Trần Thanh Cảnh – Lầm lẫnlundi 9 juin 2025
Thuymy
Cho đến giờ phút này, người ta đã có thể "định danh" một cách chắc chắn cho cuộc đời ông Tố Hữu [tức Nguyễn Kim Thành (1920- 2002)].
Ông là một nhà chính trị chuyên nghiệp, từ trẻ. Như đã từng viết : "Từ thủa ấy quăng thân vào gió bụi..."
Là một nhà chính trị [cách mạng] chuyên nghiệp, nên Tố Hữu sử dụng năng khiếu thơ ca của mình, tuyệt đối phục vụ cho sự nghiệp, lý tưởng chính trị mà ông tin tưởng, theo đuổi. Bởi thế, Tố Hữu trở thành "lá cờ đầu", "chủ soái" của nền thơ ca cách mạng như một lẽ đương nhiên.
Nên, những văn nghệ sĩ không "thần phục" lá cờ ấy, bị vùi giập te tua trong vụ án "Nhân văn Giai phẩm", cũng là một chuyện đương nhiên phải xảy ra.
Từ tập thơ đầu tiên "Từ ấy" cho đến những bài thơ cuối cùng [không kể vài bài làm lúc đã thất sủng, gần chết], tất cả đều là một giọng điệu "văn nghệ phục vụ chính trị". Như nhau. Và không phải nó không có giá trị gì. Đặc biệt trong những thời khắc cam go hay huy hoàng của "sự nghiệp cách mạng" ! Nhưng chính vì tính chất phục vụ tức thời như vậy, nên càng với độ lùi của thời gian và sự giãn rộng của không gian lịch sử, người ta càng nhận chân giá trị thực sự của thơ Tố Hữu với nền văn hóa dân tộc.
Nhưng tôi hoàn toàn không có ý định "phân tích, bình luận" gì nhiều về thơ Tố Hữu ở đây. Bởi điều đó đã có nhiều người làm. Tôi chỉ muốn đề cập đến một khía cạnh nhận thức của rất nhiều văn nghệ sĩ trí thức về Tố Hữu [chính điều lầm lẫn này đã gây đến bi kịch cho họ !] : họ đã lầm lẫn nghiêm trọng khi nhận thức Tố Hữu là "nhà thơ" !
Mà chính xác bản chất Tố Hữu là một nhà chính trị [cách mạng chuyên chính vô sản] chuyên nghiệp ! Tố Hữu sử dụng thơ ca hò vè...như một công cụ tuyên truyền mà thôi ! Thơ ca với thi sĩ đích thực, là cuộc đời, là lẽ sống. Với nhà chính trị Tố Hữu, chỉ là công cụ. Có điều, Tố Hữu đã sử dụng công cụ đó một cách điêu luyện !
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là một trí thức uyên bác, nhưng cho tận cuối đời ông vẫn lầm lẫn về bản chất con người Tố Hữu ! Ông vẫn nghĩ Tố Hữu là nhà thơ ! Nên ông mới viết cho Tố Hữu [lúc đã bị thất sủng] lá thư đề ngày 30/11/1986, với nội dung như trong hình.
Nhưng cũng không trách bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một người cộng sản "thâm căn cố đế" [đảng viên Đảng cộng sản Pháp và Đảng cộng sản Việt Nam] được : Vào cái thời điểm đó, khi bác sĩ Nguyễn Khắc Viện gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, rất rất nhiều trí thức lớn, tên tuổi rực sáng của Pháp và thế giới đã tin và đi theo học thuyết "cộng sản" ! Họ, với niềm tin ngây thơ trong sáng, đã cho rằng "chủ nghĩa cộng sản sẽ là mùa xuân của nhân loại" !
Thế rồi các trí thức "tả khuynh" phương Tây đã nhanh chóng thất vọng : Cuộc thử nghiệm về "chủ nghĩa cộng sản" ở Liên Xô và Đông Âu đã thất bại thảm hại. Thậm chí, nhiều khi nó còn biến thành thảm họa của loài người ! Các trí thức đó đã "phản tỉnh" ! Sự phản tỉnh của họ đóng góp một phần không nhỏ vào sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu xã hội chủ nghĩa !
Nhưng vì sao trong khi các trí thức phương Tây đã ngộ ra rằng, chủ nghĩa cộng sản chính là tai họa của nhân loại thì, các trí thức Việt Nam kiểu như bác sĩ Nguyễn Khắc Viện vẫn có niềm tin [dù là mơ hồ] nào đó vào cái chủ thuyết cộng sản ? Thật khó lý giải ! Hy vọng sau này sẽ có những nghiên cứu lý giải thấu đáo vấn đề này.
Cá nhân tôi chỉ cho rằng, sự lầm lẫn của tầng lớp trí thức Việt về cái chủ thuyết tai hại mang tên "chủ nghĩa cộng sản" [mà diễn giải theo cách nào nó cũng là: đem tất cả tài sản tư nhân, cộng gộp với nhau làm của chung - cộng sản] ! Sự lầm lẫn của họ đã nguy hại, nhưng sự u mê không nhận ra lẽ phải, chân lý của cuộc sống, không biết tự "phản tỉnh" như các trí thức phương Tây còn tai hại cho dân tộc gấp nhiều lần !
Bởi thế, tôi cho rằng sự lầm lẫn đến tận cuối đời của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện về nhân vật Tố Hữu, là một trường hợp rất tiêu biểu cho nhận thức và tâm thế của trí thức Việt Nam !
TRẦN THANH CẢNH 08.06.2025
No comments:
Post a Comment