Trung Quốc chào đón ông Lâm bằng đại bác, xem Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong ‘ngoại giao láng giềng’
VOA Tiếng Việt
19/08/2024
VOA
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau lễ ký kết các văn kiện hợp tác tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 19/8.
Tân Tổng bí thư Việt Nam Tô Lâm được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 19/8 nghênh đón bằng 21 phát đại bác, mời tiệc trà trong tình “đồng chí, anh em” và khẳng định ưu tiên hàng đầu trong quan hệ với Hà Nội trước khi chứng kiến việc ký kết nhiều văn kiện hợp tác giữa hai nước, trong đó có đường sắt, theo truyền thông Việt Nam và Trung Quốc.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết rằng ông Tập đón tiếp ông Lâm cấp nhà nước và hội đàm với tân tổng bí thư Việt Nam tại Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lâm sau khi nhận chức vụ cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Ông Tập cho biết, điều này phản ánh đầy đủ tầm quan trọng to lớn mà ông Lâm dành cho mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước, cũng như bản chất tầm cao và chiến lược của quan hệ Trung-Việt,” Tân Hoa Xã cho biết.
Ông Lâm được bầu làm tổng bí thư Việt Nam hôm 3/8 để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng, người qua đời trước đó 2 tuần. Ông Lâm cũng đang kiêm nhiệm chức chủ tịch nước mà ông nắm giữ từ tháng 5.
Truyền thông Việt Nam cho biết ông Tập chủ trì lễ đón ông Lâm với 21 phát đại bác chào mừng theo nghi lễ cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia và mời tiệc trà trưa hôm 19/8, trong đó hai nhà lãnh đạo “cùng nhau ôn lại truyền thống hữu nghị giữa hai đảng, hai nước, trao đồi về văn hóa trà trong phong tục tập quán của mỗi nước.”
Trích dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, VnExpress cho biết “tiệc trà là hình thức tiếp xúc đặc biệt, được hình thành và duy trì trong nhiều chuyến thăm cấp cao những năm gần đây giữa lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng, tinh thần ‘đồng chí, anh em’ giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước’.”
Ông Trọng và ông Tập cũng đã mời tiệc trà lẫn nhau trong các chuyến thăm của họ ở Việt Nam và Trung Quốc.
Quan hệ ‘vượt qua địa chính trị’
Trong buổi hội đàm hôm 19/8, theo Tân Hoa Xã, ông Tập nói với ông Lâm rằng ông mong muốn thiết lập mối quan hệ tốt đẹp và tình bạn cá nhân với ông Lâm để "cùng nhau dẫn dắt sự phát triển to lớn trong việc xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai giữa Trung Quốc và Việt Nam."
Vẫn theo hãng tin của Trung Quốc, ông Tập lưu ý rằng Bắc Kinh coi Hà Nội là “ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng và ủng hộ Việt Nam duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa” cũng như thúc đẩy hơn nữa việc “cải cách” và “hiện đại hóa” ý thức hệ mà hai nước Cộng sản láng giềng này đang chia sẻ.
Đáp lại, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ông Lâm khẳng định rằng Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai khi ông Tập tới thăm Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái, mà truyền thông Việt Nam coi là “một dấu mốc lịch sử mới” đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Trước đó chỉ hơn 3 tháng, Việt Nam đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hà Nội và nâng tầm quan hệ với Washington lên cao nhất để trở thành các đối tác chiến lược toàn diện của nhau.
Việt Nam và Trung Quốc, dù gắn kết chặt chẽ về ý thức hệ và cùng do Đảng Cộng sản cầm quyền, lại thường xuyên có những xung đột về lãnh hải trên Biển Đông và đã từng có một cuộc chiến ngắn ngủi năm 1979 khi Trung Quốc xâm lược biên giới phía bắc của Việt Nam.
Để cân bằng sự ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc, Việt Nam đã duy trì quan hệ với các cường quốc khác như Mỹ, Nhật Bản và Úc. Ông Lâm được kỳ vọng sẽ tiếp nối người tiền nhiệm, ông Trọng, trong việc thúc đẩy chiến lược cân bằng ngoại giao “cây tre”.
