chí không phải là một quốc gia », mà chỉ là một « Tiểu Nga » như nhiều lần ông nói đến. Đây là một thuật ngữ được sử dụng dưới thời Sa hoàng để mô tả vùng lãnh thổ Ukraina. Vẫn theo ông Whitemore, « đối với ông Putin và giới tinh hoa điện Kremlin, sự thống trị thuộc địa Nga đối với Ukraina là một vấn đề tư tưởng không thể đàm phán ».

Quyết tâm chinh phục Ukraina của Nga đã được một trong những nhà tư tưởng Nga thân cận với Putin, Vladimir Medinsky, thể hiện rõ qua tuyên bố « Nga sẵn sàng chiến đấu mãi mãi » và không quên nhắc lại cuộc chiến tranh phương Bắc 1700 – 1721 chống Thụy Điển trong vòng 21 năm. Trong cuộc đàm phán tại Istanbul gần đây, ông thách thức phái đoàn Ukraina : « Các người có thể sẵn sàng chiến đấu trong bao lâu ? ».

Kinh tế : Mắc xích yếu của Nga, mồi nhử Donald Trump

Tuy nhiên, Nga cũng ý thức được rằng chiến tranh kéo dài, họ cũng trả giá đắt. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ, trong vòng bốn tháng đầu năm 2025, cứ mỗi một cây số vuông đất Ukraina chiếm được, Nga mất gần như 100 quân.

Với nhịp độ này, Nga sẽ phải mất đến gần 4 năm để chiếm hết phần còn lại của bốn vùng Donetsk, Luhansk, Zaporijia và Kherson mà Matxcơva đòi sáp nhập vào Nga, và có lẽ phải mất gần một thế kỷ để chiếm toàn bộ Ukraina, ngoại trừ các khu vực biên giới phía Tây nước này, với cái giá phải trả là 50 triệu thương vong, tương đương với khoảng 1/3 dân số Nga hiện nay.

Nền kinh tế Nga hiện tại gặp khó khăn nhưng vẫn chống chọi được với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nhưng nếu kéo dài cuộc chiến, kinh tế của Nga chịu được sức ép trong bao lâu nếu phương Tây bền bỉ duy trì áp lực với Matxcơva ?

Trong điều kiện này, mục tiêu của điện Kremlin đối với Hoa Kỳ là tìm cách tách rời cuộc chiến với mối quan hệ Nga – Mỹ, bình thường hóa quan hệ song phương Matxcơva – Washington, và được nới lỏng trừng phạt. Tổng thống Nga Putin đưa « củ cà rốt », mời mọc Mỹ hợp tác khai thác đất hiếm. Ông tuyên bố mối quan hệ hợp tác kinh tế mới giữa Mỹ và Nga sẽ có lợi hơn cho đôi bên, nhất là trong lĩnh vực năng lượng nếu như « lệnh trừng phạt được dỡ bỏ »…

Những ý tưởng mà ông Trump có vẻ như không muốn bỏ lỡ. Nguyên thủ Mỹ bày tỏ ý muốn thiết lập quan hệ kinh tế bình thường với Matxcơva. Đây có lẽ sẽ là một sai lầm, bởi vì điều đó sẽ giúp mang lại cho ông Putin chút dưỡng khí để tiếp tục cuộc chiến tại Ukraina. Thực tế trên chiến trường cũng đã cho thấy rõ : Bất chấp các cuộc đàm phán, Nga gia tăng oanh kích bắn phá các thành phố của Ukraina.

