Thi 9 lên 10: Phân luồng hay loại bỏ?Thái Hạo
4-6-2025
Tiengdan
1. Nhãn “phân luồng” nhưng mang tính phân loại để “loại bỏ”?
Phân luồng học sinh là một chính sách tiến bộ, phù hợp, tuy nhiên trên thực tiễn áp dụng, nó đang bộc lộ ra những dấu hiệu phản tiến bộ đến nhức nhối.
Phân luồng là tư vấn, là định hướng từ sớm để học sinh dựa vào năng lực, sở trường, sở thích, đam mê mà CHỦ ĐỘNG chọn loại hình học tập và nghề nghiệp để theo đuổi càng sớm càng tốt. Ở Việt Nam hiện nay, do thực tế đang diễn ra mà phân luồng được phụ huynh và học sinh hiểu là “không được lên lớp 10”, thậm chí “không được thi lên lớp 10”.
Cụ thể, “phân luồng” nhưng đang mang bản chất của việc “loại bỏ”, vì sao?
– Vì các địa phương không đủ chỗ học cho toàn bộ học sinh lớp 9 vào lớp 10 công lập, đặc biệt ở thành thị. Khi không đủ ghế, việc “loại” là không tránh khỏi, bất kể năng lực học sinh ra sao.
– Vì áp lực thành tích – thi cử, học sinh bị đưa vào “cuộc đua” thi vào lớp 10 một cách khốc liệt. Ai không đỗ thì bị đẩy sang các “luồng khác” – không phải theo lựa chọn mà là “bị đẩy đi”. Điều này làm cho “phân luồng” mang tính bị động và loại trừ, thay vì tự nguyện và định hướng nghề nghiệp.
– Vì Không có hệ sinh thái hỗ trợ các luồng thay thế: Các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) và trường nghề có có cơ sở vật chất kém, nội dung học không hấp dẫn, ít cập nhật, bằng cấp không có giá trị tương đương phổ thông (về xã hội nhìn nhận, chưa nói đến pháp lý), nhiều học sinh không vào được lớp 10 thì nghỉ học luôn – nghĩa là bị loại khỏi hệ thống giáo dục.
Năm học 2023–2024, TP Thanh Hóa có hơn 5.800 học sinh lớp 9. Dẫn theo Báo Lao động: “chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập tại TP Thanh Hóa năm nay (2024 – 2025) là 2.288 học sinh. Như vậy chỉ có khoảng 42,7% số học sinh lớp 9 của TP Thanh Hóa có cơ hội theo học tại các trường THPT công. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có hơn 57% số học sinh lớp 9 còn lại không có cơ hội”.
Hơn 3.000 học sinh lớp 9 của thành phố Thanh Hóa sẽ đi đâu về đâu sau cuộc thi ngày hôm nay? Và cả nước là bao nhiêu? Các em sẽ làm gì với tuổi thiếu niên của mình khi không còn được đi học mà đi làm thì vi phạm luật lao động?
Có cơ quan nhà nước nào thống kê để biết số học sinh lớp 9 bị loại nhân danh “phân luồng” kia đã đi đâu và đang làm gì không?
2. Những tiêu cực nhức nhối
Như đã nói, do thiếu trường lớp và một chính sách phân luồng có tính giả hiệu như trên, trong nền giáo dục Việt Nam, từ lâu cuộc thi 9 lên 10 đã là một cuộc chiến khốc liệt, nhiều nơi còn cạnh tranh gay gắt hơn cả thi vào đại học.
Đáng lên án nhất là vì thành tích, nhân danh “phân luồng” mà tình trạng ngăn cản học sinh thi lên lớp 10 đã và đang diễn ra khắp nơi trong các nhà trường THCS. Năm 2022, từ những đoạn chat trong nhóm phụ huynh Hà Nội, chính tôi đã công khai việc này. Báo chí rầm rộ vào cuộc, phụ huynh khắp cả nước lên tiếng, các địa đồng loạt hô lớn “sẽ xử lý nghiêm”. Nhưng đến nay, cứ đến hẹn lại lên, vẫn tác động, vẫn ngăn cản, vẫn hăm dọa…, buộc học sinh phải dừng bước ngay từ đầu để khỏi “ảnh hưởng đến thành tích nhà trường”.