Nhận định về việc này nhân chuyến thăm của ông Lâm tới Trung Quốc, tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 19/8 nói rằng “mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, với tư cách là ‘đồng chí và anh em’ vượt qua địa chính trị.” Bài xã luận của tờ báo chuyên đưa ra quan điểm của Trung Quốc về chính sách đối ngoại cho rằng một số phương tiện truyền thông phương Tây “thường thích quan sát sự phát triển của quan hệ Trung-Việt thông qua lăng kính cạnh tranh giữa các cường quốc hoặc địa chính trị, thường đưa ra những kết luận phiến diện và hẹp hòi.”
“Loại quan hệ này (giữa Trung Quốc và Việt Nam) sẽ tiếp tục tiến triển trong sự phát triển, không sợ khiêu khích, và có thể đối mặt trực diện với những thách thức,” Hoàn cầu Thời báo viết.
Trong hội đàm với ông Lâm, ông Tập kêu gọi nỗ lực chung để “duy trì Năm nguyên tắc chung sống hòa bình và các chuẩn mực cơ bản khác chi phối quan hệ quốc tế, thúc đẩy một thế giới đa cực bình đẳng và có trật tự,” theo Tân Hoa Xã.
Ghi nhận từ phía Việt Nam, Tuổi Trẻ cho biết ông Lâm và ông Tập trao đổi “chân thành, thẳng thắn, nhất trí thực hiện tốt các nhận thức chung cấp cao đã đạt được, nỗ lực kiểm soát và giải quyết tốt hơn các bất đồng.”
‘Dấu chân cách mạng’ và ‘kết nối cứng’
Ông Lâm bắt đầu chuyến thăm 3 ngày ở Trung Quốc tại Quảng Châu, trong đó ông đến thăm một số địa điểm ở thành phố thuộc miền nam Trung Quốc, gồm cả những nơi từng có “dấu chân cách mạng” của cố Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh, theo Mạng lưới Truyền hình Trung Quốc CGTN.
Ghi nhận của CGTN cho biết rằng ông Lâm đến thăm nơi trước đây là trụ sở của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay. Theo trang mạng này, ông Hồ Chí Minh đến Quảng Châu từ Moscow và thành lập Hội này – vốn là tổ chức cách mạng đầu tiên của Việt Nam – dựa trên lý thuyết Marx-Lenin.
Khi gặp ông Lâm tại Bắc Kinh, ông Tập “nhấn mạnh những năm tháng vẻ vang” của ông Hồ tại Quảng Châu “đã kết nên mối tình thắm thiết” giữa hai nước “vừa là đồng chí vừa là anh em.”
Ông Lâm và ông Tập sau khi hội đàm đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Tờ Tiền Phong và các báo của Việt Nam cho biết 14 văn kiện hợp tác được ký kết, trong đó có quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và nghiên cứu tính khả thi của Dự án viện trợ kỹ thuật lập quy hoạch hai tuyến đường sắt Lạng Sơn-Hà Nội và Móng Cái-Hạ Long-Hà Nội.
Việt Nam và Trung Quốc đã ký hàng chục văn kiện hợp tác trong chuyến thăm của ông Tập tới Hà Nội cuối năm ngoái. Trước chuyến thăm của ông Lâm, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết trong một tuyên bố rằng trọng tâm của chuyến thăm của ông Lâm là thực hiện các thỏa thuận đã ký kết và “đạt được những kết quả hợp tác thực chất mới, đặc biệt trong các lĩnh vực cùng quan tâm như kết nối đường sắt.”
Việc nâng cấp tuyến đường sắt ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư vì ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển một số hoạt động hướng đến xuất khẩu sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập nói rằng Trung Quốc muốn mở rộng sự hợp tác giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường và chiến lược Hai hành lang Một vành đai kinh tế, đẩy nhanh “kết nối cứng” của cơ sở hạ tầng đường sắt, đường cao tốc và cảng, cũng như tăng cường “kết nối mềm” của hải quan thông minh và cùng với Việt Nam xây dựng chuỗi công nghiệp và cung ứng an toàn, ổn định.
Các văn bản khác được ký kết hôm 19/8 bao gồm hợp tác giữa các ngân hàng trung ương, truyền thông, y tế và kiểm dịch đối với dừa tươi, cá sấu và sầu riêng đông lạnh.
Hai nước sẽ ra tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, theo Tân Hoa Xã.
Tuổi Trẻ cho biết, ông Lâm mời ông Tập thăm lại Việt Nam và ông Tập đã nhận lời.
No comments:
Post a Comment