Theo phân tích từ cựu đại sứ Pháp Pierre Lévy, trên đài RFI, « tổng thống Nga vẫn chưa đi chệch mục tiêu ban đầu của mình, đó là phá vỡ chủ quyền của Ukraina và đi đến cùng các mục tiêu của mình. Nói một cách đơn giản, trong phương trình này, ông phải cẩn trọng để cho ông Trump không hoàn toàn phải xa lánh. Ông ấy có thể điều khiển ông Trump, sao cho người đồng cấp vẫn hiện diện ở đó. Và đến một lúc nào đó thì ông Putin sẽ chuyển qua bước tiếp theo … »

Ukraina : Chống trả hay đầu hàng, chọn lựa sinh tử

Đây cũng là điều khiến nhà sử học, giáo sư Laurence Saint-Gilles, trường đại học Sorbonne, Pháp lo lắng. Trái với Ronald Reagan, vị tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ giai đoạn 1981 – 1989, chỉ bắt đầu đàm phán với Matxcơva sau khi đã tái lập đươc thế ưu việt chiến lược của Mỹ, tổng thống Trump đã vội vàng đồng ý ngay lập tức hầu hết các yêu cầu của đồng nhiệm Nga trước khi bắt đầu đàm phán, biến câu nói « hòa bình thông qua sức mạnh » thành « hòa bình thông qua đầu hàng ».

Về phía Ukraina, bất chấp màn hạ nhục trước ống kính quốc tế tại Phòng Bầu Dục và những dọa dẫm cắt viện trợ quân sự, tổng thống Trump không nhận được sự nhượng bộ nào từ Kiev để có thể nhanh chóng đi đến một lệnh ngừng bắn, mở đường cho đàm phán hòa bình.

Nhà nghiên cứu Brian Whitemore dẫn nhận định từ nhà chính trị học Ukraina Anton Shekhovtsov đưa ra hồi trung tuần tháng 5/2025, nêu lên một thực tế cay đắng : « Ukraina phải chọn giữa chống trả và nguy cơ bị giết, hay đầu hàng và bị giết. Bằng cách chống trả, Ukraina có một cơ hội, nhưng nếu đầu hàng, họ sẽ không có cơ hội nào và do vậy, việc đầu hàng không phải là một giải pháp khả thi. »

Trong hoàn cảnh này, các nước Pháp, Anh, Đức và khối Liên Hiệp Châu Âu nỗ lực gia tăng viện trợ cho Ukraina và ban hành một loạt trừng phạt mới nhắm vào Nga. Thủ tướng Đức Friedrich Merz gần đây dỡ bỏ giới hạn tầm bắn đối với vũ khí Đức cung cấp cho Ukraina, buộc Matx cơva phải lên tiếng cảnh báo đó là « một quyết định nguy hiểm ».

Dù vậy, ông Brian Whitemore cảnh báo một trong những thách thức lớn nhất trong tương lai là châu Âu có sẽ vượt qua được những chia rẽ trong nội bộ, nhất là từ các nước Hungary và Slovakia, và có thể cung cấp được vũ khí cho Ukraina hay không.

Donald Trump có thoát được bóng Putin ?  

Về phía Washington, các nước đồng minh châu Âu của Ukraina và giới quan sát đều có một câu hỏi : Liệu Donald Trump có thoát được chiếc bẫy Nga để ban hành loạt trừng phạt mới hay không, với hy vọng có thể chặn đứng được tham vọng bành trướng của Matxcơva và đi đến đàm phán hòa bình ?

Nhà sử học Laurence Saint-Gilles trên La Croix lưu ý thêm rằng, nếu như những quyết định của Nhà Trắng cho đến lúc này làm hài lòng một bộ phận cử tri thân Nga, chống viện trợ cho Ukraina, thì Donald Trump khó thể phớt lờ một bộ phận lớn người dân Mỹ ủng hộ Ukraina và xem Nga như là một kẻ thù.

Đây không phải lần đầu tiên Donald Trump bày tỏ bất bình công khai với đồng cấp Nga Vladimir Putin, nhưng không ai có thể đoán đâu là phạm vi hành động của ông. Theo quan điểm Laurence Saint-Gilles, tổng thống Trump rất có thể « núp bóng » sau một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, vốn dĩ đã báo hiệu ý định áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga và áp đặt mức thuế quan nặng đối với các quốc gia mua dầu, khí đốt và uranium của Nga.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu này sẽ cho thấy những phản ứng gay gắt gần đây của Donald Trump chỉ là phản ứng cảm xúc, hay là khởi đầu của một cuộc giải thoát khỏi sự quyến rũ mà tổng thống Nga đang tác động lên ông!

No comments:

Post a Comment