Chiêu trò của những kẻ làm giáo dục này là, đầu tiên nhân danh “phân luồng”, sau đó dựa vào ưu thế đang “nắm giữ con tin” để “tư vấn” hoặc ra điều kiện, rằng nếu đồng ý không thi lớp 10 thì sẽ cho tốt nghiệp, còn vẫn cứng đầu đòi thi thì rớt tốt nghiệp ráng chịu! Với những trường hợp ngoan ngoãn thì đưa cho cái đơn từ chối thi lớp 10 để ký vào; còn đòi thi để học tiếp thì tự hiểu rằng “Điểm tổng kết trong tay chúng ông, đừng cứng đầu”! (Cứ gõ Google để đọc báo nhà nước, bạt ngàn, tôi không muốn dẫn lại nữa).
Việc nhân danh phân luồng hướng nghiệp để ngăn cản học sinh thi vào lớp 10 là hành vi phạm pháp nghiêm trọng. Nhưng trớ trêu và đau đớn thay, chúng cứ tồn tại, và ngang nhiên tồn tại. Nó ngang ngược tước đi quyền học tập của học sinh, xâm phạm tới tinh thần và tâm lý các em, góp phần hủy hoại những đứa trẻ. Giáo dục mà thế ư?
3. Một giải pháp mang tính hệ thống
Không phải chỉ Việt Nam mới phân luồng, các nước như Nhật, Đức, Phần Lan còn phân luồng mạnh hơn. Ví dụ: ở Phần Lan, sau lớp 9 (kết thúc phổ thông cơ sở), học sinh được quyền lựa chọn: Khoảng 50–60% vào phổ thông trung học (academic track); khoảng 40–50% vào trung học nghề. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh tiếp tục học sau lớp 9 gần như 100% – tức là không ai bị bỏ rơi ngoài hệ thống giáo dục.
Thêm nữa, phải nhớ rằng, ở các quốc gia này, họ phân luồng nghĩa là hướng nghiệp từ sớm, chứ không phải “loại bỏ do không đủ chỗ”. Không ai bị “ra khỏi hệ thống” – học nghề, học GDTX, học THPT và đều có lộ trình học tiếp lên đại học. Hệ thống nghề rất hấp dẫn: có học bổng, có lương, việc làm đảm bảo. Học sinh đi học nghề không hề có cảm giác thất bại hay yếu kém, tất cả đều bình đẳng vì chất lượng và địa vị mà các loại hình giáo dục mang lại. Chứ không như ta.
Cần chấm dứt tình trạng phân luồng giả hiệu, phản giáo dục, vô trách nhiệm và đầy tiêu cực này. Bằng cách: nâng chất lượng và hình ảnh giáo dục nghề nghiệp, đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, gắn kết với doanh nghiệp, tăng học bổng và lương học nghề; Mở rộng con đường liên thông: Cho phép học sinh học nghề có thể học tiếp cao đẳng – đại học dễ dàng; Tăng vai trò tư vấn hướng nghiệp thực chất: bắt đầu từ lớp 7–8, có chuyên gia độc lập đánh giá năng lực học sinh; Không để ai bị bỏ lại phía sau: cam kết mọi học sinh sau lớp 9 đều được tiếp tục học ở một hình thức phù hợp – đây là tinh thần của các nền giáo dục tiên tiến.
Kết luận
Ở lứa tuổi 14 – 15 mà không được tiếp tục đi học, thì các em biết làm gì? Nằm nhà ôm điện thoại chơi game, đi bụi đời hay tụ tập phá làng phá xóm, lêu lổng rồi phạm pháp? Không thể tích lũy cho xã hội mỗi năm hàng vạn thiếu niên ăn bám, vô công rỗi nghề hoặc tiềm năng phạm pháp, hoặc thất nghiệp, mà mong đất nước có thể phát triển được.
Giáo dục, trước tiên và quan trọng nhất là vì trách nhiệm với con người, sau và cùng với đó là vì quốc gia. Giáo dục phải có nghĩa vụ mang đến cho cả người học và đất nước một tương lai. Cách thức “phân luồng” đẩy một tỉ lệ khoảng 1/3 số học sinh lớp 9 ra rìa, chắc chắn không thể coi là bình thường, càng không thể cứ tiếp tục bình chân như vại. Trách nhiệm này thuộc về nhà nước, không thể trì hoãn nữa, vì hậu họa khôn lường.
_____
Bài tôi viết năm 2022 trên Viettimes về việc ngăn học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Giáo dục Hà Nội: Có chăng việc chặn đường thi vào lớp 10 của học sinh nhằm tạo ra thành tích ảo?
* Tôi sẽ trở lại vấn đề này bằng các bài viết sau về các thủ đoạn và chiêu trò trong việc ngăn cản học sinh thi vào lớp 10.
No comments:
Post a Comment