Thịt heo CP: Từ tâm thư đến cuộc kiểm tra… đã được báo trước?Nông Thôn Việt
Lê Huyền Ái Mỹ
2-6-2025
Tiengdan
Giữa ‘trận đồ’ hàng giả như hiện nay, thêm một nhãn thực phẩm bị nghi ngờ… giả – sạch lại càng khiến cộng đồng người tiêu dùng hoang mang, lo sợ.
Chừng 6 – 7 năm trước, trong một lần trò chuyện với lãnh đạo của một trong những công ty hàng đầu về sản xuất kinh doanh thịt gia súc tươi sống, đông lạnh và các mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt, vị này cho biết, phu nhân của một lãnh đạo thành phố giới thiệu một đơn vị cung cấp khoảng 200 con heo vào hệ thống công ty. Để đảm bảo chất lượng, phía công ty đề nghị được đi khảo sát chuồng trại, quy trình chăn nuôi…
Nhưng hóa ra, đơn vị chẳng có cơ sở nào mà chỉ đi thu gom heo ở các nguồn vãng lai, quen biết. Mà như thế thì không thể kiểm soát được quy trình, chất lượng sản phẩm. Dù “phu nhân lãnh đạo” sau đó tiếp tục nhắc nhẹ thì lãnh đạo công ty vẫn dứt khoát không tiếp nhận nguồn heo không rõ nguồn gốc.
Thực tế, không phải ai cũng dám chọn động lực vì sức khỏe người tiêu dùng ngay trên áp lực của người nhà lãnh đạo trong trường hợp nói trên.
Và một phần câu chuyện đang xảy ra tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đã cho thấy sự lựa chọn của công ty này.
Thực chất hình ảnh heo bệnh trong “tâm thư” tố giác kia là có thật, được chụp vào khoảng 2 giờ 30 ngày 26/3/2022 tại cơ sở Dững Nga (xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang). Chủ cơ sở này thông tin với đoàn kiểm tra vào ngày 2/6 rằng heo được nhập về cơ sở trong tình trạng khỏe mạnh, có giấy kiểm dịch đầy đủ. Tuy nhiên, do thời gian kéo dài nên có một con có biểu hiện bất thường như bị lên da. Do vậy, nhân viên Công ty C.P Việt Nam đã chụp ảnh lại để báo cáo lên lãnh đạo công ty nhằm có phương án tiêu hủy số heo đó.
Thế nhưng, ngay khi phản hồi thông tin về “tâm thư” tố giác, đại diện công ty đã phủ nhận toàn bộ.
Tại sao phía CP Việt Nam không chậm lại một chút để kiểm tra toàn hệ thống, kể cả việc nếu đã có chỉ đạo tiêu hủy nhưng thực tế, việc thực hiện có triệt để hay không?
Tại sao không chậm một chút để cho rà soát lại cả mớ giấy tờ đã hết hạn như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của địa điểm kinh doanh nói trên đã hết hiệu lực. Hay tại thời điểm đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với cửa hàng C.P. Freshop ở Sóc Trăng, cơ sở này chưa xuất trình được bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và nhân viên bán hàng…
Và không chậm một chút để lý giải cho cộng đồng việc vì sao con heo bệnh kia không phải đem đi tiêu hủy theo quy trình sinh học (chôn lấp có rắc vôi, đốt ở nhiệt độ cao hoặc xử lý theo hướng dẫn của cơ quan thú y) mà lại “nung nấu và chuyển mục đích sử dụng cho cá ăn”!
Ở đây, theo tiết lộ của ông Hà Hữu Tâm – quản lý lò mổ của Công ty C.P. Việt Nam tại Hậu Giang – thì đã có phối hợp với cơ sở giết mổ và ngành thú y để đưa ra hướng xử lý “nấu heo bệnh cho cá ăn”. Vậy, ngành thú y tỉnh cũng nên trả lời cho cộng đồng được biết lý do tại sao lại chọn cách cho doanh nghiệp tái sử dụng nguồn heo bệnh nói trên? Liệu một khi chế biến thành thức ăn cho cá, thì sẽ có một “vòng tuần hoàn” diễn ra, cá lại quay trở lại cửa hàng, bàn ăn của người tiêu dùng hay không?
Giữa “trận đồ” hàng giả như hiện nay, từ sữa, thực phẩm chức năng đến thuốc, thiết bị y tế đều phơi bày sự gian dối của doanh nghiệp, cái đồng lõa, bắt tay để cho qua, cấp phép của một bộ phận cán bộ chức năng thì thêm một nhãn thực phẩm bị nghi ngờ… giả sạch lại càng khiến cộng đồng người tiêu dùng hoang mang, lo sợ.
Nói thêm: Sáng 30/5, nổ ra vụ tố giác; chiều 30/5, đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, cửa hàng CP Freshop hẳn nhiên là không có sản phẩm nào… bẩn. Sực nhớ lời bà nghị Phạm Khánh Phong Lan phát biểu hôm vụ lòng se điếu, chỉ mới thông tin sẽ cho kiểm tra, báo chí đăng, đến đâu quán nào cũng thông báo hết lòng rồi. Kiểm tra, thanh tra mà cứ lên kế hoạch trước, thông báo cùng khắp thì 1 con heo bệnh chứ đến cả đàn heo nổi mẩn cũng kịp… xuất chuồng trong tức khắc!
No comments:
Post a Comment